Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 3)
10:52', 3/12/ 2004 (GMT+7)

Sự gian ác của quan chức triều đình giai đoạn này ở Bình Định, điển hình nhất là Nguyễn Thân. Trong thư gửi Toàn quyền Paul Doumer, Nguyễn Thân đã bộc lộ toàn vẹn tính chất tay sai đắc lực của thực dân Pháp: "…Tỉnh Bình Định lại có loạn dấy lên nữa, nhà nước sai tôi đi tiễu phỉ lần thứ nhì, tôi dẹp được giặc giã, tỉnh này yên hàn từ đó. Nhân việc đánh giặc thành công, quan Toàn quyền Picquet và quan Khâm sứ Hector tư xin chính phủ cộng hòa ban thưởng cho tôi Bắc đẩu bội tinh tứ hạng. Về sau tôi được chỉ triệu về Huế, lĩnh chức Binh bộ thượng thư. Quan Toàn quyền De Lanessan thương thuyết với trào đình khâm phái tôi vô làm Tổng đốc tỉnh Bình Định. Rồi đó tôi được phong chức Khâm sai đại thần đem quân ra đánh dẹp Văn thân Nghệ Tĩnh. Vì có quan Toàn quyền Rousseau và Khâm sứ Prière nói với triều đình, nên chi tôi được lãnh cái trọng trách ấy…".

Trên thực tế, năm 1885, nghĩa quân chiếm thành Bình Định, Nguyễn Thân cũng có ý muốn chiếm nhưng chậm chân. Sau đó, y xoay ngược lại, cộng tác với Pháp, xin Pháp được đánh dẹp nghĩa quân. Thực dân sai y và Trần Bá Lộc vào đàn áp nghĩa binh Cần Vương Bình Định, Mai Xuân Thưởng lúc ấy đã mở rộng phong trào ra Phù Mỹ, Bồng Sơn, liên lạc với nhóm nghĩa dũng Tăng Bạt Hổ ở Hoài Ân, cho phục kích ở các làng thuộc Tuy Phước, An Nhơn, dọc đường từ Quy Nhơn đến thành Bình Định. Các vùng rừng núi Bình Định được hiệu triệu rộng khắp, rất đồng tình theo ứng mộ. Ông còn liên minh với lực lượng Hường Hiệu, Trần Văn Dư ở Quảng Nam, Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân ở Quảng Ngãi, Trương Chính Đường ở Phú Yên, Trịnh Phong, Trần Đường ở Khánh Hòa, Ung Chiếm ở Bình Thuận.

Nguyễn Duy Cung có hai người học trò cũ, một là chí sĩ Lê Trung Đình mà ông tín phục giúp rập, hai là tên bán nước buôn dân Nguyễn Thân mà theo tư liệu ở quyển Sao sáng sông Trà, "ông rất biết tên học trò phản phúc, dốt nát, chơi bời trác táng".

Do Nguyễn Thân và Trần Bá Lộc quá sức tàn nhẫn - theo tư liệu quyển Nhân vật Bình Định - chúng đem cối bỏ trẻ con vào quết như quết nem, bắt đàn ông bỏ vào bao kín chỉ cho dương vật thò ra ngoài, người vợ nào nhận diện không đúng chồng thì cả hai bị chém! Chúng còn bắt Mai mẫu và đe dọa làm cỏ dân hai làng Phú Phong và Phú Lạc!

