Cà phê đắng
17:30', 16/1/ 2004 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Phan Thị Tần

Quán cà phê nằm dưới những bóng cây xà cừ. Cây như che hết quán nhỏ bé và cả cô chủ nhỏ bé nếu người đi ngang không phải là khách quen,  hay bởi đôi mắt liếc nhìn cô củ quán xinh xinh. Tùng là khách quen ở đó. Khi Tùng ngỏ lời với Tưởng trong buổi sáng quán cà phê vắng khách, Tưởng buồn cười với giọng nói giống như ngậm đá trong miệng của Tùng:

- Em đi xem ca nhạc với anh tối nay nhá. Anh có hai vé hạng giấy mời.

Tưởng nghịch ngợm:

- Hôm nay còn tới mười ly cà phê, bán không hết chán muốn chết đây nè. Có giỏi thì uống hết mười ly rồi tối người ta đi.

Trầm ngâm một lát, Tùng nói:

- Anh buồn lắm, buồn đến nỗi có thể uống luôn 100 ly cà phê do chính tay em pha.

Tưởng liến thoắng:

- Anh thất tình có phải không? Để em giới thiệu cho anh con nhỏ Ngọc. Con này mình dây, tóc nhuộm, ăn nói dễ thương lắm. Có nó, anh muốn rủ đi xem ca nhạc hay xem phim bất cứ lúc nào cũng được

Tùng chỉ uống cà phê đen, chỉ bỏ vào trong đó một tí đường gọi là cho át đi vị đắng. Uống như thế theo Tùng mới đúng là thưởng thức, còn uống cà phê sữa thì chẳng khác nào… uống sữa. Cái khác của Tùng so với những ông khách khác ở quán cà phê của Tưởng là dường như ngày nào anh cũng "ngồi đồng". Nghe nói anh là kỹ sư xây dựng. Dân xây dựng thì có khi rất rảnh rang. Hôm đó Tùng không uống hết 10 ly cà phê, nhưng anh đã móc túi trả đủ tiền 10 ly cà phê để được rủ cô hàng cà phê đi xem ca nhạc.Và cũng từ đêm ca nhạc đó đã mở ra một cuộc tình.

Buồn, lại sống xa quê, tối ngày Tưởng cứ sống trong căn phòng chật chội với hai cô bạn là Hằng và Ngọc cũng tha phương như mình. Mỗi đứa làm một nghề khác nhau. Hằng làm tiếp thị cho một hãng bia, có khi nó về nhà là say khướt, vì muốn bán được bia đôi khi cũng phải chìu lòng mấy ông khách lắm tiền lại háo sắc. Ngọc thì đi may gia công cho một xưởng may nào đó, làm theo ca. Tưởng muốn cuộc sống của mình phải khác. Để rồi khi Tưởng rảnh, Tưởng thường ra quán cà phê lề đường của chị Tuệ quan sát. Có mấy ngày ngồi ở quán chị Tuệ, Tưởng chợt khám phá ra rằng nghề bán cà phê lề đường thu nhập cũng khá, lại có thừa nhiều thời gian… và điều quan trọng là có cơ hội tiếp xúc. Thế là  Tưởng quyết định ra vỉa hè bán cà phê cóc.

Có lẽ trong thành phố có khá nhiều cô gái thất nghiệp cho nên gần như bất cứ góc phố nào cũng có những quán cà phê như Tưởng. Vả lại nghề bán cà phê vốn ít. Chủ bỏ mối cà phê thường đem bàn ghế tới cho mượn, cà phê thì bỏ hôm nay lấy tiền ngày hôm qua. Vốn liếng chủ yếu là vài chục chiếc ly, bình nước, bếp ga mini… Tưởng pha cà phê không ngon,  nhưng quy luật quán xá ở hè phố lại khác với quy luật ở những quán cà phê nhạc - đó là cô bán hàng nào có nhan sắc có nghĩa là cô đó "hút" khách tới quán mình nhiều hơn. Là con gái nhà quê, tối ngày lam lũ trên đồng ruộng, Tưởng không có làn da trắng như con gái thành phố. Nhưng chính nước da ngăm đen của Tưởng khiến cho Tưởng có duyên, khối anh chàng tới quán của Tưởng uống cà phê để được nói chuyện với Tưởng. Trong số đó có Tùng. Tùng bền bỉ tới quán Tường mỗi ngày cho đến khi anh xô đổ được trái tim cô.

