Có hai nhà văn mà tôi có dịp hầu chuyện, đã để lại một ấn tượng chung trong tôi. Đó là Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyên Ngọc. Ngoài sự uyên bác về văn hóa, về nghề, hai nhà văn này, khi tiếp chuyện họ, chỉ cần bật máy ghi âm, xong về nghe lại và chép ra giấy, đủ thành bài viết. Họ đã "chấm câu" ngay trong từng lời nói, từng ý tưởng rồi.
Tôi đã "chép lại" những chuyện như thế từ nhà văn Nguyên Ngọc qua một buổi hầu chuyện ông nhân chuyến ông trở về Quảng Ngãi để "truyền nghề" cho anh em viết văn tại đây.
1. "Đất Quảng" mãi mãi là… tập I
|
Nhà văn Nguyên Ngọc |
Vào giữa những năm 60 của cuộc chiến tranh chống Mỹ, bạn đọc được biết đến một cái tên khá lạ lẫm: Nguyễn Trung Thành với hàng loạt các tác phẩm gây tiếng vang như Rừng xà nu, Đường chúng ta đi, Đất Quảng… Người làm nên những tác phẩm "có sức mạnh bằng cả sư đoàn" ấy chính là Nguyên Ngọc - tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng ngay sau ngày miền Bắc được giải phóng: Đất nước đứng lên.
Ngoài bìa tiểu thuyết Đất Quảng, tác giả ghi "tập I". Thế nhưng, từ bấy (đầu những năm 70 của thế kỷ trước) đến nay, người đọc vẫn không thấy "tập II" của cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh tại vùng đất Quảng Nam - mảnh đất mà bom đạn nhiều như khoai lang - ấy đâu cả! Vì sao? Nhà văn Nguyên Ngọc bộc bạch: "Tôi nhớ là vào khoảng năm 1968-1969, tôi được biệt phái về cắm chân ở một xã thuộc huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Bí thư Đảng ủy xã bấy giờ là một thanh niên khá gan dạ và dũng cảm, có tên là Giả. Toàn bộ không gian và nhân vật chính của "Đất Quảng" được gắn với vùng đất này. Trong tiểu thuyết, chân dung anh bí thư xã ấy có tên là "Thiệt". Thiệt thành "Giả" mà Giả thành "Thiệt" là vậy. Tôi với anh Giả có một kỷ niệm nhớ đời. Mùa đông năm 69, địch càn bất ngờ, tôi và anh chui xuống một hầm bí mật. Bọn địch đánh hơi biết được vùng ấy có hầm bí mật nên chúng giăng hàng ngang để xăm hầm. Nằm dưới hầm, hai chúng tôi nghe rõ từng bước chân của đám lính ngụy và cả tiếng của những mũi sắt chúng khoan vào lòng đất. Hai chúng tôi bàn với nhau: "Rút chốt lựu đạn ra. Nếu chúng khui được hầm, anh hoặc tôi lên trước, tung lựu đạn, sống chết gì cũng "chơi" như thế". Toán du kích làng bên thấy bọn ngụy tiến sát về phía căn hầm nên càng bắn rát vào đám lính. Trời nhá nhem tối, sợ ta bao vây, bọn ngụy bỏ đi. Tôi và Giả thoát hiểm lần ấy. Sau đó tôi được điều động đi nơi khác và Giả lại gặp lần xăm hầm thứ hai. Lần này, thay vì tung lựu đạn, Giả lại chọn cách "giơ tay đầu hàng". Trong chiến tranh, khoảnh khắc cho hành động "giơ tay" hoặc "bung lựu đạn" là vô cùng tơ tóc. Chỉ cần một thoáng dao động trong tư tưởng, anh sẽ chọn ngay cái cách "giơ tay". Và cái cách mà Giả đã chọn không phải là trường hợp hiếm hoi thời chiến tranh. Thế nhưng, qua cách chọn của Giả như thế, tình yêu của tôi đối với nhân vật đã bị tổn thương. Tôi không muốn viết tiếp cuốn tiểu thuyết dở dang ấy nữa là vì vậy".