Mai Xuân Thưởng bị giải về thành Bình Định. Triều đình Huế nghị án: "Dương vị Hàm Nghi khởi nghĩa, âm vị Huệ Nhạc phục thù" và giao cho Tổng đốc Bình Định thực hiện án trảm! Mai Xuân Thưởng cùng Bùi Điền, Nguyễn Đức Nhuận và 8 đồng chí khác bị giải từ nhà lao thành Bình Định ra pháp trường Gò Chàm, cách đó không xa, về hướng bắc. Tương truyền hồi trong thành, ông làm bài thơ khuyên tướng sĩ, đồng thời thể hiện khí phách của mình, không bao giờ khuất phục trước bè lũ cướp nước và bán nước:

Không tính làm chi việc mất còn

Nợ trai lo trả ấy là khôn

Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước

Đá tạc gan trung núi mấy hòn

Tái ngắt mặt gian xương tợ giá

Đỏ lòe bìa sách máu là son

Rồi đây thoi ngọc đưa xuân tới

Một nhánh mai già trổ nụ non

Khi đầu sắp rơi, ông vẫn sang sảng đọc:

Chết nào có sợ chết như chơi

Chết bởi vì dân chết bởi thời

Chết hiếu chi nài xương thịt nát

Chết trung bao quản cổ đầu rơi

Chết nhân tiếng để vang ngàn thuở

Chết nghĩa bia thơm rạng mấy đời

Thà chịu chết vinh hơn sống nhục

Chết nào có sợ chết như chơi

Trong các tác phẩm văn học cổ kim được sáng tác trên đất An Nhơn, bài thơ tuyệt mệnh lúc kề cổ vào đao trên pháp trường "Chết nào có sợ chết như chơi…" cũng như bài "Không tính làm chi việc mất còn…" của Mai Xuân Thưởng và "Bình thành cáo thị" của Nguyễn Duy Cung có thể xem là những chùm bông hoa bất tử bằng máu, lung linh ngời ngợi trong bão tố.

Sau các sự kiện trên, triều đình bổ dụng Nguyễn Thân về làm Tổng đốc. Máu của những người yêu nước và của lương dân tiếp tục đổ xuống dưới đôi tay tàn bạo của tên phản quốc cầu vinh! Quách Tấn, trong Nước non Bình Định có kể nhiều câu chuyện liên quan đến các đời quan lại về trấn nhậm thành Bình Định. Như chuyện Nguyễn Thân dốt nát, lại sính chữ nghĩa, một cự phú là bá hộ Huệ bèn tặng bức hoành khảm xà cừ đề bốn chữ Hán "Thiên Lý Nhân Lương". Sau Nguyễn Thân đem khoe với một nhà nho. Nhà nho tủm tỉm cười giải nghĩa rằng chữ Thiên ghép với chữ Lý thành chữ Trọng, chữ Nhân ghép với chữ Lương thành chữ Thực, mà Trọng Thực nghĩa là ham ăn! Nguyễn Thân lồng lộn cho đòi bá hộ Huệ tới. Bá hộ Huệ đến chờ từ khoảng ba bốn giờ chiều tới bảy giờ tối mới được gọi vào. Thân áp đảo quát "Sao giờ này mới đến!". Bá hộ Huệ đáp to: "Tôi chờ cụ lớn đầu thân mút dậu chớ đâu phải mới tới". Thân giận tím mặt trước câu chửi xỏ khó bắt bẻ vì đúng là bá hộ Huệ chờ từ đầu giờ thân đến mút giờ dậu, để tải một cái nghĩa khác là tên Thân mút dậu! Trong tiếng lóng ở Bình Định, dậu có nghĩa là "của quý" người đàn ông!

Quá tức giận, Thân trả thù bằng cách bảo cai ngục thả tù nhân đi trốn, rồi bắt lại bảo cung khai là bá hộ Huệ âm mưu xúi giục, làm biên bản điểm chỉ vào. Bá hộ Huệ bị hành hình nơi pháp trường. Sau này, những năm 30 của thế kỷ XX, con Nguyễn Thân là Nguyễn Hy cũng làm Tổng đốc Bình Định, nghe đồn khi mới nhận nhiệm sở, đêm nào cũng mộng thấy cỗ xe có đùm ruột kéo lòng thòng. Thầy bói bàn rằng xe là Xa, đùm ruột là Tâm, hai chữ này ghép lại thành chữ Huệ. Đó là hồn bá hộ Huệ hiện về! Nghe nói từ đấy Nguyễn Hy kinh hãi không dám ở trong thành Bình Định mà tối đến là xuống Quy Nhơn. Rồi sau đó đề nghị triều đình cho dời tỉnh đường xuống Quy Nhơn luôn và sự việc được chấp thuận do triều đình nghĩ rằng dinh Nam triều phải gần dinh Công sứ Pháp! Không biết câu chuyện trên hư thực thế nào, chỉ biết đây là những câu chuyện mà nhân dân cho là đúng.