 Tùng đã có vợ, điều đó Tùng chẳng dấu gì Tưởng. Nhưng ở chốn lạ quê người, thiếu thốn trăm bề, có một người chăm sóc, che chở cho mình, chẳng bao lâu Tưởng đã trở thành người tình của Tùng sau vụ thách thức uống một lúc 10 ly cà phê đắng kia. Vả lại, dẫu trên danh nghĩa là Tùng đã có vợ, nhưng vợ anh xa lắc xa lơ đâu ở tỉnh nào ngoài Bắc, làm sao bà biết được chuyện gì xảy ra. Những ly cà phê đắng chỉ thêm một ít đường của Tùng đã chinh phục được trái tim cô gái xa quê.

Tưởng không bán cà phê lề đường nữa. Tùng nói: "Ngày xưa nhờ quán cà phê nên anh mới gặp em. Bây giờ em đã là vợ anh thì anh có bổn phận kiếm việc cho em làm." Nhờ quen biết, Tùng đã xin được cho Tưởng một chỗ làm ổn định trong một xưởng may. Anh thuê một căn phòng nhỏ, trang bị đầy đủ tiện nghi cho Tưởng. Rồi anh về sống chung với Tưởng. Cuộc sống của họ không gây chú ý cho những người hàng xóm, vì ai cũng tưởng đó là hai vợ chồng mới cưới. Tưởng đâu còn mơ ước gì hơn ngoài việc xúi giục Tùng mau chóng tìm cách ly dị với  người vợ đang sống ở quê để chính thức về ở với cô luôn. Cho đến khi bụng của Tưởng bắt đầu lúp xúp. Khi đó Tưởng càng làm mình làm mẩy với Tùng hơn. Bởi Tưởng biết rằng dầu đã ăn ở với vợ cả 7 năm, nhưng vợ anh vẫn chưa sinh cho anh được đứa con nào, trong khi anh mơ ước được đứa con trai nối dõi. Khi siêu âm biết là con trai, Tưởng càng làm áp lực với Tùng hơn.

- Em không thích con của em lớn lên nó phải sống không có cha. Em cũng chẳng sợ hàng xóm ở ngoài quê cười gia đình em vì có cô con gái không có chồng mà lại có con. Anh phải về quê với em một chuyến.

Tùng cười:

- Ừ, về quê thì về. Nhưng phải đợi anh lo xong một số công việc.

Nhưng chuyến về quê ra mắt chưa kịp thực hiện thì Tùng báo tin cho Tưởng biết là vợ anh đã chuyển về thành phố công tác cùng anh. Nếu gặp những cô con gái khác thì đã lo sợ bị đánh ghen, ngược lại Tưởng có vẻ thích thú:

- Như thế thì em với chị nhà anh phải ba mặt một lời. Em nhất định phải dành anh về với em.

Tùng can ngăn:

- Thì để anh tính. Ai đời có người chồng về nói với vợ mình là mình đã có con với cô gái khác bao giờ? May mà vợ anh hiền lành, nhưng cũng thư thư cho anh thời gian.

Rồi Ngân, vợ Tùng từ quê quyết định lên thành phố sống chung với chồng thật. Ngân vốn tính tình chân quê, hiền lành nên hoàn toàn không biết rằng chồng mình đang dan díu với Tưởng. Khi đó thì nhờ nghề may đã khá, Tùng thuê mặt bằng cho Tưởng mở một tiệm may nhỏ, chờ ngày sinh nở. Do sự hối thúc của Tưởng, một hôm Tùng đã dắt Ngân đến tiệm may của Tưởng gọi là để may đồ. Ngân hoàn toàn vô tâm không biết. Hôm sau khi Tùng đến nhà Tưởng, cô đã khóc bù lu bù loa:

- Em biết anh hết thương em rồi mà. Trước sau gì em cũng phải đối mặt với bà Ngân nhà anh một trận. Ai đời già như thế, không sinh nở được mà chẳng chịu buông tha chồng em.

