Rượu đã có trong đời sống con người hàng ngàn năm và chắc còn tồn tại mãi. Chung ngự tửu vua ban cho vị tướng cầm quân vào trận đối đầu sinh tử hoặc ca khúc khải hoàn trở về; ly rượu tiễn đưa của thái tử Đan nước Yên cho tráng sĩ Kinh Kha bên bờ sông Dịch; rượu trong lễ tiết từ vua chúa đến thứ dân; rượu của phong tục tập quán, rượu thưởng lãm, rượu cho sức khỏe… và cuối cùng, thật đơn giản, rượu là vật chất và tinh thần, rượu cần trong đời sống thường nhật con người, thế thôi!
Cổ nhân nói: "Vô tửu bất thành lễ". Ở phương Đông, lễ là nền tảng xã hội, là văn hóa căn bản của mọi giao tế nhân sinh. Ở ta, hôn nhân, tang ma, tế tự, thật khó hình dung sẽ ra sao nếu không có rượu. Rượu, trong những dịp này đã biểu trưng cho ý nghĩa tinh thần với lời mời khiêm cung: mời ông (bà…) tới nhà con (cháu…) uống chén rượu!
Rượu cũng có mặt trong lúc bạn tâm giao gặp nhau. Hoặc tình cờ gặp một người bạn cũ. Hoặc người bạn cũ tới nhà… Có khi ồn ào mâm bát, có khi chỉ Rượu suông nhắm với tình suông ơ hờ - rượu là sự quý trọng, là một thứ "siêu lễ", nó không thành văn mà cần thiết như vốn phải thế. Lại nhiều khi, với bạn bè thường gặp, rượu mang tính giao tế, rượu mời nhau cho ngon chuyện, ngon ăn.
Có lần trời mưa, bạn xách một chai rượu đến nhà tôi ngồi uống với nhau, cốt để ngắm mưa trên vùng cây lá quanh vườn và… bàn về tiểu thuyết Kim Dung! Có lần trong một chuyến picnic cùng nhiều bạn nữ đến một vùng thiên nhiên hoang dã, chúng tôi khờ khạo quen nghĩ chỉ nam giới mới quan tâm đến rượu, mải lo các thứ nước ngọt "nịnh đầm", bất ngờ một nàng thả vào trời chiều trên đồi cỏ non lời ước: "Giá như có mấy ly rượu!" khiến đám mày râu đực mặt nhìn nhau mà hiểu rằng mình chẳng có trăm gờ-ram nào cả. Và trong tiếng suối miên man, tiếng gió rừng đại ngàn, trong bập bùng ánh lửa đêm hội cồng chiêng, bàn tay ai nồng nhiệt chuốc mời, ánh mắt ai dạn dĩ đắm say, bạn có thể nào không vít cong đứ đừ cần rượu ngọt? Hình như trong con mắt đàn ông, người thầy thiên nhiên biến mọi phụ nữ thành mỹ nhân, mọi thứ rượu thành mỹ tửu!
Có người uống rượu để vui, có người uống rượu để say. Có quá nhiều biểu hiện say rượu rất xấu, có hại chung quanh khiến người đời dễ kết tội rượu. Người xưa từng nhắc: "Tửu bất túy, nhơn nhơn tự túy". Có nhiều danh ngôn nhắc nhở giữ mình nhưng không có nghĩa mọi sự say đều xấu, đều có hại. Say đôi khi là điểm kết của một nỗi buồn đau. Với người làm văn nghệ, rượu là... cần thiết. Hãy nghe Lâm Ngữ Đường nhắc lời tụng ca mỹ đức của rượu của một nữ sĩ Thượng Hải: "Trong lúc nửa say, người ta nói huyên thuyên, nói hoài không ngừng; không có gì thú hơn, sướng hơn nữa". Ông kết luận: "Người ta có cảm giác hăng hái, dương dương đắc ý, cơ hồ như trở ngại nào cũng thắng nổi, giác quan mẫn nhuệ lên, mà khả năng sáng tác, nó ở giữa ranh giới hiện thực và ảo tưởng, đạt tới một cường độ cao hơn lúc bình thường. Cơ hồ ta được thêm năng lực, thêm lòng tự tin, có ý thoát ly quy củ cùng những sự trói buộc của kỹ thuật".
Nhiều danh sĩ Việt Nam mê rượu và sành rượu: Tản Đà, Nguyễn Tuân, Văn Cao… Riêng Trịnh Công Sơn thì độc nhất vô nhị: uống rượu có bằng! Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi đây là "một cuộc rượu vô tiền khoáng hậu". Đó là năm 1995, kỷ niệm 280 năm thành lập Martell, Trịnh được mời sang Pháp với tư cách là khách quý của tập đoàn. Ngoài thăm thú các nơi, ông được đưa về làng Petite Champagne miền Nam nước Pháp, nơi có lò rượu của Martell. Tại đây nhạc sĩ được mời 2 ly rượu đặc biệt, xin đọc tấm bằng:
Martell thành lập năm 1715
Ngày hôm nay, những cánh cửa Thiên đường của chúng tôi đã mở ra để cho phép ông Trịnh Công Sơn nếm thử một ly Cognac của năm 1848 để lâu trong thùng và già đến 65 năm. Một ly Cognac của năm 1875 để lâu trong thùng và già đến 49 năm.
