Phần đông người xem đánh giá phòng tranh vừa được Hội VHNT tỉnh tổ chức triển lãm nhỉnh hơn mấy triển lãm trước. Mấy ý kiến ít ỏi trong sổ lưu niệm cũng tỏ ra hài lòng. Vậy có thể lấy những sáng tạo mới nhất này để nhìn thực trạng mỹ thuật Bình Định hiện nay.
|
Tác phẩm "Truyền thuyết lên rừng xuống biển" của Trần Tuấn |
Đúng là có nhỉnh hơn, ở chỗ: nhiều màu sắc hơn, hoành tráng hơn về đề tài và cỡ tranh, về bút pháp có những tìm tòi phong phú hơn. Chất liệu chủ yếu là sơn dầu, còn thì đủ cả: bột màu, lụa, dán giấy, tempera, xi măng, đồng… Màu vàng của Trần Tuấn, Lê Kỳ; xanh dương và xanh cô-ban của Lê Duy Hồng, Lê Duy Khanh; màu chàm, tím của Quốc Hùng… Những sắc màu tạo ra nét riêng trong phòng tranh chung. Nhưng cơ bản, phòng tranh hay đúng hơn, mỹ thuật Bình Định vẫn chưa thoát khỏi chất tỉnh lẻ từ nét bút giáo khoa thư và màu sắc thô, ít nhuần nhuyễn; đề tài và chất liệu, phong cách không theo kịp nhau.
Riêng Lan Hương, nữ họa sĩ đã thành công trong nhiều chất liệu: lụa, sơn mài, dán giấy, sơn dầu, lần này chị treo 2 bức: Biển trưa (dán giấy) và Cống xả lũ thủy điện Sông Hinh (sơn dầu). Vẫn là nét bút có nghề, nhưng tả thực có vẻ không phải là thế mạnh của chị. Biển dù có bố cục đẹp, táo bạo và tâm trạng nhưng thiên về bề nổi. Vùng nước tung trời ở cống xả lũ lúc đầu mạnh và lãng mạn rất gợi đáng tiếc đã bị sửa chữa hãm lại, chỉ còn trên nền công nghiệp chừng mực và núi rừng, vệt đường mòn như nét son xa hút có mấy người sơn cước đi ngược về núi găm lại trong trí nhớ người xem. Lan Hương nữ tính và nhiều giằng xé của phụ nữ và hoa, có nghề và yêu nghề, rất đáng trông chờ vào sự tỏa sáng một ngày nào đó.
Quốc Hùng vẽ cảnh đẹp hơn vẽ người. Mùa cốm mới bộc lộ rất rõ điều này: trên nền bố cục đăng đối các họa tiết nhà mồ Tây Nguyên, đoàn người múa mừng không vững về chi tiết vận động, nhất là tất cả họ có khuôn mặt trái xoan, lành hiền na ná nhau. Anh cũng vẽ tranh lập thể, Mẹ Việt Nam trước đây và Cánh đồng lần này nhưng đều không tới, cả tư duy và nghệ thuật. Anh có các gam màu tối sở trường. Đề tài tháp Chàm, miền núi khá hợp nhưng muốn đi xa, cần nhiều chất suy tưởng.
|
Tác phẩm "Thiếu nữ Ba na" của Nguyễn Anh Hộ |
Chơn Hiền có vẻ ôm đồm. Anh từng vẽ giản dị, mềm mại trên lụa khá tốt. Năm ngoái, những bức sơn dầu nho nhỏ vẽ hoa, có vẻ như vẽ chơi mà đẹp, tinh tế. Lần này Sinh thái biển rất dụng công, ngoài sơn còn có những vật dụng khác gắn vào: con cá, vỏ sò, san hô… Trong lòng biển xanh đẹp tả thực, dưới đáy tối xám có mấy xác cá, xác sò cảnh báo. Truyền thuyết thần mặt trời vẽ người nam và người nữ đang bay hướng về đỉnh nhà rông. Hình họa, tiết điệu thì tốt nhưng cái thiếu lớn nhất trong bức tranh này là sự lung linh.
"Sự lung linh" cũng là điều thiếu đáng tiếc trong bức Truyền thuyết lên rừng xuống biển của Trần Tuấn. Đây là tác phẩm được nhiều người chú ý về tư duy nghệ thuật. Một quả trứng lớn nằm trên vùng lá sắc hoang sơ tượng trưng, một vệt màu cũng tượng trưng chạy lên vạch không gian tranh, hai bên ngược chiều nhau là những vết chân. Đề tài về truyền thuyết sinh thành các tộc người Việt Nam được thể hiện khá sáng tạo, nhưng trên nền vàng trầm trầm đều mạch, bức tranh chưa thể đem lại sự bùng vỡ cảm xúc mà chỉ mới dừng lại minh họa. Lê Kỳ chưa tạo được nét riêng độc đáo. Trần Đình Nam, Nguyễn Văn Cần đang tìm tòi, Tuấn Sơn có vẻ như đang rẽ hướng… Đáng chú ý là Lê Duy Khanh, Lê Duy Hồng. Xóm nhà rầm, Ký ức thời gian các lần trước và Bóng thời gian lần này của Lê Duy Khanh tham gia khu vực đều được tặng thưởng (không xét giải vì chưa là hội viên trung ương!). Riêng Đô thị 1 không nộp kịp để xét duyệt nên không được treo ở khu vực. Bức tranh theo khuynh hướng biểu hiện này rất độc đáo về tư duy và nghệ thuật. Lê Duy Hồng bất ngờ với Bóng tháp toát lên uy linh huyền hoặc bất khả tri. Nguyễn Anh Hộ chỉ có một đề tài miền núi. Đánh cồng, Cô gái Bana trong trẻo, thô chắc.
Một nguyên nhân khách quan đáng nói khiến mỹ thuật Bình Định chịu nhiều thiệt thòi hiện nay là sự lưu thông và công chúng. Ở Bình Định chưa có thị trường tranh. Hầu hết họa sĩ sống bằng việc khác. Có vẻ chưa ai dám sinh ư nghệ, tử ư nghệ trên đất này. Còn tài năng, yếu tố quyết định cho sáng tạo thì sao? Tự mỗi cá nhân sẽ điềm tĩnh có câu trả lời cho mình. Tài năng ngoài yếu tố tư chất còn là sự học dài, liên tục.
. Lê Hoài Lương |