Thành Bình Định tồn tại gần một thế kỷ rưỡi dưới triều Nguyễn, với nhiều cảnh huống lịch sử khác nhau. Năm Minh Mạng thứ 20, cuộc cải cách điền địa 1839 ở Bình Định đã diễn ra khá mạnh mẽ và toàn diện để triều đình làm thể nghiệm quản lý ruộng đất. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm biên soạn từ điển bách khoa, Hà Nội 1995), nguyên do là thời kỳ này ở Bình Định ruộng đất tư phát triển mạnh, lấn át ruộng công. Vũ Xuân Cẩn và Doãn Uẩn được Minh Mạng phái vào tháng 7 năm 1839, với danh nghĩa, theo văn bản chính thức của triều đình là "quản điền". Tôn ấp nào ruộng tư nhiều hơn thì cát 50% ruộng tư nhập vào số ruộng công đang có, từ đấy cấp đều cho dân. Bốn tháng sau, tháng 11 cùng năm, công cuộc cải cách hoàn thành với tổng diện tích ruộng công toàn tỉnh chiếm hơn 50% diện tích canh tác. Vì nhận được sự phản đối kịch liệt của tầng lớp điền chủ hạng trung cho đến hạng lớn nên vua Minh Mạng đình lại không triển khai rộng ra các tỉnh khác. Cuộc cải cách có ảnh hưởng mạnh trong đời sống nông dân Bình Định.
Qua bao đời Tổng đốc, Bố chánh, Án sát… trấn nhậm ở thành Bình Định, đủ màu đủ vẻ, phản ánh rõ nét hiện trạng lịch sử chốn quan trường thời nhiễu loạn, bộc lộ mạnh những tính cách điển hình, người trung hậu hiền lương, kẻ xảo quyệt tàn ác và có những nhân vật chứa đựng nhiều quan hệ thời đại, những bão giông u thống. Thành Bình Định đã chứng kiến một giai đoạn lịch sử hết sức bi tráng của tỉnh nhà và của đất nước. Vào năm 1885, khi kinh thành Huế thất thủ, đất nước có nguy cơ rơi vào tay giặc Pháp, sĩ phu nơi nơi đồng lòng hưởng ứng phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi xuất bôn xuống chiếu:
Người trí giúp mưu, người dũng giúp sức, người giàu giúp quân nhu, cùng nhau đoàn kết, chẳng ngại gian hiểm, làm cách gì có thể cứu nguy đổ ngã, gỡ chỗ khó giúp khi bĩ, thảy đều hết lòng giúp sức. May ra trời cũng chiều người, chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu lại đất đai, phục lại bờ cõi…
Hồng lô Thiếu tự khanh Đào Doãn Địch, một quan lại trí sĩ, đứng dậy tập họp 600 nghĩa binh được quan quân giao thành Bình Định làm căn cứ. Nghĩa binh mở các đợt giao tranh từ Trường Úc đến Phong Niên. Lúc Pháp kéo về An Nhơn thì đột nhiên có kẻ phản bội, bắt án sát là chí sĩ Nguyễn Duy Cung bỏ ngục rồi mở cửa thành đầu hàng. Theo Quách Tấn trong quyển Nước non Bình Định, trước khi tự sát trong đề lao, chí sĩ cắn tay lấy máu viết tâm thư trên vạt áo trắng, gửi cho nghĩa binh đang trốn tránh truy đuổi, rút vào rừng núi Tây Sơn. Về điểm này, theo quyển Sao sáng sông Trà của Hồng Sinh, Hồng Phú (Hội Văn nghệ Nghệ An xuất bản năm 1975) thì Nguyễn Duy Cung vượt ngục, phát đi lời kêu gọi: "…Xin cùng rèn luyện gươm đao, lòng địch khái chớ hề suy nhạt - Hãy mau tham gia đội ngũ, chí Cần Vương đừng chút lãng xao…". Cũng theo quyển này thì vị quan Án sát này lập ra phòng tuyến trước sông Cửa Tiền, từ Cầu Gành tới núi Chóp Vung để chống Pháp ở mặt đông. Ông thường hô hào quân sĩ: "Đức Nguyễn Huệ cũng là người Bình Định tay trơn từ ấp Tây Sơn mà dấy binh, còn diệt được thù trong giặc ngoài, dựng lên nghiệp lớn. Há sao ta đây lại không nối được cái chí của người mà giữ thành cứu nước? Hãy cố lên, hỡi những người con của Quang Trung hiển hách". Khi phòng tuyến vỡ, ông quyết bảo vệ cho anh em chạy lên núi tính kế dài lâu, còn ông ở lại cùng một số đồng đội quyết tử cầm cự cho đến hơi thở chót.
