Ta lớn lên trong mỗi lời ru
10:28', 1/12/ 2004 (GMT+7)

À ơi… cái cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…

Từ bao đời nay, những em bé vừa lọt lòng mẹ chào đời đã được chìm đắm trong lời hát ru đằm thắm của bà, của mẹ.

Cùng với dòng sữa ngọt ngào từ bầu vú mẹ, những lời ru ấy nuôi các bé lớn lên. Ngày xưa, những lời hát ru do các bà các mẹ đặt ra để ru bé. Nó mộc mạc, chân quê như "cái cò cái vạc", "con tép con tôm". Ngày nay, những lời hát ru được các nhà thơ làm giàu có thêm. Những lời hát ru của các nhà thơ không chỉ dành cho các em bé mà cho cả bao người lớn. Nó không chỉ quanh quẩn trong lũy tre xanh, dưới mái tranh nghèo mà rộng lớn ra cả quê hương, đất nước, cuộc đời, cả trời đất trăng sao, rộng dài vũ trụ.

Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang, người mẹ trẻ vừa làm thơ vừa nuôi ba con nhỏ, khi đêm đứa con khó ngủ thì người mẹ tất nhiên làm sao ngủ được. Chị thao thức làm "Lời ru khuya khoắt" để ru con:

Ầu ơ… ba mẹ thì nghèo

Nuôi con lắng tiếng thơ gieo chênh vần

Xưa nay đất vắt kiệt mình

Chắt chiu thơm thảo để dành tặng hoa

Nhà thơ Lệ Thu phải gửi con lại miền Bắc để đi chiến trường. Nhớ thương con nhưng chị không thể bày tỏ tình cảm trực tiếp với con. Chị có "Lời ru một thủa", ru con qua dãy Trường Sơn trùng điệp:

À ơi… Con ngủ cho ngoan

Giữa Trường Sơn, mẹ ru con ạ ời…

Mẹ nghe tiếng mẹ bồi hồi

Đung đưa chiếc võng… ru hời… hời ru

"Ru" con, lại tiếng bom thù

Đêm đêm phía ấy… mịt mù đêm đêm…

Chị không chỉ ru con mà còn ru cả chính mình, ru người thân để động viên nhau vượt qua gian khổ, vững vàng xông lên trong cuộc chiến đấu xây dựng và bảo vệ đất nước. Lệ Thu dành "Lời ru của em":

Ngủ đi… hãy ngủ anh ơi

Ngủ say, giấc ngủ hiếm hoi vài giờ

…Ngủ đi, mai lại lên đường

Thức trong tiếng máy công trường, theo ca

Và "Lời ru chim yến" của chị ca ngợi loài chim biển vắt kiệt lòng mình làm tổ nuôi con và hiến dâng cho đời một sản phẩm quí. Nhưng phải đâu chỉ ca ngợi loài chim:

Mẹ xây tổ - mẹ xây đời

Nuôi con dưới một vòm trời đầy sao

À ơi… con ngủ ngoan nào

Ngủ ngoan mai sẽ bay vào niềm vui!

Nhà thơ Xuân Mai thì lại chia sẻ những gian khổ, những khó khăn thiếu thốn với đồng bào vùng cao bằng "Lời ru xóm núi":

Lời ru trộn cát bụi lầm

Đồng làng hạt lúa mưa dầm nắng thiêu

Lời ru mẹ cõng lên nương

Vạt rừng cây sém con đường tro than…

Nhà thơ Nguyễn Văn Chương có lời "Ru bên hồ Gươm" suy nghĩ về lịch sử dân tộc, đất nước:

À ơi… Giọt máu thì hồng

Lưỡi gươm thì sắc, tấm lòng thì thương

Cuộc đời còn lắm tai ương

Rùa thần lại hiện trao gươm bên hồ…

Khi đất nước bước vào cuộc chiến đấu gian khổ vì độc lập tự do, những người lính trẻ hăm hở lên đường đánh giặc. Họ tự ru mình bằng "Lời ru đồng đội" như nhà thơ Nguyễn Duy:

Có người ngủ thế thành quen

Đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình

Trái tim đập ở cổ tay

Tim ta ru giấc ngủ đầy cho ta

Cũng là bởi những người lính trẻ ngủ gối súng, gối ba lô, gối tay mình, mới nghe được sợi tóc bạc trên tay, nghe nhịp ru của trái tim mà ngủ ngon để hồi sức đánh giặc.

