Trái ngọt trong vườn
16:37', 29/10/ 2004 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Lưu Cẩm Vân

1. Tan học tôi vội vã đạp xe về, chiều nay thầy cho về trễ nửa tiếng mà tôi định làm xong bản thảo để giao cho đúng hẹn rồi mới đến quán cà phê để thay ca cho thằng Vĩnh. Lúc vội vã thì thời gian bỗng nhiên trôi nhanh, tôi cứ xem đồng hồ mà trách thầm cây kim giờ hình như trở chứng nên cứ chạy vùn vụt. Thường ngày tôi còn giành cho mình một chút thời gian, đạp xe thật chậm qua cầu, nhìn dòng sông êm ả trôi ra biển. Tôi còn có lúc nhìn theo mặt trời đỏ hồng đang chìm dần phía bên kia Cù lao xanh ngắt bóng dừa. Tất cả quen thuộc đến nỗi nhắm mắt lại tôi vẫn có thể nhìn thấy chỗ cửa sông có mấy có mấy cái vó nhà ai đang rung rinh theo con nước. Hôm nay vội quá chẳng dám nhởn nhơ nhưng tôi cũng kịp nhìn phía bến đầu cầu chiều nay thuyền đậu san sát và kịp nhớ tháng này biển động.

Khi nhận ra thì không còn kịp, trời chuyển mây rất nhanh và mưa đột ngột. Đành đội mưa mà chạy, nước mưa tạt vào mặt rát rạt, tôi vuốt mặt không kịp, nước mưa chảy vào mắt cay sè. Về đến nhà thì tôi lạnh run, mũi nghẹt cứng. Tôi thay quần áo, lau đầu thật khô, bây giờ thì không thì không làm gì khác hơn được là phải lỡ hẹn với khách, ngày mai chịu trận cho chị chủ tiệm mắng vài câu. Tôi lên giường nằm định bụng nghỉ một chút rồi đi làm. Hai mắt cứ díp lại rồi ngủ quên hồi nào không biết.

Tôi tỉnh lại lúc nửa đêm. Đầu nhức như búa bổ, bụng kêu sùng sục vì đói, tôi nhỏm dậy định tìm thứ gì để ăn mà không dậy nổi. Miệng đắng ngắt và người nóng hầm hập, chắc là bệnh rồi. Lại nhớ mình bỏ một buổi làm tối qua, thế nào cũng bị trách móc. Mệt quá, tôi quơ cái mền trùm kín đầu, cơn mê lại chập chờn nửa thức nửa thôi.

Tôi thấy mẹ ngồi bên cạnh, mắt ngân ngấn nước, bàn tay mẹ sờ nhẹ lên trán tôi: "Đi với ba mẹ đi con, ở lại một mình ai săn sóc con". Tôi xoay người tránh bàn tay mẹ. Lạnh quá. Hình như mẹ kéo vai tôi: "Nghe lời mẹ đi con". Tôi vùng ra: "Con không đi đâu, không đi đâu". Ba đứng đâu đó bên cạnh, có một tiếng vỡ lớn, như tiếng một cái ly thủy tinh vừa rơi xuống đất. "Mặc nó, để mặc nó. Đồ cứng đầu!". Rồi ba thét lên: "Từ nay sống chết mặc nó, nó cứ ở lại. Để xem sống một mình có được không!".

Tôi vùng vẫy cố thoát ra cái gì đó đang đè nặng lên mình. Mồ hôi toát ra như tắm. Tôi nhìn quanh, chỉ có mình tôi giữa đêm khuya, đêm yên lặng, chỉ nghe tiếng lạch cạch của chiếc đồng hồ. Giá như lúc này có mẹ, thấy đèn phòng tôi sáng thể nào mẹ cũng sang thăm chừng. Mẹ sẽ lau mồ hôi, rót cho tôi ly nước. Nếu biết tôi đói mẹ sẽ pha cho tôi ly sữa, ép tôi ăn mấy cái bánh vì khi tôi đau mẹ sẽ không bao giờ cho tôi ăn mì gói. Lâu lắm rồi tôi không được mẹ săn sóc, lâu lắm rồi tôi tự đi chợ nấu ăn, tự giặt giũ, những việc mà khi có mẹ tôi không bao giờ phải nghĩ đến. Có mẹ ở nhà mọi thứ đều có sẵn, còn bây giờ nếu nửa đêm bị đói thì trong nhà không có gì để ăn. Bây giờ tôi có ít thời gian, đi học hay đi làm về ghé hàng cơm bình dân là xong, có khi chỉ một ổ bánh cũng đủ.

