Trong số các tác giả viết kịch bản thời phong kiến mà ta đã biết, không mấy ai có tâm sự phức tạp như ông Đào Tấn. Một nhà nho hay chữ, một ông quan thanh liêm, một bầy tôi quên mình vì ngôi báu… Riêng về mặt sân khấu thì đã có thể khẳng định được rồi: ông là một nhà viết tuồng tài năng số một của thời buổi phong kiến suy tàn.
Trong đêm đen phong kiến, các nhà nho viết kịch thường hay mượn chuyện nước ngoài để nói chuyện nước mình và cũng là để gởi gắm tâm sự, vì thế tuồng cổ của ta mang màu sắc ngụ ngôn răn đời. Đó cũng là một cạnh khía của tư tưởng: "Văn dĩ tải đạo".
Ông Đào cũng làm kịch theo lối ấy. Và "Trầm hương các" là một trường hợp. Nếu chúng tôi không nhầm thì nó là cái mô hình cung cấm thời Pháp thuộc.
Đào Tấn kể chuyện Trụ Vương mê Đát Kỷ, một câu chuyện chép trong "Phong thần" xưa, nhưng dưới ngòi bút của ông, Trụ Vương quên hết kỷ cương, một con người bất lực, chỉ biết hưởng lạc và mê gái.
Ở đây, ông tập trung ngòi bút, vạch mặt bọn yêu quỷ đội lốt người lành xuất hiện dưới cái vẻ "Kiều tư, mị thái" của một người đẹp, đáng yêu. Ông muốn kêu lên một tiếng kêu cảnh giác: "hãy coi chừng cái vẻ hiền lành như một con chiên của loài sói dữ! ".
"Trầm hương các" ra đời vào lúc phong trào Cần Vương đã hầu như tàn lụi, những nhà nho ưu thời mẫn thế thì rút về thôn dã, ở ẩn, còn bọn khuyển nho thì lục tục kéo nhau ra làm tay sai cho Pháp. Vua ta thì như những con bài, đế quốc nắm trên tay và bật lên mặt chiếu tùy theo mức độ cần thiết của hoàn cảnh lịch sử và xã hội đương thời. Với thân phận bù nhìn, mỗi ông vua thật cũng chỉ là một thứ Trụ Vương bất lực hưởng lạc và mê gái.
Tác giả mang trong lòng nỗi đau đời và nỗi giận lớn của các tác giả nho học đương thời nhưng ông lại có một cách riêng về bộc bạch nỗi đau và nỗi giận ấy của mình. Bởi vì phần lớn các tác giả học nho khác làm thơ, còn ông chủ yếu là viết kịch bản. Các nhà thơ buổi ấy, từ Nguyễn Quang Bích đến Sào Nam, phần lớn viết những bài thơ kêu gọi động viên. Thơ của họ mang tính chất lý sự hùng biện.
Ông Đào là nhà viết kịch. Ông kêu gọi đồng bào không chỉ riêng bằng những lời thơ hùng tráng mà còn thuyết phục mọi người bằng những hình tượng và hành động sân khấu sinh động tràn đầy máu tim ông: ông muốn gửi gắm tâm trạng, ông muốn làm một người quét rác, quét phăng đi những cội nguồn đau khổ của giống nòi.
Ông viết nhiều vở. Mỗi vở một tâm sự, một lời cảnh báo bọn quyền gian. Đúng hơn, đó là những tiếng nguyền rủa. Ông muốn chửi chủ trương quyền biến lấp lửng (mà thực chất cũng là đầu hàng) của bọn bầy tôi cao cấp, ông muốn nguyền rủa bọn ra mặt cam tâm bán nước và làm tay sai cho giặc. Mỗi vở đem đến cho người xem những hình tượng không thể quên được về những trung thần, nghĩa sĩ như Trương Phi, Hoàng Phi Hổ… những yêu nữ dâm dật như Đát Kỷ… những hôn quân như Trụ Vương.
Với "Trầm hương các", ông Đào đưa thẳng những hành động ti tiện lố bịch của một tên vua tay sai quen với rượu "sâm banh", "bít tết", "sữa bò", "đã say đắm quý nhân lại lân la quần tiểu", đến nỗi yêu quái lộng xảo ngay giữa chốn cung cấm. Ông viết "Trầm hương các" vào lúc lòng tin nơi đức sáng của đấng anh quân đã mất. Đó là vào lúc những tầng lớp tay sai mới đã lộ ra đầy đủ, với sự cam tâm yên phận sống vui vẻ trong cảnh vong nô mà quên hết cả mọi lệ tục tối thiểu phong kiến xưa. Họ đã quên thưa gửi "muôn tâu bệ hạ" mà lại học đòi cái thói "lạ" của phương Tây: "dám đạt Quốc trưởng", Quốc trưởng (Chef d’Etat) - một thứ lập lờ phong kiến nửa dân chủ.
Ông viết "Trầm hương các" bằng tất cả tâm sự của một nhà nho, của một ông quan muốn xắn tay áo lên lo việc nước.
Tác phẩm ấy gắn liền với sự chìm nổi của nước non mà vận nước lại gắn liền với con người cầm quyền: vua. Trong một chừng mực nhất định ở đây, ông cũng xác định được trách nhiệm, quy định được trách nhiệm của triều đình, của người đứng đầu cả nước. Ông chưa thoát khỏi thế giới quan phong kiến nhưng ông đã chân thành cất lên tiếng than bi thiết của một người dân Việt, một nhà nho Việt.
