. Tùy bút kháng chiến của nhà thơ Xuân Diệu
Hà Nội nói:
"Tôi tạm thời ở trong lưới giặc. Tôi như con chim mắc lồng. Lồng giặc có mấy chi làm dày! Này mai đây, ta sẽ phá tan như một cơn mộng xấu. Tôi nuôi lấy sức, tôi biết đợi chờ. Nhưng mà tôi nhớ, tôi nhớ biết bao nhiêu! Tôi nhớ tôi, tôi nhớ Hà Nội. Hà Nội nhớ Hà Nội. Thủ đô nhớ Thủ đô. Ôi! Mình tương tư lấy mình, xác nhớ thương lấy hồn, khung cảnh nhớ nhung lấy sự sống. Hà Nội còn ở đây, Hà Nội đã đi mất! Thân thể còn ở đây, hồn Hà Nội đã đi rồi. Hà Nội thật ra đi ngày Trung đoàn Thủ đô ra ngoài thành lãnh một sứ mệnh khác. Trung đoàn Thủ đô là con đẻ của Hà Nội. Lòng tôi yêu dấu từng bước chân đi của đàn con, ôm ấp từng mỗi cánh tay khi bóp cò bắn súng, lót êm từng mỗi bộ ngực khi rạp xuống ném lựu đạn, thương mến từng mỗi cửa ô khi vui vẻ ca hát. Đàn con trẻ trung đã như một lũ thần đồng, dướn chân lên cho xứng đáng với dân tộc. Con đi, lòng mẹ đi theo...
Lòng Hà Nội đã đi rồi! Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Thiếc, Hàng Bạc, Sinh Từ, Chợ Hôm, Cầu Dền, Cầu Giấy... Tất cả ba mươi sáu phố phường như những đàn bà góa. Trên mình tôi, những vết chiến đấu còn đó. Cuộc chiến đấu đã lay tôi đến tận gốc, nhồi nặn thân tôi đến tận gốc, nhồi nặn thân tôi một cách đớn đau, sung sướng, như một dây đàn dãy dụa dưới tay một nhạc sĩ thần.
Cái sân khấu này đã được biết bao màn lý thú, say sưa với sống chết, ngây ngất với hy sinh! Ôi, bãi chiến trường giữa những tàu điện, cửa nhà; bãi chiến trường mà cửa nhà cũng làm lính. Tôi sướng ran cả đường nhựa khi thằng giặc Pháp rơi máu xuống như mưa. Nước hồ của tôi ghê lên như những hàm răng được ăn trái chua, khi những con dao đâm phập vào cổ những thằng giặc lợn. Cây của tôi ngã xuống ầm ầm, thảo lòng như những trái chín. Đường của tôi khoái trá cày lên, chạy đuổi giặc mà gãy cả mình. Dân chúng đắp lũy, đào hào khắp phố của tôi, đục tường nhà này sang nhà khác để chở che bộ đội thoắt ẩn thoắt hiện luồn lách tập kích, chặn đứng lại cái dã man, bạo tàn muốn nuốt chửng, ăn sống nuốt tươi cả Hà Nội. Veo! Veo! Tiếng đạn đi sướng tai, như một mũi dùi xoáy vào không khí. Rầm, rầm! Rầm, rầm! Chơi từng trận với lũ xe tăng hóa dại như trâu.
Ôi! Sáu mươi ngày đêm kỳ ảo, cái thân ưỡn ẹo từ xưa của tôi được ra hẳn ngoài lề, sống cái đời táo tợn khác hẳn, khác hẳn. Những vết thương chưa lành trên mình tôi, tôi còn chữa làm gì nữa! Tôi giữ trên mình tôi một cách ghen tuông ngây dại cái kỷ niệm sướng run như chết của cuộc chiến giữa quỷ sứ với con người.
Bãi chiến trường đã chuyển đi. Hẹn cái chết cho giặc ở nghìn nơi khác. Nhưng Hà Nội giờ đây đứng trơ trơ như một bờ bãi mà ngọn triều sinh động đã rút đi rồi. Tội nghiệp cho lòng ta biết bao nhiêu. Nhớ triều Hà Nội biết bao nhiêu!
