Nhân lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa:
Đề tài về phong trào Tây Sơn trên sân khấu truyền thống Bình Định
16:53', 14/1/ 2004 (GMT+7)

Một cảnh trong vở Anh hùng với giai nhân của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định.

Nhằm phát huy những cống hiến lớn lao của phong trào Tây Sơn, ngoài công tác bảo tồn bảo tàng, nghiên cứu lịch sử, giáo dục truyền thống… những chiến tích lẫy lừng cùng công đức của Quang Trung - Nguyễn Huệ; những tên tuổi sống mãi như công chúa Ngọc Hân, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu… cũng đã được sân khấu hóa bằng những vở diễn của nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu Việt Nam - đặc biệt là sân khấu truyền thống Bình Định.

Có lẽ vở diễn đề tài lịch sử về phong trào Tây Sơn được dàn dựng quy mô, bài bản, lần đầu tiên trên sân khấu tuồng là vở "Tây Sơn đánh Nguyễn" của tác giả Tống Phước Phổ, đạo diễn Hoàng Chương, đoàn tuồng Liên khu V dàn dựng và biểu diễn tại Hà Nội vào khoảng đầu những năm 1960, NSND Võ Sĩ Thừa đóng vai Nguyễn Huệ. Sau ngày thống nhất đất nước, đoàn tuồng Liên Khu V trở về lại trên quê hương Bình Định, ngày nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn, thì các vở tuồng lịch sử  đề tài Tây Sơn được dàn dựng thường xuyên hơn.

Xuất phát từ lòng tôn kính cùng với niềm tự hào là quê hương của phong trào Tây Sơn, tỉnh Bình Định luôn quan tâm và có chủ trương: "Với tầm vóc lịch sử lớn lao của người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn, chúng ta cần phải sáng tác, dàn dựng và biểu diễn những vở tuồng về đề tài Tây Sơn cho đến khi nào thấy thỏa đáng với phương châm: vở sau hay hơn vở trước". Từ đó nhiều vở diễn về đề tài Tây Sơn lần lượt được dàn dựng và biểu diễn phục vụ quần chúng khán giả trong tỉnh và cả nước: Tây Sơn tụ nghĩa (tác giả Tống Phước Phổ, đạo diễn Trần Hưng Quang); Thủy chiến Rạch Gầm (Tống Phước Phổ); Quang Trung (Mịch Quang); Quang Trung đại phá quân Thanh (tác giả Trúc Đường, đạo diễn Hoàng Chương); Đô đốc Bùi Thị Xuân (tác giả Kim Hùng, đạo diễn Sĩ Thừa); Chân dung Nguyễn Huệ (tác giả và đạo diễn Hoàng Châu Ký); Tâm sự Ngọc Hân (tác giả Tống Phước Phổ, đạo diễn Sĩ Thừa); Mặt trời đêm thế kỷ (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Hoàng Ngọc Đình - Sĩ Thừa); Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc, Trời Nam (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Ngọc Đình).

Trong các vở diễn đề tài lịch sử về phong trào Tây Sơn của Nhà hát tuồng Đào Tấn, có 4 vở gặt hái được nhiều thành công nhất: Quang Trung đại phá quân Thanh; Mặt trời đêm thế kỷ; Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc; Trời Nam.

Vở Quang Trung đại phá quân Thanh (1980) khá hoành tráng, với sự tham gia diễn xuất của trên 50 diễn viên, và là vở diễn tập trung nhiều nghệ sĩ tài năng nhất của Bình Định bấy giờ, gồm các NSND Võ Sĩ Thừa, Đình Bôi; các NSƯT Trần Hưng Quang, Đỗ Ngọc Liên, Đình Thôn, Hoàng Chinh, Tư Cá, Hòa Bình, Phương Thảo… Vở tuồng này được tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (HDSKCNTQ) năm 1980 tại Hà Nội - là hội diễn đầu tiên sau ngày giải phóng - và đã được tặng bằng khen.

Vở Mặt trời đêm thế kỷ (1986) có thể nói là vở diễn đề tài lịch sử hoành tráng và thành công nhất của Nhà hát tuồng Đào Tấn, được biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.

Vở Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc là một bi hùng kịch, thể hiện khí tiết sáng ngời và phẩm chất anh hùng của người nữ Đô đốc phong trào Tây Sơn ở vào giai đoạn suy tàn của triều đại này.Vở diễn và nhiều nghệ sĩ tham gia diễn xuất đã được tặng HCV tại HDSKCNTQ năm 1995.

Vở Trời Nam nói về thời điểm Quang Trung sau khi đánh tan thù trong, giặc ngoài, vỗ yên bờ cõi, mở mang bang giao, xây dựng đất nước… đoạt HCV tại HDSKCNTQ năm 1999.

Với tấm lòng ngưỡng mộ, tôn kính phong trào Tây Sơn và người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhiều nhà văn hóa, đạo diễn, tác giả… nổi tiếng trong nước đã dành nhiều tâm huyết cho đề tài này trên sân khấu, như: GS-TS Đình Quang, các nhà nghiên cứu sân khấu: GS Hoàng Châu Ký, Mịch Quang, đạo diễn Hoàng Chương, các NSND Nguyễn Hồng, Đặng Hùng,cố tác giả Tống Phước Phổ, Trúc Đường… Những vai diễn trong các vở tuồng Tây Sơn cũng đã góp phần làm nên tên tuổi cho nhiều nghệ sĩ: NSND Võ Sĩ Thừa (đóng vai Quang Trung); NSƯT Hòa Bình (vai công chúa Ngọc Hân); NSƯT Phương Thảo (Bùi Thị Xuân)…

Với Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định, vở Anh hùng với giai nhân (tác giả Văn Trọng Hùng- Sĩ Chức, đạo diễn: Cao Nguyên- Hoài Huệ) đã góp phần quí báu vào kịch mục phong trào Tây Sơn của sân khấu truyền thống Bình Định. Vở diễn này được Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng giải nhì dành cho vở diễn hay năm 1999.

Tết Giáp Thân này, trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp của Lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, khán giả tỉnh nhà lại được xem các vở diễn về phong trào Tây Sơn do các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định biểu diễn ngay trên đất Tây Sơn - quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ, và là đất phát tích của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn.

BÙI LỢI

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mùa xuân trên dọc đường hương đồng cỏ nội  (13/01/2004)
Chuyện nhà thơ Tản Đà tiêu tết  (12/01/2004)
Chuyện nhà thơ Tản Đà tiêu tết  (12/01/2004)
Tục khai bút tân xuân  (12/01/2004)
10 sự kiện văn học - nghệ thuật trong tỉnh nổi bật năm 2003  (12/01/2004)
Hội làng  (12/01/2004)
Cơm rạ  (12/01/2004)
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu   (12/01/2004)
Từ Krông Bung…   (07/01/2004)
Thơ Bình Định thế kỷ XX  (06/01/2004)
Văn Cao với ca khúc "Mùa xuân đầu tiên"   (05/01/2004)
Trong mắt anh nỗi buồn có lửa (*)   (04/01/2004)
Bữa cơm ngày cuối năm   (02/01/2004)
Lửa Tây Sơn, thiên anh hùng ca bi tráng   (01/01/2004)
"Nhớ quê ai nhớ trật bao giờ!"   (31/12/2003)