"Lời ru ngọn lửa" của nhà thơ Trần Mạnh Hảo mượt mà nhưng ý tứ thật sâu sắc đến nhói đau:

Có người chưa ngắm hết sao

Đã thành ngọn lửa truyền bao nhiêu đời

Trong "Lời ru cây lúa", Trần Mạnh Hảo lại có những câu mộc mạc dân dã nhưng đầy tính triết lý:

Ru sao cho tới mùa màng

Cho muôn hạt lép thì sàng khỏi kho

Chén cơm nuôi sống muôn đời

Nỗi đau hạt thóc trong lời cối xay

Ngủ đi giấc ngủ trên tay

Mặc cho trong hạt còn đầy bão giông

Giã xong chẳng đổ mồ hôi

Cởi manh áo trấu làm đời gạo thơm

Xin ru hạt gạo thành cơm

Để nuôi người, để nuôi nguồn hát ru…

"Tiếng ru" của nhà thơ Đặng Huy Giang có những câu xao xuyến:

Đâu hay tiếng ếch à uôm

Mưa rơi ướt áo, ao chuôm nước đầy…

Cánh cò trắng, bầu trời xanh… có trong lời ru từ nghìn xưa. Lời hát ru ngày nay của các nhà thơ vẫn có. Nhưng mỗi lời ru, nhà thơ lại gắng sáng tạo ra một các nói mới. "Lời ru" của Ánh Hồng có:

Biếc dờn đồng lúa bãi dâu

Cánh cò trắng lượn trên bầu trời xanh

Chử Văn Long "Hát ru":

Con ong tìm mật trong cây

Cái cò dưới ruộng, đám mây trên trời…

Nhiều lời hát ru thật ngọt đằm, ta nghe mà tâm hồn bâng khuâng xao xuyến, như "Lời ru người đứng tuổi" của Nguyễn Trọng Tạo:

Giọng hò mái đẩy thì cao

Điệu ru Đồng Tháp thì vào mênh mông…

Hay như lời "Hát ru" của cố nữ thi sĩ Xuân Quỳnh:

Ngủ đi hòn đá thì mềm

Bàn chân thì cứng, ngọn đèn thì xa.

Hoặc "Lời ru vụng dại" của Bùi Nguyên Ngọc:

À ơi ngọn lửa thì mềm

Lời ru của mẹ thì đêm ngọt ngào…

Ta hãy nghe những người lớn yêu nhau, ru nhau. Nhà thơ Ngân Vịnh "Ru em":

Ru em ru giấc ngủ nồng

Ru đêm tóc rối, ru không thành lời

Ru em ru suốt một đời

Qua thời cay đắng tới thời yêu thương.

Phải rồi. "Sông có khúc, người có lúc". Ru nhau, an ủi nhau như thế để mà vững tin cuộc sống. Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn cũng lại "Ru em - ru tôi" (Bài thơ anh lấy đặt tên cho tập thơ mới của mình):

Quê mình có một rặng xoan

Có ao cá chép, có ngàn dâu xanh

Thôi thì chẳng ngọt cơm canh

Vui chân đến chốn thị thành thì thôi

Mượn lời lục bát ru tôi

Cũng nhờ ngọn gió ru người yêu thương…

Trẻ con hay người lớn cũng đều lớn lên, lớn cả thể xác lẫn tâm hồn, bằng những lời hát ru. Mong sao ngày càng có nhiều lời hát ru đằm thắm ngọt ngào, để bồi bổ cho tâm hồn ta mỗi ngày một phong phú.

. Nguyễn Văn Chương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thời sự Văn nghệ   (30/11/2004)
Cảm nhận thơ Trần Hà Nam   (30/11/2004)
Folklorists liệt truyện   (29/11/2004)
Folklorists liệt truyện  (28/11/2004)
Cội nguồn và hành trình "làm mới" tuồng cổ  (26/11/2004)
"Thầy giáo dạy vẽ" - một truyện ngắn cảm động về tình thầy trò  (26/11/2004)
Thơ: Lê Bá Du, Nguyễn Đình Lương, Nguyễn Đình Nhâm  (26/11/2004)
Nỗi nhớ xê dịch  (26/11/2004)
Thời sự Văn nghệ   (23/11/2004)
Thơ trào phúng Bình Định xưa   (22/11/2004)
"Thầy già" cho "con hát trẻ"   (19/11/2004)
Thơ về ngày 20-11  (19/11/2004)
Thơ về ngày 20-11  (19/11/2004)
Xanh đến ngọt ngào trong kỷ niệm*  (19/11/2004)
Xanh đến ngọt ngào trong kỷ niệm*  (17/11/2004)