Đây là tập thơ thứ 3 của Hương Đình, sau Trăng lửa (1994) và Mưa phố (2001). Nếu Trăng lửa mới chỉ là những cảm xúc tươi nguyên, dễ thương thì Mưa phố đã đạt tới một Hương Đình thi sĩ với độ chín về tư duy thơ và nghệ thuật, sự điềm tĩnh tìm kiếm một nét riêng trong cách thể hiện, nhất là ngôn ngữ thơ.
Nhưng vì muốn thể hiện, tập thơ này, ngoài những thành công trên, đã bộc lộ điểm yếu ngay chính chữ nghĩa. Sự giỏi giang chữ nghĩa là con dao hai lưỡi, có khi nó lấn lướt làm nhập nhòa ý tưởng hoặc phỉnh nịnh hài lòng những tư duy thơ tầm tầm.
Quán sông là một sự tự vượt của chính tác giả. Đằm hơn, tự nhiên hơn. Hầu như không có sự cố nói lấy được. Tập thơ là những cảm xúc, những trải nghiệm gắn bó thiết thân với tác giả về nguồn cội và ký ức. Nguồn cội thì bàng bạc từ quê hương và những người thân; từ sâu thẳm mạch ngầm ca dao, những kỷ niệm, ký ức nuôi dưỡng thơ; từ nơi bắt đầu mơ ước sự bay xa và khẳng định mình trong phần I, Quán sông. Phần II Sông khát với sáu biến tấu tập trung cho hình tượng sông đầy ẩn dụ, miên man từ sinh thành đến hòa vào mênh mang cõi nhân sinh. Cấu trúc này giúp cho từng bài thơ tồn tại độc lập mà vẫn châu tuần theo "trục" cảm xúc đến khái quát.
Ai đó nói rằng khi xa quê sẽ viết về quê hay hơn. Có vẻ đúng với Hương Đình. Quê hương (An Nhơn) trong thơ anh, như bao thi sĩ khác, trước hết là những người thân:
Mai con lại lên rừng, mai con về với núi
Mẹ lại bọc cho con dúm gạo nếp thơm, quả cà, quả ổi
Con nhóm lửa, mắt cay xè, con thổi nồi cơm tối
Con thổi hụt hơi vào rơm rạ quê mình.
(Giấc mơ quê)
Em gái tôi bày mâm ngũ quả
Đêm gia tiên nước mắt lặn vào trong
Chậu mai hớ nó mua về từ năm ngoái
Cứ vàng phai bên má gái chưa chồng.
(Đêm giao thừa)
Trở đi trở lại trong thơ anh là hình ảnh người mẹ, lời mẹ dặn "hai mươi năm… còn trong suốt". Quê còn là bạn của thời chưa xa, giờ người thì lẽo đẽo áo cơm, kẻ chán chê hoan lộ, người hát u oa vào lãng đãng sương khói số phận, kẻ đa mang lụy với nợ tình. Họ gặp nhau thật cảm động:
Bốn người như núi trầm ngâm
Dọc ngang về vãi một rằm phấn hoa
Một lần như thế quê nhà
Đêm tàn lặng lặng trăng qua mái đầu.
(Ngồi với bạn quê)
Dù thành đạt, hạnh phúc hay khổ lụy, họ hoàn toàn bằng vai phải lứa trên chiếu tình bạn đến tàn canh. Cái chiếu này đủ rộng để dung chứa vẻ lộng lẫy thơ cần thiết. Câu thơ hay tình bạn đẹp đến rưng rưng? Hồn người hay hồn quê mà lung linh dường ấy?
Nguồn cội, với thi sĩ nhiều khi như tấm gương - anh ta lục tung ký ức, hoài niệm cốt để tìm kiếm chính mình, cái thế giới riêng ấy nếu được mô tả một cách chân thật và nghệ thuật thì sẽ mới và, dĩ nhiên, sẽ có được sợi dây kết nối với muôn người. Nguồn cội của Hương Đình không suy lý, nó là miền tâm cảm có chút tự vấn, day dứt hoặc chia sẻ, bộc lộ. Tình cờ, chắc là tình cờ thôi, lục "hồ sơ lưu" của mình, tác giả thấy những tấm ảnh cũ:
Giờ tôi muôn màu
tìm tôi xưa đen trắng
Người đàn ông áo vàng về thắp lên ngọn nến
Mà cậu bé đi rồi
đi về phía những mùa trăng.