Sự kiện này đã được lưu giữ trong cuốn sổ vàng của chúng tôi đề ngày 11 tháng 4 năm 1995.
Patrick firino Martell
Ở phương Đông thời trước, hễ nhắc đến hình ảnh thi sĩ bao giờ cũng được kèm theo kè kè hai vật: bầu rượu- túi thơ. Nó tách bạch vì có hai chức năng khác nhau nhưng rồi hòa quyện vào cái đích cuối cùng làm nên thi sĩ. Có lẽ nói về mối quan hệ thi sĩ - thơ - rượu không thể không nhắc tới Tản Đà, người viết rất nhiều về thơ rượu, bằng nhiều thể loại khác nhau: lục bát, đường luật, yết hậu, hát nói… Có quá nhiều cái tít găm vào trí nhớ bạn đọc: Ngày xuân thơ rượu, Chừa rượu, Say, Lại say,… Xin trích dẫn hầu bạn đọc đoạn thơ của ông trong bài Thơ rượu thể hiện mối quan hệ trên:
Rượu say thơ lại khơi nguồn
Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình
Rượu thơ mình lại với mình
Khi say quên cả cái hình phù du
Trăm năm thơ túi rượu vò
Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là ai?
Gắn với tên ông, một thi sĩ khác thời 30-45, Trần Huyền Trân có bài Uống rượu với Tản Đà đã tìm thấy một sự đồng cảm lớn của hai thế hệ cách nhau mấy mươi năm:
Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu?
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này
Tôi say? Thưa: trẻ chưa đầy
Cái say nhân thế thì say nỗi gì.
Nỗi nhân thế cũng là cảm hứng chủ đạo trong thơ. Thường thì nó mang mang buồn. Có lúc được đẩy lên đầy tâm trạng của Hồ trường (Nguyễn Bá Trạc):
Trượng phu hồ dễ khôn hay
Xé gan bẻ cật phù cương thượng
Nào ai tỉnh nào ai say
Chí ta ta biết lòng ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cuồng sầu với cỏ cây
Hoặc Hành phương nam (Nguyễn Bính):
Nợ tình một món tròn chưa trả
Sòng đời thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
…
Ta đi nhưng biết về đâu tá
Đã đẩy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi.
Người thi sĩ chân quê này chẳng thể nào trả được món "nợ tình" nên có gì ngạc nhiên đâu khi chàng tự biết: "Ta uống cả em và uống cả/ Một trời quan tái mấy ai say".
Cảm xúc thơ - rượu - người tình là của chung thi sĩ. Riêng Vũ Hoàng Chương, có thể đúc kết triết lý cuộc đời và nghệ thuật bằng một chữ Say!Trong hai thi phẩm Thơ say và Mây (cũng là một dạng thức của say), những bài hay nhất đều viết về cái say - chán chường: Mời say, Phương xa, Túy hậu cuồng ngâm, Đời tàn ngõ hẹp… Bởi vì say rồi cũng tỉnh. Cái say tự tạo của Vũ Hoàng Chương là sự chán chường lộng lẫy!
Rượu chia sẻ được mọi tâm trạng, cả kiểu "thất tình" sau đây của Nguyễn Thanh Mừng trong bài Đám cưới Huyền Trân:
Nghe đồn vua xứ Chà Bàn
dâng miền Ô Lý rước nàng vu quy
tôi mang rượu đến biên thùy
hắt lên mây trắng biệt ly cả cười.
Là cười mình, bởi anh ta chỉ là một thi sĩ, tài sản là bể sông thi phú trăng trời phong sương nên cũng "cố đấm ăn xôi" bằng nỗi đau hào sảng: "cắn răng nhường bậc đế vương/ gươm cùn quẳng xuống vệ đường nhân duyên".
Rượu xuân là một nét văn hóa. Thời nam nữ bình quyền bây giờ, vợ chồng cụng ly ngày tết là chuyện thường nhưng cái cách mời của Nguyễn Duy khiến thiên hạ sửng sốt: "Mỗi năm tết có một lần/ Mời em chén rượu tay nâng ngang mày"… (Tết mời vợ rượu). Ông, bằng cách mời ấy của mình, hơn mọi ngôn từ đã khiến giới nghệ sĩ giật mình cảm thức đúng nghĩa hơn về "cái sân sau"!
Xin khép lại những dòng lan man bằng bài thơ Lương Châu từ của Vương Xương Linh, vị thi đế cùng thời Lý Bạch:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Bản dịch bài thơ hay này thì ai cũng biết, nhưng xin quý vị hãy cùng nâng ly và thể tất cho "tại hạ" chép vào đây bản "dịch" vui của nhà thơ Lê Minh Quốc:
Rượu bồ đào, chén dạ quang
Cứ lai rai mãi lên đàng làm sao
Rượu vào ai chẳng tào lao
Ngựa ra chiến địa còn tao trở về.
. Lê Hoài Lương |