Folklorists liệt truyện
15:28', 28/11/ 2004 (GMT+7)

I. Theo chân người Nhà quê Trung ương

Tôi không phải là nhân vật của giai thoại. Giai thoại, dù chỉ được lưu truyền trong phạm vi một tỉnh hay một vùng đã là sang lắm và theo tôi hiểu thì nó thường dùng cho bậc danh giá, trâm anh thế phiệt của làng nghiên bút. Tôi không đòi hỏi gì ở thiên hạ vì biết sức mình yếu lắm, tài mình mọn lắm, gươm mình mẻ lắm, giày mình tã lắm, không có tham vọng nhập cuộc lăn lóc chứng minh với bụi đường trường. Tôi chỉ bán mặt cho đất bán lưng cho trời hy vọng gió thuận mưa hòa, mùa màng phong túc, bầy trẻ ăn học đàng hoàng giữ gìn nghiệp lớn của tổ tông là trong bụng vui khấp khởi, không còn mong ước cao xa gì thêm cho bản thân mình. Có người bạn thú thật xem tôi như kiểu một pho fôn-klo "còn thở", trân trọng chào tôi với tư cách vừa là chủ thể vừa là đối tượng của việc sưu tầm nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian. Mặc dù hội đồng khoa học người ta ưu ái đưa ảnh chân dung và tiểu sử của tôi vào quyển sách sang trọng Các nhà fôn-klo Việt Nam do Association of Vietnamese Folklorists ấn hành năm 1993, nhưng công bằng mà nói, danh hiệu ấy là quá to tát so với một người lấm láp bùn đất như tôi. Tôi đã đùa một cách nghiêm túc trên sự nghiêm túc không đùa của người bạn đức hạnh quý hóa bằng lời tự bạch cổ điển mà các nhà khoa bảng ở Trung ương Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thường dùng khi đối diện với các nhà văn chương, nhà hoạt động sân khấu, nhà mỹ thuật, nhà điện ảnh, nhà kiến trúc, nhà soạn nhạc vân vân… "Hội tôi là Hội Nhà quê - Bao nhiêu nhà khác tứ bề bạn lo - Nhà nào cũng rộng cũng to - Cũng sang cũng trọng cũng kho cũng tàng - Nhà tôi tre lá nhẹ nhàng - Đất trời tiếng mẹ khẽ khàng thương con - Muôn trùng là nước là non - Nhỏ nhoi là chiếc nôi nguồn sữa thiêng".

Đấy, công tôi chỉ ở khoản văn vần hóa ý tứ của các danh gia lừng lẫy mà thôi! Nhưng nội dung ấy thể hiện tài sản chung, bao nhiêu ân đức của các đời (đời đất nước, đời dân tộc và đời hội ta) tích góp mà thành, còn trong đó riêng tôi (và một vài thành viên) tự nhận: "Hội ta vô lượng đàng hoàng - Riêng mình dân ít mà gian hơi nhiều". Chắc chắn, công lao của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trong việc sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam sẽ được nhân dân và lịch sử đánh giá công bằng. Hình như nhà thơ Huy Cận đã nói ở một hội nghị rằng văn nghệ dân gian là Văn Nghệ Mẹ. Vâng, nền Văn Nghệ Mẹ ấy thiêng liêng vạn thuở, dư ba ngàn trùng, đáng ngợi ca muôn đời không hết, nhưng với tốc độ phát triển chóng mặt của đời sống công nghiệp hiện đại, nguy cơ mai một là điều khó tránh khỏi. Ấy vậy cho nên có rất nhiều người tâm huyết tự nguyện đứng ra giữ gìn phát huy. Tôi cũng được ưu tiên nối gót các bậc tiền bối góp phần vào đó. Nhưng phải nói, dù yêu mến đến quặn lòng từ hồi thơ ấu, thấy trong hiệu sách có cuốn tục ngữ ca dao hay truyện cổ là lòng tôi dậy lên niềm rạo rực và tiết kiệm tiền mua cho kỳ được, nhưng với đầu óc thiển cận của mình, và sự uyên bác tài hoa của người, tôi tự thấy đóng góp của tôi chỉ như cát trên sa mạc!

