Đọc sách:
Trên những lộ trình văn hóa
10:54', 12/10/ 2004 (GMT+7)

Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành* là công trình đầu tiên về văn nghệ dân gian ở Bình Định được Chính phủ tài trợ xuất bản. Tác giả Mai Thìn đã dành nhiều tâm huyết cho cuốn sách "như một niềm tri ân với mảnh đất quê hương…".

Sách in đẹp, trang trọng nhưng tên sách không mấy "bắt mắt"; cái chữ gợi cảm giác một thứ hương ước làng xã nào đó, và với không gian chật hẹp này, chỉ một số vùng nghìn năm văn hiến phía bắc mới có những tầng, lớp văn hóa đáng kể. Nhưng giở lướt mục lục thì thấy bất ngờ: chương Một số di tích lịch sử văn hóa đã có tới 12 cái tít ấn tượng, chẳng hạn: Văn miếu - đền văn của Bình Định, Chùa Thập Tháp, Núi Mò O, Tháp Mẫm qua một số phù điêu, Phủ thành Quy Nhơn,… Chợt nhớ Bình Định cũng là "đất Vua", cũng "Quy Nhơn Thang Mộc địa"; và xã Nhơn Thành ở bên thành Hoàng Đế, thành Đồ Bàn cũng nghìn năm gió mưa và trầm tích!

Cấu trúc 6 chương và phụ bản sách theo kiểu sưu khảo truyền thống về một vùng đất: từ đất nước con người, tiến trình phát triển đến những mảng văn hóa- không gian và thời gian, lịch sử và địa lý luôn đóng vai trò quan trọng (có khi quyết định) đối với việc tìm hiểu, nghiên cứu các bản sắc văn hóa và ngược lại. Mối quan hệ tương hỗ này khiến cho quá trình chắt lọc, hệ thống hóa những vật thể, phi vật thể liên quan đến đời sống con người giúp cho cuốn sách về văn hóa lại hiện lên dung mạo thực sự một vùng đất rất đáng quan tâm.

Ngoài những di tích lịch sử văn hóa cụ thể và mảng văn học dân gian sưu tầm ở Nhơn Thành, cuốn sách có 2 chương khá dày dặn về một số tín ngưỡng, phong tục tập quán, nhà cửa, phong thổ và những nghề kiếm sống cơ bản ở địa phương này, trong đó trừ làng nón Gò Găng nổi tiếng, những mục khác như: tục thờ cúng tổ tiên, cưới hỏi, việc ăn mặc, nhà cửa, các nghề làm bánh tráng, làm bún, làm cốm, nấu rượu… đều hòa vào những đặc trưng chung của Bình Định. Nên, Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành ngoài những đặc sắc riêng đã có nét tương đồng hiển nhiên trong huyện, trong tỉnh và cả khu vực. Đây là ưu thế của người làm sách và cũng tiện dụng cho người tìm hiểu, tra cứu những vấn đề văn hóa như: kiến trúc nhà lá mái đặc sắc, hội bài chòi, hò giã gạo, hát thứ lễ…

