Lệ Quyên với trái tim nồng cháy tình yêu nghệ thuật tuồng
12:44', 5/11/ 2004 (GMT+7)

Tên thật của cô đào Lệ Quyên là Lê Thị Tám. Sinh năm 1960 và lớn lên ở xã Nhơn Khánh, một vùng đất gần sát với các lò võ nổi tiếng An Thái (Nhơn Phúc) - nơi được coi là nằm trong tam giác tuồng của đất Bình Định (Tây Sơn, Tuy Phước và An Nhơn). Đào Lệ Quyên có giọng ca trời phú khiến ai đã nghe cô hát một lần cũng phải xiêu lòng.

Nghệ sĩ Lệ Quyên

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Lệ Quyên đã là "cây" hát tuồng có tiếng; cô say mê tập luyện và hát, diễn cho các thầy cô cùng bạn bè trong lớp xem. Hết ở trường, về nhà Lệ Quyên vẫn cứ thường xuyên tập luyện và hát tuồng, diễn tuồng. Ở xã Nhơn Khánh ngày ấy, trong phong trào VNQC, mỗi lần nghe giới thiệu trích đoạn tuồng nào có tên Lệ Quyên diễn- hát thì y như rằng tiếng vỗ tay cứ rào rào dường như không bao giờ ngớt. Và như người có duyên với sân khấu, khi cô xuất hiện dưới ánh đèn màu với vẻ đẹp uyển chuyển, mềm mại và có phần quý phái, cộng với giọng ca có sức quyến rũ lạ thường, Lệ Quyên gần như đã thôi miên được khán giả; cho nên khi Quyên hát và diễn tuồng, trống chầu cứ thúc dồn dập và tiền thưởng thì bay lả tả trên sân khấu.

Tiếng lành đồn xa, năm 1978, Lệ Quyên được tuyển vào Đoàn tuồng của huyện An Nhơn. Về đây, cùng với các lớp đàn chị như Ngọc Cầm, Lệ Siềng… Lệ Quyên vừa học hỏi, vừa rèn luyện để có chất giọng riêng của mình vốn đã rất độc đáo. Lệ Quyên không thể nào quên những năm tháng ấy, nhiều đêm cô diễn - hát thâu đêm theo yêu cầu của khán giả. Quyên nói: "Có đêm em bị mệt hay một lý do nào đó không có mặt trên sân khấu, nghe khán giả cứ hỏi Lệ Quyên đâu, Lệ Quyên đâu mà em vui đến trào nước mắt".

Sau những đợt liên hoan, hội diễn phong trào tuồng không chuyên của tỉnh Bình Định, Lệ Quyên được biết đến như một mầm tuồng ở cơ sở. Chính vì thế mà bắt đầu từ năm 1986, Lệ Quyên được có tên trong danh sách của Đoàn tuồng II thuộc Nhà hát tuồng Đào Tấn. Phải nói đây là thời kỳ thử thách nghiệt ngã nhất của đào Quyên. Bởi đây là một nhà hát được xếp vào loại có tên tuổi trong cả nước với những nghệ sĩ lừng danh, có thâm niên tuồng lâu hơn Quyên nhiều. Từ đó, Lệ Quyên đã không ngừng phấn đấu rèn luyện, hát thì có thể bằng chị, bằng anh nhưng mà kỹ thuật diễn xuất - cái mà các thầy gọi là hành động sân khấu sao mà nan ăn quá. Nghĩa là phải tập luyện sao cho hội đủ các yếu tố thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần thật sự nhuần nhuyễn mới trở thành diễn viên tuồng chuyên nghiệp.

Và nhờ các thầy cô và bạn bè, cùng với tinh thần cầu tiến học hỏi, các buổi tập thấm đẫm mồ hôi, cô đào Lệ Quyên cứ lớn lên và trưởng thành dần theo năm tháng. Năm 1992, Quyên đạt huy chương vàng Hội thi Tiếng hát hay sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 1993, Quyên đạt huy chương bạc tại Liên hoan các trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc với vai Vương Thiên Kim trong vở Vết tay máu của tác giả Võ Sĩ Thừa. Năm 2003, Quyên đạt huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp khu vực miền Trung với vai Ngu Cơ trong vở Mộng Bá Vương của tác giả Văn Trọng Hùng. Lệ Quyên còn rất thành công trong các vai chính như Công chúa Kim Hương của vở tuồng Tam hùng kiệt; Công chúa Mỹ Dung của vở tuồng Giai nhân thời loạn; vai Bàng Quý Phi của vở tuồng Xử án Bàng Quý Phi

Giờ đây, tuy tuổi đã ngoài bốn mươi, Quyên vẫn say mê diễn - hát tuồng như những ngày đầu mới đến với sân khấu tuồng với một trái tim nồng cháy tình yêu nghệ thuật.

. Nguyễn Chí Cường

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lệ Quyên với trái tim nồng cháy tình yêu nghệ thuật tuồng  (05/11/2004)
55 năm thơ Việt Nam trong một tập tuyển   (03/11/2004)
Còn chăng chút tình này  (02/11/2004)
Một hội diễn tràn ngập… biển   (01/11/2004)
Trái ngọt trong vườn  (29/10/2004)
Vài ghi nhận về buổi tọa đàm "Sinh hoạt văn hóa dân gian Bình Định"  (28/10/2004)
Nàng Jang-geum: Bộ phim của những kỷ lục  (28/10/2004)
Tình yêu sau chiến tranh (*)  (27/10/2004)
Tổ chim sau cơn bão  (26/10/2004)
Lan man với nhà văn Nguyên Ngọc  (25/10/2004)
Lan man chuyện… rượu  (24/10/2004)
Người ngu ngơ   (22/10/2004)
Người ngu ngơ   (22/10/2004)
Thơ: Bùi Văn Thọ, Nguyễn Đình Lương, Phạm Văn Phương  (22/10/2004)
Ca dao nói ngược  (21/10/2004)