. Truyện ngắn của Trần Thị Huyền Trang
Nguyễn Nhạc cưới nữ tù trưởng Banar làm vợ kế, bắt đầu xây dựng căn cứ khởi nghĩa ở Tây Sơn thượng.
Các bộ lạc lân cận đều đồng lòng đi theo Nguyễn Nhạc. Chỉ có bộ lạc Sêđăng trong rừng sâu là tỏ thái độ bất phục. Giả sử vùng này có một trăm ngọn núi, thì chín mươi chín ngọn triều quy về một hướng, chỉ có một ngọn day lưng lại. Nguyễn Nhạc cử những người giỏi ăn nói, nhờ các tù trưởng người Banar, người Jarai mang theo nhiều muối, nhiều vải vóc, vật quý đến tận buôn làng Sêđăng phân bày hơn thiệt, nhưng tù trưởng Sê đăng không hề lay chuyển. Ông không nhận bất cứ một thứ gì Nguyễn Nhạc gửi tới. Để tỏ ý tuyệt giao, tù trưởng Sêđăng còn để cho một số trai tráng săn bắn cướp phá, xâm phạm cả khu vực do các bộ lạc Banar, Jarai làm chủ. Nguyễn Nhạc đau đầu. Nếu thẳng tay trừng trị bọn gây náo động thì sẽ mua thù chuốc oán với bộ lạc Sêđăng, mà làm ngơ thì mất cả uy danh lâu nay gầy dựng trước các bộ lạc Banar, Jarai. Tây Sơn tam kiệt - Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ - bèn mời các già làng giàu kinh nghiệm đến hỏi chuyện. Họ cho biết người Sêđăng lâu nay sống riêng một cõi, tung hoành ngang dọc, không hề khuất phục một thế lực nào. Người Sêđăng chỉ tin vào Trời.
***
Trời là gì? Trời ở đâu? Chuyến này không giở mẹo là không xong. Ngày ngày Nguyễn Nhạc quảy đôi giỏ bội lỗ thưa đi gánh nước tận suối xa, gần bản người Sêđăng. Những chàng trai Sêđăng tinh khôn nhất được cử đi thám thính. Chúa Tây Sơn xốc gánh nước khá nặng mà nước không chảy qua lỗ giỏ. Nguyễn Nhạc đã dùng giấy bổi nhúng dầu phất kỹ phía trong giỏ nước, nước do đó không chảy ra ngoài, ở xa nhìn không thể biết được. Cả bọn kéo nhau về thưa với tù trưởng Bok Kiơm.
Tù trưởng bèn ra sườn núi trông xuống. Nguyễn Nhạc cứ điềm nhiên như không biết có người đang rình mình. Chúa Sêđăng đứng một lúc lâu, quay bảo bọn thanh niên:
- Ừ, nó có phép đấy. Nhưng người trời cần gì gánh nước? Nó không phải người Trời.
Tuy vậy, các cuộc săn bắn cướp phá của người Sêđăng ven khu vực của người Banar, người Jarai từ đó giảm dần.
Chúa Sêđăng vẫn từ chối gặp chúa Tây Sơn. Một hôm, ông ta - Bok Kiơm - bảo với người do Nguyễn Nhạc sai mang quà tới:
- Chủ mày không phải là người Trời! Người Trời thì sợ gì ta mà nộp muối nộp vải, cho cồng cho chiêng? Mày về bảo với nó: Nếu nó gọi được đàn ngựa trời trong núi sâu, tao mới tin nó là người Trời!
Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ vừa ăn cơm vừa bàn việc đắp lũy thì người sứ về tới. Anh ta vào thưa ngay câu chuyện. Nguyễn Nhạc vừa thò đũa định gắp miếng thịt rừng, liền thả đũa xuống, bỏ chén đứng dậy đi tới đi lui. Bất chợt ngửng lên, thấy Nguyễn Huệ cũng đã gác đũa nhìn mình tủm tỉm cười, ông gắt:
- Chú cười cái gì đó? Bộ chú tưởng chuyện dễ ăn sao? Ai đời nó bảo mình đi bắt ngựa hoang! Nó nghĩ mình dại tới bực nào mà đi chọc cho lũ ngựa núi đá tan xác. Cái thằng gớm thật!
Nguyễn Huệ ôn tồn:
- Anh để đó cho em.
