Xuân Quỳnh là một nhà thơ có nhiều sáng tác cho thiếu nhi. Ngoài tập thơ "Bầu trời trong quả trứng", chị còn là tác giả của nhiều truyện ngắn. Những truyện ngắn của chị như nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú nhận xét, luôn làm cho ta rưng rưng cảm động. Thuộc trường hợp này có thể kể tới truyện "Thầy giáo dạy vẽ".
Dưới hình thức một hồi ức, Xuân Quỳnh đã kể cho chúng ta nghe về một việc làm đầy cảm động của những cô, cậu học trò lớp Năm đối với người thầy giáo dạy vẽ Nguyễn Thừa Bản. Thầy rất tận tụy với nghề nghiệp nhưng không thành công trên con đường sáng tạo.
"…Thầy là một trong những họa sĩ học khóa đầu tiên trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Bạn học của thầy, hầu hết đều đã trở thành những họa sĩ có tên tuổi, có người nổi tiếng ở cả nước ngoài, riêng thầy Bản chỉ là một giáo viên dạy vẽ bình thường ở một trường cấp hai".
"Thầy dạy rất ân cần, tỉ mỉ, chỉ bảo cho chúng tôi từng li, từng tí: cách tô màu, đánh bóng, cả cách gọt bút chì thế nào cho đẹp và dễ vẽ".
"Thầy thường nói say sưa với chúng tôi về hội họa".
"Thầy vẽ chậm, vẽ kỹ, không hiểu có đẹp không, những tranh của thầy ít được mọi người chú ý. Chúng tôi có đi hỏi nhưng chẳng thấy ai biết đến họa sĩ Nguyễn Thừa Bản".
Trong cuộc sống riêng tư, thầy cũng là một người có nhiều bất hạnh. Vợ con thầy đều đã mất từ lâu. Niềm vui duy nhất của thầy giờ đây chỉ còn là công việc và học trò. "Chúng tôi đều quý và thương thầy". Và những cô, cậu học trò lớp Năm này đã có một cách biểu lộ tình yêu thương đó bằng con đường riêng, hồn nhiên và độc đáo. Khi biết thầy có một bức tranh tham dự triển lãm mỹ thuật thành phố, các em đã kéo nhau đến xem. "Trong gian phòng chan hòa ánh sáng, bức tranh của thầy Bản treo ở một góc. So với những bức tranh to lớn trang trọng khác, bức tranh của thầy thật bé nhỏ (…). Mọi người đi lướt qua, chẳng ai để ý tới bức tranh của thầy". Các em cũng nhận thấy thầy "đi lại trong phòng triển lãm, nhìn người xem rồi lại nhìn về cái tranh của mình, bồn chồn, hồi hộp". Những tâm hồn non trẻ đã nhận ra tâm trạng của thầy. Và họ đã quyết định làm một việc "liều lĩnh" mong đem lại cho thầy một niềm vui nho nhỏ. Việc làm đó là thi nhau ghi cảm tưởng với nội dung ngợi ca bức tranh của thầy. "Trong phòng triển lãm này, chúng tôi rất thích bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thừa Bản", "Bức tranh tĩnh vật của họa sĩ Nguyễn Thừa Bản rất đẹp…". Quả nhiên, những lời trên đã nhen lên chút hơi ấm hạnh phúc giữa một cuộc đời dài đằng đẵng của một thầy giáo già không vợ con, không thành đạt. "Hôm sau thầy Bản đến lớp. Bối rối vì cảm động, thầy báo tin: - Các em ạ, bức tranh ở triển lãm của tôi cũng được một số người thích…".
Câu chuyện đậm chất nhân văn. Tình trò đối với thầy ở đây thật sâu đậm dù rằng nó được bộc lộ qua một hình thức "lời nói dối bí mật". Theo năm tháng, các cô cậu học trò lớp Năm ngày nào giờ đã trưởng thành, còn thầy Bản thì đã thành người thiên cổ. Nhưng thầy vẫn sống mãi trong tâm trí của họ. "Thầy không phải là một nghệ sĩ nổi tiếng như các bạn của thầy, nhưng đối với chúng tôi, hình ảnh hiền hậu khiêm nhường của thầy đáng quý trọng biết bao".
Hạnh phúc thay khi được trò tin yêu!
. Lê Nhật Ký |