Tôi nhớ tất cả thanh niên, cái hồn Hà Nội nhất của tôi. Con trai đi hết còn ai như những ánh dương ở giữa Hàng Gai, Hàng Bạc, còn ai miệng mềm nhí nhảnh, tay chân nhanh nhẹn, cái áo công tử trước ngày Cách mạng đã đổi thành những áo tự vệ sao vuông, bộ đội Cụ Hồ, sao tròn vẫn còn bảnh bao xếp nếp, thành những áo cộc tay, quần cộc ống, những y phục cần lao, giản dị vẫn đượm vẻ phong lưu.
Những thiếu nữ cũng đi, hết bông hoa của phố xá.
Tôi nhớ trăm nghìn vẻ, tôi nhớ tôi mặc chiếc áo đẹp của ngày hội, cờ đỏ sao vàng phấp phới trên mình như đầy cánh bướm. Tôi nhớ tôi đeo hoa tai đèn như vạn chiếc sao xòe năm cánh mà dân chúng của tôi sướng phởn trong lòng nói mãi: Cách mạng! Cách mạng! Tranh đấu, Tranh đấu! Cái quảng trường Nhà hát lớn, em đã hết khóc hay chưa? Những lần nào em phập phồng như một cái ngực thở không kịp khí trời, vì dân Hà Nội đông quá đến nhìn mãi lá cờ đỏ sao vàng to quá, rộng quá!
Thủ đô! Thủ đô! Dân tộc Việt Nam nhảy nơi chân của dân tôi, sướng nơi lòng phố của Thủ đô. Thủ đô! Thủ đô! Đầu tôi nặng trĩu khối óc của toàn quốc, mỗi dáng điệu, mỗi màu sắc của tôi biểu dương nghệ thuật của nghìn trùng.
Tôi nhớ những ngày bình thường làm ăn mà sao cái gì cũng Hà Nội quá. Người Cà Mau, người Lạng Sơn, người Nghệ Tĩnh đến giữa khoảng Hàng Bông, Hàng Đào là người Hà Nội. Trái cây, ngọn rau, miếng bánh từ Thượng Du, Hạ Du đã qua mấy cửa ô đi vào phố phường, cũng thành món quà Hà Nội rồi. Phu xe cũng Hà Nội, em bán báo cũng Hà Nội. Cái cây Hà Nội, đống rác cũng Hà Nội. Mà sao tất cả bây giờ chúng nó chẳng là gì cả. Mà sao tôi chẳng là gì nữa? Chỉ vì một cái gì đó đã bay đi.
Nhưng tôi nhớ nhất, vách của tôi triền miên thương nhớ, nhà cửa tôi đóng cửa nhớ nhung, đường của tôi cung kính trầm ngâm. Tôi góp hết cả cái lực còn thừa nhớ Hồ Chủ Tịch. Vị cha già đi qua mấy phố như một vệt điện, dân chúng thu hút theo sau. Tình yêu của dân chúng là tình yêu của biển, chung quanh Cụ Hồ, dân chúng gầm gầm như sóng, xô nhau từng đợt, thở như một cái biển dưới mặt trời chòm râu. Tiếng nói của Cụ, ai mà quên được. Chung quanh dinh Chủ tịch, lòng dân Thủ Đô làm thành một vùng yêu quý. Hà Nội như đứa con được có phúc hơn cả, được ở với Hồ Chủ Tịch luôn. Hà Nội như những cánh hoa to, hồng tươi xếp xung quanh Hồ Chủ Tịch như cái nhị sen vàng. Cụ Hồ đi ra với toàn dân. Một nhóm người lơ thơ lạc lõng chúng tôi sống trong vùng bị địch chiếm mà lương tri còn chưa bị vẩn đục vẫn còn nhớ mãi hình ảnh của Người, tiếng nói của Người từ bao lơn Nhà Hát lớn ngày nào vẫn còn thiêng liêng mãi mãi cho đến khi Người trở về.
Hà Nội nhớ lắm thay!
Chợ Đồng Xuân bất hủ với trận đánh trắng lóe của con dao Hà Nội đâm vào thịt mỡ thực dân. Chợ Đồng Xuân góa gung nằm đó. Hàng Đào hết là Hàng Đào. Hàng Thiếc không còn nghe tiếng thiếc. Hồ Gươm nhớ Hồ Hoàn Kiếm mỗi chiều tấp nập bao nhiêu khi nước ấm quốc kỳ. Nào đâu giai nhân tài tử? Mà Lãng Bạc cũng thương nhớ Hồ Tây!