*
Mất nửa con trăng, Nguyễn Huệ mới dò ra tung tích đàn ngựa rừng. Hang của chúng dưới ngọn Hánh Hót(1)- một ngọn núi rất cao có nhiều cổ thụ, lá rợp tầng tầng, xung quanh các ngọn núi khác hợp về trông rất ngoạn mục. Đàn ngựa do một con đực chúa đàn điều khiển. Chúng rất tinh, vừa nghe thoảng hơi người đã khịt mũi gọi nhau quay đầu chạy, rung chuyển cả núi rừng.
Nguyễn Huệ tìm mua một con ngựa cái tơ khỏe đẹp, đầu nhỏ, bụng thon, hông nở, chân thẳng, đuôi dài và mượt, mắt đen như than, lông ánh như tuyết. Huệ đích thân chăm sóc, tập cho nó quen tiếng quen hơi. Đến khi đã được như ý, Huệ bèn dắt nó buộc vào cánh rừng mà bầy ngựa thường xuất hiện.
Hàng ngày, Nguyễn Huệ đem cỏ non đến rồi bỏ đi. Con ngựa nhớ chủ, hí những tiếng dài tha thiết. Tiếng hí vọng vào rừng sâu, đàn ngựa rừng tò mò kéo ra, xán đến làm quen với cô bạn mới. Chẳng mấy chốc, chúng thân thiết với nhau như cùng một đàn. Thấy đàn ngựa rừng đã cắn câu cô ngựa của mình, Nguyễn Huệ bèn ra mặt. Nhác trông bóng Huệ, đàn ngựa rừng hoảng sợ bỏ chạy, nhưng thấy con ngựa cái không chạy theo, lại đứng với người một cách thân mật thì dừng lại ngó. Nguyễn Huệ vỗ về con ngựa của mình, đặt cỏ non thật nhiều rồi bỏ đi. Đàn ngựa đợi một lúc lâu không thấy gì lạ bèn lân la trở lại ăn cỏ, đùa giỡn tự nhiên.
Ngày lại ngày, đàn ngựa rừng đã quen dần sự có mặt của Huệ. Anh đặc biệt chú ý tới con ngựa chúa đàn.
Mới đầu, thấy Huệ từ xa, nó đứng canh cho cả đàn ăn cỏ. Đến khi cả bọn đã no cỏ tản ra bốn phía, nó mới nhẩn nha nhặt từng lọn vương vãi trên trảng, vừa nhau vừa cảnh giác. Khi Huệ đến gần, nó lảng ra xa hoặc dậm chân hăm dọa, bộ điệu rất dữ tợn. Huệ không tiến thêm, cũng không bỏ đi. Nó ngừng ăn, nhìn chừng Huệ. Huệ đã dành riêng cho nó một bó cỏ ngon nhất, đến lúc đó anh mới tung về phía nó rồi quay lưng đi hẳn. Liền mấy hôm như vậy, nó đã thôi hung hăng trước Huệ.
Khi đã làm thân được với con ngựa chúa, Huệ tính đến chuyện lên lưng nó.
Lại mất một tháng ròng với con ngựa thiêng.
Thế rồi một tình quyến luyến tự nhiên đã ràng buộc người và vật. Huệ thuộc tính nết từng con, khi dịu dàng chiều chuộng khi nghiêm khắc uốn nắn. Đàn ngựa thiêng dường như cũng đón được ý chủ qua cái nhìn sáng rực đầy sức thôi miên.
Đã đến lúc báo tin cho tù trưởng Sêđăng.
Người em của chúa Tây Sơn đến tìm Bok Kiơm vào lúc ông không ngờ nhất, với một tư thế khiến ông cũng không ngờ. Bình tĩnh và giản dị, Huệ mời ông và dân làng ngày mai đi xem anh gọi ngựa trời.
Nó đáng tuổi con ta mà dám động đến uy danh của Trời? Bok Kiơm nổi giận, nhưng ông kịp nhận ra mình phi lý. Lời thách hôm nọ ta thốt ra với vẻ khinh mạn trước mặt người sứ, đã khiến chúa Tây Sơn không thể lùi bước. Ông ta đúng là một người anh hùng. Nhưng thực hiện lời thách đố của ta không phải là ông ta - không phải Nguyễn Nhạc! Sao lại là chàng trai này? Như đoán được nỗi phân vân của vị tù trưởng, Nguyễn Huệ lễ phép nói:
- Thưa tù trưởng! Anh tôi hiện là chủ tướng, không thể bỏ trại nhiều ngày nên sai tôi đi thay. Mong tù trưởng thông cảm.