Tôi gắng hết sức để xuống nhà dưới rót một ly nước, mấy cái chai rỗng không như trêu người tôi, cái ấm nhẹ tênh, cổ họng tôi khô đắng. Tôi mở cửa nhìn ra đường, khuya lắm rồi, nhà hàng xóm đèn tắt tối thui. Tôi đóng cửa chán nản nằm vật ra giường, lại trùm mền và chỉ chờ có thế cơn mê dìm tôi xuống.

Trời tối đen, hình như tôi bị nhốt trong nhà của mình, sao không có tiếng động nào. Tôi thèm được nghe tiếng nói, của ai cũng được, kể cả tiếng ba la hét khắc nghiệt, kể cả tiếng cười đùa tinh nghịch của hai đứa em gái. Ai nói gì đi, nói to lên. Đừng thì thầm như mẹ, đừng nói giọng nghẹn ngào như muốn khóc. Mẹ ơi, con không muốn bị bỏ rơi nhưng con không hề muốn đi đến nơi xa lạ ấy. Mẹ nói với ba đi mẹ, nói giùm con rằng con muốn có đầy đủ gia đình mình, nhưng là ở tại đây, ngay chính trong ngôi nhà nhỏ thân yêu mà ba từng tự hào là cất lên bằng chính mồ hôi và nước mắt của mình.

Không có ai nghe tiếng tôi nói. Cả mẹ nữa, mẹ cũng không biết là con trai của mẹ đang khóc, tôi khóc mà không cần giấu giếm bởi vì chung quanh tôi là bóng tối, tôi bị nhấn chìm trong bóng tối, có ai thấy nước mắt của tôi đâu.

2. Bình đứng rất lâu trước cánh cổng gỗ đóng lại bằng một vòng xích sơ sài. Ngôi nhà nằm sâu bên trong, phải đi qua một lối đi nhỏ tráng xi măng sạch sẽ. Dọc theo lối đi là những chậu cây cảnh, giàn hoa Thiên Lan buông thõng những giây hoa màu tím lửng lơ. Chưa bao giờ anh mời Bình đến nhà dù quen đã rất lâu, vì vậy Bình ngần ngừ mãi mà không dám gọi cổng, Bình không biết làm sao nếu gặp người trong nhà của anh. Mấy lần Bình định quay đi nhưng không đành. Tối qua anh không đến chỗ làm, trưa nay Bình ghé tìm anh ở chỗ anh đánh vi tính cũng không gặp. Không biết anh có gặp chuyện gì.

Rất may là người hàng xóm của anh bắt gặp, chị ta xởi lởi: "Cô tìm cậu Lâm hả? Chắc là ở trong nhà, tối qua tôi thấy thắp đèn khuya lắm mà sáng giờ không thấy cậu đi ra". Bình nghe lời chị đẩy nhẹ cánh cổng, nó mở ra nhẹ nhàng như không hề đóng. Cô rón rén gõ nhẹ lên cánh cửa, không nghe trả lời, Bình đẩy luôn vào nhà. Trong nhà cửa đóng tối om, không có ai, Bình mạnh dạn đi lần vào và cô giật mình. Anh đang nằm trên giường mê man, mắt đỏ gay, trán anh nóng rực dưới tay cô. Bình lay nhẹ mà anh không biết gì. Cô mở toang cửa sổ, đi tìm khăn nhúng nước tôi vắt khô lau mặt, lau cổ cho anh. Xong cô xả sạch rồi đắp lên trán cho anh.

