Thơ trào phúng Bình Định xưa
16:53', 22/11/ 2004 (GMT+7)

Dân tộc Việt nam là dân tộc biết cười. Cười tự răn mình, cười phê phán thói hư tật xấu trong đời sống, cười châm biếm bọn tham quan ô lại, cười đả kích áp bức bạo quyền… Lịch sử văn học từng để lại nhiều tên tuổi lừng danh trong lĩnh vực trào phúng: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương…

Vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thơ trào phúng cũng phát triển mạnh ở Bình Định. Đây là giai đoạn khổ nhục của dân tộc ta, dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, bao nhiêu cái nhố nhăng, thối nát phơi bày. Nhiều nhà nho bất đắc chí lui về ẩn nhẫn nơi điền lý, cảm thán nỗi đau nước mất nhà tan, gửi tấc lòng qua mấy vần thơ hoặc giải sầu cho qua ngày đoạn tháng hoặc mỉa mai cho thế sự. Tiếng cười trong thơ họ lúc nhẹ nhàng, khúc khích, lúc hả hê sảng khoái, lúc chua xót sâu cay "cười ra nước mắt".

Trong phạm vi tư liệu ít ỏi tập hợp được, chúng tôi xin giới thiệu sơ bộ mấy nét chính về thơ trào phúng Bình Định thời kỳ này:

1.Thơ đả kích xã hội:

Một bộ phận quan trọng là thơ tức sự. Nói như chúng ta bây giờ loại thơ này thể hiện tư cách công dân của người nghệ sĩ, không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những biến động của đất nước, nỗi đau của đồng bào. Làm dân của một nước nô lệ hàng ngày phải chứng kiến bao nhiêu cảnh chướng tai gai mắt. Xã hội dưới mắt cụ tú Nguyễn Khuê (1825-1896) đầy rẫy những bọn đục khoét, phi nhân:

Lớp thì mọc đục lớp bồ xè

Cực nỗi còn thêm chuột khoét tre

Trống mắt miền thông đường léo cuốn

Cả gan nên lửng nỗi kiêng dè

Lúc bấy giờ ở thành Bình Định có cô gái đẹp con nhà tử tế lấy phải một anh quản tượng dữ dằn. Sự việc trên gây nhiều tiếng chê cười cho xung quanh. Nguyễn Bá Huân (1853-1915) mượn đề tài "Chê gái lấy thằng chăn voi" để phê phán triều đình Huế ký hòa ước giao Nam Kỳ và các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho thực dân Pháp:

Thiếu chi ông cống với ông đồ

Ưng kẻ đầu voi ứ hự cô…

Bởi thế đố cho nên khiến thế

Thôi thôi còn trách nữa chi mô

Cảnh Tết Dương lịch ở Quy Nhơn qua ngòi bút của Nguyễn Bá Huân cũng không kém lố bịch:

… Xe ngựa lao nhao con nước mẹ

Mày râu nhẵn nhụi vợ ông Tây

Đít-cua rổn rảng trời e điếc

Cô-nhắc li bì đất cũng say

Ông chỉ trích nặng nề bọn quyền quý gian nịnh:

Kêu chi cú cú ở trên cây

Trời khéo sinh cho giống quái rầy

Ngày giấu mặt gian nương bóng cả

Đêm buông tiếng dữ dọa người ngay

Nguyễn Trọng Trì (1854-1922) tả cảnh ngộ những ông nghè làm quan trong triều đình Huế:

Tro mạt thương cho mấy chú nghè

Biểu đừng lớn tớn biểu đừng khoe

Ngày hai cơm quán ăn qua bữa

Tháng một lương vua lãnh lấy lề

Chỉ thắm đeo bài coi cũng lịch

Tráp sơn hầu chữ gẫm mà ghê

Mặc dù lơ láo quan nên quở

Cho nửa làm chơi chẳng nữa về

Câu chuyện Phạm Quỳnh, một kẻ thân Pháp đang làm chủ bút báo Nam Phong được bổ làm thượng thư trong triều làm nhiều sĩ phu bất bình. Thanh Trúc Nguyễn Khắc Tuân ở Bình Khê có bài "Vịnh ông táo" để châm biếm:

Cục đất xưa kia nó thế nào

Nắn nên ông Táo chức quyền cao

Khéo mang mặt lộ vênh vang thế

Chẳng hổ lưng khom khúm núm sao

Mãi kiếp đội nồi phò địa chủ

Quanh năm kiếm chuyện mách thiên tào

Rồi đây đất lại là hòn đất

Cái đẫy xôi chè giá được bao

2. Thơ trong sinh hoạt, vui chơi

Loại thơ này rất nhiều, để lại những giai thoại vui về các cụ xưa. Thì ra, bên cạnh sự nghiêm khắc mực thước, khăn đóng áo thâm, các nhà nho cũng hóm hỉnh, nghịch ngợm. Tiêu biểu nhất cho loại thơ này là cụ tú Nguyễn Khuê. Tương truyền rằng cụ có thể ứng tác mọi nơi, mọi lúc để góp vui cho xung quanh. Lúc bấy giờ cụ làm thầy đồ dạy học. Thấy học trò lười học, ham rong chơi, cụ "mắng học trò":