Những lúc đi dự Hội nghị BCH Trung ương Hội thường kỳ năm hai lần, tôi được trực tiếp hoặc gián tiếp học hỏi thêm rất nhiều từ những bậc thầy. Cho dù những bậc thầy hết sức bận rộn với các hội nghị hội thảo, công trình khoa học trong nước và quốc tế, nhưng rất sẵn lòng bỏ thì giờ ra lo cho sự nghiệp Hội, lo cho hội viên. Tôi thường trực một Hội địa phương đã thấy khó khổ trăm bề, các giáo sư thường trực Hội Trung ương thì nỗi khổ nhân lên chục lần. Khổ, nhưng mà vui vẻ. Nào ai quan quyền gì cho cam. Cho nên có hôm đi ăn cơm chỉ cùng mấy hội viên sở tại, một Ủy viên BCH đã tức cảnh: "Dân gian chơi lối dân gian - Vỉa hè là trọng nhà hàng sá chi - Canh chua sườn nướng gỏi bì - Tương cà chanh ớt chỉ gì có ngay - Cơm bưng nước rót liền tay - Làm quan mấy phút sau ngày gian lao - Trưa nay hảo hớn đãi nhau - Một chung rượu thuốc mấy câu bụi đời - Rồi về công việc không ngơi - Cũng mâm bát sắp cuộc người bao la - Người ta lại chỉ vào ta - Ta thành chanh ớt tương cà, thế thôi!". Có hội viên sụt sịt: "Hay thì có hay, thảm đà quá thảm!".

Nói vậy thôi chứ nhiều bậc mũ cao áo dài thuộc hàng danh gia vọng tộc đều rất yêu mến và không ngừng bổ sung trong danh mục đơn xin vào Hội. Cho nên ngồi tham gia chương trình xét kết nạp, tôi ứng tác: "Hội Nhà quê quá nghĩa tình - Cành vàng lá ngọc cung đình  xin vô". Không biết vô tình hay hữu ý mà các hội viên bầu chọn một Ban chấp hành đa số rất ăn ý với nhau trong câu chuyện miên man gắn liền với folklore hiện đại. Bao nhiêu câu ca dao tục ngữ "đời mới" được khai sinh trong các chuyến đi. Như hôm lên Sa Pa, dọc đường dừng lại ngắm cảnh núi non, một người nhìn đôi bướm lượn liền sà đến, bướm ta bay mất. Anh bảo: "Bướm rừng động đến thì bay". Tưởng chuyện chỉ ngang đó là hết. Một chị bỗng tò mò hỏi rằng đó mới chỉ câu lục, còn câu bát ra sao chơi nốt mới đáng mặt thi sĩ nước Nam. Anh ta buột miệng: "Bướm nhà động đến lăn quay ra giường". Cả xe nổi lên một trận cười nghiêng ngả giữa đèo cao dốc thẳm. Hôm đi Lạng Sơn, một chị ở Văn phòng Hội bỗng nhiên cảm xúc đọc mấy câu của một ủy viên BCH vắng mặt trong chuyến đi, gọi là tưởng nhớ: "Ai bảo chăn trâu là khổ - Tôi chăn chồng khổ gấp mấy chăn trâu - Trâu thì đồng cạn đồng sâu - Chồng thì ham nhậu lâu lâu mới về". Thế là nảy sinh đề tài "xỉ vả" cánh đàn ông do cánh đàn ông tự thực hiện. Đàn ông khoan hòa thế đấy, bao nhiêu lời tốt đẹp giành ca ngợi phụ nữ, còn đối với bản thân thì cứ liên tục nghiêm khắc phê bình! Nào là: "Ba đồng một mớ đàn ông - Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha - Kiến tha ra tận quán bar - Ai ra ai chuộc những ba triệu đồng". Nào là: "Ba trăm một mụ đàn bà - Ta về ta trải chiếu hoa cho ngồi - Ngồi chưa nóng đít đã thôi - Chạy ra quán rượu mà lôi chồng về - Không chè rượu nữa, chồng thề - Mai rồi cà rá ô kê (karaoke) đỡ tìm".