Bây giờ Bình mới biết anh chỉ có một mình. Bình chưa biết nhiều về anh, chỉ biết anh vừa đi học, vừa đi làm và rất vui tính. Hai người làm chung ở quán cà phê, đúng hơn chính anh giới thiệu và đưa cô đi làm. Từ ngày ba mẹ chia tay nhau rồi mỗi người đều có gia đình riêng, Bình về ở với ngoại. Cả hai người đều có lần gọi Bình về ở chung nhưng rồi cảnh con chung riêng có lắm điều khó xử. Bình không muốn làm phiền cha mẹ. Ban đầu ba với mẹ còn gởi tiền về cho ngoại nuôi Bình nhưng dần dần số tiền ít đi rồi ngừng hẳn. Có một dạo Bình gần như suy sụp vì cảnh "tan đàn xẻ nghé" của gia đình mình. Bình đã từng vật vã khi có cảm giác bị bỏ rơi. May mà còn có ngoại, khi Bình lớn lên ngoại dần dần dạy dỗ cho Bình hiểu ra mọi chuyện để thông cảm cho hai người sinh thành của mình. Ngoại nói: "Khi tình yêu không còn thì đừng nên trói buộc nhau". Nghĩ cũng hay, ngoại đã già rồi mà suy nghĩ rất mới, chính ngoại đã là người mẹ, người cha nuôi Bình lớn lên. Bây giờ Bình không còn hận cha mẹ, chỉ buồn vì sự vô tình của cha mẹ mình.

Ngoại đã già, chút vốn liếng dành dụm không đủ nuôi hai bà cháu. Sau khi thi đỗ đại học, Bình phải xoay thêm việc làm để có tiền học tiếp. Đó là Bình không dám vào thành phố thi như mơ ước ngày xưa của mình. Bình chọn ngành sư phạm và học ngay ở quê mình để đỡ tốn tiền. Thoạt đầu ngoại không cho Bình đi làm nhưng hàng trầu cau của ngoại làm sao lo hết mọi thứ. Bình theo mấy đứa bạn đi tiếp thị cho một hãng bia, mới đầu Bình nén xấu hổ miễn sao có việc làm là được. Nghề tiếp thị cũng lắm cay đắng, có khi gặp mấy người khách sỗ sàng thì cũng muốn khóc. Một lần Bình đang dở khóc, dở cười trong tình huống đó thì gặp Lâm. Dù chẳng quen biết gì nhưng anh cũng hỏi chuyện và giới thiệu việc làm cho Bình.

Nơi Bình làm việc là một quán cà phê rất đẹp, tiếp viên toàn là sinh viên như anh và Bình. Mọi người chia ca làm việc cho phù hợp với việc học của mình. Anh thường làm hai ca nhưng đã nhường cho Bình một ca rồi đi đánh vi tính thuê cho một cơ sở photocopy. Trông anh không có vẻ túng thiếu mà phải làm hai ba việc, Bình rất ngạc nhiên, hỏi thì anh không nói.

Bình sờ trán anh thấy đã giảm sốt. Chắc là anh bệnh từ đêm qua và chắc là anh chưa ăn uống gì. Bình xuống dưới nhà, bếp núc lạnh tanh như chưa hề có người nấu nướng bao giờ. Cô nhóm bếp bắc cái nồi nhỏ nấu cháo, chạy qua hàng xóm để nhờ mua tí thịt bò với hành để lát nữa anh ăn được ngon miệng. Xong Bình nấu nước rồi mở nắp cho nguội. Cô quét dọn trong nhà mà anh vẫn chưa dậy. Không đợi được Bình trở lên đánh thức anh.

3. Hình như tôi đã ngủ rất lâu. Tôi muốn dậy mấy lần mà không được, đôi mắt như có ai đè xuống, cố nhướng lên vẫn không mở ra. Tôi mơ thấy mình đi lạc trên những ngõ cụt, tìm mãi mà không có lối ra. Đi mãi, chân tay muốn rã rời, gần như quị xuống. Đột nhiên trời mưa, một làn nước mắt tỏa lan tan xua bớt cái nóng hầm hập. Ai đó chạm vào vai tôi, chắc là mẹ, mẹ vừa tìm thấy tôi. Tôi mừng rỡ và ôm chầm lấy mẹ.

