Quê hương Can Lộc, một vùng quê thật nghèo của Nguyễn Quang Cương trên đất Hà Tĩnh. Đất nghèo giúp cho người giàu ý chí nung nấu cuộc đời mình. Và Quy Nhơn là nơi Cương đã lập nghiệp và trưởng thành. Quãng thời gian không ngắn trong kỷ niệm ấy là thời gian khá dài để Nguyễn Quang Cương nghiền ngẫm. Tập thơ Mùa Xanh của anh trang nào cũng thấp thoáng dấu ấn của quãng đời ấy.
Mùa Xanh tập trung vào ba mảng cảm xúc lớn của Nguyễn Quang Cương: Cảm xúc về quê hương, cảm xúc về thời dạy học, chiếc bảng đen và viên phấn. Cảm xúc thứ ba là những rung động về tình yêu.
Không yêu người mẹ của mình đến cồn cào, Nguyễn Quang Cương không thể hiểu nỗi vất vả của bà. Chính yêu mẹ, anh mới nhìn thấy những giọt mồ hôi:
Bỏng rát mùa hè, buốt cóng mùa mưa
Mẹ đến sớm hơn mặt trời trên ruộng lúa
Cương hiểu nỗi thương con tới tận lòng của mẹ:
Quên lá trầu xanh, bánh cho con mẹ nhớ
Những khi con ấm mình trở gió
Mẹ bế bồng lội suốt đêm sâu
Trong bài "Tháng năm chơi vơi" Nguyễn Quang Cương đã viết về người mẹ nghèo nhưng quyết nuôi con của mình. Chỉ bằng đôi chi tiết rất thực, anh đã vẽ lên hình ảnh người mẹ lồng lộng:
Mẹ tính chia từng chén gạo, đồng tiền
Con cá kho phải ba lần đậm muối
Thương nhất là Nguyễn Quang Cương đã trải qua một tuổi thơ đơn côi, một tuổi thơ lầm lụi, hầu như anh không hề có ký ức tuổi thơ:
Tuổi thơ tôi chưa leo cành ổi bao giờ
Chưa bao giờ căng dây diều lật gió
Ve râm ran trưa dài nắng nỏ
Chưa hề có con ve nào trong túi tôi
Tuổi thơ của Cương thật vất vả: Cào lá phi lao trên bãi biển, nhặt vỏ hến vỏ sò bán cho người nung vôi, đào gốc phi lao làm củi, kéo lưới cùng người lớn để mong được chia phần cá ít ỏi.
Nguyễn Quang Cương phấn đấu nhất mực, hy vọng bấy lâu đã đến với anh: Đứng trên bục giảng Đại học Quy Nhơn, vậy mà nỗi vất vả vẫn bám theo anh:
Mùa hè này thêm một bát canh suông
Thèm rau muống, bí xanh, bí đỏ
Đơn giản đời thường vậy đó
Chút đời thường thành nỗi khát khao
Còn câu này thì Nguyễn Quang Cương viết chính cho anh. Kể thật giản dị mà thấm thía:
Thời tôi sống đây, dù có vững niềm tin
Làm thầy giáo thấy mong manh hạnh phúc
Cố nghĩ điều xa, điều gần lại thực
Bữa cơm ăn thiếu cả cọng rau già
Nguyễn Quang Cương đã sống thực và viết thực. Tôi thích thơ anh không tô hồng bao giờ. Và cũng không bao giờ anh tự huyễn hoặc mình. Đọc thơ anh, ta hình dung ra một thời vất vả gian truân là có thực. Bài thơ "Mùa xuân anh đang về", mùa xuân đấy, mùa xuân bao giờ người ta cũng chan hòa những hoài mộng. Mùa xuân của hoa, của lá, của bướm lượn, của đu bay.
