Folklorists liệt truyện
9:58', 29/11/ 2004 (GMT+7)

(tiếp theo và hết)

II. Tôi không phải là nhân vật của giai thoại

Hẳn hoi là như vậy rồi. Câu khẳng định ở tít đề tôi đưa ra hơi bị lặp lại ở phần trên, lặp lại cố ý để nhấn mạnh, thôi thì cứ xem là điệp khúc cũng được, riêng phần giải thích giải trình thì khỏi nhắc nữa, cho gọn. Có người sẽ bảo ai nói ông giai thoại huyền thoại hồi nào đâu mà ông mất công cãi. Có chứ, đoạn này tôi xin đối thoại với ba người. Và cũng chỉ xin ví dụ ba người cho câu chuyện đỡ dài, đỡ rối óc bạn đọc.

Hôm tôi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất đang đợi xe Hội Văn nghệ Dân gian hẹn đón thì nhà văn Đỗ Kim Cuông mời tôi lên xe của Văn phòng phía Nam cơ quan Trung ương Đảng, đi Mỹ Tho. Ngoài anh Cuông, trên xe còn một phụ nữ trạc 30 tuổi, lần đầu tôi gặp, được nghe giới thiệu là Tiến sĩ văn học Phương Lan, chuyên viên Vụ Văn nghệ Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Nghe tên tôi, cô đọc thuộc lòng một bài thơ làm quà cho tác giả. Đó là bài Cắt nghĩa, in ở tạp chí nào năm nào tôi cũng không nhớ nhưng nhờ sự đọc làm quà của cô, tôi mới nhớ rằng trong đời mình từng viết những câu những dòng như vậy! Đọc xong cô ấy còn bảo được hân hạnh biết tôi qua nhiều giai thoại văn chương mà bạn bè Hà Thành hay kể.

Chuyện thứ hai, một đêm mùa thu Buôn Ma Thuột, tôi ngồi uống bia với Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin và Lê Vĩnh Tài, nhà thơ kiêm bác sĩ, nghe kể rằng ở xứ Tây Nguyên có một nhà thơ kiêm giáo viên trung học cứ mỗi lần uống rượu say là đọc Đám cưới Huyền Trân và xem như trong huyền thoại! Không rõ xem chính mình, xem tác giả hay là xem bài thơ, điều này do bâng khuâng quá, tôi quên chưa hỏi. Tôi ước ao một lần hân hạnh gặp mặt anh mà chưa thực hiện được nhưng cứ mềm lòng vì cái nghĩa người nghĩa thơ ở đời này nó bao dung quá, thăm thẳm quá!

Chuyện thứ ba, nhà thơ kiêm nhà giáo Phạm Văn Phương và một số anh em ở thị trấn Bình Định lại kể rằng có một người điên cứ ôm thơ tôi ra đọc và gọi tên tôi giữa trời khuya lạnh. Người điên ấy đã qua đời rồi (vì nằm đắp lá đeo đuổi giấc mộng thi ca giữa đường số một) và tôi cũng chưa hề hiểu bằng cách nào mà anh có thể đối xử với tôi một cách quá trọng thị như vậy, dù tôi chưa bao giờ gặp anh và nói với cuộc đời khổ ải của anh một câu nào khả dĩ có thể gọi là yên ủi.

Trời ơi, làm một người của giai thoại thì được bao nhiêu ân sủng của thiên hạ! Tôi rất biết ơn những người như chủ thể của ba câu chuyện trên, đã quan tâm một cách khá đặc biệt đến nhúm ngôn ngữ khô khao và trầm mặc, tạo thành niềm day dứt của thơ tôi. Là người hoạt động văn chương, ai mà không xem những mẩu chuyện như thế là nguồn khích lệ quan thiết trong đời cầm bút.

