Lê Vĩnh Hòa - vẫn còn đó với trang viết của anh
10:35', 7/10/ 2004 (GMT+7)

Báo Giải phóng Tây Nam Bộ số Xuân Bính Ngọ 1966 đã đăng một truyện ngắn "Người tỵ nạn" khá thú vị. Chuyện kể về một tên trưởng chi thông tin khu quận Mỹ Xuyên "có bộ mặt tai tái như đàn bà đau máu" được tên giám đốc chiến tranh tâm lí của Sài Gòn ngụy đề cao là người có nhiều khả năng và có sáng kiến về tuyên truyền, hơn hết những cán bộ tâm lý chiến mà hắn đã từng biết. Anh ta cũng không ngờ "cái nghề hát Sơn Đông mãi võ, chuyên nói phét để bán cao đơn hoàn tán trước kia" lại "giúp cho nghiệp vụ thông tin chính phủ cộng hòa đến như vậy". Hắn không thích cái kiểu thông tin "hằng ngày chiếc xe thông tin đi rao: tháng này có 2000 Việt cộng về với "Quốc gia", rồi tháng khác có 1000 ngàn dân trốn khỏi vùng cộng sản. Ai mà tin, nếu chẳng thấy mặt mũi cụ thể ra sao". Thế là phải có sáng kiến cụ thể thôi. Và chính trưởng chi thông tin Mỹ Xuyên đề ra và thực hiện sáng kiến ấy. Hắn tổ chức một lễ báo cáo về những người hắn chiêu hồi được, những ai đã bỏ trốn vùng cộng sản về với quốc gia cho "quan khách" là cố vấn Mỹ và bà con - bị lính lùa đến dự xem mặt. Những tên chiêu hồi, những người dân bỏ trốn vùng cộng sản trá hình đó chẳng ai khác hơn là bọn lính tráng giả danh. Hắn tưởng sẽ qua mắt mọi người. Ai dè, đúng lúc hắn đang tâng bốc với quan thầy Mỹ, thì một người trong "đội hình" chiêu hồi đó, bị một bà bán bún phát hiện. Chẳng là tên ấy - ông đội Rổ - đã thiếu tiền bún của bà, hắn "hứa đầu tháng lĩnh lương trả rồi không chịu trả". Kết thúc câu chuyện là từ một cuộc "đại lễ" đã biến thành cảnh hỗn loạn: tiếng quát tháo của cảnh sát, tiếng cãi cọ của người đàn bà, tiếng chửi rủa tục tằn… "Chi trưởng thông tin Mỹ Xuyên và các quan thầy sượng sùng không bút nào tả xiết" như tác giả đã viết.

Câu chuyện "Người tỵ nạn" trên đã khẳng định vị trí của tác giả của nó - Lê Vĩnh Hòa - trong dòng văn học yêu nước và tiến bộ thời tạm chiếm Mỹ ngụy, góp thêm tiếng nói đấu tranh chống xâm lược Mỹ và tay sai, thống nhất nước nhà.

Lê Vĩnh Hòa tên thật là Đoàn Thế Hối, sinh ngày 6-10-1932 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ (Bình Định) và hi sinh vào ngày 7-1-1967 tại Hậu Giang trong một trận đánh. Anh theo cha vào sống ở xã Vĩnh Hòa (Rạch Giá- Hậu Giang) từ nhỏ. Có lẽ mà vì thế văn thơ anh kí bút danh là Lê Vĩnh Hòa. Anh bắt đầu viết văn làm thơ từ những năm 50 của thế kỷ trước. Những bài thơ, truyện ngắn của anh đầu tiên là ca ngợi sản xuất nuôi quân, ca ngợi du kích bộ đội, và tham gia công tác thuế nông nghiệp.

Truyện ngắn đầu tay của anh là "Vỏ cà rem" đăng trên báo Nhân loại. Từ đó, báo Nhân loại, Bông lúa… ở Sài Gòn đã thấy xuất hiện đều đặn, hầu như tuần nào cũng có, những truyện kí, tùy bút, thơ… của anh.

Những bài báo, truyện thơ của anh xuất hiện ngay trong lòng quân địch kiểm soát gắt gao. Thời kì này bọn Mỹ Diệm thường phạt vạ những tờ báo tiến bộ, tống giam những nhà văn, nhà báo muốn bảo vệ văn hóa dân tộc, muốn thống nhất nước nhà. Vậy mà Lê Vĩnh Hòa bằng tài trí của mình, đã lách qua được lưỡi kéo gắt gao, đưa ngòi bút đấu tranh vạch trần bộ mặt thật của chúng. Anh kêu gọi lòng yêu nước của quần chúng, tố cáo những cuộc đàn áp đẫm máu.