Sau ngày giải phóng, nhà văn có gặp lại nhân vật của mình. Ông Giả đã sống trong sự mặc cảm vây bủa và chết trong lặng lẽ. Trước khi chết ít lâu, ông có nói với nhà văn: "Tôi là kẻ hèn nhát. Cứ ngỡ "giơ tay" lên là được sống nhưng tôi đã "chết" ngay từ cái khoảnh khắc ấy rồi!". Nguyên Ngọc chỉ còn biết an ủi ông Giả: "Chính sự hèn nhát và nỗi dằn vặt ấy của anh đã tôn vinh thêm sự anh hùng cho những người không biết "giơ tay". Nếu tất cả chúng ta mà ai cũng "tung lựu đạn" thì làm sao lộ sáng được chân dung của những người anh hùng!".
2. Hai cụ già và một căn lều trụ bám
Năm 2002, nhà văn Nguyên Ngọc có chuyến đi Mỹ. Tình cờ ông gặp một người đồng hương Quảng Nam từng có thời là "đối thủ" trong chiến tranh. Ông ta nguyên là trung úy thuộc Trung đoàn 51 ngụy, khét tiếng "diệt Cộng" tại đất Quảng Nam. Biết Nguyên Ngọc từng lăn lộn trên chiến trường Quảng Nam, viên cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn rất vui. Ông chiêu đãi nhà văn món mì Quảng truyền thống bằng chính tay ông nấu. Hai người lính già từng có thời ở hai đầu chiến tuyến, sau một tuần rượu, mới bắt đầu kể chuyện chiến tranh. Ông Hạnh - tên người sĩ quan ngụy - kể cho Nguyên Ngọc một chuyện mà cho đến hơn 30 năm sau, ông ta vẫn không lý giải nổi. Năm 1968, ông Hạnh đi bằng máy bay trực thăng, ngang qua vùng Điện Bàn và thấy trong ráng chiều của mùa đông lạnh giá, bóng của hai cụ già đang xới đất gieo cải bên cạnh một túp lều tranh. Ông cho đáp máy bay và đưa hai cụ về khu dồn với một ý nghĩ nhân văn: Đây là vùng tự do oanh kích của Mỹ, đưa hai cụ về nơi an toàn. Dĩ nhiên là túp lều tranh ấy đã bị đốt sạch trước khi chủ nhân của nó được "bốc" lên máy bay. Ba tháng sau, ông Hạnh lại bay qua vùng đất ấy, lại thấy bóng hai cụ già bên túp lều tranh dựng tạm ngay trên nền nhà cũ! Ông Hạnh hỏi nhà văn: "Tại sao lại có thể có một tình yêu quê hương đến kỳ lạ, bất chấp chuyện chết chóc như thế?". Nhà văn cười phá lên: "Đấy chính là nguyên nhân làm cho người Mỹ và các ông phải thua cuộc đấy. Vì sao ư? Hai ông bà già ấy quyết bám trụ với làng, bất chấp bom đạn, đơn giản vì ở cạnh căn lều ấy là căn hầm bí mật của chúng tôi!". Viên cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn bấy giờ mới "bổ ngửa" và hiểu ra mọi nhẽ!
3. Theo anh Núp về làng
|
Tác giả và nhà văn Nguyên Ngọc |
Năm 1954, Nguyên Ngọc tập kết ra Bắc. Trong một hội nghị biểu dương các anh hùng - chiến sĩ thi đua, nhà văn được phân công viết về một nhân vật anh hùng thuộc địa bàn Tây Nguyên - nơi mà Nguyên Ngọc đã chiến đấu suốt trong những năm đánh Pháp. Nhà văn đã chọn Đinh Núp. Ông nhớ lại: "Tôi ghi chép về ông Núp không quá bốn trang giấy vở học trò". Thế mà có "Đất nước đứng lên", được giải thưởng lớn ngay sau khi nó ra đời, với khoản tiền nhuận bút "tái mặt" thời bấy giờ: 1 triệu đồng! Có người đặt câu hỏi: Nguyên Ngọc và Anh hùng Núp, ai "sinh" ra ai? Đúng là Nguyên Ngọc nổi tiếng sau khi tác phẩm "Đất nước đứng lên" mà nhân vật chính là Anh hùng Núp ra đời, song cả nước biết đến Đinh Núp cũng nhờ Nguyên Ngọc. Mối quan hệ tương hỗ này, thoạt nghe thì có vẻ "nhân-quả", song không có Đinh Núp, Nguyên Ngọc vẫn có tác phẩm khác. Lý luận là vậy, song, Nguyên Ngọc lúc nào cũng coi ông Núp như người đẻ ra tên tuổi của mình. Ở họ có một tình bạn vong niên bền chặt. Lần nào vào Tây Nguyên, nhà văn cũng ghé thăm ông Núp. Trước khi Anh hùng Núp qua đời ít lâu, Nguyên Ngọc có ghé thăm ông. Núp đề nghị: "Ở Pleiku này không sướng đâu. Uống rượu cần phải chỏng ngược cái ghế salon lên mà cột ché rượu vào chân ghế, còn đốt lửa trong nhà có gạch hoa sao được! Tao với mày về làng tao đi!".
