Những kỷ niệm về nhà thơ Xuân Diệu
10:28', 11/10/ 2004 (GMT+7)

Trong công việc, tôi có nhiều dịp gặp nhà thơ Xuân Diệu, nhưng do mặc cảm trước một nhà thơ lớn nên không dám quấy quả ông nhiều và vì vậy mà có thiệt thòi lớn: ít được ông dạy dỗ chỉ bảo, ít có những kỷ niệm thật riêng với ông. Tuy vậy tôi cũng có những kỷ niệm đáng nhớ, những bài học, những lời khuyên chân tình trực tiếp và gián tiếp của ông.

Khoảng những năm 1961-1962, Xuân Diệu về thăm huyện Ý Yên (Nam Ninh) và đến nói chuyện với thầy trò trường cấp II chúng tôi. Hội trường nhỏ nên bọn trẻ con học đầu cấp chúng tôi không được vào nghe, đành đứng thập thò bên ngoài nghe trộm. Phần không hiểu gì, phần luôn luôn bị các anh trực ban đuổi nên bây giờ tôi chẳng nhớ gì. Chỉ nhớ đó là một người thấp, đậm, ngoài 40 tuổi, đeo kính trắng, tóc xoăn, đầu hay lúc lắc. Đó là lần đầu tiên tôi được trông thấy một nhà thơ bằng xương bằng thịt mà lại là một nhà thơ lớn. Đối với một thằng bé nhà quê ở vùng đồng chiêm trũng thì ông là một thần tượng lớn, đã gợi lên bao nhiêu khát khao, hoài bão văn chương.

Bẵng đi gần chục năm, năm 1969 khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp chuyển từ nơi sơ tán ở Đại Từ (Thái Nguyên) về vùng Ba La (ngoại vi thị xã Hà Đông). Khoa có tổ chức cho cán bộ giảng dạy và lớp văn 4 chúng tôi nghe nhà thơ Xuân Diệu nói chuyện thơ. Tôi nhớ địa điểm là rạp chiếu bóng của thị xã Hà Đông. Tôi rất ngạc nhiên và lúc đầu còn lấy làm khó chịu nữa khi thấy ông bắt kê lại bàn ghế, bục đứng nói chuyện của ông, nhưng về sau thấy ông hoàn toàn có lý với vị trí được kê lại mọi người nhìn rõ ông nhất và ông cũng có thể nhìn rõ những người mà ông nói chuyện. Tôi cũng không quen cách nói thẳng thắn của ông khi ông dặn: Khi nào hay thì phải vỗ tay, vỗ tay thật to. Và trong lúc nói chuyện ông bộc bạch chân tình: "Tôi sai thì tôi đã kiểm điểm rồi, còn thơ tôi hay (ý ông nói thơ trước cách mạng của ông) thì phải bảo là thơ tôi hay chớ!". Bây giờ thì không sao, nhưng lúc ấy nói như thế là khá bạo. Còn điều này thì tôi không được chứng kiến, chỉ được nghe nói lại: Khi đi nói chuyện ở các tỉnh, địa phương làm cơm chiêu đãi ông, ông dặn: Tôi ăn được thịt gà và uống được bia! Những năm còn ít tuổi thấy buồn cười và kỳ kỳ, nhưng thời gian qua đi tôi càng thấy quý sự thẳng thắn, khẳng khái ở ông - mà phải bản lĩnh, tự tin thế nào mới thẳng thắn, khẳng khái được chứ!

Một lần (vào khoảng 1981-1982) chúng tôi đang ngồi tán gẫu tại trụ sở báo Văn nghệ (17 Trần Quốc Toản, Hà Nội) thì nhà thơ Xuân Diệu đến. Tôi nhớ hôm đó có nhà thơ Bế Kiến Quốc, Vũ Xuân Hoát, tôi và một vài người nữa. Trong lúc nói chuyện tôi nửa đùa nửa thật hỏi Xuân Diệu: "Thưa anh, anh đã lớn tuổi mà sao anh làm thơ tình vẫn hay thế?". Ông lúc lắc đầu: "Chuyện! Các cậu yêu thương lấy vợ, đẻ con, rồi còn… ngoại tình nữa, làm sao thơ tình hay được. Còn mình không làm tình được, chỉ nói tình thôi, thì thơ tình của mình phải hay chứ. Vả lại tình yêu không có tuổi, nhà thơ cũng không có tuổi". Ông cũng nửa đùa nửa thật nói lại, khi đó tôi không để ý, nhưng về sau thấy ân hận, vì đã vô tình gợi lại nỗi bi kịch, nỗi bất hạnh lớn trong đời tư của ông. Đồng thời tôi cũng nhận rõ thêm một điều: người nghệ sĩ càng khát khao bao nhiêu, càng có cơ hội thành công trong sáng tạo

