Nếu như người Hà Nội tự hào: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" thì người An Nhơn thường hay tự nhủ: "Có dở cũng ở đất Thành - Phèng la có bể cái vành cũng leng keng". Hoặc: "Phải duyên phải lứa xứ này - Nhánh rau diếp cá cũng tày nem công".
Thành đây có nhiều lớp, theo lịch sử, cách nhiều thế kỷ là Thành Cha ở Nhơn Lộc, Thành Đồ Bàn ở Nhơn Hậu, Thành Hoàng Đế mở rộng vị trí Đồ Bàn, và gần đây nhất, Thành Bình Định tọa lạc trên khu vực thị trấn Bình Định bây giờ. Một thời, ngựa ô anh thắng kiệu vàng, anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh, là đưa về đây, nơi tỉnh đóng. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn: "Thành tỉnh Bình Định: chu vi 603 trượng 8 thước, cao 1 trượng 1 thước, mở 3 cửa, hào rộng 7 trượng linh, sâu 6 thước 8 tấc, ở địa phận 2 thôn Kim Châu và An Nghĩa huyện Tuy Viễn, đầu đời Gia Long nhân thành Chà Bàn cũ làm lỵ sở của dinh, năm Gia Long thứ 7 dời đến chỗ hiện nay, năm thứ 14 đắp bằng đất, năm thứ 16 xây bằng đá ong". Theo các nhà phong thủy, đây là vùng đắc địa, lưng dựa vào núi Mò O, mặt hướng về bình phong Triều Sơn, xung quanh các chi phái của dòng sông Côn tạo nên thế "tứ thủy triều quy", cuộc đất có thể nói là rất hội tụ, non nước hữu tình, sản vật phong phú tốt tươi, dân tình hòa thái, quỷ thần tín hộ. Nó được xây dựng dựa theo nền tảng triết lý phương Đông và truyền thống Việt Nam, lấy sự hòa hợp với thiên nhiên làm trọng, kiểu "Nhân dữ thiên địa tương tham."
Đồn rằng ngày xưa, vua Lê kéo quân qua đây thì trời vừa sụp tối. Một bầy đom đóm ùa ra như sao sa từ các lùm cây duối, cây thị phía trong bãi sông lơ thơ như dải lụa, đẹp đến nao nao. Vua dừng ngựa, cho quân sĩ nghỉ ngơi một lát để yên tâm tĩnh trí ngưỡng mộ giang sơn thơ mộng diễm kiều. Khi vua xôn xao nghĩ về một tứ thơ cổ thì một tướng lĩnh trong doanh chép miệng xuýt xoa, tiên đoán cuộc đất nằm cận kề kinh thành Đồ Bàn này chính là đất bút nghiên, đất của sự lập thân người hàn mặc.
Triều Nguyễn mới toanh đã chọn đất này xây thành Bình Định, cơ quan đầu não của tỉnh nhà. Thành Hoàng Đế mới và thành Đồ Bàn cũ chồng lên nhau, rồi khi Nguyễn Nhạc mất, trở lại là thành Quy Nhơn lệ thuộc vào Phú Xuân, nơi xảy ra cuộc quyết chiến bi hùng giữa một bên là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, một bên là Võ Tánh, Ngô Tùng Châu. Rồi khi Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn đổi lại là thành Bình Định, giờ bị triệt hạ lấy đá ong chuyển về xây thành mới cùng tên. Đá ong xây thành, có viên hai người khiêng, có viên phải bốn người khiêng, dân quanh vùng nói vậy khi nhớ lại những năm tiêu thổ, di chuyển địa hình địa vật chuẩn bị cuộc kháng chiến trường kỳ. Nghe nói hồi ấy, có người thắng cuộc đấu giá 60 cây cột hành cung, mang về làm nhà, nay hãy còn.
Thành xây bằng đá ong, vôi vữa truyền thống từ các loại nhựa mật cây cối, cao ngót 5 mét, dày ngót 1 mét, bên trong đổ đất dày thêm khoảng 10 mét, cao ngang với mặt thành. Thành có bốn mặt, mặt tiền hướng nam có cửa Tiền, mặt đông có cửa Đông, mặt tây có cửa Tây, mặt hậu hướng bắc có cửa Hậu nhưng không rõ vì sao sau đó, người ta lấp kín chỉ còn 3 cửa. Nghe đồn cửa Hậu không phải là cửa đi, mà chỉ khi nào có tù chết, mới mở, đưa thi hài ra chôn ở bãi tha ma Gò Lù. Rồi trời đánh sập cửa, người ta mới cho bịt mặt thành này lại.