Còn về việc sưu tầm nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, đàn ông thì: "Mấy lời tiễn dặn vân vi - Cơm đùm rượu bới ta đi sưu tầm - Sưu tầm tít chốn sơn lâm - Đôi khi phụ nữ ta nhầm đàn ông - Ta thề mới hỏi lông bông - Đến khi phát hiện thì không… thêm gì - Đời nào các đấng tu mi - Sưu tầm nghiên cứu những gì ngoài fôn (folklore) - Cho nên mấy chị sồn sồn - Bỏ công cũng chẳng hớp hồn ta đâu - Hồn ta ở chốn nhiệm mầu - Sáng ngời trại viết, cao sâu công trình!". Đấy, người đàn ông làm công tác nghiên cứu sưu tầm rất bản lĩnh như thế, thời gian trí tuệ giành hết cho việc hoàn tất công trình trong trại viết. Đôi khi căng thẳng nghiên cứu ngày đêm cũng quá mệt, họ bèn đùa với các trại viên nữ: "Tưởng ra đi rất nhớ chồng - Ai ngờ nhớ chệch sang ông láng giềng - Láng giềng gần gũi thì phiền - Thôi thì nhớ quách trại viên nam mình". Trại viên nữ đáo để nhắc khéo: "Ở trại mạnh mồm nam với nữ - Khi về nhà sư tử lên cơn - Anh còn mỗi việc lơn xơn - Dạ thưa mụ xã đẹp hơn các người - Mỗi khi mụ nhoẻn miệng cười - Bốn phương cứ phải rối bời tay chân". Ở góc độ này, bài ca kia bắt gặp ý tưởng của một ủy viên BCH khi cùng cả đoàn tham quan Buôn Đôn: "Ở nhà cưỡi sư tử - Lên Tây Nguyên cưỡi voi - Voi to hơn sư tử - Sư tử dữ hơn voi!".

Hôm từ TP Hồ Chí Minh đi Châu Đốc mở lớp tập huấn, họp các chi hội trưởng văn nghệ dân gian Nam bộ, trong đoàn có rất nhiều nữ. Một chị ngồi đầu bảo lái xe: "Đi nhanh nhanh kẻo các cụ Chánh và Phó tổng chờ cơm". Một chị ngồi giữa: "Đi chầm chậm mà ngắm cảnh sông nước Nam bộ, điện cho các cụ ăn trước". Một chị ngồi cuối hình như theo thuyết trung dung: "Đi vừa vừa đừng nhanh quá đừng chậm quá, cả hai đều nguy hiểm!". Thế là tài xế phải chiều cả ba! Một người ứng khẩu: "Đi nhanh đi chậm đi vừa - Trong ba đi ấy anh ưa đi nào - Đi nhanh mát mẻ làm sao - Đi chậm chắc chắn xôn xao hữu tình - Đi vừa thì lại quang minh - Lái xe cứ việc rập rình ba đi - Bốn phương tị nạnh so bì - Xe dân gian có phép gì thăng thiên!". Chuyện đi miền Tây chưa hết. Lúc trưa dừng lại ăn, một chị bảo cơm, một em bảo phở, một quý phu nhân bảo cháo, lại một nương nương bảo nên ăn bánh canh! Một nàng có tiếng là công bằng thuyết phục, mới vừa e hèm cả đoàn đã mừng tưởng giải quyết được sự cố, ai dè lại thêm danh mục: "Đến đất này ăn hủ tíu Nam Vang mới sướng!". Lại phải yêu cầu thi sĩ "cho ý kiến chỉ đạo" cái việc thế tục thường kỳ có tên gọi "bữa trưa"! Thế mới khổ. Tại sao thiên hạ người ta không đặt quách là ăn cơm trưa cho khỏi cãi! Có người còn viện dẫn tiếng Tây tiếng Tàu là bữa trưa chứ có ai quy định cụ thể là món gì! Thế mới biết ngay trong ngôn ngữ đông tây kim cổ, bản thân từ bữa trưa hàm chứa sự dân chủ hóa vô cùng! Mà hội ta hơn ai hết phải đi đầu trong cuộc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở! Các nhà "vè học" phán thẳng thừng: "Xin mời quý vị ăn trưa - Cơm canh cháo phở cũng chưa nghĩa gì - Lại thêm hủ tíu bánh mì - Mỗi thứ một tí tì ti là vừa - Dân gian phong thạnh trăm mùa - Đề huề thịnh soạn bữa trưa rất ồn - Miền Tây đặc sản bồn bồn - Đã ăn là cả tâm hồn cùng ăn!". Mà đúng thế thật, người ta dọn lẩu mắm trăm thứ rau, trong đó quyết không thiếu rau bồn bồn, cái thứ rau có công mớm những vần êm dịu cho thi ca! Tôi chỉ sao y bản chính, còn dị bản thì hơi bị nhiều, tập trung ở câu cuối với cái vần êm dịu chết người đó!

