Bài thơ "Với Đảng, mùa xuân" của nhà thơ Tố Hữu
16:40', 15/1/ 2004 (GMT+7)

Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, thơ Tố Hữu là một thành tựu xuất sắc, là "ngọn cờ đầu của nền thơ ca cách mạng". Thơ Tố Hữu phong phú và có ý nghĩa về nhiều mặt. Nhưng có lẽ nét nổi bật và bao trùm nhất của thơ Tố Hữu là sự gắn bó hết sức máu thịt với cách mạng Việt Nam, với tâm hồn Việt Nam. Chính sự gắn bó này là nguồn gốc sức mạnh của thơ Tố Hữu, làm nảy nở và phát triển không ngừng tài năng, bản lĩnh và phong cách độc đáo của thơ Tố Hữu.

Ngay từ tuổi thanh xuân, với những sáng tác buổi vào đời của mình, nhà thơ Tố Hữu đã gắn bó sâu sắc với lý tưởng cách mạng, hòa đồng với khát vọng của nhân dân về độc lập, tự do, cơm no, áo ấm. Nhà thơ tình nguyện và cảm thấy hạnh phúc dạt dào khi hiến dâng cả tuổi trẻ tươi đẹp của mình cho cách mạng, cho thơ. Lẽ sống đúng đắn đó của đời mình đã được Tố Hữu xác định ngay từ những ngày đầu đi theo cách mạng, theo Đảng.

Người ta thường nói, Tố Hữu là nhà thơ trữ tình - chính trị. Nói như nhà thơ Chế lan Viên: "Thơ chính trị chỉ trở thành thơ khi từ chính trị nó lên tầm lịch sử. Thường thì Tố Hữu đưa lên được và rất tài tình". Chất chính trị luôn quán xuyến trong giọng điệu trữ tình ở thơ ông. Nhà thơ, trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, đã có nhiều vần thơ, bài thơ hay dành cho cách mạng, cho Tổ quốc, nhân dân mình, cho Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Viết về Đảng, nhà thơ đi từ giọng điệu trữ tình để khái quát lên công ơn to lớn của Đảng đối với dân tộc, nhân dân ta. Mỗi vần thơ về Đảng của Tố Hữu cũng chính là nỗi lòng của hàng triệu triệu người Việt Nam hôm qua và hôm nay.

Bài thơ "Với Đảng, mùa xuân" của Tố Hữu là một minh chứng.

Nhà thơ viết bài thơ này vào tháng 1-1977, khi đất nước đã thống nhất, non sông thu về một mối gần 2 năm, khi mà, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV- đại hội Đảng đầu tiên sau ngày nước nhà thống nhất - vừa mới diễn ra (1976), đã định ra những quốc sách lớn cho một kỷ nguyên mới của dân tộc, quyết tâm xây dựng đất nước "ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Bác Hồ hằng mong muốn.

Trong niềm vui chung của dân tộc, đất nước đó, nhà thơ Tố Hữu đã mở đầu bài thơ của mình bằng những tiếng reo vui, những vần thơ ngợi ca bay bổng:

Thơ ơi thơ sẽ hát ca gì

Tôi muốn dắt thơ đi

Tôi muốn cùng thơ bay

Mùa xuân nay

Đến tận cùng đất nước.

Ở Tố Hữu, cái đẹp của cuộc đời đã hòa làm một với trái tim yêu thương, và lời ca ngợi cuộc đời này đã biến thành lời ca hát. Chính nhà thơ từng nói: "Chúng ta đang vươn lên một cuộc đời sung sướng… Cái đẹp không cần tô vẽ thêm, cuộc đời ấy là trái tim của mình, ta phải ca hát cuộc đời của chúng ta".

Câu thơ cất lên tiếng hát để diễn tả niềm hân hoan tột cùng của nhà thơ khi đất nước đã vào xuân. Xuân của đất trời, xuân của lòng người đã hòa chung trong mùa xuân của đất nước "đẹp từ mái tóc xanh đầu nguồn Pắc Bó, đẹp đến gót chân hồng đất mũi Cà Mau", một "mùa xuân bốn nghìn năm mơ ước".

Cũng trong niềm hân hoan đó, nhà thơ nhớ lại những tháng năm đau khổ, ê chề khi nước nhà còn chìm trong nô lệ. Sống ở một đất nước đã có dư bốn nghìn năm lịch sử mà tác giả "nào được biết, có Trường Sơn cao, có biển Đông sâu", nào biết "Tổ quốc tôi rất đẹp, rất giàu". Bởi vì nước mất, nhà tan, hơn nửa đời mình, tác giả cũng chìm trong "Tuổi thơ úa trong mưa dầm da diết. Cát truông dài nắng bỏng lưng trâu".

Nhà thơ Tố Hữu đã kết thúc đoạn thơ đầu với lòng biết ơn Đảng đã đem lại cho dân tộc chủ quyền, nước nhà tự do, thân phận mỗi con người thay đổi: biết làm chủ lấy số phận mình, biết làm người:

Đảng dạy tôi biết ngẩng đầu, đứng dậy

Vững hai chân, đứng thẳng, làm người

Tôi đi tới, với bạn đời, từ ấy

Đến hôm nay, mới thấy trọn vùng trời

Nhà thơ không quên nhắc lại thuở gặp chân lý Đảng "từ ấy trong tim bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim". Ánh sáng của Đảng soi lối, chỉ đường đưa cả dân tộc này thoát khỏi bóng đêm, đem lại cho mỗi số phận người "thấy trọn vùng trời" cao rộng, tự do…

Ở đoạn thơ thứ hai, nhà thơ phân tích, lý giải cội nguồn sức mạnh nào mà con người, dân tộc Việt Nam làm nên những kỳ tích có một không hai đó. Tác giả lý giải: con đường cách mạng Việt Nam phải trải qua nhiều "máu và hoa" mới đến bến bờ hạnh phúc:

Đâu phải đường xanh. Đường qua máu chảy

Năm mươi năm, máu đỏ thành hoa

Cuộc sinh nở nào đau đớn vậy?

