"Phiên bản" của Ninh Giang Thu Cúc
16:56', 15/10/ 2004 (GMT+7)

Tập thơ Phiên bản của Ninh Giang Thu Cúc (Nhà xuất bản Trẻ, 2004) ra đời đúng dịp chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, là món quà đầy ý nghĩa của một nhà thơ nữ Bình Định. Như vậy, đây là tập thơ thứ chín trong hành trang thơ của riêng chị, một điều mơ ước và khiến bao người làm thơ phải nể phục và ngưỡng mộ chị - một cây bút nữ.

Điều này lại càng ý nghĩa hơn khi chúng ta được đọc những vần thơ, những cảm nhận thi ca của người phụ nữ dành riêng cho giới mình: 45 bài thơ, 8 bài cảm nhận thơ. Bên cạnh đó là những bài thơ, những bài cảm nhận của người thân, thi hữu dành cho chị. Bởi vậy, có thể gọi Phiên bản là một tập tuyển để những tấm lòng gặp gỡ, để tôn vinh người phụ nữ Việt Nam. Ninh Giang Thu Cúc đã tri ân những người phụ nữ mà tất cả chúng ta cùng ngưỡng mộ từ xưa đến nay bằng một tấm lòng tri âm; tri ân người mẹ đã sinh thành một phiên bản Ninh Giang Thu Cúc với rất nhiều bài khiến ta cảm động vì tấm lòng Người - Con đã thấm thía và trải nghiệm tấm lòng Người - Mẹ. Không những vậy, ta còn bắt gặp rất nhiều bóng hình phụ nữ vô danh khác đã được soi chiếu qua tấm lòng nhạy cảm dễ xúc động của chị: một em gái cùng sinh hoạt trong chi hội từ thiện, một chị công nhân vệ sinh bình thường "tái tạo nét sạch đẹp cho những con đường phố"…

Tất cả những điều vừa điểm qua về Phiên bản cho ta thấy một Ninh Giang Thu Cúc rất nồng nàn với thơ, với đời, với mẹ; luôn tự hào về vẻ đẹp của những người phụ nữ và kiêu hãnh được làm một người phụ nữ.

Xin được đến cùng chị bằng một chút đồng cảm qua mảng thơ viết về Mẹ - mà ở đó tôi gặp được linh hồn của Phiên bản:

Một phiên bản với bao điều vui khổ

Xưa làm con nay làm mẹ nhiệm màu

                                    (Phiên bản)

Đọc Phiên bản của Ninh Giang Thu Cúc, tôi đã dừng lại rất lâu với mười hai bài thơ trong phần III của tập thơ này. Bắt đầu là Phiên bản với những kỷ niệm cùng người mẹ và khép lại bằng bài thơ Viết cho con, Ninh Giang Thu Cúc đã đưa chúng ta vào thế giới rất riêng của Tình Mẹ Con, trong những vọng tưởng về quê nhà đau đáu. Tôi đã nhận ra chị với một giọng ngọt ngào rất Huế khi được sống trong những ân tình quê mẹ:

Tìm dư hương thuở xa xưa

Tìm hình bóng mẹ sớm trưa bên thềm

Đường trần chân cứng đá mềm

Thương sao tiếng mẹ ngọt êm trưa hè

                        (Tiếng mẹ trưa hè)

Trong toàn bộ tập thơ, Ninh Giang Thu Cúc đã thể nghiệm nhiều thể thơ, nhiều giọng điệu khác nhau, nhưng khi chị trở về với lục bát và những tâm sự riêng tư, tôi mới thấy chị phát huy được điểm mạnh đầy nữ tính của mình. Hãy lắng nghe tiếng gọi Mẹ ơi! tha thiết của "con bé hổ ngươi" dạt dào bao thương cảm:

Bềnh bồng về nẻo quê xa

Mang giùm ta nỗi nhớ nhà mây ơi

Theo mây qua suối qua đồi

Qua bao ngõ ngách một thời ấu thơ

Sân nhà mẹ vẫn đứng chờ

Mắt treo bóng nắng mỗi giờ trường tan

Con còn mê mải lang thang

Tung tăng chân sáo đường làng rong chơi

Giờ về sân vắng mẹ ơi

Con mồ côi dẫu bạc trời tóc pha.

