. Tạp bút của Lê Hoài Lương
Nhà tôi ở cách trung tâm thành phố 5 cây số, bên rìa núi. Con suối chính chảy xuống vòng ôm mảnh vườn trồng hàng cau, những chậu cảnh, chung quanh là hàng rào cừa nước giữ bờ. Hàng ngày có vợ chồng bìm bịp dạo trong vườn kiếm ăn như gà nhà. Nó làm tổ đâu đó trong các lùm cây. Những con cuốc thì thoắt ẩn thoắt hiện theo lòng suối.
Sáng sáng, chiều chiều, những con chim xanh rụt rè về ăn trái cừa chín, trâm chín, thường nhất là trên cây trứng cá trước cổng. Nhiều giống chim lạ cũng đôi khi chuyền sặc sỡ trong các tàn cây. Cả nhà tôi thường bí mật quan sát chúng qua các ô cửa sổ hầu như bốn mùa rộng mở. Ngồi bất cứ vị trí nào trong ngôi nhà nhỏ cũng đều thấy nắng biếc xanh trên từng sắc lá, thấy bướm bay và một vài loài hoa nào đó. Trong vườn, chim quành quạch dạn người thường làm tổ trên các chậu kiểng: mai, xê ri, cùm rụm… giờ là chậu me. Đứng cách tổ một tầm tay nhìn con chim đang ấp nghiêng đầu ngó người, bạn tôi bảo: "Mầy đúng là sống cảnh tiên!".
Bạn thường chở cậu con trai nhỏ từ phố lại nhà tôi chơi, thằng bé cứ ngẩn người trước một mảng thiên nhiên kỳ thú. Cu Bi của chúng tôi thì thường ra vườn hái những bông cỏ dại gộp thành bó hoa đón cổng chiều về, hãnh diện ngọng nghịu: "Con chặng mẹ!" Bao giờ vợ tôi cũng trân trọng lấy ly nước cắm vào để trên bàn nhiều ngày. Nhiều lần thấy ánh mắt uất ức của cu Bi nhìn mấy tay súng hơi bắn những con chim sâu bé nhỏ khờ khạo trên cây trứng cá trước cổng, tôi đã quát bảo con vào nhà học bài. Nó rưng rưng kể với mẹ rằng mấy chú đó ác. Cái thói đa cảm của con tôi chắc sẽ làm nó khổ sau này nhưng vợ chồng tôi hiểu rằng, thôi thì cũng được, chắc chắn nó có một tấm lòng, để sống.
Phải, chỉ có những vợ chồng quành quạch dạn người là an cư và an toàn trong khu vườn chúng tôi - nơi tôi có quyền bảo vệ chúng. Một người bạn khác thích nuôi chim có lần xin tôi một tổ, anh bảo lúc chim sắp tập chuyền thì báo cho anh lấy về nuôi. Tôi gật đầu vì nể nhưng đã cố quên, khi anh đến chim mẹ đã dìu con trên các tàn cây. Tôi sợ những con chim thất vọng, mất niềm tin. Có thể với niềm đam mê của mình, đời sống những con chim anh nuôi bảo đảm hơn môi trường tự nhiên luôn có nhiều cạm bẫy rình rập, nhưng tôi không đành lòng chứng kiến cảnh vợ chồng chim mẹ hoảng sợ và rối trí bất lực. Những con chim đã an toàn bay đi…
Và chúng trở lại. Chúng luôn trở lại với đất lành!
Cơn bão số 2 năm nay vào thành phố miền Trung của tôi sớm hơn lệ thường hàng năm. Tôi đang ở tận Nam bộ yên bình, thắt lòng lo cho ngôi nhà nhỏ của mình bên suối, vợ con tôi liệu có biết cách đóng kín rồi chằng dây cho các cửa sổ, nước khách vào nhà phải chống chọi, khắc phục ra sao… Nhà không có điện thoại, hôm sau một người bạn đến thăm, nghe vợ vắn tắt kể chuyện bão lũ ở nhà mới tạm yên tâm. Tôi, trước những nhọc nhằn của vợ con, đã không thể hỏi thăm cái tổ chim trên chậu me trong vườn. Mấy ngày sau tôi về, bùn non và rác còn bám đầy trên các chậu kiểng. Vợ tôi kể rằng ngay sau đêm bão, khi nước vừa rút cô ra vườn dọn bớt rác rìu thì thật bất ngờ, cái tổ chim vẫn còn, ngấn nước chỉ cách chừng một gang. Trên thành tổ, con chim mẹ tã tượi lông cánh đang hãnh diện ngó cô. Lõm khô chiếc tổ có ba cục thịt đỏ hỏn bằng ngón tay đang phập phù thở! Đêm mưa bão cũng là lúc chim non ra đời.
Bây giờ lông ống của chúng đã tua tủa như gai, óng nắng. Con tôi hồi hộp lại gần nhìn chúng nghếch mỏ lim dim ngủ. Con chim mẹ chuyền quẩn quanh luôn miệng nhắc nhở. Cái tổ chim trong vườn nhà nguyên lành sau bão cũng là một thứ hạnh phúc của gia đình tôi…
. LHL |