Một sự kiện khác là cuộc tắm dân trong biển máu xảy ra từ phong trào khất sưu năm 1908, hưởng ứng hào khí chung từ Nam Ngãi truyền vào. Vì thành đóng cửa, người ta chủ trương bắc loa kêu gọi chính phủ Pháp và Nam triều giảm sưu thuế cho đỡ gánh nặng trên vai đồng bào. Súng từ bốn mặt thành bắn xối xả vào dòng người tay không tấc sắt! Máu thấm ướt cả đất đỏ! Máu thấm ướt cả trời xanh!

Phong trào cự sưu chống thuế này do Hồ Sĩ Tạo, vị tiến sĩ Hán học cuối cùng của tỉnh Bình Định trong nền khoa cử Hán học Việt Nam, làm thủ lĩnh. Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo người thôn Hòa Cư, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, một miền quê xinh đẹp sát nách thành Bình Định. Thân phụ ông là cụ tú Hồ Danh Chánh, một người cha đồng thời là nhà giáo nghiêm khắc, trọng tín nghĩa, có ảnh hưởng lớn đến tài năng và nhân cách của con. Năm 19 tuổi, ông đỗ tú tài tại trường thi hương Huế, ba năm sau, 22 tuổi, đỗ cử nhân tại trường thi hương Bình Định. Trước khi đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ, lúc ông 35 tuổi, năm 1904, ông đã làm giáo thụ ở Tuy Hòa. Sau đó được rút về Kinh làm Thừa phái Bộ Lại 4 năm rồi bổ Tri huyện Tân Định, Khánh Hòa. Nhậm chức mới năm 1907, năm sau 1908 ông về quê nhà thọ tang mẹ. Gặp lúc phong trào cự sưu kháng thuế nổi lên, nhân dân tôn ông làm minh chủ. Ông cảm động vứt bỏ quan trường, lãnh đạo nhân dân Bình Định đi tìm lẽ phải. Nhưng phong trào bị nhà cầm quyền đàn áp khốc liệt. Hồ Sĩ Tạo bị bắt, Tổng đốc Bình Định lúc bấy giờ là Bùi Giản khép ông vào tội tử hình! Có tư liệu nói do vua Duy Tân hay được, bắt đưa ra Kinh đình nghị, giảm xuống còn tội tử hình. Một tài liệu khác cho rằng sở dĩ bản án xoay chuyển như vậy là nhờ Phó bảng Đào Phan Duân vận động, sự việc mới đến tai vua. Hồ Sĩ Tạo thụ án 12 năm trong nhà lao Bình Định, mãi đến năm 1920, triều đình ra lệnh ân xá. Trong bài Xuân nhật ngẫu cảm sáng tác trong nhà tù, ông tâm sự:

