Quan Bố chánh Bình Định lúc ấy chính là Nguyễn Bá Trác, tác giả các sách Hoàng Việt Giáp Tí niên biểu, Hán học văn học khảo cùng một số bài báo, thơ văn in trên tạp chí Nam Phong. Sở dĩ quan Tổng chơi xỏ lại quan Bố là vì cuộc đời Nguyễn Bá Trác có nhiều uẩn khúc. Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Bá Trác hiệu Tiêu Đẩu sinh năm 1881 tại Bảo An, Điện Bàn, Quảng Nam, đỗ cử nhân năm 1906. Theo Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục thì ghi ông đỗ tú tài và "Can tội được tha, hiện mang hàm Hồng lô tự khanh, Chủ bút báo quán". Ông từng hưởng ứng phong trào Duy Tân, Đông Du, sang du học Nhật Bản, khi chính phủ Nhật cấu kết với Pháp trục xuất các nhà yêu nước Việt Nam, ông lặn lội sang Tàu. Sau đó, ông về Hà Nội làm ở phòng báo chí phủ Toàn quyền Đông Dương, chủ bút tờ báo Cộng Thị bằng chữ Hán. Ông chuyển sang làm chủ bút phần chữ Hán cho tạp chí Nam Phong năm 1917. Sau đó vào triều làm Tá lý Bộ Học, ít lâu thăng tuần phủ Quảng Ngãi, Án sát Bình Định, Tổng đốc Thanh Hóa và Tổng đốc Bình Định. Đây là một cuộc đời phức tạp, rất nhiều bôn ba ở mặt này đồng thời rất nhiều thăng vinh ở mặt khác. Chắc chắn những câu chữ xé gan xé ruột trong bài thơ đầy uất khí và đầy tinh ba Hồ trường vừa làm nhân chứng vừa cũng làm quan tòa của tâm hồn ông, lịch sử đời ông. Thời gian trấn nhậm xứ Bình Định thượng võ rất nhiều nghĩa khí, thâm thúy có, hóm hỉnh có, cao thượng thì đến ngất trời xanh! Cho dù người dân phần đông hiền lành và lặng lẽ lo toan cam chịu đến mức khó hiểu, nhưng khi đã đứng dậy thì toàn vẹn ý nghĩa "đầu đội trời, chân đạp đất!". Một không khí vừa bùn lầy cát bụi vừa vàng son tráng lệ ẩn hình trên từng ngọn cỏ nhành cây mang mang thiên cổ. Có lẽ còn gì đó, ý hội chứ không thể ngôn truyền, len dần vào tâm tư con người nhiều tâm tư, nhiều trạng thái, nhiều góc độ này. Thời gian ngồi trong thành Bình Định với việc giãi nỗi niềm lên Hồ trường đêm đêm cùng một số văn thân tâm huyết, có phải là sự ứng thuận mặc nhiên ấy? Con người đầu đời bôn ba hoạt động cách mạng, khuấy nước chọc trời và cuối đời bó thân vào chốn quan trường đã khuất thân dưới một Tiêu Đẩu thi sĩ:
HỒ TRƯỜNG
Trượng phu đã không hay xé gan bẻ cật phù cương thường,
Sao lại tiêu dao bốn bể luân lạc tha hương?
Trời Nam ngàn dặm thẳng
Mây nước một màu sương.
Học không thành, công chẳng lập,
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi:
Trời đất mang mang ai là tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng loạn;
Rót về Tây phương, mưa Tây Sơn từng trận chứa chan;
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút, đá chạy cát giương;
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng;
Nào ai tỉnh, nào ai say
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu với cỏ cây!
Về thời điểm ra đời bài thơ, giới khoa bảng Bình Định xưa mỗi người một ý. Có người cho rằng thời lều chõng, Nguyễn Bá Trác đã kết thân với một võ nhân Bình Định và trước khi lên đường Đông Du, ông có được bạn đưa về thăm nhà, lúc ấy phong trào cũng đang sôi lên trong lòng các sĩ phu Bình Định. Sau này, những ấn tượng sâu đậm với lịch sử, với con người xứ sở này không thôi nguôi ngoai trong lòng ông, trước hết qua gia đình người bạn với làng võ cổ truyền, bến văn là nơi cập đến của con thuyền võ. Có người lại cho rằng thời qua Nhật, ông để tâm hướng về một kẻ chinh bôn của miền quê thượng võ, thế hệ trước ông, đó là chí sĩ Tăng Bạt Hổ (1858-1908). Cái chết của Tăng Bạt Hổ, bao nhiêu đồng chí đồng bào thương cảm và không thôi nhắc nhở, cả ở Việt Nam và cả ở đất Phù Tang:
Thân phiêu bạt đã đành vô lại
Bấy nhiêu năm Thượng Hải Hoành Tân;
Chinh Nga nhân buổi hoàn quân,
Tủi mình bô bá theo chân khải hoàn!