Lần cuối cùng tôi gặp riêng Xuân Diệu, nói chuyện nhiều với ông là một buổi sáng năm 1983. Khi đó tôi được Hội Văn nghệ Lai Châu nhờ sưu tầm, tuyển chọn những bài thơ viết về Điện Biên Phủ để in thành tập nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên. Tôi biết Xuân Diệu có 2 bài thơ về Điện Biên Phủ là "Cái ngày không quên ở Điện Biên Phủ" và "Mộ Bế Văn Đàn" nên đã nhờ người nhắn ông chép cho, hẹn ngày đến lấy. Đúng hẹn, tôi đạp xe đến nhà ông ở Điện Biên Phủ, nhưng nhà thơ nọ đã quên nhắn, thành ra Xuân Diệu chưa chuẩn bị. Tôi đành mượn tập thơ có in 2 bài trên về chép, Xuân Diệu mở tủ sách, ngần ngừ cầm tập thơ đưa tôi, rồi nghĩ sao ông lại nói: "Thôi thế này, thời gian anh không có nhiều mà chắc em cũng vậy, nên em ngồi tại đây chép luôn đỡ công hôm sau phải đem sách lại trả anh". Tôi nghe cũng có lý nên đồng ý, nhưng khốn nỗi chỉ đi tay không đành xin ông mấy tờ giấy. Xuân Diệu đưa cho tôi mấy tờ giấy một mặt và thanh minh: "Anh chỉ dùng giấy một mặt cho tiết kiệm". Tôi lại hỏi mượn Xuân Diệu cây bút. Đến đây thì Xuân Diệu nhăn mặt: "Tôi không hiểu các cậu bây giờ thế nào, tài tử quá. Đi làm việc mà giấy không mang, bút không có". Tôi hơi nóng tai nhưng ngẫm ra ông nói đúng quá. Chừng như thấy mình quá lời, ông vỗ vai tôi ôn tồn: "Các em còn trẻ, cần rèn luyện tính cẩn thận, chu đáo, có thế mới làm việc được, mới đi xa được". Không phải ông chỉ khuyên người khác mà ông cũng rất nghiêm khắc với mình. Chỉ xin nói về bài thơ "Cái ngày không quên ở Điện Biên Phủ" gồm 75 câu mà ông làm từ 1960 đến 1964 mới hoàn thành. Toàn bài không phải câu nào cũng hay, nhưng có những câu thật lay động, tràn đầy niềm tự hào về đất nước:

Hãy dừng lại ở phút này, hỡi trái tim ta

Ngươi ngừng đập, hay đập nhanh muốn vỡ

Cũng chỉ để đắm say trong vạn thuở

Tổ quốc ta anh hùng

Lừng lẫy ở Điện Biên

Tháng 8-1985 chúng tôi họp Hội nghị những người viết văn trẻ tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, nhưng không thấy ông đến dự, mọi người đều ngạc nhiên. Ban tổ chức thông báo, ông bị bệnh đột ngột phải đi cấp cứu, bài ông chuẩn bị phát biểu có người đọc thay. Vẫn là những lời dặn dò chân tình, những nhận xét, đánh giá tài hoa và uyên bác, nhưng đấy là những lời cuối cùng ông nói với những người viết văn trẻ. Bởi đó cũng là lần vào bệnh viện cuối cùng của ông.

. Theo Trần Bảo Hưng (Đại Đoàn Kết)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ về Hà Nội  (10/10/2004)
Trung thu ở làng   (08/10/2004)
Lê Vĩnh Hòa - vẫn còn đó với trang viết của anh  (07/10/2004)
Hà Nội nhớ Hà Nội   (06/10/2004)
Thời sự Văn nghệ   (05/10/2004)
Mỹ thuật Bình Định - Nhìn cận cảnh   (05/10/2004)
Đợt phim kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô   (04/10/2004)
Thơ Phan Bùi Bảo Thy   (03/10/2004)
Vũ Trọng Phụng - những tác phẩm thất lạc mới "hồi hương"   (01/10/2004)
Dựng Cội nguồn là cả một thử thách   (01/10/2004)
Người sáng tạo điệu hát "Vọng Kim lang"  (30/09/2004)
Sự ra đời của hai ca khúc về Bình Định   (30/09/2004)
Tân Dã đồn - "đứa con đầu lòng" của Đào Tấn?   (28/09/2004)
Thơ Đào Đức Tuấn   (27/09/2004)
Đinh Xăng Hiền - Nhất sinh trung trực   (27/09/2004)