Đạo diễn Hoàng Ngọc Đình, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn:
Dựng Cội nguồn là cả một thử thách
10:31', 1/10/ 2004 (GMT+7)

Như chúng tôi đã đưa tin, Nhà hát Tuồng Đào Tấn hiện đang dàn dựng vở Cội nguồn (kịch bản Lê Duy Hạnh) để tham gia Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Đây là vở diễn viết về vụ thảm sát Gò Dài (huyện Tây Sơn). Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Ngọc Đình, Phó Giám đốc Nhà hát, đạo diễn vở diễn, xung quanh việc dàn dựng tác phẩm này...

* Dựng về đề tài hiện đại thì Nhà hát đã có hơn chục vở. Nhưng đây là lần đầu tiên, Nhà hát đưa một vở diễn đề tài hiện đại viết về Bình Định lên sân khấu tuồng. Trong vở diễn này, lại xuất hiện nhiều nhân vật người nước ngoài như cố vấn Mỹ, lính Hàn Quốc... Hẳn việc dàn dựng không dễ dàng, thưa ông?

Đạo diễn Hoàng Ngọc Đình

- Quả vậy. Nhưng cái khó không chỉ dừng ở đó. Tuy sở trường của Nhà hát trước nay là các vở tuồng lịch sử, truyền thống, dân gian, nhưng trong hành trình hơn 50 năm của mình, Nhà hát đã dựng không ít vở diễn về đề tài hiện đại. Tuy nhiên, các vở như Chị Ngộ, Sáng mãi niềm tin… tuy viết về đề tài hiện đại nhưng vẫn theo phong cách truyền thống, với thời gian tuyến tính bình thường. Vở Cội nguồn này được tác giả Lê Duy Hạnh viết theo phong cách mới, đan xen về thời gian, giữa quá khứ và hiện tại, rồi đan xen về không gian. Không gian sân khấu, có lúc đang ở đất Hàn, có lúc lại trên đất Việt, có khi có tới 3 không gian khác nhau cùng tồn tại một lúc trên sân khấu. Toàn bộ vở diễn lại không chia đoạn cắt lớp… Có thể nói, đây là một cách làm nhiều thể nghiệm. Bởi vậy, chúng tôi đã xác định với nhau rằng, dựng Cội nguồn là cả một thử thách. Thử thách ngay với ê-kíp dựng vở, thử thách dồn lên vai diễn viên. Nhưng đây là một thử thách đầy thú vị. Nó buộc cả ê-kíp phải lao động cật lực, đầy trách nhiệm, với lòng yêu nghề.

* Với những cái mới như vậy, liệu có "gieo vừng ra ngô" không, thưa ông?

- Nhưng cho dù hiện đại hay lịch sử thì vẫn theo phong cách tuồng Đào Tấn, phát huy thế mạnh của tuồng Đào Tấn. Theo tôi hiểu, phong cách Đào Tấn là không tản mạn các nhân vật mà khắc họa rất rõ tính cách từng nhân vật; xung đột kịch luôn vươn tới sự bạo liệt; chặt chẽ về bố cục, sâu sắc về nội dung; đồng thời đề cao tính ước lệ, tượng trưng, tả ý. Toàn bộ vở diễn này, từ cách viết kịch bản đến việc dàn dựng, đều vận dụng tả ý là chính. Ngay việc để toàn bộ sân khấu trống không, bằng diễn xuất diễn viên tự tạo nên tất cả, cũng là tả ý đấy. Hơn nữa, nếu theo dõi việc luyện tập của các diễn viên, nhạc công anh sẽ thấy có những vấn đề đòi hỏi họ phải quay lại, nắm chắc những cái cơ bản trong nghề nghiệp, và có như thế mới hy vọng làm được cái gì mới. Với việc nắm vững tinh thần của truyền thống, chúng tôi không sợ sẽ "gieo vừng ra ngô".

* Là vở tham dự Hội diễn, hẳn Nhà hát đã có sự đầu tư mạnh ngay từ ê-kíp dàn dựng đến từng diễn viên?

- Xác định đây là vở diễn tham dự Hội diễn, là "màu cờ sắc áo" của Nhà hát, nên vở diễn được Nhà hát đầu tư khá lớn về công sức, tâm lực của toàn bộ ê-kíp. Tuy nhiên, vở diễn này lại có rất ít nhân vật. Với một lực lượng diễn viên sung sức hiện nay của Nhà hát, đòi hỏi đạo diễn phải tính toán trong phân vai sao cho vừa đảm bảo tính khách quan nhưng vẫn có sự ưu tiên nhất định cho các diễn viên trẻ. Ba NSƯT: Hòa Bình, Phương Thảo, Minh Ngọc sẽ tạo thành thế chân vạc cho vở diễn. Đồng thời, NSƯT Văn Vỹ vừa đảm nhận vai diễn, vừa đóng vai trò thường trực Hội đồng Nghệ thuật tiếp nhận ý kiến của anh em, đồng nghiệp trong quá trình dàn dựng.

* Như ông đã nói, đây là một vở tuồng theo phong cách mới. Vậy liệu với vở diễn này, Nhà hát có hy vọng là sẽ tạo được một bước đi mới cho tuồng hiện đại?

- Không chỉ riêng Nhà hát Tuồng Đào Tấn mà nhìn chung ngành tuồng cả nước hiện cũng chưa có mẫu mực về tuồng hiện đại. Tất cả các nhà hát tuồng đều đang mày mò tìm bước đi cho tuồng hiện đại. Còn khi dựng vở này, chúng tôi chỉ muốn khán giả xem xong có thể nói: "À! Tuồng thời nay là như thế". Và từ những thể nghiệm như vậy, giả dụ Nhà hát có đóng góp, dù chỉ nhỏ nhoi như một hạt bụi vào vốn liếng ông cha thì đã là rất quý. Chứ cứ ăn mãi vào vốn của ông cha mà không có sáng tạo gì hơn thì…

* Xin cảm ơn đạo diễn! Và xin chúc cho những mong ước ấy sẽ thành.

. Lê Viết Thọ (thực hiện)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Người sáng tạo điệu hát "Vọng Kim lang"  (30/09/2004)
Sự ra đời của hai ca khúc về Bình Định   (30/09/2004)
Tân Dã đồn - "đứa con đầu lòng" của Đào Tấn?   (28/09/2004)
Thơ Đào Đức Tuấn   (27/09/2004)
Đinh Xăng Hiền - Nhất sinh trung trực   (27/09/2004)
Khuê các anh hùng - Lai lịch và tâm sự Đào Công  (26/09/2004)
Cái bánh dẻo tròn  (24/09/2004)
Cái bánh dẻo tròn   (24/09/2004)
Thơ: Mai Thìn, Nguyễn Thanh Xuân, Hồ Thế Phất   (24/09/2004)
Không gian nghệ thuật - thế tương giao sông, núi, tháp - trong ca dao Bình Định   (22/09/2004)
Thời sự văn nghệ   (21/09/2004)
Thơ Mai Thìn: Bến gỗ, Rừng trúc, Chia tay với ngôi nhà  (20/09/2004)
Theo nhau Về quê   (17/09/2004)
Thơ: Quốc Thành, Nguyễn Đình Lương, Phan Văn Thuần  (17/09/2004)
Thơ Đinh Xăng Hiền: Im lặng mà không im lặng   (16/09/2004)