Bok Kiơm quét đôi mắt đại bàng qua chàng trai trẻ: Món tóc hơi xoăn xòa xuống trán; đôi mày rậm hơi xếch; đôi mắt sáng sắc góc; chiếc mũi nghiêm cẩn giữa hai gò má sạm nắng lấm tấm mụn; đôi môi cánh cung không cười mà như sắp hé cười khiến cho khuôn mặt vuông vừa điềm đạm vừa hân hoan. Nguyễn Huệ nhìn lại ông không gợn chút bối rối hoặc thách thức nào. Lũ làng Sêđăng đứng giữa sân nghe mấy lời biện hộ và ngắm dáng điệu chân thực của Nguyễn Huệ, gật đầu tán đồng. Bok Kiơm không tin. Nhưng thấy người em của chúa Tây Sơn phong thái chững chạc, vượt hẳn mọi người đang có mặt như mãnh hổ trong muông thú, như phượng hoàng trong muông chim, ông không dám nói lời trịch thượng. Vị tù trưởng Sêđăng thu cái nhìn lại, vẻ mặt trở nên ôn hòa. Tuy vậy, giọng ông vẫn lành lạnh:
- Sắp tối rồi. Nếu mày không chê nhà ta xấu thì bước lên thang. Nếu này không chê rượu ta nhạt thì ở một đêm.
Nguyễn Huệ vòng tay cảm ơn rồi đĩnh đạc bước tới. Chàng trai kia, mày ăn mấy mùa rẫy, uống mấy lần nguồn suối mà mắt ấm như lửa, giọng ngân như chiêng? Mày đến tay không, không mang theo một thứ của báu nào, mà ta thích mời mày ngồi chỗ tốt nhất, muốn cho mày uống ché rượu ngon nhất. Ta muốn nói là cái bụng ta rất ưng mày! Chà! Ta chưa thể nói điều ấy với mày được!
Nguyễn Huệ quỳ một chân uống rượu. Lũ làng Sêđăng bị tù trưởng đuổi về hết. Nhà sàn im phăng phắc. Bok Kiơm ngồi xếp bằng, hai tay thả xuôi trên vế. Bóng ông in trên vách bên này nhà sàn như một ngọn núi. Huệ cảm thấy ông sắp nói với mình một điều hệ trọng, bèn sửa thế ngồi. Bóng Huệ in lên vách bên kia nhà sàn như một ngọn núi. Hai ngọn núi đối diện nhau.
Quả thật là Bok Kiơm muốn nói chuyện, nhưng chuyện ông nói lại không liên quan gì đến bầy ngựa rừng. Ông kể về mình:
- Ta là cháu Bya Pơnang, dòng dõi nhà Thần. Thần ở cao, cao lắm! Bắt ngọn Hánh Hót cõng ngọn Bà Phù, bắt ngọn Bà Phù cõng ngọn Màn Lăng, núi nọ cõng núi kia cho đến khi tất cả núi cõng nhau xuyên thủng mây thì tới cửa nhà Thần. Lúc Thần mới có con, mừng quá, bế con đi chơi. Tay thần vụng về, làm rớt đứa nhỏ xuống rừng trầu cau. Lá trầu rụng lớp lớp êm và dày đỡ đứa nhỏ nên nó ngủ yên. Những tàu cau bên trên lợp kín che mắt Thần nên thần không sao tìm thấy. Tìm mãi không có, sợ trễ công việc nhà Trời, Thần đành bỏ đi. Một người đàn bà Sêđăng đi qua rừng trầu cau, nghe tiếng khóc, bươn bả vào tìm thì thấy một đứa nhỏ rất đẹp, liền mang về nuôi. Đêm đến, Thần báo mộng cho bà: "Đứa nhỏ này là con ta. Con cháu của nó sẽ giúp nước". Bà bèn đặt tên đứa con của thần là Bya Pơ nang(*). Bya Pơnang đẻ ra mẹ ta. Mẹ ta chỉ có mình ta là con. Trước khi về trời, mẹ ta đã nói cho ta biết rằng ta thuộc dòng dõi thần.
Bok Kiơm lim dim mắt. Lại một ông trời con - Nguyễn Huệ nghĩ và cố nén cười, mím môi, đưa mắt nhìn xuống. Bok Kiơm chờ một lúc lâu, không nghe Huệ nói gì liền mở mắt ra. Từ đôi mắt của Huệ, một thứ ánh sáng kỳ lạ tỏa xuống sàn nhà, lóng lánh, soi rõ từng kẽ nứa. Giữa vùng sáng do mắt Huệ soi tới, có một con dệt vải cứ nhún lên nhún xuống trên những cái chân mảnh và gầy.