Dân đất Thành hãy còn nhớ rõ, cửa thành xây hình bán nguyệt, bằng gạch đất nung hình chữ nhật, dài độ 3 tấc, rộng 1 tấc rưỡi. Lòng cửa cao khoảng 5 mét, rộng khoảng 4 mét, có hai cánh bằng lim, dưới cánh có bánh xe gỗ. Mỗi cửa có hai lính giản mở và đóng, cả hai ra sức mới xô nổi một cánh. Mỗi cánh bên trong có đính con bọ chắc chắn hình L, đó là điểm tựa để lính giản khiêng cây gỗ vuông bề 0,7 bề 0,14 mét, dài hơn 4 mét làm then khóa ngang. Bỏ xong, đẩy qua một bên cửa có lỗ cỡ 2 tấc lõm trong tường sâu. Phía trên cổng thành, ngang với mặt thành, mỗi cửa có một lầu dùng làm vọng gác để nhìn ra xa. Lầu hình vuông diện tích nền khoảng 16 mét vuông lát gạch Bát Tràng. Lầu dựng bằng gỗ, có 4 cột tròn mỗi cột đường kính khoảng 4 tấc, trên có các vì kèo, xiên, trính, rui, mè, lợp ngói âm dương. Mỗi lầu có hai máng đẽo bằng đá núi xanh, lòng khoảng 4 tấc, dài khoảng 2 mét, để dẫn nước mưa trên mái trút ra ngoài thành. Các chiếc máng đá xanh sau trôi nổi trong chốn dân gian, người ta bắc làm kênh mương dẫn thủy nhập điền.
Chu vi thành khoảng 4 km, diện tích thành khoảng một triệu mét vuông, trong đó xây dựng tòa ngang dãy dọc nguy nga đồ sộ, bao gồm hành cung và các dinh thự. Hành cung dài khoảng 22 mét, rộng 11 mét, cả thảy hàng cột nhất, cột nhì, cột mái, cột chái có 60 cây. Hàng cột nhất 16 cây, đường kính 4 tấc, cao khoảng 7 mét, kèo lưỡng đoạn có chạm trỗ công phu, chân cột kê trên đá núi xanh mỗi bề 5 tấc, có khắc hoa văn. Nhà xây 3 vách, nền lát gạch Bát Tràng, mái lợp ván trong, ngói âm dương lợp ngoài. Nóc hành cung đắp biểu tượng lưỡng long tranh châu, hai con rồng quay mặt vào nhau, giữa là hạt minh châu tròn như quả cầu lửa. Giữa hành cung, trên bục gỗ vuông mỗi cạnh 3 mét, cao 5 tấc, phủ tấm nhung xanh, trên đặt ngai gỗ khác chạm hoa văn, chân quỳ uốn lượn các đường cong kiểu cách. Ngoài hành cung là các dinh thự của các quan Tổng đốc, Bố chính, Án sát. Mặt trước là nơi làm việc, sau lưng là nơi ở của các quan và gia đình. Dinh thự biệt lập bởi các bờ thành đá, có lính giản canh cổng. Nhà làm việc các quan thơ lại, quan phòng thành nằm sau dinh thự, có hậu vệ binh, lính gác ngõ. Tư thất các vị này nằm ở phía sau nữa, mé đằng tây. Cách xa dinh thự văn quan là dinh thự võ quan. Dinh rộng và dài, giữa giành cho Chánh lãnh binh, hai bên là Chánh, Phó quản, Chánh, Phó đội. Dinh bao bọc bởi các bờ thành có lính canh cẩn mật. Sau lưng dinh là nơi ở gia đình các quan võ. Trại lính nằm đằng sau, có nơi làm việc của Chánh, Phó quản, Cai đội điều hành công việc võ bị. Phía đông nam thành là Nhà Dây Thép, có quan Thông dây thép, đội ngũ nhân viên bưu điện và lính trạm đưa thư. Cuối góc nam là nhà làm việc của quan Thông tằm. Một bãi đất rộng dùng trồng dâu và phía trước là dãy nhà lợp ngói vảy gồm nhiều phòng, là nơi nuôi tằm và nơi ăn ở của những người chăn tằm. Phía trong thành bắc là Nhà lao, khoảng trên 70 mét vuông, bề rộng 6 mét và bề dài gấp đôi, chia nhiều phòng, có xích xiềng bằng sắt và cùm gông bằng gỗ, nặng chắc. Nhà lính gác phía trước, phân công canh giữ thường trực. Quản thủ nhà lao, dưới là Cai ngục, trên là Lãnh binh.
