Mỗi năm, ở Bình Định có hàng vài chục chương trình văn nghệ của các cơ quan, trường học nhân các ngày lễ, ngày truyền thống; bên cạnh đó là những chương trình tham gia các liên hoan, hội diễn của tỉnh, của ngành. Cùng với sự nở rộ của những chương trình này, một nghề mới hình thành: nghề dàn dựng, biên đạo cho các chương trình nghệ thuật quần chúng…
* Nghề của phong trào
|
Một tiết mục múa trong hội diễn nghệ thuật quần chúng |
Quốc Đỉnh kể: Năm 1978, khi đang làm việc trong lực lượng bộ đội biên phòng, anh được cử đi học thêm một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sân khấu do Bộ Tư lệnh Công an vũ trang tổ chức. Nhưng đến năm 1990, khi anh ra quân và trở thành cộng tác viên của đội Thông tin lưu động (Trung tâm VHTT tỉnh), công việc này mới thực sự trở thành nghề kiếm sống. Hiện nay, ngoài việc tham gia đội Thông tin lưu động, mỗi tháng, Quốc Đỉnh dàn dựng từ hai, ba cho đến năm, sáu tiểu phẩm, chương trình. "Mối" của anh khá đa dạng: các phường, các cơ quan, đơn vị khi họ chuẩn bị tham gia hội diễn, liên hoan. Trong những ngày đầu tháng 11 này, anh đang tất bật dàn dựng cho các lớp, các trường để hội diễn chào mừng ngày 20-11. "Mấy năm trước, có khi mình được mời làm cả chương trình, nhưng hiện nay do yêu cầu của nhà trường cao hơn nên một chương trình, họ mời rất nhiều người dàn dựng và biên đạo"- anh Đỉnh cho biết.
Cứ mỗi tiểu phẩm dàn dựng, tùy vào khả năng của từng cơ quan, đơn vị mà anh Đỉnh được nhận một khoản thù lao, có khi là vài trăm ngàn nhưng cũng có khi lên tới một, hai triệu đồng.
* Nhưng cũng lắm công phu
|
Một tiết mục tham gia liên hoan Làng văn hóa cấp tỉnh do Quốc Đỉnh dàn dựng |
Ngoài Quốc Đỉnh, hiện có Đào Minh Tâm (Trung tâm VHTT tỉnh), Tấn Hào, Ngọc Đạo (cùng là diễn viên Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định) đang tham gia dàn dựng cho các chương trình nghệ thuật quần chúng. Còn về biên đạo, trước hết phải kể đến Thu Hương, Hoàng Việt và Nhật Huy.
Để xây dựng nên những tiểu phẩm, có khi chỉ dài 5, 7 phút này, người dàn dựng phải bỏ ra không ít tâm lực. Bởi những tiểu phẩm thường nhắm vào một chủ đề nào đó, có khi hoàn toàn xa lạ với người dựng nên trước khi bắt tay vào viết kịch bản lại phải tìm tài liệu để học. Rồi phải làm sao gói vấn đề trong một tiểu phẩm ngắn, nhưng vẫn phải có những tình tiết, xung đột thì mới thu hút được người xem và có thể… "rinh" giải. Ngay cả khi đã có kịch bản trong tay, việc dàn dựng cũng không dễ dàng. "Dàn dựng cho nghệ thuật quần chúng khác với sân khấu chuyên nghiệp. Bên chuyên nghiệp, anh biên kịch thì chỉ lo viết kịch bản, anh đạo diễn thì lo dựng vở cho hay. Khi thành vở hoàn chỉnh thì đã qua mấy lần sáng tạo của tác giả, của đạo diễn, rồi cả diễn viên nữa nên vở diễn sẽ được nâng lên nhiều. Nhưng ở nghệ thuật quần chúng, người dàn dựng vừa phải là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn. Và khi đã viết kịch bản rồi, bắt tay vào dàn dựng nếu thấy không phù hợp với lực lượng diễn viên tham gia tiểu phẩm đó thì lại phải thay đổi. Nghĩa là kịch bản cũng "thiên biến vạn hóa", phải biết nương theo diễn viên mà điều chỉnh. Hơn nữa, diễn viên lại thường là chưa lên sân khấu bao giờ nên người dàn dựng phải diễn mẫu. Có những lúc, tôi dựng một tiểu phẩm, diễn cách này diễn viên không vào được, lại chuyển sang diễn cách khác, cứ thế đến mướt mồ hôi"- Đào Minh Tâm cho biết. Còn kinh nghiệm của Quốc Đỉnh là phải từ thực tế của lực lượng diễn viên tham gia rồi mới xây dựng kịch bản. Anh nói: "Nếu diễn viên hát được thì mới viết lời hát, nếu không thì chuyển sang đối thoại kịch, còn nếu sở trường của họ là múa thì phải dùng ngôn ngữ múa để biểu đạt nội dung cần thể hiện".
Ngoài những người dàn dựng, biên đạo "có nghề" trên đây, khi phong trào nghệ thuật quần chúng phát triển ở chiều rộng, đã "đẻ" ra đến vài chục người dàn dựng, biên đạo nghiệp dư khác. Thường họ là diễn viên ca nhạc nghiệp dư, qua một lớp tập huấn là thành biên đạo. Họ thường bê nguyên những bài mẫu được hướng dẫn trong các lớp tập huấn, cùng lắm là sửa sang tí đỉnh, vậy là cũng thành một "tác phẩm".
Với sự tham gia của họ, phong trào nghệ thuật quần chúng… có những nét khởi sắc. Không ít những chương trình, tiểu phẩm mà họ dàn dựng đã giành được bằng khen các loại ở các kỳ hội diễn, liên hoan cấp tỉnh, cấp ngành. Tuy nhiên, cũng có tình trạng như có người đã nói vui: "Nhiều khi xem một liên hoan, thấy tiết mục này của anh A làm, tiết mục kia của chị B dựng đâm ra mất cả tính quần chúng". Điều đáng nói ở đây là cần giới hạn sự tham gia của những người dàn dựng, biên đạo này cho thích hợp.
* Không thiếu những niềm vui
Câu chuyện của chúng tôi với Quốc Đỉnh bị gián đoạn bởi một người vừa tham gia Liên hoan các gia đình văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ II mời anh đến dự buổi ăn mừng. Quốc Đỉnh cười: "Làm cái nghề này, mới đầu tưởng chỉ kiếm cơm. Lâu dần mới thấy say mê, gắn bó. Những ngày họ đi thi cũng là những ngày mình hồi hộp lắm". Còn Đào Minh Tâm thì cho biết: "Trước đêm thi, mình phải gọi điện nhắc họ. Ngay khi gọi điện về báo đã được giải là cả đêm đó mình cũng không ngủ được...".
. Lê Viết Thọ |