Còn chăng chút tình này
13:51', 2/11/ 2004 (GMT+7)

Có chủ ý khi tác giả Văn Trọng Hùng chọn vở kịch Luận anh hùng có câu hát kết thúc "Chàng ơi nào nâng chén/ Ta say với ngàn mây/ Trần gian như giấc mộng/ Còn chăng chút tình này" in cuối sách, cũng là mấy câu bìa 4 tuyển tập kịch Đi tìm chân chúa mới phát hành của anh (NXB Sân Khấu, 2004).

Một cảnh trong vở Anh hùng với giai nhân (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Đây là những sáng tác hơn mười năm anh dành cho thể loại này: Phong thần, Tiết Giao trả ngọc, Đi tìm chân chúa, Anh hùng với giai nhân, Luận anh hùng - chuỗi sáng tác đã thể hiện khá rõ nét nghệ thuật và tư tưởng kịch của anh, ở đây là cho sân khấu truyền thống.

Đã có những kiệt tác văn học kịch chưa có một lịch sử sân khấu phong phú như: Kain của Bairon, Faust của Geoth, Những bi kịch nhỏ của Puskin, Hoa hồng và cây thập tự của Block - chúng được ghi nhận bằng thuật ngữ Lesedrama (kịch để đọc). Việt Nam cũng có nhiều vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp chưa được dàn dựng. Dĩ nhiên loại kịch để đọc này về nguyên tắc không có gì khác biệt và cũng tiềm tàng tính sân khấu. Tính sân khấu thay đổi theo chuỗi dài lịch sử nhưng về cơ bản, theo Hegel, tình thế giàu xung đột là đối tượng ưu tiên của nghệ thuật kịch. Với đặc trưng cơ bản này, kịch Văn Trọng Hùng ít có thiên hướng xung đột gay gắt, nó ẩn trong tứ kịch, tư tưởng kịch.

Hãy xem: Phong thần lướt qua các mâu thuẫn, các cuộc chiến của người, của thần thánh để đến khâu then chốt phong thần: phong cho ai, phong như thế nào, ai nhận ai không, ai kiện cáo không phục; vì sao Tiết Giao đã đoạt ngọc rồi phải trả ngọc, bi kịch của anh ta như thế nào; Đi tìm chân chúa có thể tới đích không, có chân chúa thật trong đời không… Những xung đột tất yếu sẽ xảy ra trên cái nền cơ bản đó chứ không phải ở từng tiết đoạn, nó "thắt nút" từ vấn đề đặt ra chứ không phải tăng dần theo diễn biến. Và do vậy, sự đối kháng, tính căng thẳng, mâu thuẫn của các nhân vật thường gần gũi với tâm lý đời sống, ít có dấu vết dàn dựng hoặc những tình huống ngẫu nhiên.

Không gian và thời gian các câu chuyện trên sân khấu của Văn Trọng Hùng thường tít xa trong lịch sử, huyền thoại, dã sử, những nhân vật mà số phận, cuộc đời ít nhiều quen thuộc với người xem hôm nay: Quang Trung, Ngọc Hân công chúa, Đào Duy Từ, Lưu Bang, Hạng Vũ, Tiết Giao, Hồ Nguyệt Cô, Trụ Vương, Đát Kỷ… Tác giả đã lục tung "hồ sơ lưu" trong sử sách qua hệ quy chiếu rất đáng tin cậy là nhân tình, nên có những khám phá bất ngờ và mới mẻ. Chẳng hạn, Trụ Vương tàn ác hoang dâm vô độ đến nỗi mất nước vào tay nhà Chu nhưng nguyên nhân sâu xa từ hành động phạm thượng đề thơ lên tượng thần Nữ Oa để mong "có hiển thánh xin cùng nàng chăn gối". Vị nữ thần xinh đẹp tức giận sai hồ ly nhập hồn Đát Kỷ quyến rũ Trụ Vương gây bao tai họa. Trong buổi luận công xét tội do thần thánh chủ trì, hồn Trụ Vương không phục, cãi lại rằng: "Thần Nữ Oa/ Bụng dạ đàn bà/ Lòng kia cố chấp"… "Ta người phàm tục/ mê muội là thường" sao "Thần cũng nhỏ nhen phạt ta như vậy?". Hoặc một Tiết Giao lâu nay được thừa nhận trong hành vi vờ yêu để đoạt ngọc Hồ Nguyệt Cô mà có thể khôi phục nhà Đường, báo thù gia tộc bị thảm sát thì tác giả tỏ ra đồng cảm với con vật hồ ly nghìn năm tu luyện thành người và cuối cùng bật lên tiếng kêu đau đớn: "Lẽ nào loài người các ngươi là vậy đó?", còn Tiết Giao thì đau đớn dằn vặt đến mộ Nguyệt Cô trả ngọc và tự sát để chuộc lỗi lầm. Anh ta đã được sư phụ Lý Tịnh cứu rồi phục hồi lại Nguyệt Cô để hai người chung hưởng hạnh phúc trong lời hát khẳng định sự tàn phai của công hầu phú quí, "chỉ tình yêu ở lại/ muôn đời cùng nghĩa nhân"Đây không phải cái kết có hậu truyền thống, anh làm tất cả để củng cố niềm tin vào con người, vả chăng, còn có lý do chính đáng gợi nhiều suy nghĩ từ sự thú nhận của Lý Tịnh chân nhân: "Cơ sự nầy không phải lỗi ở hai con/ Mà do ta và Thánh Mẫu!". Không phải bênh vực hay định giá lại phẩm cách các nhân vật, niềm tin của Văn Trọng Hùng vào con người trên cơ sở đầy biện chứng về những khúc quanh bí ẩn của tâm hồn chứ chẳng đơn giản một chiều phán xét. Cũng như, Hoàng Phi Hổ trước tình thế Trụ Vương hoang dâm tàn ác, giết thừa tướng Thương Dung, moi tim chú mình là Tỉ Can, các tướng phẫn nộ đòi diệt hôn quân, Phi Hổ rút gươm định trị tội, nhưng khi nghe tin vợ mình là Giả Thị bị vua loạn dâm phải nhảy lầu chết, anh ta đã kéo quân làm loạn thật - tính người ở đây là quyền lợi cá nhân bị xâm hại nghiêm trọng, trong phút chốc ý thức ngu trung biến mất. Cũng như, Nguyễn Hữu Chỉnh (trong Anh hùng với giai nhân), sau khi thực hiện hàng loạt âm mưu, anh ta tự chuốc cho mình từng ly rượu thưởng rồi phiêu diêu trong độc thoại một bá quyền ảo tưởng, kết cục chết trong chính ảo tưởng của mình! Con người của Văn Trọng Hùng là con người của nhiều chiều kích như thế!…