Huệ nhìn mãi, dường như những kẽ nứa dưới sàn nhà nhòe dần, nhòe dần, tan nhòa vào nhau thành một khoảng không nhờ nhờ. Trên đó, con dệt vải cứ múa may một cách kiên nhẫn, như thể chính nó đang dệt từng sợi trên khoảng không đó. Huệ nghĩ đến Lữ. Đang học võ học văn với thầy giáo Hiến, đột nhiên Lữ giở chứng xin Nguyễn Nhạc cho đi học đạo phù thủy. Huệ còn còn nhớ rất rõ là Nhạc đã nổi nóng quát cho Lữ một trận như thế nào. Lữ nước mắt lưng tròng, không cãi lại nửa lời, nhưng sau đó cứ nhất quyết xuống tóc đi tu.
Thế rồi khi ở vào cái thế đối đầu với tri phủ, huyện lại dưới phủ, Nhạc phải rút về miền thượng đạo xây dựng căn cứ. Lữ được gọi về. Và Huệ biết, Nhạc đã phải dằn lòng để nhìn thằng em mặc áo đạo sĩ, lâm râm bùa chú chữa bệnh cho dân chúng buôn này bản kia. Đạo Ma-ní mà Lữ theo thờ thần Lửa, vị thần mà người thượng từ Quảng Nghĩa vào Phú Yên đều tôn sùng. Các bộ lạc Banar, Jarai, Rađê theo về với Nhạc là do cách đối xử rộng rãi nghiêm minh của ông, nhưng phần lớn cũng có công vận động và uy tín đạo sĩ của Lữ.
Vị tù trưởng Sêđăng vẫn im lặng quan sát Huệ. Chốc chốc ông lại đưa ông điếu lên mép rít một hơi dài rồi nhìn Huệ qua làn khói lừ đừ. Càng nhìn, cái bụng ông càng ưa người trai lạ. Câu chuyện dòng dõi nhà thần ông kể không phải để nghe cho vui. Người trong bộ lạc nghe, thêm trung thành với ông. Người ngoài bộ lạc nghe, kẻ tỏ lòng thán phục, kẻ không dấu được vẻ ganh tị, kẻ ao ước thèm thuồng, kẻ lặng lẽ hồ nghi - Bok Kiơm đều biết cả. Đôi chân trần của ông đi suốt trong bụng họ. Cặp mắt tinh tường của ông rọi thấu tim họ. Người đời cầu xin ông thì có, chứ ông chưa cầu xin ai điều gì. Dòng dõi thần không cho phép ông làm điều thấp kém. Cứ mỗi độ cuối xuân, Bok Kiơm một mình một ngựa trở lại rừng trầu cau, buộc ngựa bên ngoài, thả bước sâu vào bên trong, cảm thấy lá mục đang tan ra một cách dịu dàng. Hoa cau rười rượi một mùi thơm trong ngần, đượm vào làn da chân tóc. Ánh mặt trời không thể chiếu thẳng xuống đất. Hàng vạn tàu cau đã lọc ánh sáng thành một màu xanh mát. Ông bước giữa những thân cau thân thiết, tưởng mẹ đang ngồi khuất đâu đó, nhặt quả cau rụng cho vào gùi. Chỉ một mình mẹ dám vào lượm cau trong cánh rừng thần. Trước mẹ là Bya Pơ nang. Sau mẹ là ông. Bok Kiơm trở thành tù trưởng giàu mạnh nhất. Ông không cần lấy cau để bán, dù số cau trong cánh rừng thần nếu đem bán sẽ đủ nuôi cả bộ lạc sung túc quanh năm. Thỉnh thoảng, ông mang hai gùi cau về ban phát cho người làng. Ai nấy nhìn ông với ánh mắt ngưỡng mộ và biết ơn.