Đến đây cũng xin mở ngoặc, tôi cũng được ưu ái "trưng diện" chân dung tiểu sử ở một số nơi ngoài Association of Vietnamese Folklorists. Bởi vậy, có thể độc giả tiếp tục ưu ái tôi khi quan tâm đọc kỹ những sách báo tài liệu đó chứ không giai thoại huyền thoại gì đâu. Hồi tôi ở một khách sạn Hà Nội, mấy cô lễ tân cứ nhìn nhìn tôi một cách "khả nghi". Tôi cứ tưởng ở đây họ có lệ cảnh giác quân khủng bố! Và tôi giả vờ tình cờ mở va-li để tìm cái lược chải tóc, kỳ thực là muốn để cho các cô thấy rằng không hề có chất cháy nổ nào trong ấy. Nhưng rồi, sự khả nghi vẫn không buông tha tôi trước khi một cô thì thào với bạn câu gì tôi nghe lỗ mỗ là có chữ gì như văn văn võ võ, đại để thế. Tôi đánh bạo hỏi thử, các cô cứ khúc khích cười, rồi bảo rằng đã xem VTV3, ký sự "Làm văn trên đất võ". Các cô nói thẳng: "Chúng em cứ tưởng nhà thơ có tên trong Từ Điển Nhà Văn là danh giá lắm, ai ngờ vợ chồng bác phải xách cơm nắm đi ăn dưới gốc cây". Thì ra, ngoài xem ti vi, các cô còn đọc cả quyển "Từ điển tác gia thế kỷ XX" nữa kia đấy! Và cứ đinh ninh rằng nhà thơ là phải sống trong nhung lụa, đi xe ô tô máy lạnh! Thế có khổ cho người phụng mệnh thơ ca không hở trời!

Trở lại với vấn đề giai thoại, tôi nghĩ rằng tôi không thuộc hàng mũ cao áo dài trong làng để hưởng ái mộ của thượng đế. Nhưng, như trên đã nói, hoạt động xã hội kèm theo fôn-klo của tôi hơi bị nhiều, cho nên không ít người có ấn tượng. Chẳng hạn, một cụ già tám mốt trong giới, đến chơi, ông ta than vãn vì lên ti vi nhiều nên ra quán, các em phát hiện không quỵt được! Đấy, cái vụ lên ti vi rất dễ bị lộ, tôi đã có bài học nhỡn tiền rồi mà! Ai bảo cụ ham vui nghe cháu con dụ dỗ phát biểu phát bủng để trưng ra trước bàn dân thiên hạ! Tôi liền tức sự: "Bát tuần tưởng rõ mọi thị phi - Dại gì không dại, dại ti vi - Chị em nhẵn mặt trên màn ảnh - Gặp nhau trong quán bỗng sinh nghi". Ông bật cười hô đúng quá đúng quá. Ông là một người cá tính mạnh, bộc trực, sẵn sàng phê phán không thương tiếc mọi sự chướng tai gai mắt. Bởi vậy, có lúc tôi đành vô phép "êm dịu hóa tình hình": "Hôm nay sinh nhật cụ Đào - Bao người chụm lại nói vào nói ra - Mặc tình thiên hạ ba hoa - Chúng ta đến đó để mà uống bia!". Thế là riêng cả nhóm chúng tôi ngồi với nhau, vui vẻ bàn những kế hoạch học thuật hơi bị… vô cùng nghiêm túc. Bàn, rồi mê mải ngày đêm, năm này qua năm khác, cần mẫn thực hiện, chứ không hề chơi bài đánh trống bỏ dùi. Trên thực tế, những công trình đã ra mắt và trong những người chúng tôi, người đam mê đề tài Huyền tích Kinh thành, kẻ quý trọng đề tài Tây Sơn - Quang Trung, người yêu mến đề tài Đào Tấn, tự hứa với lòng mình, làm sao cho các di sản và danh nhân ấy phải được công nhận ở tầm quốc tế. Công việc ấy, phụ thuộc vào nhiều cấp nhiều ngành, nhưng riêng chúng tôi, quyết làm cả đời mình! Đó là tấm lòng với mảnh đất Bình Định mà chúng tôi được sinh ra và lớn lên. Thế thôi!

Khi được một số chiến hữu hưởng ứng, có hiệu quả dây chuyền tôi mới cảm nhận chính xác nụ cười fôn-klo có ý nghĩa như thế nào trong đời sống hiện đại. Tôi cũng được dự nhiều hội nghị hội thảo khoa học, điển hình là Hội thảo Một trăm năm sưu tầm nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Nội, Hội thảo Văn hóa dân gian và sự phát triển văn hóa đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam bộ ở Cần Thơ, Hội thảo Văn hóa dân gian Nam Trung bộ ở Phú Yên…, tất cả các Hội thảo đều do Hội Văn nghệ Dân gian phối hợp với các trường đại học hay với chính quyền địa phương tổ chức, ở đó trong cái nghiêm túc chỉn chu của khoa học cũng không hề thiếu cái nghiêm túc chỉn chu của sự vui hóm dân gian hiện đại. Thế mới thêm những ví dụ sinh động chứng minh cho dân tộc Việt Nam là dân tộc biết cười, vừa đậm đà bản sắc, vừa có tinh hoa hiện đại.