Những con người có đời sống rất thật ấy gắn với bối cảnh sống và do đó, tính thế sự trong kịch cũng rất cao. Nhiều người tâm đắc với lời trối của Đào Duy Từ với chúa Nguyễn - cái lõi tư tưởng của Đi tìm chân chúa: "Nếu sau này, Người có gặp bậc hiền tài/ Thì đừng câu chấp những điều nhỏ nhặt/ Đừng để… tài trí họ theo tháng năm khỏa lấp…". Có một phần thỏa chí của Đào Duy Từ nhưng tác giả hầu như để lửng, anh không khẳng định chúa ấy đã là chân chúa chưa. Và điều này có lý: nếu vương triều Nguyễn không gian nan chống Trịnh thì những Ngọa long cương vãn, Tư dung vãn liệu có ý nghĩa gì không trong con mắt Sãi Vương? Khái niệm chân chúa là mơ ước của hiền sĩ và khát vọng của mọi thời. Cùng với những tranh cãi của Trụ Vương, những thú nhận của Lý Tịnh nêu trên…, Đi tìm chân chúa khắc sâu ý thức vì con người một cách có trách nhiệm và cận nhân tình, bởi vậy, đề tài xưa anh đưa lên sân khấu có đời sống nối dài chứ không phải là những minh họa đơn thuần.

Tập sách có 5 vở kịch thì đã có 2 được tuyển vào Kịch hát Việt Nam chọn lọc nửa cuối thế kỷ XX Đi tìm chân chúa (tuyển tuồng) và Anh hùng với giai nhân (tuyển dân ca). Đã có nhiều giải thưởng hội diễn và kịch bản; đã có nhiều đoàn nghệ thuật trong tỉnh, trong nam ngoài bắc dàn dựng - kịch bản sân khấu truyền thống của Văn Trọng Hùng thực sự có tiếng vang. Trên nền chung kịch Việt Nam chưa có mấy thành tựu (dù có thể kể tên: Bắc Sơn, Bài ca giữ nước, Tô Ánh Nguyệt, Hồn Trương Ba da hàng thịt…), những đóng góp của anh là rất đáng ghi nhận. Là một nhà thơ, thế mạnh chữ nghĩa giúp anh nhiều trong ca từ những bài hát hậu trường và lời thoại đăng đối có nhạc tính hợp với sân khấu cổ. Thế mạnh này vốn đã được khai thác nhưng chưa nhiều. Những nhân vật của anh sẽ lớn hơn, sẽ được khắc sâu hơn nếu có những câu hát trứ danh kiểu "Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay", "Chút thân liều gửi cung dâu/ Đố con lương mã biết đâu là nhà?" của cụ Đào Tấn…

Tôi không so sánh, chỉ mong. Mong cái chủ đích đầy nhân bản của anh có thêm nhiều thành tựu dù rằng vị hậu tổ tuồng đã cảnh báo bằng những con sóng vỗ ngọn tùng, mà hành trình sáng tạo quả cũng đầy đơn độc và bất trắc. Phải, chút tình này…

. Lê Hoài Lương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một hội diễn tràn ngập… biển   (01/11/2004)
Trái ngọt trong vườn  (29/10/2004)
Vài ghi nhận về buổi tọa đàm "Sinh hoạt văn hóa dân gian Bình Định"  (28/10/2004)
Nàng Jang-geum: Bộ phim của những kỷ lục  (28/10/2004)
Tình yêu sau chiến tranh (*)  (27/10/2004)
Tổ chim sau cơn bão  (26/10/2004)
Lan man với nhà văn Nguyên Ngọc  (25/10/2004)
Lan man chuyện… rượu  (24/10/2004)
Người ngu ngơ   (22/10/2004)
Người ngu ngơ   (22/10/2004)
Thơ: Bùi Văn Thọ, Nguyễn Đình Lương, Phạm Văn Phương  (22/10/2004)
Ca dao nói ngược  (21/10/2004)
"Ngàn năm thương nhớ" - một tập thơ đồ sộ   (20/10/2004)
"Trầm hương các" - nỗi đau đời của Đào Tấn  (19/10/2004)
Ghi nhận từ đêm sinh hoạt của một CLB thơ  (18/10/2004)