Quách Tấn yêu quê hương Bình Định sâu nặng. Trong "Nước non Bình Định" của mình, ông dành hẳn một chương nói về "tánh tình" người Bình Định. Theo ông, người Bình Định phần đông tính tình chất phác, đôn hậu, chuộng khí tiết, trọng nhân nghĩa.
|
Tác phẩm Nước non Bình Định của Quách Tấn |
Ông cho rằng khái niệm tính tình có hai phần, tính là gốc, khó thay đổi, tình là ngọn, thường biến đổi. Người Bình Định có những đức tính rất tốt và quý như cương trực, chân thành, can đảm, cương quyết; biết nhẫn nhục, chịu đựng; hiếu khách, khách đến nhà càng lâu càng quý, không gà thì vịt đem ra đãi khách. Những tính tốt có thể kể đến nữa là tri ân, đã mang ơn thì luôn luôn lo trả ơn, trả được rồi còn nhớ mãi và tính hiếu nghĩa, thấy việc nghĩa là làm, nghe điều nghĩa là theo. Đặc biệt, người Bình Định ưa hài hước, châm biếm, bất kỳ ở tầng lớp nào, người Bình Định luôn luôn có nụ cười mim mỉm trên môi và câu chuyện "thọc lét" ở trong bụng.
Tình tuy thường thay đổi nhưng những phẩm chất trội vẫn tồn tại cùng thời gian, trở thành những giá trị tinh thần bền vững, làm nền móng cho những mối quan hệ xã hội lành mạnh. Theo Quách Tấn, người Bình Định ngoài xã hội lấy trung tín làm gốc. Ông lấy ca dao, tục ngữ để chứng minh:
Tham vàng bỏ nghĩa mặc ai
Lòng đây sông giải non mài vẫn nguyên
Hay:
Lời em nói ra
Bằng ba thề thốt
Như đinh đóng cột
Như rìu cốt vào cây.
Và lòng chung thủy xây trên nền tín nghĩa, người không tín nghĩa xã hội coi như người bỏ đi:
Chứng minh có đất có trời
Nói ra rồi lại nuốt lời sao nên.
Sự tôn kính hết mực của học trò đối với thầy và tình bằng hữu son sắt cũng là những phẩm chất tốt của người Bình Định.
Quách Tấn đặc biệt quan tâm đến quan hệ gia đình. Trong mối quan hệ này, người Bình Định lấy "hiếu thuận" làm nền. Lòng hiếu thuận thể hiện nhiều trong những khúc hát, lời ru cảm động:
- Ơn cha, nghĩa mẹ trìu trìu
Mưa mai lòng sợ nắng chiều dạ lo
- Ra đường vật lạ, của ngon
Mua dâng thầy mẹ lòng con thỏa lòng.
Tuy đạo hiếu không thiên lệch nhưng tình người con đối với mẹ thường nồng nàn, thấm thía hơn vì mẹ gần gũi với con cái hơn từ lúc sinh ra, bú mớm, ẵm bồng:
- Mẹ già như chuối chín cây
Gió rung mẹ rụng, con rày mồ côi
- Cầm cần câu cá ngược xuôi
Nấu canh rau bợ mà nuôi mẹ già
Cũng trong quan hệ gia đình, anh em ruột thịt gắn bó, sống chết với nhau:
Rách lành đùm bọc lấy nhau
Gian nan chung chịu, sang giàu chung vui.
Trong quan hệ vợ chồng, cảnh gia đình êm ấm là mẫu lý tưởng của người Bình Định. Vợ chồng lúc sống với nhau trọn tình, lúc chết đối với nhau trọn nghĩa:
- Chồng như giỏ, vợ như hom
Đá vàng chung chạ, cháo cơm vui lòng
- Thề nguyền sau trước nhất ngôn
Sống nằm chung gối, thác chôn chung mồ
- Năm tiền một tấm tranh săng
Cũng mua cho đặng lợp lăng thờ chồng.
Bên cạnh những phẩm chất tốt, Quách Tấn còn đề cập đến những hạn chế trong tâm tính người Bình Định. Đó là người Bình Định thích an nhàn, ít tham vọng, làm đủ ăn đủ mặc, học hành viết thạo đọc thông là được, không cần lúa ngàn, tiền vạn, không mong bảng nhãn, trạng nguyên. Người Bình Định nặng óc địa phương, giàu lòng tự ái, hễ ai đụng đến làng mình, quận mình, tỉnh mình... thì nhiều khi không dằn lòng được; lại hay thù lâu, giận dai, nhiều khi trở thành thành kiến, cố chấp.
Trên đây là những phẩm chất của người Bình Định biểu hiện một cách đậm nét dưới con mắt của Quách Tấn. Quách Tấn chỉ dừng lại ở việc mô tả chứ chưa đi sâu vào phân tích nguồn gốc của những phẩm chất ấy. Điều đặc biệt quý báu trong thông điệp mà ông gởi đến mọi người là hãy nhận thức về chính bản thân mình, nhận chân bản thân để sống, để ứng xử trong các mối quan hệ xã hội. Hơn nữa, cách nhìn của Quách Tấn chính là một cách nhìn văn hóa, tức nhìn nhận con người Bình Định ở góc độ các giá trị tinh thần, điều này hết sức có ý nghĩa khi mà vấn đề bản sắc văn hóa, vấn đề con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội đang được đặt ra hiện nay.
. Ngô Hồng Sơn |