Tôi mở mắt ra, có ai đang cố thoát ra khỏi vòng ôm của tôi. Tôi lắc mạnh đầu để tỉnh lại, không phải là mẹ, mẹ không bao giờ để tóc xõa dài như thế. "Anh tỉnh rồi phải không? Anh Lâm". Tôi mệt mỏi nhận ra Bình: "Bình đó à? Anh sao vậy? Mấy giờ rồi?". Bình dở cái khăn mặt đặt trên trán tôi, nhúng nước khác, vắt ráo đưa cho tôi. "Anh bệnh rồi, nằm mê man, em gọi mãi không được. Anh thấy sao rồi anh Lâm". Tôi gượng ngồi dậy: "Anh nhức đầu quá, chắc là tại mắc mưa tối qua. Mấy giờ rồi Bình?". Bình đưa tay xem đồng hồ, vừa đứng dậy: "Gần một giờ rồi! Anh đói không? Em có nấu cháo đây, anh ăn một chút nghe!".

Bình chạy xuống bếp, tôi lết lại dựa lưng vào tường, cơn đau nhức chạy khắp cơ thể. Lúc mạnh khỏe không để ý bây giờ ốm đau nhớ tới mẹ. Bây giờ thế nào mẹ cũng nấu một nồi lá xông bắt tôi ngồi trùm mền rồi canh một bên. Có mẹ thế nào mẹ cũng nấu cháo với thịt bò băm nhỏ, rắc thật nhiều hành và tiêu đề tôi ăn cho giải cảm. Nghĩ tới mẹ bỗng nhiên tôi nghe tôi nghe như có cả mùi lá sả cùng với lá hương như, cả mùi tía tô quanh quất đâu đây. Ba năm rồi mà tôi không làm sao quên được cảm giác cô đơn. Nỗi buồn có thể được chia đôi, nhưng tôi chẳng biết chia cho ai nỗi đau riêng của mình.

Bình mang cho tôi một tô cháo nghi ngút bốc hơi, đặt trên cái khay nhỏ, có cả một múi chanh và một chén mắm nhỏ nổi lên mấy lá ớt xiêm màu xanh. Tôi ngây người nhìn Bình đặt nhẹ cái khay xuống giường, cô nâng tô cháo cho tôi: "Chắc là đói lắm rồi! Tối qua anh không ăn gì phải không?". Tôi bưng tô cháo, nuốt nước miếng liên tục để có thể giấu niềm xúc động. Từ khi ở một mình đến nay tôi mới có được người nấu cháo khi đau ốm lại đúng với ý thích của mình. Bình vừa vắt múi chanh là vừa nói vừa dỗ dành: "Anh ráng ăn một chút, rồi em mua thuốc cho uống, chắc là anh bị cảm mưa rồi". Tôi cảm ơn Bình và nói: "Anh đói quá, từ trưa hôm qua đến giờ anh chưa ăn gì".

Tôi cắm cúi vừa thổi vừa ăn để tránh đôi mắt mở to của Bình. Mùi thịt bò cùng với tiêu, hành và mùi thơm của gạo càng làm cho tôi đói thêm. Nước mắt tôi chảy ràn rụa nhưng không phải vì tiêu cay. Bình ái ngại: "Em bỏ nhiều tiêu cay quá phải không anh?". Tôi lắc đầu, ánh mắt thương xót của Bình khiến cho tôi tỉnh lại, tôi chợt liên tưởng đến bát cháo hành của Thị Nở mang cho Chí Phèo và bật cười. Bình ngạc nhiên, cô đỡ cái tô không trên tay tôi hỏi: "Em lấy thêm cho anh Lâm nghe!". Tôi lắc đầu và cười không nén được. Bình không hỏi nhưng cứ mở to mắt nhìn tôi, tôi nắm tay cô: "Cảm ơn em. Anh vừa thấy mình được làm Chí Phèo".

Bình giật mạnh tay ra khỏi tay tôi, nguýt tôi bằng đôi mắt thật dài rồi bỏ đi xuống bếp.

4. Anh hết bệnh nhanh hơn mình tưởng. Biết anh ăn uống thất thường Bình gợi ý cho anh đến nhà cùng ăn cơm với hai bà cháu nhưng anh từ chối. Nói mãi anh mới để cô đến nhà anh vào buổi chiều đi chợ, nấu cơm như cơ hội tâm sự chuyện của mình, Bình thấy anh khác hẳn với người thanh niên vui vẻ cùng làm việc chung hằng ngày ở quán cà phê.