Trở lại với nụ cười fôn-klo hiện đại, lúc anh chị em văn nghệ sĩ Bình Định đi dự trại sáng tác Đà Lạt, một thi sĩ bất ngờ chạy về trầm trồ khoe với cả trại rằng mình vừa thấy một phụ nữ ngoài 50 ngoài phố rất đẹp, đẹp như… công chúa. Và, điều đặc biệt là nàng cũng rất chăm chú "hồi âm cái nhìn"… anh ta. Anh ta đang khoe rất hồn nhiên, bỗng mọi người phát hiện thì ra anh ta được nhìn là do ra phố mua bánh, quên khuấy việc mặc quần dài, chỉ chơi xà lỏn. Thế là có ứng tác tặng anh ngay: "Công chúa ngoài kia quá ngũ tuần - "Ít xì" thi sĩ thấy hồi xuân - Anh em trong trại đang uống rượu - Phát hiện ra anh chẳng mặc quần". "Ít xì thi sĩ" là tên phiếm chỉ của anh ta. Một vụ khác, vụ chống bão, tóm lại là nghe tin dự báo thời tiết, để huy động văn nghệ sĩ ra tay đánh đuổi thủy hỏa đạo tặc, cũng phải có mấy lời với cánh báo chí văn nghệ là cơn bão nó ác lắm, nó đa mưu túc kế lắm, nó cũng giả danh lợi dụng mọi nghệ thuật, nó trá hình tàn phá con người. Bởi vậy cho nên, hơn ai hết, chúng ta phải đi tiên phong dùng sức mạnh nghề nghiệp chúng ta mà chống trả lại sự giả danh của nó. Tức thì bỗng có fôn-klo hiện đại: "Bão chèo ngoài Thái Bình Dương - Hôm nay bão định cải lương xứ mình - Thế rồi rất bất thình lình - Bão múa bão ngã chình ình ngoài khơi - Gượng lên hát bội mấy lời - Bão chơi tiểu thuyết chương hồi mới nguy - Dùng dằng quan i họ i - Thế rồi bão lại vân vi thơ tình - Rằng ta muốn kết với mình - Phải duyên phải lứa đinh ninh hẹn thề - Thấy văn nghệ thiệt, bão "quê" - Bão ta bẽn lẽn chuồn về mây xanh".

Fôn-klo hiện đại đi vào cả lĩnh vực báo chí. Một nhà báo đi chống lụt, bỗng nghe tít tít trong di động, mở ra thấy tin nhắn: "Hôm nay chống lụt sông Côn - Xin đừng mê mải ngắm… "trăng", làm thơ". Anh ta nhắn lại ngay tức khắc: "Lũ tràn ngập cả sông Côn - Bỗng nhiên thấy một cái cồn… lòi ra". Có đối thoại lại: "Vẫn nhà báo ấy, ngày xưa - Đậm đà bản sắc hu-mua bảo tồn - Cái cồn tuyệt diệu cái cồn - Ghé lên trên ấy xem hồn ra răng". Lại chơi tiếng Tây "hu-mua". Tôi chỉ chép nguyên văn tuy rằng câu cuối hơi bị nhiều dị bản, tập trung ở cái vần… êm dịu chết người! Vì hết pin mobail và cũng để giành thời gian viết phóng sự chống lụt, chuyện đến đấy tạm dừng. Chuyện fôn-klo hiện đại vào trong tin nhắn di động thì hơi bị… bất tận. Nhà thơ Văn Công Hùng lưu trữ hẳn nghìn lẻ một câu vui hóm của bạn bè trân trọng tặng và anh hồi đáp lại. Anh đã từng viết một số bài in báo, có bài nguyên trang trên Báo Thơ của Hội Nhà văn, trong đó anh ưu ái giành cho sự chiếm dụng về tôi mất nửa trang. Chẳng là hồi anh được mời về tham gia lãnh đạo Tạp chí Sông Hương rất hoành tráng, anh có tham khảo ý kiến bạn bè nên hay là không nên ra đi. Tôi nhắn: "Công Hùng xách gói về xuôi - Văn chương sự nghiệp để Bùi Quang Vinh - Lại thêm thi sĩ Hương Đình - Thế là ổn định tình hình Tây Nguyên". Đó là những người bạn đã và đang là những cây bút chủ lực trên ấy và vì là bạn có thể kề vai áp má đùa giỡn nên tôi mới nhắc. Đọc bài viết của Văn Công Hùng về nhà thơ Thanh Quế, tôi bấm máy ngay: "Nhà thơ Thanh Quế thân yêu - Văn Công Hùng bốc một liều thuốc tiên - Nước non nặng một lời nguyền - Quảng Đà thương lắm, Phú Yên thương nhiều". Chả là Thanh Quế quê ở Phú Yên, đi kháng chiến ở chiến trường Quảng Nam, giờ lập nghiệp Đà Nẵng.