Các con đường nội thành liên thông với nhau, mỗi con đường rộng khoảng 3 mét, gồm đường thẳng nối hành cung và các dinh thự, theo hướng bắc nam, đường trước và sau hành cung, theo hướng đông tây. Các đường nầy đi trong nội thành. Đường từ cửa Đông lên cửa Tây và cửa Hậu ra cửa Tiền thông luôn ra ngoại thành. Ngoài ra, các quan thơ lại, đội vệ binh và dân chúng còn đi trên các con hẻm chi chít trong nội thành, các đường tắt dẫn ra cửa thành. Ở các cửa thành nào cũng có xây một góc sâu vào cạnh lòng cửa, sâu 2 mét rộng 1 mét, cao 1,5 mét, vừa một chiếc chõng tre làm chỗ nghỉ qua đêm cho lính canh.
Qua các thời kỳ lịch sử, các công trình nội thành có thể thay đổi, thêm bớt, sửa sang. Giai đoạn sau, Trường Tiểu học Pháp Việt được xây dựng bên mặt bắc con đường nối từ cửa Đông lên cửa Tây. Trường nam bên tây, trường nữ bên đông, kề cận nhau. Ba năm đầu của bậc tiểu học gồm các lớp Năm, Tư, Ba. Hết lớp Ba thi lấy bằng Tiến sanh, sau gọi là Sơ học yếu lược. Sau cuộc sát hạch mới, học lên ba năm cuối tiểu học là Nhì Nhất Niên, Nhì Nhị Niên và lớp Nhất để thi lấy bằng Primaire. Trong ba năm này, mỗi thứ năm, sáng mai học thêm chữ Hán và buổi chiều học thêm nghề thợ mộc. Cho nên, ngoài phòng ốc, người ta còn cho xây nhà kho. Sân tennis và sân bóng đá cũng được chú trọng, giành cho các học sinh rèn luyện thân thể.
Ngoại thành có 4 đường chính, đường phía đông gọi đường cửa Đông, sau gọi đường Lò Rèn, đường phía tây, sau gọi đường Kim Đông, nghĩa là phía đông thôn Kim Châu, đường phía bắc gọi đường Gò Lù, đường phía nam gọi là đường Cửa Tiền. Bốn con đường, tính cả lề, rộng khoảng 10 mét, liên thông với đường nội thành qua các cửa, rồi liên thông với nhau nối với tỉnh lộ, quốc lộ, làm huyết mạch tạo điều kiện cho các mối quan hệ giữa công việc hành chính và đời sống. Quanh thành quách đá ong và đất làm thổ sơn, vây bọc bởi các con đường, các lề rộng thấp hơn làm bậc cấp bước xuống các dải hồ sen tha thướt. Hồ sen rộng khoảng 20 mét, sâu 2 đến 3 mét, vừa tạo thế hào lũy làm phương án bảo vệ thành, vừa tạo cảnh quan thơ mộng cho cả khu quần thể thành. Phía trước cửa Tiền bên ngoài thành, xa xa có ngôi nhà độ 60 mét vuông, bề dài 12 mét, bề rộng 5 mét, trước nhà có bãi rộng. Đây vừa là nơi các quan điều khiển tập quân, vừa là nơi các quan thi hành án, làm pháp trường xử trảm.
Quanh thành Bình Định, có các đền miếu, phía tây là đàn Xã Tắc gồm tầng một cao 2 thước 3 tấc, vuông 4 trượng 2 thước 3 tấc, tầng thứ hai cao 1 thước 3 tấc, vuông 10 trượng 4 thước 5 tấc, dựng năm Minh Mạng thứ 13, ở thôn Hòa Cư, phía nam là đàn Tiên Nông cao 2 thước 7 tấc, vuông 3 trượng 6 thước, dựng năm Minh Mạng thứ 14 và đàn Sơn Xuyên dựng năm Minh Mạng thứ 5, đều ở thôn Liêm Trực. Ngoài ra phía bắc thành có Văn Miếu với đền Khải Thánh, miếu Hội Đồng, miếu Thành Hoàng, đền Chiêu Trung… đều dựng đặt những năm đầu thế kỷ XIX. Đến năm Tự Đức thứ tư, 1851, đất học An Nhơn vào thời thịnh phát với sự ra đời của Trường Thi Hương Bình Định, phía tây nam thành, thuộc thôn Hòa Nghi, bên kia khúc sông sau này thường gọi sông Trường Thi, bến Trường Thi hay khách văn chương còn gọi bến My Lăng theo bài thơ nổi tiếng cùng tên của nhà thơ Yến Lan.
(còn nữa)
. Nguyễn Thanh Mừng |