Mùa xuân của Nguyễn Quang Cương nghẹn lại:
Chờ lương tháng 13, đợi mượn tiền tàu xa
Túi xách nhỏ vẫn không sao đầy được
Lại cứ về quê như bao lần trước
Em may sẵn áo cho con, giấu để làm quà
Vậy mà trên bục giảng, người thầy ấy vẫn hào sảng, đem tấm lòng người thầy đến cho sinh viên, với một niềm tự tin, hãnh diện: "Bao tiếng cười tự tin sang sảng. Âm thanh dồn lên từ nửa cuộc đời". Tự vươn lên chính mình để xác định vị trí mình đứng:
Đã bao phen tự thấy mình đơn độc
Bấm lòng vượt dốc giữ nhân tâm
Có nhiều bạn nhà giáo nói với tôi: "Đọc mảng thơ Cương viết về quê hương và bục giảng, cứ tưởng Cương viết cho chính chúng tôi vậy". Thành công thơ Nguyễn Quang Cương là từ cái tôi đến cái ta nhẹ nhàng, nhuần nhị, không hề lên gân, lên cốt bao giờ.
Mảng thơ tình yêu của Nguyễn Quang Cương, ta không thấy cái day dứt đời sống gian lao. Dẫu có lúc vẫn thăm thẳm mà vẫn chứa chan niềm tin yêu:
Chuyến tàu anh mải miết đến xa xăm
Em ẩn hiện cầu vồng mộng ảo
Bốn mùa đời dẫu chập chênh giông bão
Thì trong anh, em vẫn cứ mùa xanh
Rung động trong tình yêu của thơ Nguyễn Quang Cương tinh tế, vì vậy những bài thơ tình của Cương thường tìm được ý, tứ lạ. Bài "Phía em đứng gió", tác giả mô tả tâm trạng của một chàng trai không phải cưới người mình yêu mà nhập vào đám đưa dâu, đưa người yêu về nhà chồng của cô:
Đưa em về với nhà chồng
Anh như kẻ tự cầm lòng mà vui
Hai bờ không có bên bồi
Phía anh đất sụp sông trôi nước ngầm
Những câu thơ rơi nước mắt ấy, chàng trai nhận ra mình rất rõ: "Phía em đứng gió, chỉ mình anh hay".
Hai bài thơ tình trong Mùa Xanh là bài "Mùa xuân" và "Khi em ngủ say", thật nhí nhảnh. Ta có cảm giác khi viết được những câu thơ rạo rực này Nguyễn Quang Cương ngồi tủm tỉm cười với chính mình:
Mùa xuân dung dăng đi ba hàng
Má đỏ, môi hồng, nhún nhảy
Mùa xuân cười tủm tỉm sau xe
Bảy sắc cầu vồng lung linh bừng dậy
Tài nhất là bài "Khi em ngủ say", như cách ta hay nói bây giờ là "nuy" mà không hề tục một chút nào. Dù cô gái trước mắt tác giả "Trên mái đầu nghiêng, cánh tay trần trước mặt". Nguyễn Quang Cương miêu tả rất kỹ càng:
Tạo hóa sinh ra nguyên vẹn hiện bày
Rất vô tư, chẳng chiều lòng ai muốn
Dùng dằng bước đi, rối lòng bịn rịn
Là hơi thở em, thương đến mềm lòng
Khép lại tập thơ, hai mảng đời thực và tình yêu vẫn cứ sống động trong lòng người đọc.
Tuy nhiên trong Mùa Xanh có những tứ thơ khiên cưỡng. Tác giả hình như hụt hơi, đó là bài "Sông Hương" chỉ có 5 câu:
Sông Hương
Mắt trong ngời của Huế
Trăm suối xuống
Nhuộm xanh rồi ra bể
Mắt tôi nhìn không gỡ khỏi sông Hương
Tôi đọc nó thấy đơn điệu quá. Cái "thực" trong thơ Nguyễn Quang Cương rất dồi dào. Nhưng hình như vắng bóng cái "ảo". "Ảo" và "thực" là cặp cánh của thơ, làm cho thơ bay lên. Nếu Mùa Xanh quan tâm đến phần "ảo" của thơ, chắc sẽ say lòng hơn.
. Nguyễn Quang Hà
* Đọc tập thơ MÙA XANH của Nguyễn Quang Cương |