Tiến tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2004)
Cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng: Có một mùa vàng
11:46', 7/12/ 2004 (GMT+7)

Cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, trường ca, viết hồi ký về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân đã gặt hái được rất nhiều thành công. Tính từ ngày phát động (tháng 9 năm 2001) đến khi tổng kết (tháng 1 năm 2004), cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, trường ca, viết hồi ký về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân đã thu được 350 tác phẩm của các tác giả; trong đó, có 220 tiểu thuyết, 50 trường ca, 80 cuốn hồi ký.

* "Bội thu" tác phẩm

Tác phẩm của một tác giả Bình Định tham gia cuộc vận động

Có thể nói, đây là một số lượng kỷ lục so với các cuộc vận động trước đây. Bên cạnh đó, còn có hơn 300 đề cương đăng ký sáng tác của 3 thể loại trên được gửi về cho Ban Tổ chức và sẽ được hoàn thành trong thời gian tới. Có thể khẳng định: đã có một mùa bội thu về tác phẩm.

Nhưng không chỉ thuần túy số lượng, không ít tác phẩm trong 130 tác phẩm được biên tập, xuất bản, đã được bạn đọc đánh giá cao, góp vào diện mạo văn học hôm nay. Có thể kể, ở thể loại tiểu thuyết, là các tác phẩm: Cuộc đời dài lắm (Chu Lai), Duyên kiếp (Triệu Huấn), Người giữ đình làng (Dương Duy Ngữ), Mây cuối chân trời (Nguyễn Trọng Oánh), Ngàn dâu (Hồ Phương), Hồng Việt (Võ Văn Trực)… Những tiểu thuyết tham gia cuộc vận động đã phản ánh được sự đa dạng, phong phú của hiện thực cuộc sống với nhiều góc độ và khía cạnh mới, nhiều tác phẩm tỏ ra có sự tìm tòi về phong cách. Sự phiến diện, một chiều, đơn giản dẫn đến sự khô khan, cứng nhắc về tính cách nhân vật và hoàn cảnh sống đã hạn chế nhiều.

Hồi ký và trường ca cũng được mùa. Sau các bộ hồi ký nổi tiếng của các Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng... cuộc vận động tiếp tục cho ra đời những bộ hồi ký có giá trị như Thời sôi động (đại tướng Chu Huy Mân), Con đường đã chọn (đại tướng Nguyễn Quyết), Nhớ về chiến trường Khu 6 (Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên)… Không chỉ là những tư liệu lịch sử quý báu, chân thực về những năm tháng hào hùng của dân tộc, những bộ hồi ký này còn làm rung động lòng người về tình quân dân, tình đồng đội.. Ở thể loại trường ca, tiêu biểu là các tập: Sức bền của đất (Hữu Thỉnh), Hơi thở rừng Hồi (Vương Trọng), Người lính đi đầu (Thanh Quế), Trường ca Điện Biên Phủ (Trần Mạnh Hảo)… Trong 50 trường ca này, có tác phẩm của các tác giả trẻ, chưa viết trường ca bao giờ, nhưng cũng đã mạnh dạn thử bút và phần nào đã có thành công nhất định.

Gặt hái cả về số lượng lẫn chất lượng, có thể nói, cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, trường ca, viết hồi ký về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân đã có một mùa bội thu.

* Viết về người lính hôm nay

Có thể thấy, sự thiếu vắng những tác phẩm sâu sắc viết về người lính hôm nay là hạn chế lớn nhất từ những tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động cũng như của cả nền văn học. Nếu trong chiến tranh, nơi con người bộc lộ rõ nhất bản chất người, là hiện thực bề bộn, ngồn ngộn cho những trang viết; thì hôm nay, người lính vẫn chịu không ít sự hy sinh, vất vả nhưng nhìn chung không quá gian khổ như xưa. Vậy thì diện mạo người lính hôm nay sẽ bộc lộ như thế nào? Đây vẫn là một thử thách với người cầm bút.

Hệ quả là trong văn học, người lính hôm nay vẫn chưa được khắc họa rõ. Các tác giả vẫn còn chạy theo tính thời sự của đề tài, cốt phục vụ hơn là sáng tạo nghệ thuật. Mặt khác, có thể thấy, hầu hết những tác phẩm để lại được dấu ấn trong lòng người đọc là của các tác giả đã thành danh. Những tác phẩm có thể đứng vững trong lòng người đọc, đứng vững với thời gian của các tác giả trẻ vẫn hiếm.

"Văn học viết về chiến tranh cách mạng là một cánh đồng không bao giờ bạc màu, càng lật xới càng màu mỡ" (Chu Lai). Quả vậy, đề tài về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, trong đó có người lính hôm nay vẫn là một mảnh đất màu mỡ để giới sáng tác "cày xới" và gặt hái những mùa vàng.

. Thạch Trung (tổng hợp)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thời sự Văn nghệ  (07/12/2004)
Hoạt động nghệ thuật quần chúng trong LLVT: Phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu  (07/12/2004)
Chùm thơ viết bên thành Hoàng Đế  (06/12/2004)
Còn mãi hoa vàng ngày cũ   (06/12/2004)
Thơ: Mai Thìn, Miên Linh  (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ cuối)   (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 3)   (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 2)  (02/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 1)  (01/12/2004)
Ta lớn lên trong mỗi lời ru   (01/12/2004)
Thời sự Văn nghệ   (30/11/2004)
Cảm nhận thơ Trần Hà Nam   (30/11/2004)
Folklorists liệt truyện   (29/11/2004)
Folklorists liệt truyện  (28/11/2004)
Cội nguồn và hành trình "làm mới" tuồng cổ  (26/11/2004)