Thủa ấu thơ, tôi thường được nghe mẹ tôi, các dì các chị tôi hát ru bằng những bài ca dao mượt mà đằm thắm, như "Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân", hoặc "Cô kia tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi…". Tôi cũng được nghe những câu ca dao nói ngược thật thú vị:
… Ông kia nói chuyện éo le
Bắt thuyền đi bộ, ngựa kề dưới sông
Tôm tép nhẩy lên đầy đồng
Gà nhiếp bắt cáo vặt lông đầy vườn
… Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi
v.v…
Ở Bình Định, những nhà folklore cũng sưu tầm được một bài vè và một bài ca dao nói ngược rất thú vị. Bài ca dao như sau:
Nắng lên cho mối ăn gà
Một trăm bà già đánh giặc cho vua
Con tép nó kẹp con cua
Một bầy cá mại cõng rùa đi ăn
Chồn đèn cắn cổ chó săn
Chuột kêu chút chít đòi ăn con mèo
Chó chạy chồn phải đuổi theo
Chuột gặm đầu mèo, muỗi đớp cánh dơi
Cây cao bóng mát chơi vơi
Gà con mổ quạ lên ngồi cành tre
Con voi ấp trứng sau hè
Gà con đi kiện gà què vô nha
Nực cười rết nuốt chửng gà
Đàn ông thì chửa, đàn bà mọc râu
Trai tơ lấy cối giã trầu
Ông già bạc đầu nằm ngửa trong nôi
Chẳng tin đốt đuốc mà coi
Sư mua cá mòi để ướp đồ chay
Còn điều lộn ngược thì nói cho hay
Mẹ mày may áo bằng chày, giã gạo bằng kim!
Trong ca dao nói ngược, người nghệ sĩ dân gian khéo vận dụng các cặp phạm trù, các mặt đối lập của sự vật một cách lôgíc, vừa sâu sắc tế nhị vừa không ai có thể chối cãi, bắt bẻ được. Câu nào cũng đầy tính chất hài hước, khiến người đọc, người nghe đến đấy không thể không mỉm cười.
Nhưng chẳng biết tại sao dân gian phải "nói ngược"? Để tăng tính hài hước cho vui - thì đã đành! Phải chăng họ còn muốn qua đó ngầm đả kích, chống lại, phá vỡ cái trật tự mà các tầng lớp, thế lực phong kiến thiết lập đã hàng ngàn năm. Chẳng thế mà khi có câu ca dao bênh vực cho chế độ phong kiến:
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa lại quét lá đa
Thì lập tức dân gian có câu đập lại khá quyết liệt:
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa.
Ca dao nói ngược lại thêm một minh chứng sáng tạo vô tận của nhân dân. Nó là một viên ngọc lấp lánh trong vườn văn nghệ dân gian đầy hương sắc của cha ông chúng ta.
. Nguyễn Văn Chương |