Còn theo quyển Nhân vật Bình Định của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (Soạn giả xuất bản năm 1971), sau khi thất thủ thành Bình Định, Đào Doãn Địch đưa quân lên Phú Phong. Tại đây, có Mai Xuân Thưởng hợp tác làm Tán tương Quân vụ. Rồi Đào công lâm trọng bệnh qua đời. Mai Xuân Thưởng được mọi người tôn làm nguyên soái, đặt bản doanh tại Lộc Đổng (Đồng Hươu). Hàng văn thân võ tướng có Bùi Điền, Nguyễn Hóa, Trần Trung, Trần Tân, Nguyễn Cang, Nguyễn Trọng Trì, Đặng Thành Tích… Nguyên Án sát Nguyễn Duy Cung giúp nguyên soái trong công tác tham mưu và trông coi về từ lệnh.
Một tư liệu khác, quyển Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế (Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, tái bản, lần thứ 5) thì Nguyễn Duy Cung có trở lại Bình Định theo giúp Mai Xuân Thưởng sau khi hai thủ lãnh Cần Vương Quảng Ngãi là Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân sa vào tay giặc. Rồi ông bị bắt vì giặc đàn áp mạnh và có kẻ phản bội. Trước khi bị xử trảm, thời gian trong lao, ông có làm bài hịch kêu gọi kháng chiến gửi ra động viên đồng bào. Theo tư liệu của Cao Chư, bài Nguyễn Duy Cung với Huyết lệ tâm thư và tư liệu của Lê Hồ trong bài Diện mạo văn học yêu nước Cần Vương Quảng Ngãi, cả hai in trong quyển sách nhiều tác giả Đất & người - Duyên hải miên Trung (Tạp chí Xưa & Nay và Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh) thì cũng tương ứng với tư liệu trong Nước non Bình Định và Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, rằng quan Án sát Bình Định Nguyễn Duy Cung bị bọn quan lại trở mặt tống giam ông vào lao để mở cửa đón quân cướp nước vào thành Bình Định. Cách chưa đầy ba tháng về trước ông vào nhậm chức Án sát, nghe nói là do hiểu rõ tư chất ông nên phái chủ chiến của triều đình luân chuyển cài cắm củng cố lực lượng. Áng văn đầy hùng khí hừng hực tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, viết trong nhà lao được lưu truyền bằng nhiều tên gọi: Huyết lệ tâm thư, Hịch kêu gọi chống Pháp, Hịch bình Tây… Còn một tên gọi khác, hết sức độc đáo gắn liền với nơi sáng tác, thành Bình Định, với tên gọi nguyên thủy của áng văn, Bình thành cáo thị. Nguyên tác văn bản chữ Hán, đề bằng máu trên lụa trắng. Mạch văn cuồn cuộn tỏ mặt anh hào khi nước nhà nguy biến. Trích bản chữ Hán:
BÌNH THÀNH CÁO THỊ
Thiết vị:
Quốc gia đa sự, ninh từ huống tụy dĩ tuyên lao
Thần tử phỉ cung, cảm vị tồn vong nhi cải tiết.
Cái năng tận thần đạo,
Phương khả úy quân tâm.
Nhan Châu khanh tư chuẩn Đường nguy, đoạn thiệt hà phương ư Hy Liệt;
Lý Thị Chế kỳ thanh tống nạn, phanh can hà úy ư Bá Nhan.
Viễn giám tiền nhân
Sự đồng kim nhật
Ty dĩ
Thượng Châu tiện phẩm,
Ngãi tỉnh hàn nho.
Lạm dự khoa danh,
Hạnh bồi văn tịch
Sơn phòng tham biện, tích tổ hiệu ư tứ niên;
Lân tỉnh đề hình, hóa vị chu ư tam nguyệt.
Đồng niệm đế kinh luân một, oán kết thống tâm,
Sấu tư hoàng giá bá thiên, cừu thâm khiết xỉ.
Kế dĩ cô thành khởi sự, hội chúng mưu nhi thu thập nhân tâm,
Tạc văn lân tỉnh hưng binh, tán dinh soái nhi trù duy quốc kế.
Phương hỷ binh dân vân tập,
Tương kỳ tướng sĩ lôi oanh.
Tưởng tha soái phủ khả minh công. Cần Hải chi lang yên tiêu tức;
Nại thử tướng nhân vô hiệu lực, Bình thành chi nhung mã tung hoành.
Ty, tự liệu tài sơ, Nan kham kế hoạch.
Dục hướng An Nhân thoái thủ, khủng vi mệnh dĩ cầu sinh;
Phục hồi ban tỉnh ngự phòng, quyết vong thân nhi tuẫn quốc.
Bất ý gian thần mại quốc,
Nhẫn tương thổ địa dữ tha.
Bài chúng nghị dĩ khoa trương, chiến cục phiên thành hòa cục;
Khai thành môn nhi nghinh tiếp, nam nhân hoán tác Tây nhân.
Kỷ nhật đề lao cấm cố, hiếp ty đẳng dĩ thành hòa hảo chi mưu;
Sổ ngôn họa kết binh liên, gia ty đẳng mật khải văn thân chi tội.