Gia đình anh có 5 người, ba mẹ có anh và hai cô con gái. Ba anh là sĩ quan của chế độ cũ, mẹ anh là một cô giáo - thời khó khăn nhất của gia đình là lúc ba anh còn đang ở trong trại cải tạo, lúc đó anh em con nhỏ. Một mình mẹ anh vừa dạy học vừa làm thêm đủ thứ để nuôi chồng con. Ba anh trở về, có thêm người đàn ông trong nhà thì mọi sự tốt đẹp hơn. Anh chẳng có ý niệm nào về cái quá khứ mà ba anh đã sống, với anh cuộc đời vẫn đẹp và bình yên trôi qua. Nhưng ba anh thì khác, ông vẫn hoài vọng về một thứ mà ông cho là ông đã đánh mất. Vì vậy ông đã xin xuất cảnh. Khi biết chuyện anh ngỏ ý xin ở lại, điều đó làm cho ba vô cùng tức giận, mẹ anh cũng đã thuyết phục anh bỏ ý định của mình. Anh nói: "Con không thích tha phương cầu thực".

Ba mắng anh "đồ con nít" và sau khi la hét mắng mỏ anh không xong, ông bỏ mặc. Một buổi chiều anh đi học về, nhà cửa vắng tanh, không có ai trả lời tiếng gọi của anh, chỉ có Milu nằm ở ngạch cửa, vẫy đuôi buồn rầu, nhìn anh bằng đôi mắt ngơ ngác. Anh đi từ trước ra sau, chỉ gặp lá thư có mấy dòng vội vã của mẹ và một ít tiền. Anh không bao giờ quên cái cảm giác bơ vơ của mình lúc đó. Anh đã đổ ập xuống bàn và khóc nức nở, những giọt nước mắt của thằng con trai mặn chát.

Từ đó, anh sống một mình với con chó Milu. Không thể sống bằng số tiền ít ỏi của mẹ để lại, anh đi làm đủ thứ việc. Có khi anh phụ hồ, có lúc anh sửa xe đạp... Nói chung ai có việc gì kêu anh cũng không từ chối, miễn sao có tiền đi học là được. Rồi mẹ anh cũng gởi tiền về, nhưng cứ nghĩ đến lời nhiếc mắng cay nghiệt của ba và thái độ từ bỏ của ông anh nhất định không xài một đồng nào. Tiền mẹ gởi về anh đem gởi hết vào ngân hàng và làm việc để tự nuôi sống mình.

Anh chỉ biết làm bạn với con Milu, nhưng rồi một hôm nó bị người ta bỏ bả. Anh đi làm về tối, bắt gặp nó nằm ngay lối đi, hình như nó cố ý đợi anh, anh chỉ kịp nâng nó lên thì nó thở hộc lên là chết. Lần thứ hai anh khóc. Chắc là chưa có ai biết anh đã từng khóc như thế vì đối với mọi người anh luôn luôn cười vui vẻ.

Nhưng ở một mình cay cực lắm, đêm đêm đối diện với bóng mình cô quạnh, đến lúc chịu không nổi anh đóng cửa nhà vào ký túc xá để ở với tụi bạn một thời gian. Khi trở về nhà nhìn bụi giăng tứ phía, ngôi nhà vắng lặng như nhà hoang, không đành lòng anh lại trở về.

Cơn bệnh của anh đưa anh và Bình đến gần nhau hơn. Có đôi lần anh đến nhà Bình chơi, cảnh nhà của Bình không hơn gì anh. Anh sửa giùm Bình cái đèn hư, đóng lại cái ghế gãy, bà ngoại của Bình rất cảm động giữ anh lại ăn cơm hoài. Bình kể chuyện anh cho bà ngoại nghe, bà cứ thở dài sườn sượt. Anh nghe lời bà gọi mấy đứa bạn học cùng trường về ở chung, có chỗ ở tươm tất bọn nó và anh thấy cũng vui hơn.

Hôm nay anh nhận thư mẹ, mẹ trách anh sao không nói gì về mình trong những lá thư hiếm hoi gởi cho mẹ. Mẹ kể chuyện gia đình và mong giữa hai cha con không còn mâu thuẫn gay gắt. Mẹ hẹn là tết năm nay cả nhà sẽ về quê ăn tết. Anh thương nhất khi mẹ viết: "Con có lý khi ở lại, dẫu thế nào ở quê hương mình vẫn hơn".