Bok Kiơm đã quen định đoạt và ra lệnh cho lũ làng. Ông không muốn bỗng dưng lại có một kẻ khác định đoạt và ra lệnh cho ông hoặc điều khiển lũ làng Sêđăng ruột thịt của ông. Vị thần sinh ra Bya Pơ nang đã bảo rằng con cháu Bya Pơ nang sẽ giúp nước, tức là sẽ trở thành người anh hùng. Bằng linh cảm, ông tin rằng mình chính là người anh hùng đó, làm vẻ vang dòng dõi thần, làm vẻ vang bộ lạc Sêđăng. Ông đã nghe những người sứ của Nguyễn Nhạc nói đến việc giúp nước, cứu dân khỏi cảnh nghèo đói, khỏi bị bọn quan lại Duôn Cooc (Kinh trắng) đè đầu cưỡi cổ. Ông cũng đã nghe nói những người dân lành vô tội bị bóc lột, bị hành hạ, Chúa nước là một đứa nhỏ vừa ngồi vừa ngủ trên ngai, để mặc quốc phó muốn vơ vét làm giàu, muốn chém giết ai cũng được. Máu và nước mắt người Kinh chảy nhiều lắm. Máu người Kinh cũng đỏ, nước mắt người Kinh cũng mặn như máu và nước mắt người Thượng. Đêm đêm ông khấn gọi thần, khấn gọi Bya Pơnang hãy chỉ cho ông biết ông nên làm gì để giúp nước? Nhưng trong những giấc mơ của ông, cả thần Bya Pơnang đều không xuất hiện. Chỉ có mẹ ông trở về, vít đầu ông vào lòng như ngày ông còn bé. Ông kể với mẹ dự định vào mùa cau năm nay, ông sẽ dẫn dân làng vào rừng trầu cau mà Bya Pơnang đã cất tiếng khóc, cho dân làng lượm cau đi đổi muối. Muối mỗi ngày mỗi thiếu. Bọn quan quân người Kinh chặn đường buôn nguồn mấy tháng nay. Muối trở nên hiếm và đắt. Các bộ lạc đều nhớn nhác vì nỗi lo hết muối. Mẹ ông gật đầu rồi lại lắc đầu. Hình như cau bây giờ cũng không quý bằng muối. Lũ làng ông phải tìm đường qua Phú Yên, ròng rã cả con trăng mới mang được muối về. Nghe đồn hai vua Thủy và Hỏa đã nhận lời cộng tác với chúa Tây Sơn, khởi nghĩa đánh bọn quan phủ.
Bok Kiơm gõ nhẹ đầu điếu vào cột, loay hoay thay thuốc. Bị tiếng động dứt khỏi những ý nghĩ lan man, Nguyễn Huệ bẽn lẽn mỉm cười. Thấy Huệ không bày tỏ thái độ về câu chuyện của mình, Bok Kiơm nói, thoáng chút không hài lòng:
- Ta nghe nói chúa Tây Sơn sẽ đánh bọn Duôn Cooc nên phải cầu người tài. Cầu người tài thì chỉ cần nổi chiêng lên thưa với trời và bố cáo với rừng gần núi xa. Sao lại mang muối trắng vải đẹp đến cho ta? Ta mà thèm những thứ ấy ư? Chúa Tây Sơn nhà mày lại xưng là vua Trời, sao coi ta thấp quá thế?
- Thưa tù trưởng! Anh tôi không biết ông thuộc dòng dõi thần, nên mới tính theo lối thường, lấy quà mọn bày tỏ lòng yêu mến. Không ngờ tới những chỗ riêng tư sâu kín, đó cũng là lỗi lớn chưa biết người biết mình. Còn như danh hiệu vua Trời, là vì tướng sĩ bên dưới thấy anh tôi được thần trao kiếm báu, tìm được ấn thiêng có bốn chữ sơn hà xã tắc, cho rằng anh tôi do trời sai xuống cứu dân khỏi vòng nước lửa, nên mới đặt cho như vậy. Chúng tôi con nhà áo vải, đi chân đất, sinh ra ở khe núi, lớn lên ở khe núi, đâu dám đứng cao hơn thiên hạ. Chẳng qua vì thương dân mà tìm người hiền chung vai gánh vác việc lớn. Xin tù trưởng xét thiện chí của chúng tôi lâu nay, tự gỡ khỏi những vướng víu nhỏ, một bước cởi bỏ hiềm nghi, vừa là may cho chúng tôi, vừa là may cho trăm họ, ứng với lời thần nhân thuở trước gửi Bya Pơnang.
Tù trưởng Sêđăng lưu Nguyễn Huệ ở nhà mình một ngày một đêm.
Trong một ngày một đêm đó, Bok Kiơm có cảm giác một trăm ngọn gió lành từ cánh rừng thần thổi về, mang theo hương hoa cau dịu dàng thanh khiết. Mùi hương đã thấm đẫm từng mao mạch, đã hòa quyện vào máu thịt, linh hồn ông từ thời còn là thằng cu con ngủ trên lưng mẹ. Mùi hương mà mỗi năm một lần, ông tìm về ngụp lặn trong đó để rửa sạch mọi phiền nhiễu lo lắng, mọi dục vọng ích kỷ. Cái mùi hương luôn từ trên cao tỏa xuống ông như một nguồn sữa vô tận, giúp ông sáng suốt đi tới những điều bao dung, tốt đẹp, nhắc ông kịp dừng trước những điều thù hằn xấu xa.