Tùng không biết rằng Tưởng đã có một âm mưu.

Trận đánh ghen ngược đã làm náo động cả khu phố. Khi Tùng được tin, vội phóng xe về nhà thì cả một bãi chiến trường đang bày ra với bao nhiêu đồ đạc bị xô đổ. Theo lời kể của hàng xóm thì hôm đó Tưởng đã đi xe thồ tới nhà trong khi Ngân đang xách giỏ chuẩn bị đi chợ. Chị Hải sát vách nhà anh tình cờ nghe được câu chuyện cho biết lúc đầu Tưởng yêu cầu Ngân phải bỏ chồng vì Tưởng đã có thai. Ngân khuyên nhủ như thế nào không biết mà Tưởng vật mình vật mẩy, bù lu bù loa kêu cứu. Rồi hai người đàn bà lạ mặt xông vào đánh Ngân tới tấp. Khi hàng xóm tới can gián thì hai người đàn bà và Tưởng đã lên xe đi mất.

Cả hai ngày né mặt chồng, sau đó Ngân để lại cho Tưởng lá đơn ly dị để dằn trên bàn làm việc rồi khăn gói về quê. Lá đơn như vô tâm cứ chao đảo trước gió.

Tùng cầm lá đơn xé nát thành từng mảnh vụn. Anh ra ga, mua vé tàu đi cho kịp chuyến sớm nhất. Anh đi tìm Ngân, nhưng e rằng đã muộn. Bởi Tưởng đã mang giọt máu của anh. Còn Ngân, người vợ hiền thục bấy lâu nay tin tưởng chồng tuyệt đối chắc đang ngồi trên một toa tàu nào đó với gương mặt đầm đìa nước mắt vì thất vọng. Ngân chẳng nghe tiếng còi tàu thúc giục người lên tàu cho kịp cuộc hành trình.

Những ly cà phê đắng tưởng làm cho người ta tỉnh táo hơn, nhưng nó đã khởi đầu cho một chuyện tình dường như không có chút gì lãng mạn. Ngoại trừ ở nơi ngày xưa có Tùng ngồi đợi Tưởng hết việc, thì hôm nay, có một cô gái khác đến đó, bàn ghế lại bày ra, một quán cà phê thay thế quán cà phê cũ. Những chiếc lá xà cừ bắt đầu lên xanh mướt sau một mùa vàng lá. Một người khách cũng đang ngồi, thầm thì với cô chủ quán:

- Tối nay anh rủ em đi xem ca nhạc. Em nhé?

Tiếng cô bán cà phê:

- Anh uống hết cà phê ngày hôm nay em bán đi rồi em đi với anh.

Không biết anh khách quen có uống một lần 10 ly cà phê để mời dược cô gái đi xem ca nhạc với mình?

P.T.T

(Nha Trang)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bài thơ "Với Đảng, mùa xuân" của nhà thơ Tố Hữu   (15/01/2004)
Đề tài về phong trào Tây Sơn trên sân khấu truyền thống Bình Định  (14/01/2004)
Mùa xuân trên dọc đường hương đồng cỏ nội  (13/01/2004)
Chuyện nhà thơ Tản Đà tiêu tết  (12/01/2004)
Chuyện nhà thơ Tản Đà tiêu tết  (12/01/2004)
Tục khai bút tân xuân  (12/01/2004)
10 sự kiện văn học - nghệ thuật trong tỉnh nổi bật năm 2003  (12/01/2004)
Hội làng  (12/01/2004)
Cơm rạ  (12/01/2004)
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu   (12/01/2004)
Từ Krông Bung…   (07/01/2004)
Thơ Bình Định thế kỷ XX  (06/01/2004)
Văn Cao với ca khúc "Mùa xuân đầu tiên"   (05/01/2004)
Trong mắt anh nỗi buồn có lửa (*)   (04/01/2004)
Bữa cơm ngày cuối năm   (02/01/2004)