Ty tự niệm,
Ninh vi trung nghĩa quỷ;
Bất vi tàm phụ nhân.
Thệ cửu tử dĩ hà từ, đỉnh hoạch sinh tiền an túc úy;
Túng nhất sinh nhi hữu khiểm, đao phong tử hậu hựu thùy tri.
Thế bất tịnh sinh,
Phận cam vạn tử.
Bá thử trung can nghĩa phủ, đối cố chủ dĩ vô tàm;
Cảm vân tráng tiết hoàn danh, dữ cổ nhân như tịnh liệt.
Thử tại tâm trung tự hứa;
Chuyên kỳ chư liệt chứng tri.
Cảm tương tu ngã qua mâu, địch khái chi hùng tâm vị tỏa;
Kỳ dĩ dữ đồng bào trạch, cần vương chi tráng chi vô vong.
Thiên ý nhược hưng Lưu, Quang Vũ chi đông đô phục chấn;
Nhân tâm như đái Tống, Cao tông chi nam độ trùng hưng.
Vương thất khuông tương, hạnh bằng chúng trí.
Kinh thành khôi phục, ký dữ chư công
Huyết lệ thư phong,
Chúc duy cáo thị.
Toàn văn bản dịch của Nguyễn Bích Ngô:
Thiết nghĩ:
Quốc gia khi nhiều việc, phải nên tận tụy chịu gian lao.
Tôi con quyết một lòng, há vị mất còn thay khí tiết.
Vì có hết đạo kẻ dưới,
Mới khỏi phụ lòng bề trên.
Nhan Châu Khanh lo cứu nguy nhà Đường, bị cắt lưỡi nhưng kinh gì Hy Liệt;
Lý Thị Chế mong yên nạn nhà Tống, bị moi gan nhưng nào sợ Bá Nhan.
Xa trông người trước,
Việc giống ngày nay.
Cung này, thân phận hèn ở Tượng Châu.
Nhà nho nghèo ở Quảng Ngãi.
Lạm dự đỗ đạt, may bổ quan văn.
Sung chức Sơn phòng, tham biện mới được bốn năm,
Đổi sang tỉnh cạnh đề hình chưa đầy ba tháng.
Xót nghĩ kinh thành thất thủ, oán kết ruột đau, sầu lo xa giá chạy dài, hằn sâu răng nghiến.
Liều giữ cô thành tính việc, hội chúng mưu mà thu thập lòng người;
Chợt nghe tỉnh cạnh dấy binh, giúp dinh soái để toan lo việc nước.
Vua mừng quân dân mây hợp,
Hầu mong tướng sĩ sấm vang.
Tưởng phá soái phủ để ghi công, bể Cần Hải khói lang bay báo.
Ngờ đâu tướng thần không gắng sức, thành tỉnh Bình ngựa giặc dọc ngang.
Cung này, tự liệu tài hèn;
Không bày kế hoạch.
Muốn lui đến An Nhân tìm thế thủ, e rằng trái mệnh để cầu sinh.
Nên lại về bản tỉnh để đề phòng, quyết kế quên mình mà báo quốc.
Không ngờ gian thần bán nước,
Nỡ đem lãnh thổ cho Tây.
Bác chúng nghị để làm càn, chiến cục xoay thành họa cục.
Mở cửa thành ra đón tiếp, người Nam đổi dạng người Tây,
Mấy ngày cấm cố đề lao, hiếp bọn Cung tác thành mưu hòa hảo.
Câu chuyện động binh gây vạ, buộc bọn Cung vào tội họp văn thân.
Cung này tự nghĩ:
Thà làm ma có hồn trung vía nghĩa
Không làm người đeo mặt ngựa đầu trâu
Chín phần thề chết chẳng từ, sống dẫu nấu vạc xanh không núng chí,
Một đời sống thêm còn mang tội, chết còn nhiều hình phạt có ai hay.
Thế chẳng đều sinh,
Phận cam vạn tử.
Bày hết gan trung ruột nghĩa, đối chủ cũ không thẹn lương tâm,
Dám cầu cao tiết thơm danh, cùng người xưa sánh hàng liệt sĩ.
Chính bởi trong lòng tự quyết,
Dám mong các bạn chứng tri.
Xin trong tay sắp sẵn qua mâu, lòng địch khái còn hăng chưa nhụt.
Xin cùng nhau trọn lòng giáp trụ, chí Cần Vương còn mạnh không quên,
Lòng trời còn tựa Lưu, Quang Vũ đóng phía Đông lại thịnh;
Nhà nước được vững vàng, từ nay mong nhờ chúng trí.
Kinh thành lại khôi phục, sau đây cậy có các ông.
Lệ máu dán thư,
Mấy lời bá cáo.
(còn nữa)
. Nguyễn Thanh Mừng |