Cơm mấy mo cau ăn cũng hết

Chữ lưng lá mít đựng không đầy

Muốn không mang tiếng thân vô dụng

Gác bút nghiên đi nắm lấy cày

Một hôm, các cụ tụ tập uống trà sớm, thách với nhau làm thơ về một đề tài tục là tả người đi đái. Cụ tú Nguyễn Khuê ứng khẩu ngay:

Bốn phía xem chừng thấy chúng xa

Hai tay khe khẽ tụt quần là

Gành ngao lúng phúng rêu mờ đá

Bãi hạc lao xao sóng trổ hoa

Kiến ngỡ mưa dông tha trứng chạy

Cóc ngờ lụt ói cõng con ra

Cũng vì méo mó nên che đậy

Giữa nắng gìn mưa của mẹ cha

Có giai thoại kể rằng bữa nọ Nguyễn Bá Huân đi thăm bạn là Nguyễn Đôn Phục, cũng là một danh sĩ Bình Định thời bấy giờ. Nguyễn Đôn Phục hối người nhà thịt ngay con gà cồ chiêu đãi. Nguyễn Bá Huân ứng tắc ngay một bài hịch kết tội gà cồ trước khi đem cắt cổ:

… Đức nghiệp gì đầu đội văn quan

Trau chuốc hổ cho rầu phấn nước

Tài cán mấy đeo chân võ cự

Lăm le bươi chải nát nhà dân

Trời tạnh sáng chưa kêu

Công báo hiểm không xong một nỗi

Mổng cối xay ăn quẩn

Tội xé phay đáng đã mười phân

Nguyễn Đôn Phục khen hay nhưng các tội trên chưa đủ "truy tố ra tòa". Liền thêm:

Mấy mái chẳng chịu cũng lên lưng

Coi sức nó đã ngang quá ghẹ

Con có kêu trời mặc cẳng

Sa chi mầy mới ló đuôi tôm

Như vậy là gà cồ bị thêm tội "cưỡng dâm, hiếp cô" đáng tử hình.

3. Thơ tự trào

Loại thơ này hoặc ký thác những tâm sự đùa cợt bông lông hoặc khuyếch đại những nhược điểm của bản thân để "tự phê". Cụ tú Nguyễn Khuê có bài "Cảnh già":

Già này cũng bởi lúc còn trai

Khóm róm bây giờ dám trách ai

Béo sợ ngây dầu không hảo mỡ

Chua e nhăn mặt chẳng thèm xoài

Cụ nghè Nguyễn Trọng Trì "tự thuật" bằng chữ Hán, dịch nghĩa như sau:

Nực cười cho Nguyễn Trọng Trì trong mấy năm

Hành vi khác xa lúc trẻ

Hoặc nhân lúc say mắng nhiếc bạn đồng lớp trẻ

Lại theo lòng buồn mà giận dỗi đám con nít

Không đau ốm mà bước ra cửa là chống gậy

Chẳng phải điên mà tiếp khách phải ở trần

Vợ con sống bên mình lâu ngày đã quen

Nên không biện bạch rằng đó là phải hay quấy

Thơ trào phúng là một bộ phận không kém quan trọng của thơ ca Bình Định xưa. Nỗi lòng yêu nước, sự ý thức về nhân cách thể hiện khá rõ ở đây và có tác dụng rộng rãi trong giới nho học cũng như nhân dân quanh vùng. Điều đó góp phần lý giải tại sao Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì trở thành những sĩ phu ứng nghĩa Cần Vương lập chiến khu chống Pháp, Nguyễn Khuê cũng đã từng bị tống giam vì tội khẳng khái. Tuy cuối cùng họ thất bại nhưng đó chính là những đóm lửa sáng trong đêm trường của lịch sử.

. Theo Cẩm Tú (Văn hóa Bình Định)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Thầy già" cho "con hát trẻ"   (19/11/2004)
Thơ về ngày 20-11  (19/11/2004)
Thơ về ngày 20-11  (19/11/2004)
Xanh đến ngọt ngào trong kỷ niệm*  (19/11/2004)
Xanh đến ngọt ngào trong kỷ niệm*  (17/11/2004)
Thơ: Cao Văn Tam, Nguyễn Thanh Xuân, Nguyễn Tấn On   (14/11/2004)
Trên chuyến tàu khuya   (12/11/2004)
Nhớ ông Chủ tịch với cái trống chầu   (12/11/2004)
Tình một thuở còn vương…  (11/11/2004)
Vui buồn nghề dàn dựng, biên đạo nghệ thuật quần chúng   (11/11/2004)
Những vòng sóng ký ức *   (10/11/2004)
Một khuôn mặt của văn học *   (09/11/2004)
M. Gorki và chặng đường sáng tác trước Cách mạng Tháng Mười   (08/11/2004)
Đọc dòng thơ trữ tình của Puskin   (07/11/2004)
Nhà ảo thuật đãng trí   (05/11/2004)