Làng ông Núp ở tận An Khê, cách Pleiku gần trăm cây số. Hai anh em túc tắc về làng. Trên đường, Nguyên Ngọc gặp một lễ hội của người Bana. Ông đề nghị với ông Núp: "Chúng ta ghé vào đây chơi tí". Hai người ghé làng, hòa vào không khí lễ hội. Bỗng, Nguyên Ngọc phát hiện một bức tượng bằng gỗ rất đẹp. Đây là loại tượng được người Bana để ở nhà mồ, Nguyên Ngọc đã từng thấy nhiều lần, song bức tượng này đã "hút" ông đến mức khó cưỡng được. Ông nói: "Tôi cứ cà rà mãi quanh bức tượng. Người đàn ông trong tượng bưng mặt bằng hai tay của mình, đẹp một cách hoang dại. Tôi ước như bức tượng ấy được đặt trong căn nhà mình". Nhà văn tìm được tác giả của bức tượng được đẽo gọt bằng chiếc rìu khá công phu kia. Và ông "đặt hàng" cho anh thanh niên nọ. Bỗng, nhà văn bị anh thanh niên mắng cho te tua: "Giàng đã nhập vào tao để làm ra bức tượng ấy. Và chỉ "nhập" có một lần thôi, không mua bán được đâu!". Nguyên Ngọc vỡ ra rằng, làm cái anh nhà văn cũng giống như chàng trai điêu khắc nọ. Nghệ thuật nó vừa vô hình nhưng nó lại hữu hình. Những phút thăng hoa nó chỉ đến một lần trong một tác phẩm. Trong một đề tài, anh không thể viết lần thứ hai mà cũng hay như lần đầu được. Nghệ thuật nó như một thứ ma ám, nó bị xui khiến bởi một quyền lực siêu nhiên nào đó mà chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được.
Chuyến trở về làng "Kông Hoa" của anh Núp hôm ấy bị "tắc" do một bức tượng nhà mồ. Nhà văn nói: "Người Bana có cái lạ là họ làm ra những tác phẩm tuyệt vời như thế, nhưng chỉ để mà chơi thôi. Các bức tượng nhà mồ tuyệt đẹp nhưng được họ bỏ vãi ngoài rừng, phó mặc cho mưa nắng. Không đổi chác, không bán mua". Rồi ông kết luận: "Mới đây, có dịp trở lại Tây Nguyên, niềm ao ước có được một bức tượng dạo nào trong tôi lập tức bị giội nước lạnh. Người ta đã bày bán đủ các loại tượng như bán hàng ngoài chợ! Đừng nghĩ rằng, "nhân bản" ra như thế là giữ gìn bản sắc văn hóa. Nó đang bị tha hóa đấy!".
Chuông điện thoại trong túi ông reo vang. Ông nói với người trong máy: "Đúng 6 giờ tối, anh qua!". Quay sang tôi: "Tối nay phải đi ăn cơm với vợ chồng cô em gái bên thị xã Quảng Ngãi". Tôi nhìn đồng hồ: Đúng 6 giờ. Bắt tay tạm biệt ông mà lòng còn thấy thòm thèm về những chuyện không đầu chẳng cuối ấy.
. Trần Đăng |