Buổi tối, anh đến đón Bình ở quán cà phê. Tối thứ bảy khách đông nên cô về hơi muộn. Thấy anh đợi, Bình mừng rỡ gọi: "Anh Lâm. Cả tuần nay em không gặp anh, hôm nào lên ca em cũng nghe nói anh mới về".  Anh dịu dàng: "Hàng nhiều, anh phải làm gấp. Mình đi ăn gì đi Bình". Anh chở Bình đến hàng cháo gà ở gần bờ biển. Đối với Bình, phố ăn đêm này nghe có vẻ rất lạ, cô cứ mở to mắt nhìn xung quanh: "Sao người ta đi ăn khuya nhiều vậy anh Lâm?". "Bình chưa biết bao giờ à". Cô lắc đầu. Anh lau đũa, muỗng cho cô. Bình nhìn làm mọi thứ với nụ cười mơ hồ. Anh hỏi: "Có ai làm như vầy cho Bình chưa?". Cô lắc đầu. "Anh làm như vầy suốt đời cho em, em thích không?". Bình đỏ mặt nguýt anh hỏi lảng chuyện: "Sao tự nhiên anh Lâm rủ em đi ăn vậy?". "Anh mới lãnh lương, nhiều lắm".

Anh kể cho Bình nghe về lá thư mới nhất của mẹ anh. Cô chớp nhanh đôi mắt: "Anh Lâm sướng hơn em, mẹ anh ở xa mà vẫn lo lắng cho anh, còn mẹ em... ". Anh ngậm ngùi nắm lấy tay Bình. Mỗi người một số phận không ai giống ai. Anh rất muốn chia sẻ với Bình những điều không vui trong cuộc sống của cô như cô đã từng san sẻ với anh những lúc hoang mang nhất. Bình khuyên anh viết thư cho ba, đúng hay sai thì mình vẫn là con và không nên đợi ông ấy lên tiếng trước.

Bình không nói thì anh cũng thấy như vậy, vả chăng mỗi người đều có quyền lựa chọn cuộc đời theo ý mình. Anh hiểu ra điều này sau khi đã trải qua những kinh nghiệm trong những ngày sống thiếu vắng gia đình. Dẫu sao cũng có cái hay.

Mỗi một ngày trôi qua, anh tự thấy mình lớn khôn lên một chút. Kỳ thi cuối cùng cũng đã qua, anh hồi hộp đợi xem mình sẽ đạt được kết quả như thế nào. Anh hình dung ra một ngày nắng đẹp, có mây trắng trôi trên nền trời xanh cao lồng lộng, khi mọi chuyện đều tốt đẹp anh sẽ nói với Bình một câu: "Em có bằng lòng làm Thị Nở của anh không?".

Ngày ấy cũng gần đây lắm.

. L.C.V

(Nha Trang)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vài ghi nhận về buổi tọa đàm "Sinh hoạt văn hóa dân gian Bình Định"  (28/10/2004)
Nàng Jang-geum: Bộ phim của những kỷ lục  (28/10/2004)
Tình yêu sau chiến tranh (*)  (27/10/2004)
Tổ chim sau cơn bão  (26/10/2004)
Lan man với nhà văn Nguyên Ngọc  (25/10/2004)
Lan man chuyện… rượu  (24/10/2004)
Người ngu ngơ   (22/10/2004)
Người ngu ngơ   (22/10/2004)
Thơ: Bùi Văn Thọ, Nguyễn Đình Lương, Phạm Văn Phương  (22/10/2004)
Ca dao nói ngược  (21/10/2004)
"Ngàn năm thương nhớ" - một tập thơ đồ sộ   (20/10/2004)
"Trầm hương các" - nỗi đau đời của Đào Tấn  (19/10/2004)
Ghi nhận từ đêm sinh hoạt của một CLB thơ  (18/10/2004)
"Phiên bản" của Ninh Giang Thu Cúc   (15/10/2004)
Thơ: Nguyễn Văn Dinh, Phạm Ánh, Hoàng Xuân Cảnh   (15/10/2004)