Đọc "Trầm hương các", xem "Trầm hương các" ta thấy một nỗi buồn xót xa quán xuyến vào từng lớp tuồng, y như nhựa quả thấm vào thịt quả.
Ngay cả cái đùa, cái khôi hài trong vở cũng buồn bã quá, xót xa quá. Bởi vì cái nơi nghiêm cấm, cả nước trông vào cũng đã biến thành một cái ổ quỷ dâm loạn, xấu xa mất rồi.
Ông rất đau, ông rất buồn nhưng đồng thời ông lại phải cười vì những hiện tượng đáng buồn nôn: Vua thì đang Tây hóa và đã quen với những mùi vị thực dân mang đến: Sâm banh, sữa bò, bít tết, cháo gà (một hiện tượng mà ở các vở khác, các nhân vật khác, chúng ta không thấy). Bọn địch ở bên cạnh thì lộng hành lần lượt, biến nhà vua thành một hình nhân bằng giấy, chỉ còn biết ăn chơi và vùi đầu vào các thú vui hèn hạ. Ông Đào không thể nào giữ thái độ nghiêm trang được nữa. Hơi văn hùng biện sở trường của ông bỗng chuyển sang một hơi văn trào lộng đả kích...
Do những hạn chế lịch sử nhất định, ông Đào không thấy hết những tội lỗi của vua, không thấy nguyên nhân chủ quan là quyết định, ông chỉ thấy bản chất tàn bạo của kẻ xâm lược, chỉ thấy nguyên nhân khách quan là tất cả động lực đẩy nước nhà và trăm họ vào con đường vong nô. Ông đã không phán xét vua, không hỏi tội người đẹp, ông chỉ muốn đánh yêu quái một trận cho thật hả lòng, hả dạ. Vì thế ông không theo bố cục tuồng cổ điển theo trật tự: "vua băng, nịnh-thoán, bà thứ mắc nạn, ông trạng bị vây…" (cần nhận thấy rằng, mặc dầu bố cục cổ điển ấy có những ước thức nhất định, nó đã từng sản sinh ra nhiều vở tuồng hết sức giá trị: "Sơn Hậu", "Tam nữ đồ vương"…). Ông đem vào tuồng một cống hiến mới: một bố cục phá cách, mang tính chất lãng mạn hơn. Tuồng mở ra, vua không chết mà lại say đắm sắc đẹp của một pho tượng gỗ, bà thứ không mắc nạn mà "bà thứ" yêu kiều lại được cưng chiều hết sức và nghiễm nhiên trở thành chính cung. Nhân cơ hội ấy, bọn yêu quái tha hồ lộng hành: hạ ngục thái y, đốt kiếm Vân Trung Tử, đuổi Thương Dung ra khỏi thâm cung… để chúng được tự do hành lạc. Kết thúc vở, không có "tôn vương, tức vị" như xưa mà chỉ là cảnh đốt cháy bọn yêu ma trong nấm đất giữa đường.
Trong bố cục ấy, ông vẫn giữ nguyên truyền thống đặc tả của tuồng xưa, nói đến mức cao nhất, làm nổi bật các góc cạnh sù sì của nhân vật và của tình huống, tình và lý được đẩy tới ngọn ngành thấu đáo...
Những lớp bắc cầu không nằm trong mạch chuyện, không đẩy tình thế chuyển động khẩn trương, tác giả đều kể lướt như lớp ra trò của các quan văn võ, lớp Đát Kỷ đi đường, lớp tùy nhi phát hiện yêu ma, lớp Thương Dung xuất hiện… - Điều đó chứng tỏ rằng tác giả chỉ nhấn mạnh và đặc tả những cảnh mang tính chất chủ đề của vở.
Đặc biệt tác giả hết sức quan tâm đến tính chất sân khấu của hình tượng (mà có người gọi là tính biểu diễn, tính tạo hình…) như lớp Trụ Vương mê tượng. Y không bộc lộ tình cảm quá dài dòng mà chỉ gọn gàng trong mấy câu:
"Đoái thấy: Kiều tư mỵ thái
Ngọc diện hồng trang
Xinh a! tốt cha chả là tốt, thôi thôi…
Khéo vẽ vời thu thủy, xuân san
Thêm mềm mại sơ mai, nộn liễu"
Rồi y sờ lên áo tượng, y phát hiện ra cái cốt bằng trầm hương, y sai lấy văn bản, y đề thơ, y uống rượu sai dán thơ lên vách… Tất cả đều khiến cho khán giả trông thấy được bụng dạ y, hay nói theo cách nói ngày nay, mọi say đắm của y đều được vật chất hóa thành hành động bên ngoài.
Vì thế, ngay khi đọc, người thưởng thức kịch bản văn học, cũng đã thấy được hành vi, cử động khóe mắt, nụ cười của nhân vật.
Thật hiếm có tác giả nào đạt tới mức kỹ xảo viết tuồng vững vàng như vậy.
Với "Trầm hương các" bên cạnh các vở khác của ông, ông Đào đã hiến cho người xem, người đọc tất cả tâm hồn, tài nghệ, tất cả sức bút của ông.
"Trầm hương các" đến với chúng ta như một trạng thái tâm hồn của tác giả, nhưng cũng là trí tuệ sâu sắc, vừa yêu đời thiết tha vừa rung động người xem, lại vừa thức tỉnh người xem. Nó bắt người xem phải suy nghĩ đồng thời bắt cả người cầm bút các thế hệ sau phải suy nghĩ.
. Hà Văn Cầu |