Tại sao hôm nay, mùi hương ấy cứ chảy về không dứt? Bok Kiơm bấm đốt ngón tay. Không phải mùa hoa cau. Thật lạ!
Sẩm tối, trai tráng Sêđăng mang đến nhà Bok Kiơm mấy đội cỏ lớn. Tuyền một thứ cỏ non, mới nhìn đã thấy ngọt. Bok Kiơm đã bảo họ cắt về theo yêu cầu của Nguyễn Huệ.
Vị tù trưởng Sêđăng không còn giữ giọng lạnh lùng trước người trai trẻ. Mà sao lại phải lạnh lùng kia chứ, trong khi cái bụng ta đã muốn nhận mày là anh em ruột thịt. Phải, ruột thịt. Ta biết rất rõ tim ta sẽ đau như thế nào nếu mày bị cướp mất hơi thở. Ta rất muốn mày từ bỏ cái ý định đi gọi ngựa trời vào sớm ngày mai. Phải, ta tha thiết khẩn cầu trời cao tha tội cho ta vì lời thách đố kia lại rơi vào mày, chàng trai ta mới thấy đã không dám coi khinh, mới uống rượu chung một đêm một ngày đã quý hơn chiêng xưa ché cũ. Ta là một tù trưởng đứng đầu hàng trăm dân. Ta không thể nhổ nước bọt vào lòng bàn tay(2) rồi quên ngay lời thề. Ta muốn mày tự dừng trước miệng vực. Từ hồi ngón chân ta biết bấm trên mặt đất, lỗ tai ta chưa hề nghe ngựa trời tha mạng cho kẻ nào dại dột làm con chúa đàn nổi giận. Ta nhìn tuổi trẻ qua màu tóc đen mun, qua đôi chân đủ sức vượt cả trăm núi của mày mà tiếc. Nhưng mày như cây cau non hăm hở đọ trời xanh, như mũi tên tốt đã bật khỏi thân ná khỏe muốn bay nghìn tầm. Rủi ro sẽ đến với mày ư? Không, ta không muốn! Ngựa trời mà chịu mày sai khiến ư? Mày có tài phép gì, chàng trai? Da thịt mày khác nào da thịt ta? Mày phun mưa hét sấm được chăng? Ta muốn đến tận nơi xem mày làm gì. Hà, hay là chúa Tây Sơn bảo mày dụ ta ra khỏi buôn làng. Nó tưởng dễ động đến người ta ư? Không, dù nó có muốn thế, thì mày cũng không làm. Ta chưa nhìn sai người bao giờ! Còn nếu sự việc xảy ra như mày đang tin, ta buộc phải tuân theo lòng trời, chịu sự cắt đặt của chúa Tây Sơn như các tù trưởng khác ư? Ta khác với họ nhiều chứ - ta là dòng dõi thần.
Đêm rượu thứ hai có vẻ nặng nề. Bok Kiơm trầm ngâm nâng cần rượu ngang mày, kể rời rạc về những xác người bị xéo nát, bị hất xuống vực vì dám trêu vào ngựa trời. Nguyễn Huệ ngồi nghe chăm chú được một lúc lại nghĩ xa xôi. Trước mắt Huệ hiện ra mồn một trảng đất rộng rãi thoáng đãng cạnh cửa rừng già, hơn nghìn hai con ngựa đua nhau ăn cỏ, con nào cũng cố chen vào gần chỗ Huệ đứng, xô dạt cô ngựa cái xinh đẹp thùy mị mà hôm mới mua về anh em nghĩa quân đã gọi đùa là "quận chúa nương nương". Người phó tướng Tây Sơn lướt nhanh trong đầu những võ sĩ mình sẽ chọn cho ngồi trên lưng đàn thiên mã. Lũ ngựa hoang ngỗ nghịch hồn nhiên ấy rồi sẽ con nào theo chủ nấy, có người chăm sóc dạy dỗ sẽ quên ta ngay ấy mà. Đợi ngày dẹp xong bọn quan phủ thối nát, ta sẽ cho chúng mày gõ móng thần trên đường thiên lý. Bok Kiơm sẽ ở trong đội tiên phong. Ông ấy bị nỗi cô độc mài mòn nên trông già trước tuổi thế thôi. Nhìn kỹ lại xem, hai con mắt vừa suy tư vừa quyết đoán kia, cánh tay cứng như thép luôn sẵn sàng chụp lấy ngọn lao kia, cả cái dáng đi vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ kia, đến anh trai ta cũng phải nhường. Ông đang nói xa nói gần về những kẻ bị ngựa trời tấn công. Rõ ràng là ông lo sợ cho ta. Phải! Ta đọc thấy điều đó qua giọng nói khó khăn của ông, qua những cử chỉ không biết màu mè giả trá. Nhưng câu chuyện nặng nhọc đêm nay còn cho thấy ông không muốn ta chinh phục được đàn ngựa trời. Vì điều đó cũng có nghĩa là ông phải chấp nhận dưới quyền chúa Tây Sơn anh ta. Ôi con đại bàng của rừng già! Ta hiểu ông, và ta sẽ cố gắng để lòng tự ái của ông không bị tổn thương. Chà, Bok Kiơm, trong bộ cánh tù trưởng, ông thật đáng mặt một trang dũng tướng. Ông mà lên ngựa thì thế nào nhỉ? Oai lắm, một viên tướng thần trên lưng một con ngựa thần! Mà ông có chịu cưỡi ngựa trời không chứ?