Tôi nhớ tiếng ca còn dội mãi dưới tán cây. Thôi còn đâu tiếng hát của tôi nữa. Con Sơn Ca trong lồng có bao giờ còn hát. Tiếng hát của tôi đã gửi tất cả ra ngoài.
Tôi nhớ hữu ảnh, tôi nhớ vô hình. Góc phố, ngõ hẻm của tôi không còn một trăm thứ quà, tôi nhớ hàng nghìn sách báo, tôi nhớ muôn nghìn cái nhớ, tôi nhớ một vạn con chim nhi đồng...
Tôi lại nhớ cảnh đại gia đình sum họp ở ngoài kia, gần ngay vẹn cạnh mà một nhóm con lạc mẹ chúng tôi thì lơ thơ, lủi thủi ở trong vó giặc, nhìn lên trời xanh, tìm bóng cờ đỏ sao vàng.
Chúng tôi hối hận sao không rủ nhau đi từ trước, đi từ lâu, lướng vướng làm chi, dại dột làm chi, tiếc nuối làm gì, mà đến nỗi ở cùng với giặc. Có xa cách mẹ, mới biết lòng con.
Chúng tôi ở lại đây, phố lẫn với người, phố nhìn người mà thương, người nhìn phố mà chạnh!
Hà Nội còn đẹp làm gì nữa!
Vắng chàng, tô điểm phấn hồng với ai?
Vắng thanh niên, vắng dân chúng, phố xá không thèm mở con mắt, hé hàm răng. Hà Nội ở trong vó giặc. Nhưng, nào Hà Nội nào có ở đâu. Chúng nó bắt sao được Hà Nội! Chúng tôi đình công tất cả. Cây cối đình công không nở hoa ra trái... Lá liễu đình công không thướt tha. Con người đình công không cười nói. Tất cả biểu tình chán ghét...
Hồng ngâm chuột vọc, mình ngọc ngâu vầy
Nhưng Hà Nội có còn hồng ngâm, mình ngọc nữa đâu?... Nhà cửa mếu máo như những bà lão. Đường sá thê lương như đám ma. Cái nghĩa địa này là nơi bọn cú quạ Việt gian họp cùng bọn hổ sói giặc Pháp ăn hiếp một đàn bồ câu căm tức đến lạnh lùng.
Thủ Đô đã ra đi!
Chúng tôi mừng rỡ nhất!
Cái bã còn nhả lại, nhưng hết cả hương thơm, mật ngọt đã về với nước nhà! Thủ Đô đi ra gần đây, ra đi khắp cả.
Tiếng nói, phải gần Thủ Đô vừa đem tấm lòng tổ quốc ra khắp Giang sơn. Hà Nội vẫn lắng tai nghe. Thủ Đô là nơi có người Thủ Đô, người Hà Nội ở đâu, Hà Nội ở đó. Hồn Việt Nam ở đâu, Hà Nội ở theo. Thủ Đô là tim gan đầu óc. Thủ Đô là Dân tộc. Thủ Đô là Cụ Hồ.
Hà Nội đứng dậy lặng lẽ không thèm nói gì.
Nhưng Hà Nội vẫn run giận ở dưới móng giặc.
Chúng bay đợi chờ chôn sống! Đường phố này vẫn sôi ở dưới bụng, một ngày nó sẽ trào lên! Khe phố, lỗ cống vẫn bí hiểm. Liên Khu 1 vẫn ngang nhiên ấp ủ một chương trình.
Hà Nội, Hà Nội đây, xin kính chúc các chị em thị thành toàn quốc; xin kính chúc mỗi làng, mỗi núi, mỗi rừng. Tôi nuôi lấy sức, tôi biết đợi chờ! Đàn chẳng lên cung, nhưng sắp sẵn để hòa vào nhạc lớn. Nhà của tôi sẵn sàng đổ một lần nữa, nhóm người của tôi sẵn sàng chết một lần nữa, để đến ngày Hà Nội trở về, với Thủ Đô, với Cụ Hồ, với thành công, với người Hà Nội".
3-8-1947 . Theo Đặc san Cứu quốc Kháng chiến số tháng 9-1947 |