Tác giả Mai Thìn đã dành nhiều tâm huyết cho cuốn sách "như một niềm tri ân với mảnh đất quê hương…". Anh đã sưu tầm được nhiều nguồn tư liệu phong phú, quý giá, thú vị. Chẳng hạn, ngoài việc mô tả rất tỉ mỉ nhà cặp, nhà lá mái, tác giả đã dụng công đi sâu vào thực tế dân sinh ở khía cạnh tâm linh chung quanh việc tạo gia như chọn cuộc đất, lễ động thổ, đổ nền nhà, dựng cửa, gác đòn dông, chọn hướng bếp, quy hỏa nhập trạch… Mỗi việc đều có những bài vần vè cụ thể dễ thuộc dễ nhớ, những bài cúng bài bản. Muốn chọn đất cất nhà đã có bài "Nhị thập tứ kị" 40 câu lục bát khá độc đáo, kết thúc bằng bài ca kiêng 3 ngày nhà mới, thủy chung có hơn chục bài thơ dân gian trong mục nhà cửa. Tác giả đã dành gần 9 trang để truy tìm nguồn gốc, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Văn miếu trong việc "góp phần to lớn làm nên nguyên khí, làm nên nền văn hiến của tỉnh Bình Định" và với một niềm nuối tiếc sâu xa khi so sánh, đối chiếu với các văn miếu tỉnh bạn lập sau Bình Định: Khánh Hòa (đã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia), Bình Thuận, Hải Dương…, tác giả mạnh dạn khuyến nghị "khẩn trương khôi phục lại Văn Miếu để con cháu thấy được truyền thống trọng hiền tài của cha ông mà chăm lo sự học, đặc biệt là ý thức khuyến học đến từng dòng họ, từng gia đình làng xã nhằm nuôi dưỡng ý chí ham học hỏi của quê hương". Mấy truyền thuyết về Ao Dìm Chuông, Hòn đá chém, ngựa đá dưới lòng sông La Vĩ và tục thờ thần Thái Giám Bạch Mã… khiến cho vùng đất đầy di tích và phế tích này thoảng nét lung linh. Đây là tất yếu của hành trình tìm về nguồn cội sâu xa của ý thức tồn sinh, sự tiếp nối liên tục và đứt quãng của các thế hệ truyền đời với bóng dáng tiên hiền!

Mai Thìn là một nhà thơ nên cuốn sưu khảo được thể hiện khá nhiều cung bậc: lúc nhiều chất cảm kiểu tùy bút như Bên thành Hoàng Đế, khi thuần tư liệu rồi kiến giải, suy lý như Đình làng Lí Nhơn, Một số truyền thuyết lại là văn kể chuyện. Phần Phụ lục là thơ, nhạc, ảnh minh họa theo cách riêng của những thể loại này. Cuốn sách vì thế, có nhiều màu sắc.

Có một vài sai sót nhỏ như các số liệu về chiều cao tháp Phốc Lốc, Gò Lao trước sau không nhất quán hoặc người biên tập đã sửa lại toàn bộ phản gõ trong ngôi nhà lá mái thành phản gỗ rất đáng tiếc… nhưng nhìn chung, đây là cuốn sách tốt, có nhiều lợi ích thiết thực trong việc tra cứu và phục vụ đời sống.

Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành là công trình đầu tiên về văn nghệ dân gian ở Bình Định được Chính phủ tài trợ xuất bản. Thành công của tác giả có ý nghĩa kích thích những công trình khác đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện dần gương mặt một vùng đất có quá khứ dài đầy vang vọng như một thứ tiềm năng tinh thần không thể thiếu cho hành trình đi tới tương lai hôm nay.

. Lê Hoài Lương

* Đọc "Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành" của Mai Thìn, NXB Khoa học Xã Hội- 2004

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những kỷ niệm về nhà thơ Xuân Diệu   (11/10/2004)
Thơ về Hà Nội  (10/10/2004)
Trung thu ở làng   (08/10/2004)
Lê Vĩnh Hòa - vẫn còn đó với trang viết của anh  (07/10/2004)
Hà Nội nhớ Hà Nội   (06/10/2004)
Thời sự Văn nghệ   (05/10/2004)
Mỹ thuật Bình Định - Nhìn cận cảnh   (05/10/2004)
Đợt phim kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô   (04/10/2004)
Thơ Phan Bùi Bảo Thy   (03/10/2004)
Vũ Trọng Phụng - những tác phẩm thất lạc mới "hồi hương"   (01/10/2004)
Dựng Cội nguồn là cả một thử thách   (01/10/2004)
Người sáng tạo điệu hát "Vọng Kim lang"  (30/09/2004)
Sự ra đời của hai ca khúc về Bình Định   (30/09/2004)
Tân Dã đồn - "đứa con đầu lòng" của Đào Tấn?   (28/09/2004)
Thơ Đào Đức Tuấn   (27/09/2004)