Nhưng nói thì nói vậy, cánh đàn ông cũng không phải là không phức tạp. Vụ "đàn ông phức tạp" này cũng có ca dao: "Mấy ông lắm rượu nhiều bia - Người này nước khoáng người kia nước dừa - Chỉ trừ mỗi cái nước mưa - Quán thì không có cũng chưa ai đòi - Nước gì nghĩ cũng thiệt thòi - Đệ nhất kỷ lục là vòi sữa tươi - Sữa tươi tràn cốc không xơi - Uống trực tiếp mới  đã đời dân gian". Món đặc sản "sữa tươi trực tiếp" đúng là đáng xếp hạng văn hóa ẩm thực độc đáo của "dân… rất gian". Có anh mê rượu chọc quê anh ghiền bia: "Sướng thì sướng miệng uống bia - Khổ cho cái phéc-mơ-tuya cũ mèm". Vụ này folklorists áp đặt cả tiếng Tây vào lục bát, nghe cũng trơn tru chứ không đến nỗi chối tai. Tiếp thu cách tân mà! Anh uống bia cũng không vừa: "Uống rượu bản sắc trăm lần - Nhưng muốn tiên tiến phải cần uống bia - Uống chia tay sú-vơ-nia - Uống mừng xuân mới niu-dia hắp- pỳ (happy new year)". Thì ra, thể thơ truyền thống quốc nội có thể dung nạp cuộc đối thoại ngoại ngữ! Khiêm tốn đến đâu, khoản này mọi người cũng tự an ủi với nhau thế là tài, dù (cũng tự nhận) là tài bé tí ti chứ không lớn lao lắm.

Sau này tôi đi với một đoàn khác, nhân chuyến tham quan du lịch, trong đoàn có hai người đều có biệt tài ngang ngửa nhau. Người thứ nhất hôm trước cứ uống rượu tì tì mà mặt không biến sắc nhưng sáng mai thì phải nhớ đừng ai phân công anh việc gì. Trừ thời gian mệt ngủ và ngáy vi vút như tiếng sáo ống sắt rỉ, còn lại anh ta bắt đầu huyên náo theo kiểu mình là người xứ Nhà Trời tái hiện lại không khí fôn-klo trên dọc hành trình mà tôi vui miệng kể. Anh có biệt hiệu "nay uống mai say". Còn một anh nữa, cứ ngồi một mình im lặng vê râu mà tủm tỉm cười, có lúc bật lên từng tràng sảng khoái. Tôi hỏi cười gì, anh bẽn lẽn đáp: "Bài thơ tức khẩu của anh đọc hôm qua hay quá!" hoặc: "Câu chuyện chiều hôm trước anh kể trên xe nghe đã quá!". Thì ra, anh thuộc diện "nay nghe mai cười". Có người chê anh chậm tiếp thu, có người chê giới folklorists sáng tác chưa đủ sức lay động thính giả ngay tắp lự! Dù gì đi nữa, cầm lòng vậy đành lòng vậy, folklorists bao giờ cũng "tiên trách kỷ hậu trách nhân" cả mà!

