Cội nguồn và hành trình "làm mới" tuồng cổ
15:34', 26/11/ 2004 (GMT+7)

Nhà hát Tuồng Đào Tấn vừa tổ chức tổng duyệt vở tuồng Cội nguồn (kịch bản Lê Duy Hạnh, đạo diễn Hoàng Ngọc Đình). Có thể có những ý kiến khen, chê khác nhau quanh vở tuồng hiện đại này nhưng điều chắc chắn: đây là vở tuồng đánh dấu một hướng tìm tòi hình thức mới cho tuồng cổ.

Một cảnh trong vở tuồng mới "Cội nguồn"

Có thể nói Cội nguồn là một vở tuồng được chờ đợi. Không đơn giản chỉ vì đây là vở diễn viết về đề tài hiện đại lấy bối cảnh từ Bình Định mà cùng với nhiều thể nghiệm cả trong kịch bản và dàn dựng, vở diễn này sẽ chứng tỏ một bước tiến trên hành trình tìm hình thức mới cho tuồng cổ.   

Ngay từ cấu trúc kịch bản của vở diễn đã có thể cho người ta cảm nhận điều ấy. Không gian sân khấu có lúc đang giữa mùa bông tuyết trắng của xứ Hàn, có lúc lại ở một làng quê Bình Định trong trận thảm sát, hay trong một ngôi nhà của một nhà đầu tư Hàn Quốc trên đất Việt. Có khi, nhiều không gian cùng hiện diện trên sân khấu trong dòng chảy hồi tưởng của nhân vật. Còn sự đan xen về thời gian, giữa quá khứ và hiện tại thì diễn ra thường xuyên hơn trên sân khấu. Nhưng thế chưa đủ, tác giả còn "kéo" thêm nhân vật lịch sử Lý Chiêu Hoàng từ quá khứ về để đồng cảm và chia sẻ với nhân vật Kim-xu-dâng. Chỉ chừng đó đã có thể thấy, Cội nguồn đã đi một bước khá xa so với phong cách tuồng truyền thống. Ngay cả so với các vở tuồng hiện đại trước nay như Chị Ngộ, Sáng mãi niềm tin… vốn vẫn được viết theo phong cách truyền thống, với thời gian tuyến tính bình thường thì Cội nguồn lại là một cái gì đó thật khác. Nhiều thông điệp về tình yêu hòa bình, về lòng nhân ái, về sự bao dung giữa những con người, về ước muốn khép lại quá khứ hướng đến tương lai… đã đến với khán giả trong sự mới mẻ như vậy. 

Một thành công khác của vở diễn là cách diễn xuất khá thành công của ba cột trụ chính. NSƯT Hòa Bình vào vai bà Sáu Bình, một bà má Bình Định sót lại sau trận thảm sát, diễn tự nhiên cứ như không. Rồi NSƯT Phương Thảo trong vai Li-hi-sô, NSƯT Hoài Nam vai bác sĩ Li-sơn-du…. khá đạt. Sự gần gũi và đồng cảm trong khán giả của Cội nguồn có sự đóng góp không nhỏ của dàn diễn viên tài năng này của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Bên cạnh đó, sự chăm chút, có đầu tư trong trang trí sân khấu, ngay cả những chuyện tưởng nhỏ như phục trang, xử lý ánh sáng… cũng góp phần vào sự thành công ấy. Không gian sân khấu, là đất Hàn hay làng quê Việt… cũng chỉ được thể hiện bằng ba dải lụa trắng, kết thành ba đỉnh. Với một không gian sân khấu như vậy, toàn bộ vở tuồng lại không chia đoạn cắt lớp mà liền mạch trong sự theo dõi của người xem. Sự vận dụng không gian ước lệ của sân khấu truyền thống, cách xử lý không gian của đạo diễn khá hiệu quả.

Tuy nhiên, những thủ pháp tưởng rất cách tân này so với tuồng truyền thống cũng không có gì là mới so với một loại hình sân khấu khác là kịch nói. Bởi vậy, có người tỏ ra băn khoăn vì không hiểu cứ đem vào tuồng những thủ pháp như vậy có phải là đang đi học cái sở trường của loại hình sân khấu khác, nhưng lại chính là sở đoản của mình. Trong khi ấn tượng lưu lại sau khi xem Cội nguồn là dường như ta vừa xem một vở kịch hơn là một vở tuồng đúng nghĩa. Nói cách khác, thế mạnh của tuồng, cái phần mà chỉ có tuồng mới thổi thêm được vào để nâng thêm giá trị vở diễn, chưa thể hiện rõ. 

Đánh giá những gì Cội nguồn đã làm được và những gì còn cần phải tiếp tục tìm tòi, qua đó, định hướng trên con đường tìm hình thức mới cho tuồng cổ là cần thiết. Có vậy, mới giúp cho tuồng vừa không giẫm chân tại chỗ nhưng cũng chẳng "gieo vừng ra ngô" như Bác Hồ từng dạy.

. Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Thầy giáo dạy vẽ" - một truyện ngắn cảm động về tình thầy trò  (26/11/2004)
Thơ: Lê Bá Du, Nguyễn Đình Lương, Nguyễn Đình Nhâm  (26/11/2004)
Nỗi nhớ xê dịch  (26/11/2004)
Thời sự Văn nghệ   (23/11/2004)
Thơ trào phúng Bình Định xưa   (22/11/2004)
"Thầy già" cho "con hát trẻ"   (19/11/2004)
Thơ về ngày 20-11  (19/11/2004)
Thơ về ngày 20-11  (19/11/2004)
Xanh đến ngọt ngào trong kỷ niệm*  (19/11/2004)
Xanh đến ngọt ngào trong kỷ niệm*  (17/11/2004)
Thơ: Cao Văn Tam, Nguyễn Thanh Xuân, Nguyễn Tấn On   (14/11/2004)
Trên chuyến tàu khuya   (12/11/2004)
Nhớ ông Chủ tịch với cái trống chầu   (12/11/2004)
Tình một thuở còn vương…  (11/11/2004)
Vui buồn nghề dàn dựng, biên đạo nghệ thuật quần chúng   (11/11/2004)