Hôm dự Hội nghị văn học miền Trung tại Sầm Sơn, tối giao lưu với trường Đại học Hồng Đức, tôi và bà xã được mời lên diễn đàn để các sinh viên khoa học xã hội chất vấn. Họ hỏi nhiều câu, chúng tôi trả lời kể ra cũng hơi bị trơn tru lưu loát nhưng chưa cao trào. Đến câu cuối, họ hỏi tôi thế này: "Thế nhà thơ chồng có kính nể nhà thơ vợ không?". Tôi ứng tác bất ngờ: "Mỗi ngày sợ vợ một lần - Sợ rồi mới biết phải cần sợ thêm - Sợ ngày rồi lại sợ đêm - Sợ xanh con mắt, sợ mềm đôi chân…". Cả hội trường vỗ tay ran ran. Có em sinh viên hét lên: "Rồi sao nữa, nhà thơ cho biết?". Tôi dũng cảm bật lên niềm khái quát: "Đời trai tóm lại chỉ cần - Tháng sợ vợ ba chục lần nhân hai". Đến đây thì vợ chồng tôi nhận được sự tán thưởng phải nói là nhiệt liệt trong cái kết luận lưu loát trơn tru. Thế mới biết, fôn-klo nó cứu mình nhiều bàn đắc lực! Khi chúng tôi bước xuống, bao nhiêu em đã quây lại xin chữ ký. Bài ấy, tôi có đọc lại hôm liên hoan ra mắt Văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ tại Bình Định. Anh Lê Hoàng, Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cứ cổ vũ tôi lên đọc giữa tiếng vỗ tay không từ chối được. Anh đưa về in trong mục "Tổ chim câu". Bài in xong tôi liền nhận được tin nhắn của nhà thơ kiêm nhà giáo Trần Hà Nam, hình như là: "Ông anh thiệt đến là tài - Sợ vợ cũng được báo đài tung hô". Nhà thơ Nguyễn Thái Dương cũng từ thành phố Hồ Chí Minh nhắn ra đối thoại nhiều câu, nhưng tiếc quá, vì trục trặc máy không lưu được, tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng: "Nhà thơ sợ đấng phu nhân - Cho nên "chụp mũ" toàn phần đàn ông".

Nhà thơ Nguyễn Thái Dương mỗi lần đọc bài của tôi trên báo Thanh Niên, đều nhắn tin. Như đọc nhàn đàm "Sự lặng lẽ trong trẻo", anh ý kiến bằng thơ: "Tờ Thanh Niên rất văn chương - Bâng khuâng một góc khói sương nhàn đàm - Ai hay trong trẻo lặng trầm - Viết cho người nhớ thương thầm Yến Lan". Đọc bài thơ "Bên sườn núi" của tôi, anh cũng nhắn: "Báo Thanh Niên đẹp lạ thường - Sáng nay vẽ một Bên Sườn Núi quê - Cho người thành thị nhớ về - Một vùng khoai sắn hẹn thề tri âm". Tôi đáp từ trong máy: "Cảm ơn anh Nguyễn Thái Dương - Thi nhân Bình Định tha phương Sài Thành - Trường văn trận bút tung hoành - Trông về cố quận để giành nhớ thương". Báo Thanh Niên hồi ấy phát hành ở Sài Gòn sớm hơn Quy Nhơn nhưng nhờ tình cảm đó, tôi mới biết trước được mấy tiếng đồng hồ, bài mình đã đăng. Thấy Shop văn nghệ của báo Thanh Niên đưa tin Nguyễn Thái Dương gả con có chồng, tôi liền: "Chúc mừng thi sĩ Thái Dương - Làm sui rồi sẽ đường đường làm ông". Tôi nghe hồi đáp: "Cảm ơn thi sĩ Nguyễn Thanh - Mừng một nửa, nửa để dành… mai đây - Gả chồng dựng vợ vui thay - Vui một nửa, nửa mai này buồn thương".