Rất tự hào mà xót tận da

Cuộc hồi sinh dân tộc phải trải qua bao hi sinh, mất mát… Có được như hôm nay là nhờ có Đảng soi đường, chỉ lối, có Bác Hồ "vẫn đời đời hiển hiện; Người vẫn hằng dìu dắt chúng con đây". Chính Đảng và Bác Hồ đã làm trỗi dậy những gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn Việt Nam, những sức mạnh thần kỳ nhất trong con người Việt Nam, để Việt Nam làm nên kỳ tích hôm nay.

Một lần vào năm 1967, trong một câu chuyện về văn học, nhà thơ Tố Hữu đã nói về tính chất dân tộc sâu sắc của văn học nghệ thuật, và đã đặt câu hỏi cho cử tọa và cũng là để tự hỏi mình: "Nhưng dân tộc Việt Nam là thế nào?". Có lẽ câu hỏi đó, luôn trăn trở trong hồn thơ Tố Hữu:

Việt Nam!

Người là ta, mà ta chưa bao giờ hiểu hết

Người là ai? Mà sức mạnh thần kỳ

Giữa cái chết, không phút nào chịu chết

Lửa quanh mình một tấc cũng không đi!

 

Sống cho ta, sống cả cho người

Là trái tim, cũng là lẽ phải

Việt Nam ơi!

Người là ai? Mà trở thành nhân loại

À phải rồi! Đó là trái tim luôn biết yêu thương, là lẽ phải chân lý cuộc đời mà ta luôn quý trọng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, con người Việt Nam đã làm nên những chuyện thần kỳ, trở thành trái tim và lương tâm của thời đại.

Tố Hữu có nhiều bài thơ viết về Đảng, về Tổ quốc, về Bác Hồ nhưng mỗi bài là một tứ mới không lặp lại chính mình.

Cảm ơn Đảng của chúng ta, Đảng làm ra ánh sáng

Người chưa đưa ta lên được sao Kim

Nhưng đã cho ta một linh hồn và một trái tim

Biết lẽ phải, biết yêu thương, căm giận

Biết đi tới và làm nên thắng trận

(Bài ca xuân 68)

Đoạn thơ thứ ba lại tiếp nối mạch reo vui và mời gọi. Có Đảng soi đường, chỉ lối cho ta rồi, nào "trai tài gái giỏi; lại đây; khai phá, dựng xây". Một không khí lao động, dựng xây hồ hởi trên cả nước, như thấy "cả trời đất vào xuân, cùng ta đồng khởi" để "đất nước này vạn đại tươi xanh". Đoạn thơ kết thúc trong một không khí xuân tràn ấm bao trùm lên con người và cảnh vật. Với "mùa xuân hùng tráng" trong tiếng còi tàu Thống Nhất reo vang, với "mạ xanh non", với "lúa chín vàng", với tự do, no ấm "đời rạng rỡ, mỗi con người tự sáng". Tố Hữu thấy rõ:

Xứ sở mình có đủ nắng quanh năm

Cuộc sống ấm ân tình của Đảng

Với nhan đề bài thơ là "Với Đảng, mùa xuân", tác giả đã có lý khi đồng nhất hình tượng Đảng với hình tượng Mùa Xuân, và hình như Tố Hữu qua đó nhắc nhủ ta rằng: chỉ có Đảng soi đường, chỉ lối mới đem lại mùa xuân cho đất nước, dân tộc, cho mỗi con người chúng ta ngày nay. "Công ơn Đảng thật là to", khổ thơ kết thúc như nhắc lại mối ân tình này:

Lịch sử sang trang

Đại hội Đảng mở mùa vui. Phơi phới

Từ chiến trường ra, ta xốc tới công trường

Người chiến thắng là người xây dựng mới

Anh em ơi,

Tất cả lên đường!

Tố Hữu như nói hộ chúng ta về mối ân tình với Đảng của mỗi người Việt Nam. Bởi vì, như có lần Tố Hữu đã phát biểu: "Thơ không chỉ là văn chương, mà chính là gan ruột".

TRẦN XUÂN TOÀN

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đề tài về phong trào Tây Sơn trên sân khấu truyền thống Bình Định  (14/01/2004)
Mùa xuân trên dọc đường hương đồng cỏ nội  (13/01/2004)
Chuyện nhà thơ Tản Đà tiêu tết  (12/01/2004)
Chuyện nhà thơ Tản Đà tiêu tết  (12/01/2004)
Tục khai bút tân xuân  (12/01/2004)
10 sự kiện văn học - nghệ thuật trong tỉnh nổi bật năm 2003  (12/01/2004)
Hội làng  (12/01/2004)
Cơm rạ  (12/01/2004)
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu   (12/01/2004)
Từ Krông Bung…   (07/01/2004)
Thơ Bình Định thế kỷ XX  (06/01/2004)
Văn Cao với ca khúc "Mùa xuân đầu tiên"   (05/01/2004)
Trong mắt anh nỗi buồn có lửa (*)   (04/01/2004)
Bữa cơm ngày cuối năm   (02/01/2004)
Lửa Tây Sơn, thiên anh hùng ca bi tráng   (01/01/2004)