Nhân kỷ niệm 87 năm cách mạng Tháng Mười:
Đọc dòng thơ trữ tình của Puskin
15:49', 7/11/ 2004 (GMT+7)

Ngoài nhiều thể loại khác, với quãng đời 38 năm ngắn ngủi, Puskin đã để lại cho đời hơn 800 bài thơ trữ tình có giá trị, chiếm vị trí đặc biệt trong kho tàng thơ ca Nga.

Puskin là một trong những nhà thơ trên thế giới có ý thức nhất trong vấn đề sáng tác. Ông hiểu rất rõ giá trị của thơ mình. Trong một bài thơ gần cuối đời, ông xác định:

Tôi sẽ mãi mãi được nhân dân yêu mến

Vì thơ tôi gợi cảm tình trong sáng

Ca ngợi tự do trong thế kỷ bạo tàn.

Puskin là nhà thơ của thực tế, thi sĩ luôn gắn cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của mình vào số phận, sự nghiệp chung của đất nước. Thế kỷ Puskin sống là thế kỷ bạo tàn như nhà thơ đã xác nhận, nhưng đồng thời cũng là thế kỷ mở đầu cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Nga. Tư tưởng cách mạng, tư tưởng tự do đã thấm sâu vào tâm hồn nhà thơ. Tinh thần yêu tự do, chống chế độ độc tài  được thể hiện trong một số bài thơ của Puskin lúc còn trẻ, ở bài Tự do, ông viết:

Lũ bạo chúa hoàn cầu! Run đi chứ!

Còn các anh hãy dũng cảm nghe đây,

Quật khởi lên, hỡi nô lệ cúi đầu!

Bài thơ đã truyền được nhiệt tình cách mạng cho tầng lớp thanh niên tiến bộ, họ xem đó là lời kêu gọi đấu tranh. Không chỉ kêu gọi, Puskin còn tin tưởng ở tương lai của cuộc cách mạng. Trong bài thơ Gửi Sadaev, ông viết:

Cả nước Nga sẽ tỉnh khỏi cơn mơ

Trên đống vụn của chính quyền chuyên chế

Tên chúng ta khắc ghi muôn thế hệ.

Ở đây, tư tưởng tự do được kết hợp với tinh thần yêu nước một cách chặt chẽ. Nhà thơ muốn nói đến sự sụp đổ tất nhiên của chế độ độc tài chuyên chế, đến vấn đề cách mạng và sự chiến thắng cuối cùng của nó. Ca ngợi tự do, vạch trần chế độ chuyên chế, Puskin đồng thời không thể không đập mạnh vào chế độ nông nô. Bài thơ Làng quê là một trong những bài thơ trữ tình chính trị xuất sắc của Puskin:

Yêu biết mấy những thửa vườn xanh thắm

Với muôn hoa và bóng mát dịu dàng

Đồng cỏ xanh với đụn rạ ngát hương

Lạch suối trong giữa bụi bờ róc rách...

Trong cảnh tươi đẹp đó là cuộc sống bị đày đọa của những người dân:

Theo bắp cày còng lưng tối mặt

Dưới làn roi khổ nhục ê chề

Đàn nông nô xơ xác chân lê

Trên luống đất bọn chủ nô tàn ác.

Dùng đòn roi áp bức chiếm cho mình

Cả của cải, thời gian công sức.

Chủ đề tư tưởng của bài thơ nằm gọn trong mấy dòng kết thúc, nó như lời kêu gọi giải phóng nông nô.

Puskin là thi sĩ biết "dùng lời ca để đốt tim người", làm cho con người tin tưởng hơn vào cuộc sống, cuộc đấu tranh. Thơ Puskin thấm nhuần tinh thần nhân đạo "đánh thức những tình cảm tốt đẹp" trong con người. Trung tâm chú ý của Puskin là con người với mọi mặt phức tạp của thế giới nội tâm và mối quan hệ với thế giới bên ngoài. Nói lên những cảm xúc, tâm tình tư tưởng của con người là phần nội dung quan trọng trong thơ trữ tình của Puskin. Nhưng con người đây không phải là con người trừu tượng, lý tưởng mà là con người trong mối liên hệ lịch sử, trong tâm lý cụ thể và mọi mặt phong phú của cá tính.

Puskin có hàng loạt bài thơ nói đến tình bạn, tình yêu. Tình bạn trong thơ Puskin không đơn giản là tình bạn thông thường. Ngoài tình bạn còn là tình đồng chí cùng lý tưởng:

Thì bạn ơi, vì Tổ quốc hiến dâng

Những cơn lốc của tâm hồn tuyệt diệu

Đồng chí hỡi, tin đi, sao rạng chiếu...

Nói đến thơ trữ tình là nói đến cảm xúc chủ quan của nhà thơ. Tuy nhiên thơ ca trữ tình chân chính không phải chỉ tái hiện một cách đơn giản những xúc cảm cá nhân mà là khái quát hóa đến mức độ điển hình. Thơ trữ tình của Puskin cũng vậy, trước hết mô tả thế giới nội tâm của thi sĩ, quan hệ của nhà thơ đối với thực tế, nhưng sáng tác của ông bao giờ cũng chứa đựng một nội dung xã hội lớn lao, mang tính nhân đạo và tư tưởng sâu sắc.

. Mai Thìn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà ảo thuật đãng trí   (05/11/2004)
Lệ Quyên với trái tim nồng cháy tình yêu nghệ thuật tuồng  (05/11/2004)
55 năm thơ Việt Nam trong một tập tuyển   (03/11/2004)
Còn chăng chút tình này  (02/11/2004)
Một hội diễn tràn ngập… biển   (01/11/2004)
Trái ngọt trong vườn  (29/10/2004)
Vài ghi nhận về buổi tọa đàm "Sinh hoạt văn hóa dân gian Bình Định"  (28/10/2004)
Nàng Jang-geum: Bộ phim của những kỷ lục  (28/10/2004)
Tình yêu sau chiến tranh (*)  (27/10/2004)
Tổ chim sau cơn bão  (26/10/2004)
Lan man với nhà văn Nguyên Ngọc  (25/10/2004)
Lan man chuyện… rượu  (24/10/2004)
Người ngu ngơ   (22/10/2004)
Người ngu ngơ   (22/10/2004)
Thơ: Bùi Văn Thọ, Nguyễn Đình Lương, Phạm Văn Phương  (22/10/2004)