Ở cơ quan anh Dương, tòa soạn báo Mực Tím có một họa sĩ là Trung Dũng rất yêu văn chương và quý mến tôi. Lâu lâu anh em trong đó tụ tập mừng lễ tết hay nhậu thường kỳ, tôi đều nhận được tin nhắn từ họa sĩ đáng yêu này. Một hôm, đang nhậu thì có người thắc mắc hỏi nàng Mỵ Ê là ai, cha Huyền Trân công chúa là vua nào, chồng Huyền Trân công chúa tên gì, Chế Mân có bà con với Chế Bồng Nga không? Trung Dũng nhắn ra nhờ tôi giải đáp. Tôi nhắn ngay các tư liệu lịch sử chính xác, không quên kèm fôn-klo: "Tưởng rằng lịch sử già nua - Ai hay lịch sử non tơ thế này - Huyền Trân sống đến hôm nay - Chắc ban thưởng cuộc vui say nổ trời". Trung Dũng có fôn-klo đáp từ: "Cảm ơn lịch sử bác đưa - Chúng em đã hiểu hai vua nước Chàm - Hai vua của nước Việt Nam - Hai nàng công chúa lỡ làng cuộc vui - Chúng em vừa ngậm vừa ngùi…". Mỗi lần ghé thành phố Hồ Chí Minh qua đêm, tôi được anh em tiếp đãi rất vui ở quán Trống Đồng, vừa uống vừa tí tách nhắn tin bạn bè, người Tây Nguyên kẻ Hà Nội, hoặc chính người Sài Gòn mà đang thời kỳ vợ quản thúc, không đến nhậu được. Hôm vào Tân Sơn Nhất đợi chuyến bay ra Hà Nội để 3 giờ chiều, xe Hội Văn nghệ Dân gian đón đi Lạng Sơn, không có thì giờ gặp, chỉ nhắn nhau bằng vài câu: "Quy Nhơn vừa mới sáng nay - Trưa Tân Sơn Nhất, chiều bay Nội Bài - Tối lên xứ Lạng lai rai - Mẫu Sơn hôm trước, ngày mai Bằng Tường". Tiễn nhau bằng vài câu: "Người đi trời đất thẳng băng - Kiểu này thiên hạ gọi bằng: lãng du". Các kiểu giải trí fôn-klo dọc đường, có lẽ chỉ nhà thơ Văn Công Hùng mới đủ tư cách giữ bản quyền, vì anh cẩn thận chuyển lưu qua computer làm tư liệu dùng dần trên báo. Còn anh em thì khi di động đầy quá, cứ hồn nhiên tẩy bớt. Chưa kể còn một số vị thi sĩ lơ mơ, bấm nút lưu cứ nhè nút xóa. Mai này, các nhà sưu tầm phải lên Pleiku bồi dưỡng cho Văn Công Hùng, mỗi rọ bia một câu mới khai thác được. Bởi vì: "Người về từ dưới vầng trăng - Hỏi ra mới biết là Văn Công Hùng - Thơ thì rộn buổi tao phùng - Bia thì chỉ uống một thùng trở lên".