Nâng chén rượu ban ơn hạ tiệp,
Gạt hàng châu khép nép quỳ tâu….
Trời Nam mù mịt ngàn dâu,
Gió thu như thổi dạ sầu năm canh…
Lúc đang ở Nhật, Phan Bội Châu nghe tin dữ, ai điếu Tăng Bạt Hổ bằng câu đối trầm thống:
- Quân khởi kỳ sanh tác hý, ư thời gia đề binh pháp thập tải, khứ quốc trấp dư niên; ký khốc ư Xiêm, ký khốc ư hoa, ký khốc ư Nga, hốt hốt nhiên đại khốc ư Đông, thùy giao tứ nhập thu phong, hướng ngã Thần Kinh mai hiệp cốt;
- Ngã bất tri tử chi vi hà vật giả, độc thư ngũ châu, kết giao sổ thập bối; hoặc chiến dĩ thiệt, hoặc chiến dĩ bút, hoặc chiến dĩ não, đoan đoan đích thực chiến dĩ thiết, yêu đắc huyết lưu ôn đới, vị quân hoàng chủng thọ hồng kỳ.
Bản dịch của Huỳnh Thúc Kháng:
- Người há sanh làm giỡn với đời sao, cầm binh một độ, bỏ nước hai mươi năm, đã khóc với Xiêm, đã khóc với Tàu, đã khóc với Nga; đùng đùng sang khóc lớn bên Đông, ai dè gió phất trời thu, nắm cốt về chôn thành đất Huế;
- Ta chả biết chết là cái gì vậy, đọc sách năm châu, kết giao vài chục bạn, hoặc đánh bằng lưỡi, hoặc đánh bằng bút, hoặc đánh bằng não, khăng khăng chỉ độc đánh bằng sắt, thề quyết máu sôi đất nóng, cờ đào trỏ mặt giống da vàng.
Chính những điều này có tác động sâu sắc với tâm can Nguyễn Bá Trác tạo thành niềm yêu mến miền đất võ Bình Định, cho tới khi cơ duyên đưa ông về trấn nhậm nơi này. Đó là câu chuyện truyền tụng trong những cuộc rượu nho sĩ Bình Định xưa khi nhắc đến Hồ trường, bây giờ có người còn kể, chúng tôi chép ra đây như một giai thoại gắn với thành Bình Định. Bài thơ nguyên văn bằng chữ Hán, tác giả tự dịch ra tiếng Việt, đăng trên Tạp chí Nam Phong trong loạt bài Hạn mạn du ký, kể chi tiết cuộc phiêu lưu trên đất Tàu. Thời ngồi ghế Bố chánh trước khi lên Tổng đốc, Nguyễn Can Mộng có tặng ông mấy vần tập Kiều:
Kể từ lạc bước chân ra
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung
Giang hồ quen thú vẫy vùng
Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa
Có thuyết cho rằng về sau, Nguyễn Bá Trác chết trong loạn lạc. Có thuyết khác bảo rằng ông bị xử tử.
Giới sĩ phu Bình Định rất ca tụng một vị quan khí khái, Tổng đốc Nguyễn Đình Hiến, luôn công bằng cho dân chúng trong xét xử. Đặc biệt, khi chí sĩ Đồng Sĩ Bình bị tống giam, ông đối đãi như khách văn, xuống tận nhà lao hoặc mời lên công đường bàn luận văn chương thế sự, bất chấp cả mật thư quở trách của Công sứ Quy Nhơn. Đồng Sĩ Bình được bổ nhậm tại Tòa Khâm sứ Huế rồi đổi vào Quy Nhơn nhưng ông từ nhiệm để hoạt động cách mạng, chống thực dân, mưu cầu độc lập cho nước nhà. Năm 1927 ông bị kết án chín năm khổ sai, đày lên Buôn Ma Thuột. Ông đề thơ mỉa mai: "Viết hai chữ cách mạng - Tù chín năm khổ sai - Ký giấy bán dân nước - Tù án mấy vạn ngày". Trước đó, ông đã cùng các đồng chí lên truy điệu Mai Xuân Thưởng tại phần mộ và gửi hai câu đối thờ đầy trân trọng:
- Bại trận nhi bất hàng, hùng tâm phiêu võ trụ, đáo để chiến công lực kiệt, binh tán thế cô, túng sử quốc vận phương long, liệt sĩ hồ cam hàm hận huyết;
- Đoạn đầu do năng tiếu, nghĩa khí quán càn khôn, tự lai chuyên chế vân loa, nhân vong sự một, ná thức thế tâm mạc đạm, hậu sanh thương vị hích kỳ danh!
