Gorki (tên thật là Alêchxây Mắcximôvits Pêskôp), sinh ngày 28-3-1868 tại thành phố Nijni Nốpgôrốt (nay là thành phố Gorki) trên bờ sông Vônga trong một gia đình lao động.
Vì sớm mồ côi cha, Aliôsa (tên gọi thuở nhỏ của Gorki) phải sống ở nhà ông ngoại, giữa môi trường tiểu thị dân lạc hậu, hủ lậu; ở đây chỉ có một mình bà ngoại là người cảm thông với cậu và yêu quí cậu.
Mùa thu năm 1878, sau khi mẹ Aliôsa mất mấy ngày, ông ngoại đã đuổi cậu "vào đời mà kiếm sống". Từ đó Aliôsa bắt đầu một cuộc đời lao động vất vả. Do ảnh hưởng của những cuốn sách tốt mà cậu đọc say mê và môi trường lao động đã làm cậu khao khát trở thành một người hữu ích, nhưng điều này không phải là dễ. Năm 1884 Aliôsa Pêskốp đến Kazan để thi vào đại học nhưng khi đến thành phố này anh mới thấy rằng không thể nào thực hiện nổi ước mơ đó. Muốn có một mẩu bánh mì và manh áo mặc, anh phải lao động nặng nhọc, đêm đến thì vào ngủ trong các nhà trọ tồi tàn dành cho những người du thủ, du thực. Chính ở đây Pêskốp đã trải qua "những trường đại học" của cuộc sống. Anh có cảm tình với những người thợ, những thanh niên, sinh viên có tư tưởng cách mạng, nhưng anh còn quá xa lạ với họ. Ngày 22-12-1887, trong tâm trạng cô đơn, buồn chán, anh đã tự sát bằng súng lục, nhưng đã được cứu thoát.
Hè năm 1888 anh đã đi cùng với Rômát, một nhà cách mạng dân túy, về làng Kraxnôviđôvô để tuyên truyền cách mạng trong nông dân. Gặp sự chống trả quyết liệt của bọn nhà giàu, Rômát đã phải rời đi nơi khác, còn Pêskốp thì cùng với một người nông dân về miền biển Kaxpi làm nghề đánh cá. Một thời gian sau, từ đây anh lại băng qua các vùng đồng cỏ đến Xaritxưn (nay là Vongagrat) làm nghề cân hàng ở các ga xe lửa, và mùa xuân năm 1899 thì đi Matxcơva. Trên đường về thủ đô, trong hành trang của Pêskôp có một bài thơ dài do anh viết bằng lối văn xuôi "có nhịp điệu" lấy tên là Bài ca của cây sồi già. Tuy thế lúc này anh chưa hề mơ ước tới vinh quang của một nhà văn. Anh chỉ muốn có một chỗ yên tĩnh, một cái trại nho nhỏ để làm ăn sinh sống. Thay mặt những "trại viên" tương lai, Pêskốp đã viết thư xin L.Tônxtôi một mảnh đất hoang và đã tới nhà riêng của L.Tônxtôi ở Iaxnaia Pôla và Matxcơva, nhưng cả hai lần đều không gặp nhà văn vĩ đại này.
Hết hy vọng về cái trại để làm ruộng, Pêskốp lại trở về thành phố quê hương. Lần này anh nuôi nhiều hy vọng về sáng tác văn học. Một ngày vào tháng 12-1889 anh đánh liều mang Bài ca của cây sồi già đến cho nhà văn Kôrôlencô xem nhưng "bằng mười tiếng gọn lỏn, Korôlencô đã phá tan tành cái vật bằng gỗ ấy". Sự thất bại này làm cho Pêskốp choáng váng. Anh quyết định sẽ không viết văn nữa. Đầu tháng 4-1891 Pêskốp bắt đầu một hành trình dài vạn dặm để tìm hiểu nước Nga. Khởi hành từ thành phố quê hương, anh đi xuôi về miền nam, vừa đi vừa lao động để kiếm sống. Cuộc hành trình qua những nẻo đường của nước Nga nghèo nàn và đau khổ đã để lại cho Pêskốp nhiều ấn tượng phong phú mà sau này anh sẽ dùng làm chất liệu để sáng tác văn học.
Tác phẩm đầu tiên của Gorki đã được đăng trên một tờ báo địa phương vào tháng 9-1892, sau đó là hàng loạt tác phẩm khác đã giúp ông trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Nội dung sáng tác của Gorki giai đoạn đầu đã toát lên hơi thở của một cuộc sống đang trăn trở do sự chuyển mình của đông đảo quần chúng bấy lâu nay vẫn âm thầm chịu đựng trong cái nhà tù khổng lồ là nước Nga Sa hoàng. Khi viết về những điều này, ông ý thức rất rõ rằng mình viết văn không phải để được mọi người ưa thích, mà để tác động tới ý thức của họ, để buộc họ đấu tranh cho một chế độ xã hội cao hơn. Theo Gorki, văn học cần miêu tả cuộc sống như nó cần phải có để khích lệ lòng dũng cảm và ý chí chiến đấu của con người nhằm giành lấy tương lai tốt đẹp cho họ; văn học phải góp phần tạo ra những con người anh hùng đang rất cần cho thời đại cách mạng vô sản. Trong sáng tác của Gorki có những tác phẩm hiện thực, đồng thời có cả những tác phẩm lãng mạn. Tác phẩm lãng mạn xuất sắc nhất trong thời kỳ đầu của ông là truyện Bà lão Izarghin, viết năm 1894.
Giai đoạn từ 1905 đến 1916, Gorki sang nhiều nước như: Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Đức, Pháp, Mỹ... để tuyên truyền cho cách mạng Nga. Giai đoạn này, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Người mẹ, Dưới đáy, Những mẩu chuyện nước Ý, Bài ca chim ưng, Bài ca chim báo bão... Trong đó, vở kịch Những kẻ thù và tiểu thuyết Người mẹ là hai tác phẩm đặt nền móng cho văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Gorki là nhà nghệ sĩ của cách mạng vô sản. Ngày nay, sáng tác của Gorki vẫn là mẫu mực cho vấn đề xây dựng con người mới trong thời đại mới.
. Mai Thìn |