(Những tấm ảnh cũ)
Cuộc soi rọi, tìm kiếm vô vọng này lại tìm thấy cái đích tới như những con sóng mềm nhè nhẹ lan xa trong lòng bạn đọc. Chẳng để làm gì, một chút thần người ngoái về quá khứ của mình, thế thôi. Nó chỉ nhắc ta đã đi một đoạn dài, thế thôi! Có khi anh vịn vào ca dao để tự thú: Một người biền biệt non cao/ Chiều nay bước xuống ca dao vấy bùn". Những vòng sóng ký ức vỗ vô hồi vào cuộc tự nhận diện, nó không thể không chạm vào cái miền muôn thuở của thi nhân: những rung động trữ tình và riêng tư. Ở miền này, nỗi buồn xưa cũng lóng lánh. Là xưa thôi chớ khi trực diện cũng ngớp thở, anh loay hoay: Tôi giải vây tôi/ Bằng nước cờ tàn/ Tôi xếp ngổn ngang/ Vào ngăn ký ức/ Thâm u tôi tịch/ Giữa miền lặng câm. Cứ ngỡ là vứt bỏ đi đâu, lại xếp vào ký ức! Người thơ có vẻ kín tiếng này sau một hồi nói "thời tiết" đã bật ra:
Thế là đã cuối mùa mưa
Em đi ra phố hồn chưa ướt gì
Tôi lùa mái tóc thiên di
Gió sương ngui ngút mùa đi đằm đằm
Chợt đêm lạnh phía tôi nằm
Nghe hồn ướt tự xa xăm ướt về.
(Mùa)
Ký ức khi canh cánh nguồn cội - quê hương, khi thoảng nhẹ kỷ niệm, khi pha chút hóm hỉnh, tự trào (Ngẫu hứng ca dao 1,2,3,4, Nhà và mưa)…, những vòng sóng trực tiếp dội vào bờ tâm cảm này chừng như chưa đủ, anh hóa thân vào tất cả để thành Sông khát khái quát và mãnh liệt hơn. Giờ chỉ còn một đối tượng duy nhất là Mẹ Sông với 6 khúc biến tấu theo thứ tự: Những đứa con của sông, Người trong cát, Viết tiếp khúc tống biệt, Cao nguyên, Bến nước, Ra biển. Có thể "diễn nôm" 6 khúc trên như sau: sinh thành, mơ mộng, tình yêu, sự gắn bó định mệnh, tìm thấy, hòa vào mênh mông.
Như đã nói trên, cuộc hóa thân của anh đã khiến cái tôi chủ thể về căn bản, không còn nữa, và do vậy, bút pháp, cả thi pháp nữa, đã có những thay đổi. Chẳng hạn: Rồi một ngày/ Sông chạm mặt biển/ Chợt sông nhỏ nhoi/ Chợt sông lẻ loi/Chợt sóng bạc đầu/Những người đàn bà sau một cơn chẳng đặng đừng/ Lại quang gánh ra sông ngóng về phía biển/ Cá trầm đâu mất tăm mất tiếng/ Ta ra bến nhìn sông đau điếng/ Sông hư hao bên lở bên bồi/ Ném viên đá cuội mà chơi/ Thia lia méo mó mặt người hình sông (Ra biển). Hoặc: Dưới trăng/ Không nghe tiếng nước và không thấy những chiếc lá/ Người đàn bà và con đò không lái chắc đã đến bờ kia/ Mang theo búi tóc bây giờ và chiếc bóng mười mấy năm về trước/Tiếng chó khản đành hanh xui người trở về phía có tiếng còi tàu không nơi trú/ Đò ơ!…(Bến nước).
Sông khát đã trường lực hơn. Những vòng sóng lan tỏa đã có những biến ảo nên trường liên tưởng rộng hơn. Trừ đề tài chiến tranh và huyền thoại, Sông khát tạo cảm giác yên tâm rằng, có thể làm trường ca về đề tài hiện đại.
Thơ Hương Đình giàu hình ảnh. Có khi các hình ảnh chỉ liệt kê một cách khéo léo và vài từ gợi mà thành thơ:
Quán nghèo lật bật bờ sông
Bán trưa, bán gió, bán không có gì
Trẻ con thì có viên bi
Gái thì kẹp tóc, trai thì cạo râu
Bà già thì có miếng trầu
Ông già ly rượu, lâu lâu lại mời
(Quán sông)
Cách diễn đạt này anh học từ ca dao. Dung dị lắm mà nói được khá nhiều. Cũng vậy, kiểu sắp xếp vòng vo: Cây đa nghiêng xuông mái đình/ Mái đình đang lặng thình lình cây đa - hai chữ "thình lình" cài vào thành một Hương Đình thơ, gợi và hóm. Có lúc dân dã: Tiếng chó khản đành hanh; có lúc thông minh, sắc sảo: Những khoảng trống/ Rộng bằng ngôi nhà ta/ Dài hơn một tiếng thở dài; lúc sang trọng và bụi bặm: Bốn người như núi trầm ngâm/ Dọc ngang về vãi một rằm phấn hoa… Nhiều giọng điệu để không nhàm tai bạn đọc nhưng vẫn là một Hương Đình luôn có ý thức tìm tòi một cách nói riêng.
Làm thơ là để giãi bày, khám phá về nhân sinh. Nhưng khi viết với mục đích giãi bày, thơ không còn thơ nữa. Những bài thơ hay, câu thơ hay dường như được viết ra cho chính nó, như chính nó muốn giãi bày, khám phá. Hương Đình đã có được những phẩm chất của một thi sĩ. Và trong cái thấp thỏm muôn đời của ký ức, nguồn cội, lớp lớp sóng vô hồi trong Quán sông sẽ vọng lại những dư ba…
. Lê Hoài Lương
* Đọc tập thơ Quán sông, NXB Thuận Hóa 2004
|