Truyện của anh đã phản ánh cảnh sống cơ cực của người dân lao động trong vùng đô thị tạm chiến cũ. Đó là những người phu khuân vác đang đau ốm cũng phải bò dậy ra bến tàu kiếm vài chục bạc trong những ngày giáp tết để rồi phải gục xuống vì ho ra máu (truyện Lúc chiều xuống). Đó là cảnh những em bé mồ côi sống đói rách trên những đường phố (truyện Đôi bạn). Cuộc chiến tranh phi nghĩa đã gieo rắc khổ đau xuống hàng triệu sinh linh, giết chết ước mơ giản dị của một em bé gái đang tuổi thanh xuân qua truyện ngắn Chiếc áo thiên thanh, xé vụn hạnh phúc gia đình vào trong biển máu ở truyện Tiếng hú giữa rừng khuya. Âm mưu đồi trụy lớp trẻ, giết chết nghề thủ công cổ truyền cũng được Lê Vĩnh Hòa nói đến một cách tế nhị và sâu sắc ở truyện ngắn Trăng lu, Vắng bóng.

Truyện của anh ngắn gọn, cô đọng, kết hợp tính trữ tình và hài hước. Ngòi bút của anh khi viết về bọn địch đã châm biếm không thương tiếc. Truyện "Người tỵ nạn" đã cho ta thấy ngòi bút rất hóm hỉnh và sâu cay của anh. Nó thành vũ khí đấu tranh với quân địch. Khối lượng tác phẩm của Lê vĩnh Hòa trong 4 năm sáng tác là 100 truyện ngắn và 10 bài thơ. Nhìn chung, nói đến Lê Vĩnh Hòa là nhắc đến truyện ngắn của anh, và ở truyện "Người tỵ nạn" đặc sắc ở trên.

Như con người của anh, những bài thơ của anh đã phần nào cũng nói được tâm tình của anh. Thơ của anh đưa anh trở lại với những kỷ niệm ngày xưa của tuổi học trò với trường xưa, với bạn bè. Từ nơi đó, giúp anh hiểu thêm về cuộc đời rộng lớn ngoài kia:

Một bước ra đi khỏi cổng trường

Là đời hiểu nghĩa: gió, mưa, sương

Vở đời mở rộng muôn trang mới

Gai góc phủ trên vạn dặm đường

(Ngày xanh)

Và từ việc hiểu, thông cảm với cuộc đời, anh lại đứng về phía những con người đau khổ, vì chiến tranh mà cảm nhận cảm nhận về mùa xuân:

Xuân có đẹp gì trong máu lệ,

Khi đời chưa dứt chuyện đao binh

Đêm tàn chưa biến ngày chưa dậy

Nhân loại chưa ca khúc thái bình

Thì xuân đã đến, xuân chưa đến

Mai chẳng vàng tươi, cúc chẳng xanh

(Xanh nhân loại)

Lê Vĩnh Hòa hy sinh ở mặt trận miền Tây Nam Bộ lúc 34 tuổi, khi tuổi đời còn trẻ, thơ văn đang độ sung sức. Những trang viết anh để lại giúp cho người đọc nhận chân ở anh một hồn thơ dào dạt, một trí tưởng tượng phong phú. Đó là những trang viết vẽ nên cuộc sống và chiến đấu của con người miền Nam: chịu đựng gian khổ, lạc quan tin yêu vào ngày mai của dân tộc. Văn thơ của anh đã thấm đẫm giọng thiết tha trữ tình, pha lẫn châm biếm, dí dỏm của người bình dân Nam Bộ.

Đọc Lê Vĩnh Hòa, người ta thấy toát lên ở đây chất huyền ảo của sự tích và truyền thuyết mà dân ta tạo dựng nên bằng cuộc chiến đấu sống còn của mình. Nó sống mãi trong kí ức của mọi người và như thấy Lê Vĩnh Hòa vẫn còn ở đâu đây với những trang viết của anh.

. Trần Xuân Toàn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hà Nội nhớ Hà Nội   (06/10/2004)
Thời sự Văn nghệ   (05/10/2004)
Mỹ thuật Bình Định - Nhìn cận cảnh   (05/10/2004)
Đợt phim kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô   (04/10/2004)
Thơ Phan Bùi Bảo Thy   (03/10/2004)
Vũ Trọng Phụng - những tác phẩm thất lạc mới "hồi hương"   (01/10/2004)
Dựng Cội nguồn là cả một thử thách   (01/10/2004)
Người sáng tạo điệu hát "Vọng Kim lang"  (30/09/2004)
Sự ra đời của hai ca khúc về Bình Định   (30/09/2004)
Tân Dã đồn - "đứa con đầu lòng" của Đào Tấn?   (28/09/2004)
Thơ Đào Đức Tuấn   (27/09/2004)
Đinh Xăng Hiền - Nhất sinh trung trực   (27/09/2004)
Khuê các anh hùng - Lai lịch và tâm sự Đào Công  (26/09/2004)
Cái bánh dẻo tròn  (24/09/2004)
Cái bánh dẻo tròn   (24/09/2004)