"Thầy già" cho "con hát trẻ"
15:8', 19/11/ 2004 (GMT+7)

Họ có thể là những người thầy vô danh âm thầm truyền nghề ở những vùng quê, cũng có thể là những người vừa là nghệ sĩ vừa dạy nghề trong nhà trường hiện đại. Nhưng tất cả họ đều có một nét chung: một tấm lòng với sân khấu truyền thống, muốn vun đắp cho những thế hệ tiếp nối...

* Không có nghệ nhân thì không có nghệ sĩ

NSƯT Nguyễn Kiểm cùng với các học sinh lớp dân ca bài chòi khóa 5

NSƯT Phan Ngạn có lần đã khẳng định với chúng tôi như vậy. Bởi với sân khấu truyền thống, trước khi có những nhà trường hiện đại, nghệ nhân là lực lượng chính đào tạo nên những thế hệ nghệ sĩ tiếp nối. Và họ, có thể chỉ là những thầy hát già ở làng quê nào đó đã âm thầm đào tạo nên những thế hệ nghệ sĩ cho sân khấu truyền thống. Những người thầy này có cùng một điểm chung: tình yêu âm thầm với nền nghệ thuật của cha ông và chỉ mong tìm gặp những người học trò có niềm say mê đích thực để truyền nghề, truyền cho niềm tâm huyết.

Với thầy Nguyễn Thành Sung, nguyên Trưởng đoàn Dân ca kịch Bình Định, thì những kiến thức đầu tiên về ca kịch bài chòi ông học được từ những người thầy như ông Dư Gành, ông Sính… "Lên bảy tuổi, tôi đã biết hô bài chòi và có giọng hô khá tốt. Ông già tôi thấy tôi có năng khiếu mới nhờ cậy những người thầy đó truyền nghề cho" - ông tâm sự. Dù sau này, có nhiều người thầy truyền nghề thêm, nhưng những câu hát đầu tiên ấy cũng như niềm say mê điệu bài chòi cổ như đã vào máu thịt. Còn NSƯT Minh Ngọc (diễn viên Nhà hát Tuồng Đào Tấn), người thầy đầu tiên của anh là cụ Nhưng Sơn, một ông thầy tuồng nổi tiếng của Phù Cát. Để rồi khi Đoàn tuồng Đồng Ấu Phù Cát được thành lập thì Minh Ngọc, khi đó hãy còn là cậu bé mới 14 tuổi, trở thành diễn viên rồi kép chính của đoàn.

Những trường hát do những nghệ nhân như vậy sáng lập đã ươm mầm nên những tài năng. Từ trường dạy hát của nghệ nhân Chánh Ca May (Huỳnh Họa) ở làng tuồng Nhơn Hòa (An Nhơn) từ thế kỷ XIX, đã đào tạo nên nhiều diễn viên nổi tiếng của Bình Định: Thập Có, Thập Quan, Thập Khương… nổi tiếng hát hay, múa đẹp, diễn giỏi và đặc biệt nhất là mỗi người đều có một sở trường riêng.

Lịch sử kịch hát dân tộc sẽ còn mãi tri ân những người thầy như họ. Từ một Chánh Đệ (1889-1940) đã dồn tất cả công sức để truyền nghề và giúp cho các bạn hát trẻ hoàn thiện tài năng; một Hai Chại, nữ nghệ nhân giàu kinh nghiệm nghệ thuật, đã hết lòng đào tạo nên một trong những nghệ sĩ kiệt xuất bậc nhất của nghệ thuật hát bội: cô Năm Nhỏ; rồi bầu gánh hát Chánh Lơn (1884-1936) mở lớp dạy hát, rước thầy và trong lớp học đó, nhiều người đã thành tài như: cô Quế, cô Dậu, ấm Chắt… cho đến những nghệ nhân vô danh khác, âm thầm vun đắp cho sân khấu truyền thống.

* Người thầy hôm nay

Hiện nay, thay cho những trường hát của các nghệ nhân dân gian ở các làng quê Bình Định, đã có những nhà trường hiện đại đảm nhận việc đào tạo thế hệ tiếp nối cho sân khấu truyền thống. Từ năm 1979 đến nay, Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đã đào tạo được 5 khóa tuồng, dân ca với hàng trăm học viên. Nhiều người trong họ đã thành nghệ sĩ ưu tú, trở thành lực lượng nòng cốt cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Đội ngũ giảng viên ngành sân khấu truyền thống trong biên chế nhà trường chỉ có… 2 người (trong đó 1 người kiêm nhiệm chức hiệu trưởng), còn lại hầu hết là nghệ sĩ của hai đoàn nghệ thuật truyền thống trong tỉnh.

Những người thầy hôm nay của sân khấu truyền thống vất vả không kém những nghệ nhân lớp trước. Dù đã có thêm những phương tiện hỗ trợ cho việc truyền thụ nghề nghiệp, học trò đã có thêm nhiều bộ môn bổ trợ kiến thức, nhưng công việc của họ thực ra chủ yếu vẫn là truyền nghề theo phương cách truyền thống. Ngay một giáo trình hoàn chỉnh đào tạo về ca kịch bài chòi vẫn là niềm trông đợi trong hàng chục năm trời. Năm 1995, giáo trình tuồng được biên soạn xong, còn giáo trình bài chòi thì mãi đến nay mới hoàn thành bản thảo. Việc đào tạo trước nay vẫn dựa trên kinh nghiệm của những nghệ sĩ là chính.

"Giảng dạy nghệ thuật truyền thống, tôi thấy vất vả hơn các lĩnh vực khác vì không chỉ nói không mà phải thị phạm bằng câu hát, bằng động tác" - thầy Nguyễn Hồng Tĩnh, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự. NSƯT Nguyễn Kiểm, người đã dạy cho 7 khóa học sinh ngành ca kịch bài chòi, từng cho hay: "Lấy cả một đời làm nghề để truyền dạy, nhưng thu lại rất ít niềm vui bởi số học trò theo đuổi nghiệp hát ngày càng ít, số thành đạt còn ít hơn". Nhưng phải chăng, chính bằng những kỳ vọng ấy, những người thầy như ông đã vượt qua những gian khó, tự nguyện làm người "thầy già" để ươm mầm cho những "con hát trẻ".

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ về ngày 20-11  (19/11/2004)
Thơ về ngày 20-11  (19/11/2004)
Xanh đến ngọt ngào trong kỷ niệm*  (19/11/2004)
Xanh đến ngọt ngào trong kỷ niệm*  (17/11/2004)
Thơ: Cao Văn Tam, Nguyễn Thanh Xuân, Nguyễn Tấn On   (14/11/2004)
Trên chuyến tàu khuya   (12/11/2004)
Nhớ ông Chủ tịch với cái trống chầu   (12/11/2004)
Tình một thuở còn vương…  (11/11/2004)
Vui buồn nghề dàn dựng, biên đạo nghệ thuật quần chúng   (11/11/2004)
Những vòng sóng ký ức *   (10/11/2004)
Một khuôn mặt của văn học *   (09/11/2004)
M. Gorki và chặng đường sáng tác trước Cách mạng Tháng Mười   (08/11/2004)
Đọc dòng thơ trữ tình của Puskin   (07/11/2004)
Nhà ảo thuật đãng trí   (05/11/2004)
Lệ Quyên với trái tim nồng cháy tình yêu nghệ thuật tuồng  (05/11/2004)