Bình Định là mảnh đất có bề dày văn hóa giàu bản sắc. Sinh hoạt văn hóa dân gian Bình Định rất phong phú, đa dạng. Từ trong vốn cổ, những nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian đã dày công đúc kết nhiều bài viết có giá trị được thể hiện trong buổi tọa đàm do Chi hội Văn nghệ Dân gian (Hội VHNT Bình Định) vừa tổ chức vào những ngày cuối tháng 10 này. Đây là một cuộc sinh hoạt chuyên môn thiết thực, rất cần được nhân rộng.
|
Nhà giáo Nguyễn Xuân Nhân phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh: Lê Văn Cảnh) |
"Sinh hoạt văn hóa dân gian Bình Định" là chủ đề của buổi tọa đàm. Đây là một lĩnh vực rộng lớn đề cập đến những sinh hoạt mang tính dân gian của người Bình Định xưa và nay. 15 bài phát biểu trong buổi tọa đàm là 15 bài nghiên cứu về những vấn đề khác nhau của văn hóa dân gian Bình Định. Các đề tài được biên soạn, nghiên cứu rất công phu, không những nêu bật nét văn hóa dân gian đặc sắc của Bình Định mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của các tác giả.
Một số bài viết đề cập đến những vấn đề cụ thể như: "Ẩm thực Bình Định nhìn từ góc độ dân gian" của Tiến sĩ Đinh Bá Hòa; "Làng nghề truyền thống trồng đỗ ép dầu phụng" của Nguyễn Phúc Liêm; "Người Bahnar Kriêm ở nhà sàn" của Yang Danh; "Lễ cúng của người dân vùng biển Bình Định" của Thạc sĩ Trần Xuân Toàn; "Lễ cưới hỏi của người Bình Định xưa" của nhà thơ Mai Thìn; "Sinh hoạt văn hóa dân gian qua ca dao Chăm H'roi" của Đoàn Măng Téo…; đã được các tác giả nghiên cứu, biên soạn công phu, tỉ mỉ, có chiều sâu và nêu bật 2 vấn đề cốt lõi: chất dân gian trong sinh hoạt văn hóa Bình Định và sắc thái độc đáo Bình Định so với sinh hoạt văn hóa dân gian vùng, miền và của cả nước.
Ngoài những bài viết nêu trên còn có những đề tài mang tính khái quát, thuyết lý như: "Đất võ trời văn" của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng; "Văn hóa trọng chữ của" Thạc sĩ Lê Nhật Ký; "Khẩu khí Bình Định" của nhà thơ Trần Thị Huyền Trang; "Công chúng Bình Định với nghệ thuật hát Tuồng" của nhạc sĩ Đào Duy Kiền; "Bàn thêm tiếng 'bậu' trong ca dao Bình Định" của tác giả Nguyễn Chí Cường; "Mấy nét về phân vùng sinh hoạt sinh hoạt văn hóa dân gian Bình Định" của nhà giáo Nguyễn Xuân Nhân…; đã nêu bật cội nguồn, sắc thái, nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa dân gian Bình Định xưa và nay.
Bên cạnh những đề tài có nội dung phù hợp với chủ đề của buổi tọa đàm còn có một số ít bài viết đi lệch. Về vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Xuân Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian (Hội VHNT Bình Định) đã phát biểu trong bài tổng kết của mình: "Một số bài viết nội dung có độ lệch so với chủ đề của buổi tọa đàm đã đặt ra. Có lẽ do tác giả không viết bài mới mà dùng bài có sẵn vốn viết cho một yêu cầu khác. Cũng có thể là bài mới viết nhưng chưa có thời gian đi nghiên cứu sưu tầm tư liệu nhằm làm sáng tỏ chất dân gian trong bài viết của mình".
Khách quan mà nhìn nhận, chủ đề "Sinh hoạt văn hóa dân gian Bình Định" quá rộng lớn đối với một buổi tọa đàm. Nên chăng, Ban tổ chức chỉ chọn một đề tài nào đó tương đối thiết thực hơn, gần gũi hơn để cùng nhau trao đổi, như đề tài văn hóa tâm linh, văn hóa giao tiếp chẳng hạn.
Nhưng thôi, với khoảng thời gian rất hạn chế của buổi tọa đàm, lại đề cập đến một vấn đề rộng lớn, 15 bài phát biểu được biên soạn công phu như những mảng màu, những nhát cọ góp phần phác thảo nên bức tranh toàn cảnh "Sinh hoạt văn hóa dân gian Bình Định", đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự làm việc nghiêm túc của mỗi tác giả, của Ban tổ chức. Đó là điều rất đáng trân trọng.
. Trần Đông A |