(Việt Nam cách mạng nguyên niên, mạnh đông nhật, hậu sanh đồng chí Đồng Sỹ Bình huy lụy khốc)
Một người Phán sự không màng phú quý, bỏ đi hoạt động cho nước cho dân, vừa thông thạo Tây học, vừa sâu sắc Hán học, văn chương khí phách như vậy, ấy chính là lý do quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hiến trò chuyện không biết chán.
Theo nhiều tài liệu, cơ quan Nam triều với vai trò tỉnh lỵ Bình Định của thành Bình Định chấm dứt khoảng 1934,1935. Sau đó dinh tỉnh dời về Quy Nhơn. Thành bị triệt hạ trong tiêu thổ kháng chiến, để chuẩn bị sống mái với giặc Pháp, trên tinh thần thà hy sinh tất cả để giành độc lập tự do.
Thành Bình Định đã in sâu trong tâm thức người dân An Nhơn nói riêng, Bình Định nói chung. Trong ca dao, người vợ hiền tâm sự với chồng:
Quảng Nam thành mình anh vắng vẻ
Bình Định thành mình thiếp chơi vơi
Mẹ cha gần đất xa trời
Sao anh không kiếm nơi lựa đôi lời dại khôn
Chữ rằng "họa phúc vô môn"
Tìm giàu thì dễ, tìm khôn khó tìm
Đặc biệt, thành này là nơi qui tụ bạn bè của bốn người bạn thơ vang dội, sau đó người đời dùng mỹ danh Bàn Thành Tứ Hữu để tôn vinh. Nhà thơ Yến Lan hồi tưởng: "Sống giữa lòng Bình Định, những chiều hiu hiu nắng quái, tôi và Chế Lan Viên thường lên lầu cửa Đông mà hai đứa tôi gọi là lầu tư tưởng, phóng tầm mắt nhìn bao quát thị trấn, rồi vọng đến những chân trời xa tắp, lòng ngậm ngùi cho mảnh đất quê hương đã trải qua lắm cuộc đổi thay". Nhà thơ Quách Tấn trân trọng viết: "Những khi khách du quan đi ngang qua phạm vi thành Bình Định, nhìn thấy lầu cửa Đông cũ kỹ, không khỏi nhớ đến hai nhà thơ sanh trưởng ở Bình Định và đã dùng tòa lầu cửa Đông làm lầu thơ: Chế Lan Viên và Yến Lan. Chế Lan Viên với tập Điêu tàn làm lúc mới 17 tuổi (1937) và tập Vàng sao xuất bản năm 1942, đã làm cho làng văn thơ Việt Nam lưu tâm đến Bình Định. Và Yến Lan, một đợt sóng thứ hai làm vang dội tên Bình Định bằng bài thơ Bình Định."
Qua mưa nắng tháng năm, thành trì rêu phong, xung quanh hồ nước bốn mùa, khi xanh lá, khi lục búp, khi đỏ lẫn khi trắng hoa, khi tươi thắm tưng bừng, khi tàn tạ héo sầu… Đối diện với cảnh trí là thời thế xã hội, lúc thanh bình hồi tao loạn, lũy xưa hào cũ, qua nhiều hưng phế, nhuốm cảnh bể dâu.
Trong tâm thức nhân dân địa phương, nhất là những ai hoài cổ, thành Bình Định hãy còn vang bóng với lớp lớp ký ức lịch sử, với đau thương và hùng tâm tráng khí, với tầng tầng nước mắt, nụ cười… Song song với tháng năm là niềm xác tín một cách đậm đà, tâm thế một vùng đất, sự yêu quý đến quặn lòng của người sở tại và niềm thương cảm mênh mang của khách muôn phương, từng đặt chân về hoặc chỉ từng nghe biết qua sách vở…
. Nguyễn Thanh Mừng |