Tôi cứ hay thích đùa. Bạn bè tôi cũng vậy. Có lần, tôi đưa người bạn thơ hơi bị móm mém ra chiêu đãi ngoài quán. Thông cảm anh thuộc diện "hàng tiền đạo bị thẻ đỏ", tóm lại là "lợi một bên và răng một bên", khi bồi bàn ra hỏi nhậu món gì, tôi nghĩ đến món mềm mềm, vụt nói: "Cái gì mà chẳng có xương - Gắp lên không phải là lươn hay chình". Hoặc như việc thấy anh bạn họa sĩ vò võ, vợ đã chia tay mà nằm không cả chục năm trời, gặp đàn bà cứ lúng ta lúng túng, tôi hơi ngẫu hứng buột miệng "Chung Vô Diệm". Thế là từ đó cái từ Chung Vô Diệm lan ra rất rộng. Nó không phải danh từ riêng. Chỉ người biết phép nói lái mới hiểu, đại khái là cái… "chi chi đó" vô dụng. Cũng như có họa sĩ trăn trở hỏi tôi nên dùng màu gì cho bức tranh lãng mạn của anh được tăng phần độc đáo. Tôi cười cười "màu nho!". Vụ "màu nho" này cũng chỉ có thể được giải mã bằng phép nói lái. Khi lên Yaly thực tế, nghe Ban quản lý công trình báo cáo về đường hầm xuyên núi, bên này đào qua bên kia đào lại mà lúc gặp nhau chỉ chênh lệch có vài… milimét! Chị em nữ nhà thơ nhà báo thắc mắc: "Cho hỏi hầm đào bằng máy hay bằng tay vậy?". Thấy người báo cáo và các nhà văn nam cứ che miệng tủm tỉm, tôi trả lời luôn: "Chị em phụ nữ xôn xao - Hầm đào bằng máy hay đào bằng tay - Loài người truyền thống xưa nay - Cứ dùng cái… "rất là hay" mà đào". Ấy vậy mà có người còn hồn nhiên hỏi "cái rất là hay" là cái gì? Khó nói quá, tôi vô phép đổ vạ cho bằng hữu, bảo rằng "cái rất là hay" này hỏi… nhà thơ Văn Công Hùng mới biết!

Đùa giỡn thì nhiều, đùa giỡn cho vui… mát trời ông địa, trung thành với nguyên lý y học dân gian "một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ". Ấy vậy cho nên fôn-klo hiện đại cứ chảy dào dạt trên dòng sông bạn bè chiến hữu, nói như trên đã nói, muốn khai thác hết phải đăng ký đề tài, làm công trình sưu tầm nghiên cứu, có đề cương chi tiết và thầy hướng dẫn. Vụ này cũng mất khoảng năm trăm trang giấy A4 cỡ chữ 13 nữa! Với trí nhớ có hạn, tôi chỉ lưu được một phần nghìn trong đầu, cho nên những câu đã dẫn ở phần trên thuộc loại chưa độc đáo bằng những câu chưa đưa ra. Đành lòng vậy! Và hẹn. Lại hẹn! Chuyên đề này rất miên man, khó nói lời kết thúc. Bởi vậy cho nên tôi dùng các chữ số La Mã để phân đoạn, dài bao nhiêu là tùy sức mình và cũng tùy lòng kiên nhẫn của độc giả! Và thay vì ghi chữ "còn nữa" mở đóng ngoặc đơn ở cuối bài, tôi xin thông báo ở đây là nếu đủ tư liệu, tôi sẽ còn các số từ ba La Mã trở lên nữa! Cũng xin thưa, dù so sánh thì hơi bị khập khiễng nhưng chuyện này nó cũng giống như thơ Bút Tre vậy, phần lõi cũng lắm mà phần thiên hạ thêm thắt vào cũng hơi bị nhiều. Vụ này cũng cần có tí lý luận, đại khái mài giũa cho nó ngày càng đẹp càng sáng càng xa càng rộng thì đúng là quy luật phổ biến của văn nghệ dân gian. Còn ngược lại thì nó sẽ như lá vàng rụng xuống giữa mùa thu. Nhưng có lẽ không sao, văn chương truyền khẩu mà. Đã là văn chương truyền khẩu thì xuất xứ mông lung, ai truyền phải chịu trách nhiệm tương đương với… giám đốc cơ quan xuất bản hoặc tổng biên tập báo. Do vậy, cả phần đã nêu giấy trắng mực đen này, tôi cũng xin là người thay mặt giùm cho các nhà fôn-klo đời mới, đăng ký bản quyền theo luật định, rồi cũng chấp nhận quy luật phổ biến, theo lệ định. Và xin không làm người của giai thoại. Giai thoại thì quá tuyệt vời. Nên đành đứng rời một khoảng cách noi dấu người xưa kính nhi viễn chi vậy!