Chị đã nhiều lần thảng thốt cất lên tiếng gọi ấy trong nhiều bài thơ khác mà dường như vẫn chưa thỏa bao nỗi niềm như chính chị từng tâm sự:

Đã làm mẹ và đang làm bà sao vẫn xót xa thương những ngày thơ ấu bên mẹ hiền nũng nịu khóc đòi ăn… (Trông về quê mẹ)

Vâng, làm thân con gái lấy chồng xa, chị thấm biết bao lời ca dao ông bà ta truyền lại, bài thơ văn xuôi ấy thực chất là niềm thương nỗi nhớ "ruột đau chín chiều" của người con xa xứ. Sống trong hoài niệm, sống cùng tình mẹ nên chị không cần phải trau chuốt vần điệu câu chữ mà vẫn làm nên những câu thơ thật đẹp:

Mưa rơi trắng ngọn cau buồn

Trắng cây hoa mộc trắng vườn mai xưa

Mẹ hiền tóc trắng ngày mưa

Đợi con tan học canh trưa trước thềm…

                                    (Hoài niệm)

Chỉ chừng ấy thôi, ta gặp lại ngay hình ảnh xứ Huế mưa trắng mù hoài niệm và ngỡ như trong mưa cũng tan hòa màu tóc trắng của mẹ. Sắc trắng không hiện lên nhạt nhòa hư ảo và tan biến theo màn mưa mà đọng lại trong ta thật lâu nỗi bồi hồi như nối kết thời gian không gian cùng bóng mẹ: Mẹ hiền - tóc trắng - ngày mưa. Chị không cần nói nhiều thêm, người đọc cũng có thể hiểu tấm lòng thơm thảo của một người con.

Sẽ là thiếu sót nếu ta chỉ nói đến tấm lòng người con mà quên mất một Ninh Giang Thu Cúc với tấm lòng người mẹ. Bài thơ Viết cho con của chị sẽ cho ta một "phiên bản" thật đẹp của người mẹ hiền:

Ga buồn mẹ tiễn con đi

Khói sương hiu hắt chia ly hôm nào

Lá vàng gió cuốn lao xao

Cúi đầu từ tạ mắt trào giọt thương

Đất người một nắng hai sương

Quê nhà mẹ ngóng dặm trường bước con

Gai đời rướm máu chân son

Con bươn chải sống mẹ tròn mắt chong

An lành sớm tối cầu mong

Đá mềm chân cứng thong dong ngày về

Bao nhiêu cảm niệm của chị về mẹ ngày xưa như đang trở về trong phút giây biệt ly "ga buồn mẹ tiễn con đi" này. Suốt dọc hành trình của người con luôn dõi theo ánh nhìn của mẹ mỏi mòn trông ngóng, nguyện cầu. Tôi chợt ngẫm ra một điều hạnh phúc của những đứa con khi được đón nhận tấm lòng thơ của mẹ. Bài thơ chỉ có một lời nhắn "Đá mềm chân cứng thong dong ngày về", còn lại chỉ là nỗi lòng như "trào giọt thương" của người mẹ. Bao xót xa thắt lòng của Ninh Giang Thu Cúc khi nghĩ về con nơi "đất người" có lẽ sẽ giúp cho con chị hiểu tấm lòng người mẹ mà biết cách sống để vươn lên giữa cuộc đời. Tôi còn một thoáng băn khoăn trong ý thơ "mẹ tròn mắt chong" mà muốn sửa thành "mẹ mòn mắt chong" thì có lẽ trọn vẹn hơn. Nhưng tôi lại nghĩ khi viết cho con, chị đã không ý thức mình làm thơ mà đang làm mẹ. Tự thân những lời nhắn gửi đã là thơ, là tình vẹn tròn mẹ để lại cho con, đâu cần đến màu mè ngôn ngữ.

Phiên bản - một tập thơ, bao nỗi niềm!

Xin được kết lại bài viết này bằng lời thơ tri ân của bác sĩ Võ Phạm Trọng Nhân viết về người mẹ yêu kính của mình: "Cánh võng mềm/Tay mẹ, mẹ ơi/Con thầm gọi/Mỗi khi lòng thảng thốt/Cánh võng - nâng con trong vấp ngã cuộc đời". Ninh Giang Thu Cúc là người mẹ hạnh phúc biết bao khi có những đứa con dù đã trưởng thành vẫn hiểu và thương mẹ, vẫn cần vòng tay mẹ ôm ấp vỗ về nâng bước trên đường đời.

Phiên Bản - nồng nàn tình Mẹ!

. Trần Hà Nam

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ: Nguyễn Văn Dinh, Phạm Ánh, Hoàng Xuân Cảnh   (15/10/2004)
Người Bình Định trong đôi mắt Quách Tấn   (14/10/2004)
Thời sự Văn nghệ  (12/10/2004)
Trên những lộ trình văn hóa   (12/10/2004)
Những kỷ niệm về nhà thơ Xuân Diệu   (11/10/2004)
Thơ về Hà Nội  (10/10/2004)
Trung thu ở làng   (08/10/2004)
Lê Vĩnh Hòa - vẫn còn đó với trang viết của anh  (07/10/2004)
Hà Nội nhớ Hà Nội   (06/10/2004)
Thời sự Văn nghệ   (05/10/2004)
Mỹ thuật Bình Định - Nhìn cận cảnh   (05/10/2004)
Đợt phim kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô   (04/10/2004)
Thơ Phan Bùi Bảo Thy   (03/10/2004)
Vũ Trọng Phụng - những tác phẩm thất lạc mới "hồi hương"   (01/10/2004)
Dựng Cội nguồn là cả một thử thách   (01/10/2004)