Một nụ cười không dừng được, nở trên môi Nguyễn Huệ. Bok Kiơm thấy Huệ cười, chợt băn khoăn. Ta đã nói gì? Ồ thôi, sao lại đi kể về điềm gở trong khi chàng trai này đang cần nghe về chiến thắng. Nhưng lòng ta như có lốc xoáy bên trong… Vị tù trưởng Sêđăng bỗng cảm thấy bất lực trước những điều thuộc về trời, về người, quay ra bực bội. Ông bỏ đi nằm trước. Huệ nhìn cái bóng cao lớn lầm lũi di chuyển trên bức vách. Tới gần bếp lửa, cái bóng hạ dần xuống. Huệ nghe có tiếng thở dài, bất giác, tự đáy lòng anh trào lên một niềm cảm khái.
Nguyễn Huệ trở lại trảng cỏ cửa rừng với tâm trạng nôn nao của người đi xa về. Mấy ngày không gặp đàn ngựa, Huệ thấy nhớ. Bok Kiơm và đoàn trai tráng Sêđăng đi theo sau giúp Huệ bỏ cỏ non xuống hòn đá tảng đầu trảng đã quay ra tìm chỗ buộc ngựa và ẩn nấp.
Vị tù trưởng Sêđăng suốt đêm qua không ngủ. Lúc Huệ giật mình mở mắt, màn đêm hãy còn kín bưng, không thấy Bok Kiơm trong nhà sàn. Phía chân Huệ, lửa bếp vẫn đỏ rực, chúng tỏ có người tiếp củi thâu đêm. Huệ ngồi dậy hơ tay và cất tiếng xuýt xoa vì lạnh. Có tiếng chân bước vào, Huệ quay lại nhìn. Bok Kiơm đã mặc bộ đồ tù trưởng ngày lễ. Áo Kơtéch bằng vải chàm đen, cổ kiền tay dài, khố trường bản. Từ bả vai xuống cổ tay, từ nách xuống tà áo và hai bên thân khố có những đường hoa văn rất khéo, rất đằm. Trước ngực áo, một con đại bàng giang cánh được dệt chìm bằng chỉ màu nâu đỏ. Dưới hai vạt khố thả hai hàng tua đen dài chừng hai tấc rưỡi, khiến cho thân khố mềm mại hẳn. Sau lưng, Bok Kiơm còn khoác một tấm choàng rộng, dải buộc bắt chéo qua ngực. Huệ tưởng ông không phải là người của hôm nay, mà là người của thuở nào xa xăm trở về. Nếu không có dáng vẻ ngượng nghịu khi thấy người khác nhìn mình chằm chằm, thì Bok Kiơm trông giống một vị thần trong truyền thuyết chứ không phải là người mới uống rượu với Huệ hồi đêm. Có lẽ vị thần sinh ra Bya Pơ Nang cũng chỉ đẹp đến thế, uy nghi đến thế là cùng. Bok Kiơm đã lấy lại sự tự chủ. Ông khe khẽ hỏi Huệ có cần mượn giáo mác lao khiên gì không. Giọng ông trở nên xa cách lạnh lùng, y như Huệ còn là người khách ngoài bậc cửa.
Dọc đường trở lại đây, Huệ để ý thấy Bok Kiơm không muốn trò chuyện. Ông giục ngựa lên trước ngựa Huệ với đoàn trai tráng Sêđăng mấy sải và cố giữ nguyên khoảng cách suốt cuộc hành trình.