Cuối cùng, cũng đành thú thật, tuy tự nhận là theo trường phái "bất tài ham vui", nhưng tôi là người của nhiều Hội chuyên ngành Trung ương. Sở dĩ tôi phải "nhiêu khê" kê khai lý lịch hoạt động ở phần vĩ thanh này, từ Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT  Việt Nam đến Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội VHNT các dân tộc thiểu số là vì hội nào tôi cũng yêu mến trân trọng, đã cho tôi rất nhiều, từ tác động nghề nghiệp đến tình cảm. Trong các Hội ấy, mỗi hội có một vị thế khác nhau, nhưng đều cao sang lịch lãm, tập trung những tinh hoa văn học nghệ thuật của giống nòi, trong từng lĩnh vực, ở mỗi thời kỳ. Nhưng tôi đặt bút mở thiên Folklorists liệt truyện với ý tưởng là một chuyên đề phụ lục, giành cho Hội VNDG ở một nhiệm kỳ đầy những kỷ niệm ngọt ngào và sâu thẳm, với những giáo sư đầu ngành mà tôi rất kính trọng, với những anh chị em trong cùng BCH, trong Văn phòng Hội mà sự chia sẻ gắn bó với nhau, tình cảm theo cách nói dân gian là như bát nước đầy, có nói mãi cũng khôn cùng. Tôi cũng được phân công phụ trách cả dải nam Trung bộ, hội viên ở đó và tôi xem như "Đã vừa cùng hội cùng thuyền - Lại thêm một cái "cùng miền" thi thư - gặp nhau uống đến đã nư - Đừng gọi "bản chức" "tướng tư lệnh vùng". "Cùng hội cùng thuyền" cả những lớp tập huấn, trại viết, các chi hội trưởng hội họp từng miền Bắc Trung Nam, và tất cả hội viên toàn hội, người quen mặt kẻ quen tên, có trường hợp chỉ gặp nhau trên công trình tác phẩm. Ngoài phần lãnh thổ mình có trách nhiệm mà anh chị em gọi đùa là "tướng tư lệnh vùng", còn ở những địa phương nào từng diễn ra các cuộc họp BCH, chúng tôi thường dễ gặp gỡ các hội viên ở đó hơn. Ngay như ở Bình Định của tôi, cũng đã từng được Trung ương Hội chọn mở một lớp tập huấn năm 2001 và một trại viết toàn quốc, năm 2003, nhiều anh chị Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn: "Lần đầu ghé tới Quy Nhơn - Fôn-klo rất nhiều hơn ngày thường - Ở đây biển cũng lên đường - Sưu tầm nghiên cứu bốn phương anh hào". Như trên đã viết, đây là một chuyên đề, nhưng dù một chuyên đề cũng không phải là không phản ánh được ít nhiều bóng dáng các mặt hoạt động VHNT khác, đa dạng trong một tôi mà nếu thắp hương kính cẩn mượn lời Ức Trai vĩ đại, và được Ức Trai vĩ đại cho phép, sẽ là: "Bui một tấc lòng ưu ái cũ - Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông"…

Quy Nhơn 25-11-2005

. Nguyễn Thanh Mừng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Folklorists liệt truyện  (28/11/2004)
Cội nguồn và hành trình "làm mới" tuồng cổ  (26/11/2004)
"Thầy giáo dạy vẽ" - một truyện ngắn cảm động về tình thầy trò  (26/11/2004)
Thơ: Lê Bá Du, Nguyễn Đình Lương, Nguyễn Đình Nhâm  (26/11/2004)
Nỗi nhớ xê dịch  (26/11/2004)
Thời sự Văn nghệ   (23/11/2004)
Thơ trào phúng Bình Định xưa   (22/11/2004)
"Thầy già" cho "con hát trẻ"   (19/11/2004)
Thơ về ngày 20-11  (19/11/2004)
Thơ về ngày 20-11  (19/11/2004)
Xanh đến ngọt ngào trong kỷ niệm*  (19/11/2004)
Xanh đến ngọt ngào trong kỷ niệm*  (17/11/2004)
Thơ: Cao Văn Tam, Nguyễn Thanh Xuân, Nguyễn Tấn On   (14/11/2004)
Trên chuyến tàu khuya   (12/11/2004)
Nhớ ông Chủ tịch với cái trống chầu   (12/11/2004)