Một mình võng lọng gông cùm đủ

Bốn kỷ nên hư sướng khổ rồi

Trong tư liệu Nước non Bình Định, còn có các mẩu thú vị về các quan trấn nhậm. Như chuyện quan Bố chánh diễu Tổng đốc Vương Tử Đại. Có một thiếu phụ đang đêm lẻn vào dinh Tổng đốc để nhờ xử "ly dị chồng", chẳng ngờ gặp quan Bố chánh. Quan Bố nhân đấy cho lính bắt trói rồi la lớn, mong cho sự tình dược lan truyền "xấu chàng hổ mặt ai"! Quan Tổng mất bình tĩnh, chữa thẹn bằng cách chỉ bức da cọp trên vách, bảo rằng do con nhỏ nó dại quá, vào thấy da cọp tò mò đứng xem! Quan Bố cười nụ, về làm bài thơ Khán hổ bì: "Bạc hạnh lang quân thiếp tảo tri - Lang quân tư  thiếp, thiếp tư ly - Nhi kim dục toại ly lang kế - Dạ nhập linh môn khán hổ bì". Quách Tấn dịch: "Sớm hay chàng vốn bạc tình - Chàng dù thương thiếp, thiếp đành phân ly - Cung loan mong đứt giây tì - Đang đêm vào " khán hổ bì" dinh quan". Quan Tổng Vương Tử Đại khi cai quản công đường, huyênh hoang niêm yết cấm hối lộ để chứng tỏ đức thanh liêm. Rồi chính ông cải dạng ra ngồi xe kéo ngoài thành để dò xét dân tình. Quan hỏi người phu xe rằng có phải đương kim Tổng đốc thanh liêm chính trực lắm phải không? Người phu xe không biết người thăm dò là quan Tổng, cứ chân thật ngang ngay sổ thẳng, rằng quan Tổng thanh liêm chính trực vô cùng nhưng nếu muốn được việc thì phải đi ngõ sau gặp quan bà! Khi hồn nhiên nói sự thực, người phu xe nào ngờ chốc lát sau, mình đã bị giải vào ngục tối! Ngoài vụ trên, quan Tổng còn bắt giam cả làng Đông Lương vì dám chỉ trích quan! Hiện trường đó thể hiện trong bài thơ Ký cốc xa của quan Bố: "Sinh nhai ký cốc nhất xa thành - Hưu thuyết quan gia lãng phẩm bình - Bất ký Đông Lương đương nhật sự - Thê hiều nhi khốc đáo tàn canh". Quách Tấn dịch: "Làm ăn cút kít tay xe - Miệng mồm khuyên hãy kiêng dè việc quan - Đông Lương mang vạ cả làng - Vợ con kêu khóc ngày tàn lại đêm". Hai bài trên chỉ là số ít trong các bài thơ quan Bố hí họa chân dung quan Tổng mà phổ biến nhất là "Bình Thành thập thủ" lưu truyền khắp hang cùng ngõ hẻm. Quan Tổng trả đũa quan Bố bằng câu đối Nôm: "Sóng Âu Hải tràn ngang, tràn Hương Cảng, tràn Hoành Tân, tràn Mã Lịp Nhĩ Sơn, coi như tuồng dạ sắt gan đồng, một mực giữ gìn dân với nước - Gió Nam Phong thổi ngược, thổi hường lô, thổi binh bộ, thổi Bàn thành cụ Bố, quen những thói vào luồn ra cúi, đôi đường chen chúc lợi và danh!". Những câu trên đúng là cuộc trả đũa cay độc!

(còn nữa)

. Nguyễn Thanh Mừng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 2)  (02/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 1)  (01/12/2004)
Ta lớn lên trong mỗi lời ru   (01/12/2004)
Thời sự Văn nghệ   (30/11/2004)
Cảm nhận thơ Trần Hà Nam   (30/11/2004)
Folklorists liệt truyện   (29/11/2004)
Folklorists liệt truyện  (28/11/2004)
Cội nguồn và hành trình "làm mới" tuồng cổ  (26/11/2004)
"Thầy giáo dạy vẽ" - một truyện ngắn cảm động về tình thầy trò  (26/11/2004)
Thơ: Lê Bá Du, Nguyễn Đình Lương, Nguyễn Đình Nhâm  (26/11/2004)
Nỗi nhớ xê dịch  (26/11/2004)
Thời sự Văn nghệ   (23/11/2004)
Thơ trào phúng Bình Định xưa   (22/11/2004)
"Thầy già" cho "con hát trẻ"   (19/11/2004)
Thơ về ngày 20-11  (19/11/2004)