Giờ đây, trong khi chờ những người Sêđăng yên vị trên chạc cao của vành đai cổ thụ dường như mọc lên từ mấy trăm năm trước theo sự xếp đặt của tạo hóa, Nguyễn Huệ ôn lại diễn biến mọi chuyện và thầm cân nhắc. Trong chớp mắt, người em chúa Tây Sơn kịp nhận ra các mũi lao sáng rực trên những chạc cây rừng đều hướng về một đích. Ồ không, ta thật không phải - Huệ lập tức nhấn chìm những nghi ngờ váng vất. Anh khoa tay về phía vị tù trưởng Sêđăng đang ẩn nấp, kịp thấy ông khẽ gật đầu.
Xung quanh lặng phắc. Không một ngọn gió bay qua.
Nguyễn Huệ trèo lên tảng đá lớn, xoay lưng lại. Mặt ngửng về ngọn Hánh Hót ngất ngưởng phía xa, anh đưa tay bắt loa trước miệng, cất tiếng hú dài.
Hú ú ú u u u u u u!
Huệ hú đến hồi thứ ba, mặt đất rùng rùng chuyển động. Anh cất tay chống nạnh ngang sườn bồi hồi lặng nghe tiếng nhịp vó thân yêu của đàn thiên mã đang dâng lên như sóng trào, như bão dựng. Và gió, không hiểu gió từ đâu đổ về, mới lặng phắc đó mà bỗng chốc ào ạt khua động rừng già.
Kia rồi, con ngựa chúa đàn vọt khỏi cánh rừng tựa một cơn lốc trắng. Theo sau nó là một ngàn hai trăm con tuấn mã. Con "quận chúa nương nương" cố rướn mình lên giữa đàn ngựa rừng cao lớn để được nhìn thấy chủ. "Ta ở đây! Các con, ta ở đây! ". Tiếng Huệ vang vang trong gió. Con chúa đàn đứng sững trên hai chân sau, dựng bờm hí một hồi dài rồi phóng đến bên chân Huệ. Người trai trẻ vuốt ve mái bờm con thần mã rồi nhảy phóc lên lưng nó. Cả đàn ngựa phía sau tràn đến, xúm xít quanh Nguyễn Huệ và con ngựa chúa đàn. Nguyễn Huệ giang tay xoay mạnh quanh trong không khí. Đàn ngựa hiểu ý, nới rộng thành vòng tròn. Huệ ôm cổ con ngựa chúa đàn, thúc nhẹ vào hông nó. Cả một vòng tròn chuyển động, mỗi lúc một nhịp nhàng. Người Huệ bừng bừng men say.
Một trận mưa cỏ màu xanh lả tả rơi giữa không trung. Huệ đưa mắt tìm Bok Kiơm và những người trai Sêđăng đã tuột xuống khỏi cây tự lúc nào. Họ đang đứng trên tảng đá lớn, hăng hái ném cỏ cho đàn ngựa trời trong một vũ điệu đầy phấn khích. Nguyễn Huệ dừng ngựa lại, đoạn nhảy xuống gọn ghẽ trước sự thán phục của đoàn người Sêđăng. Huệ choàng tay ôm chặt Bok Kiơm vào lòng. Vị tù trưởng Sêđăng dặc dặc đôi vai chàng trai trẻ, giọng khàn khàn đi vì xúc động:
- Mày xứng đáng là người Trời! Người Trời!
Một tay vẫn đặt trên vai vị tù trưởng, tay kia vỗ vỗ vào hình con đại bàng trên ngực áo ông, Nguyễn Huệ nói to cho những người Sêđăng cùng nghe:
- Bok Kiơm, ông cũng là người nhà Trời! Chứ không à? Ông thuộc dòng dõi thần, mà thần là người lo việc nhà Trời, thì ông cũng là người nhà Trời đấy thôi! Chúng ta là người một nhà, phải không Bok Kiơm?
Bok Kiơm hơi bất ngờ một thoáng, rồi chợt hiểu ra, ông ôm chặt Nguyễn Huệ với tất cả lòng biết ơn. Một già một trẻ nhìn nhau, và không ai bảo ai, cùng cất tiếng cười vang dội lưng mây.
Bỗng một chàng trai Sêđăng kêu lên:
- Ô! Kơring! Kơring! (3)
Từ phía rừng trầu cau, một con đại bàng lớn đang quạt đôi cánh rộng về hướng đèo Mang. Bok Kiơm chắp tay thành kính. Người cháu trai của Bya Pơ Nang tin rằng cánh Kơring vĩ đại đó đã cất lên từ đỉnh rừng thần.
T.T.H.T
(1) Đại Nam Nhất thống chí chép là núi Hinh Hốt.
(2) Đồng bào miền núi Bình Định khi thề thốt điều gì thì nhổ nước bọt vào lòng bàn tay.
(3) Kơring: Đại bàng. |