Nhìn lại, thoáng chốc đã năm năm ròng! Năm năm, khi Hà Nội, khi TP Hồ Chí Minh, khi Châu Đốc, khi Mỹ Tho, khi Điện Biên, khi Lạng Sơn, khi Cần Thơ, khi Sa Pa, khi Phú Yên, khi Buôn Ma Thuột… bao nhiêu câu chuyện và thơ ca hò vè kéo dài trong những chuyến đi. Ai dám bảo ngày mai, những câu ca rơi rớt miên man dọc đường kia, không có người còn nhớ mà nhặt lên, như hôm nay, chúng ta nhặt được của người đi trước. Những câu ca đã trích dẫn là do trí nhớ lõm bõm của tôi ghi lại một phần nghìn các chặng đường đi khắp đất nước, mới chỉ về những sinh hoạt bình thường, cũng đã vô cùng chưa đầy đủ. Có người cho rằng, nếu làm đề tài: "Tính dân gian của những sáng tạo ngẫu hứng tập thể trong sinh hoạt nhiệm kỳ sau III trước V", công trình phải đến ít nhất năm trăm trang A4 cỡ chữ 13, trong đó có thể chia thành nhiều thể loại và các dạng đề tài, ví như truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, dân ca, tục ngữ… đặc biệt phát triển hơi bị mạnh thể loại truyện tiếu lâm và ca dao hiện đại. Rồi trong từng thể loại có tiểu mục về sinh hoạt ăn uống và họp hành (trong đó gồm các loại hình họp khác nhau như họp Chánh văn phòng và các Ủy viên BCH ở xa, hội ý giữa chợ về việc chừng nào ăn nậm-pịa, họp bàn về tái dê tương gừng, rút kinh nghiệm việc đi rừng thà để vắt bám vào túi áo kiên quyết không cho chui vào túi quần v.v…), về chân dung người cùng thời… Có người bảo sao lại có cổ tích vào đây? Xin thưa: cũng đàng hoàng có nhân vật là bà Tiên ông Bụt cộng thêm với người thật việc thật trên các chuyến xe của nhiệm kỳ bốn, hai nghìn hai nghìn linh năm, đúng phóc theo định nghĩa cổ tích trong lý luận văn học dân gian không sai một tẹo nào. Tôi sẽ trở lại chuyên đề này vào dịp khác, chỉ xin (lễ phép) xin lỗi bạn đọc, thưa với riêng 1054 hội viên một vài lời gọi là, trước khi khép lại phần này. Đó là, nhìn tổng thể công việc của năm năm, với kinh phí ít ỏi như thế như thế, con người cũng ít ỏi như thế như thế, điều kiện cũng khó khổ như thế như thế, nhưng kết quả thì phải đứng ngước mắt lên mà nhìn! Chỉ có dùng câu ấy, ngước mắt lên mà nhìn, mới thấy hết công sức của ban lãnh đạo Hội trong việc đoàn kết, tập hợp, giúp đỡ hội viên kiến tạo và công bố công trình, cũng như hằng tỉ thứ việc liên quan đến hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy văn hóa văn nghệ dân gian. Điều này thì trong văn bản báo cáo và phụ lục Đại hội V (khoảng 130 trang) đã tổng hợp chi tiết, tôi chỉ nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi chấp chấp hành hành - Chấp hành nghị quyết chấp hành hội viên - Chấp hành điều lệ, đương nhiên - Nếu không chấp, hành đến phiền chứ chơi - Không hành không chấp chúng tôi - Còn ai vô nữa ngoài trời đất kia - Dân gian sự nghiệp đầm đìa - Nền Văn Nghệ Mẹ tạc bia muôn đời". Xứng đáng nhận vòng nguyệt quế là GSTSKH Tô Ngọc Thanh, GS Trần Quốc Vượng, GSTS Nguyễn Xuân Kính.

(còn nữa)

. Nguyễn Thanh Mừng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cội nguồn và hành trình "làm mới" tuồng cổ  (26/11/2004)
"Thầy giáo dạy vẽ" - một truyện ngắn cảm động về tình thầy trò  (26/11/2004)
Thơ: Lê Bá Du, Nguyễn Đình Lương, Nguyễn Đình Nhâm  (26/11/2004)
Nỗi nhớ xê dịch  (26/11/2004)
Thời sự Văn nghệ   (23/11/2004)
Thơ trào phúng Bình Định xưa   (22/11/2004)
"Thầy già" cho "con hát trẻ"   (19/11/2004)
Thơ về ngày 20-11  (19/11/2004)
Thơ về ngày 20-11  (19/11/2004)
Xanh đến ngọt ngào trong kỷ niệm*  (19/11/2004)
Xanh đến ngọt ngào trong kỷ niệm*  (17/11/2004)
Thơ: Cao Văn Tam, Nguyễn Thanh Xuân, Nguyễn Tấn On   (14/11/2004)
Trên chuyến tàu khuya   (12/11/2004)
Nhớ ông Chủ tịch với cái trống chầu   (12/11/2004)
Tình một thuở còn vương…  (11/11/2004)