Hào khí một câu ca dao Việt
16:48', 9/12/ 2004 (GMT+7)

. Tùy bút của Nguyễn Quang Hà

Câu ca dao đầy hào khí là câu ca dao này: "Nực cười châu chấu đá xe/ Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng". Ta thấy trong câu ca dao này có hai lực lượng đối chọi với nhau đó là châu chấu và xe.

Châu chấu là loài có cánh, lớn chỉ bằng đầu đũa. Riêng loại châu chấu voi thì bằng ngón tay cái. Thân mềm, cánh mỏng. Bên kia là chiếc xe. Tác giả không nói rõ xe ấy là loại xe gì. Với châu chấu thì xe đã là một vật khổng lồ so với nó, giống như người so với một quả núi vậy. Ấy là chưa nói, cấu trúc của xe ấy có những phần bằng sắt, vậy mà châu chấu dám "đá" xe. Đó là chuyện ngược đời. Đúng là chuyện nực cười thật.

Vậy mà chuyện ngược đời ấy lại là chuyện có thật trong lịch sử nước Việt.

Chỉ lấy hai ví dụ đã có thể minh chứng đủ điều đó, rõ ràng đến nỗi không có một ai dám cãi. Đó là cuộc kháng chiến chống quân Nguyên và cuộc kháng chiến 30 năm (1945-1975) vừa đang còn nóng hổi đây.

Quân Mông Cổ của Hốt Tất Liệt với cung tên, giáo mác trên mình ngựa để chinh phục gần hết Châu Âu, đến tận Hung-ga-ri. Về phía Nam thì thâu tóm toàn lãnh thổ Trung Quốc, lập nên nhà Nguyên, một triều đại làm cả thế giới run sợ. Vậy mà quân Nguyên ba lần đem đại quân sang đánh nước Nam, thì cả ba lần đều bị thua.

Đọc lại lịch sử càng thấy con người thời ấy lẫm liệt thật. Những Phạm Ngũ Lão ngồi đan rổ, đại quân đi qua, thấy ngộ, lấy giáo đâm vào đùi, chảy máu vậy mà Phạm không biết đau, vì tâm đang nghĩ kế giết giặc; chú thiếu niên Trần Quốc Toản cũng dựng cờ với 6 chữ vàng: "Phá cường địch, báo Hoàng ân" chiêu binh đi đánh giặc Nguyên. Những Trần Bình Trọng sa vào tay giặc, chúng dụ hàng, ông trả lời đầy nghĩa khí: "Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc". Các cụ già thì vào hội nghị Diên Hồng cất vang lời thề: "Giặc dữ nên hòa hay nên chiến?", "Quyết chiến"; "Sức yếu lấy gì mà ra chiến chinh?", "Hy sinh". Và rồi các cụ cho cháu con vào lính. Trên cánh tay những người lính ấy khắc hai chữ: "Sát thát"

Đất nước có những người con như thế chiến thắng quân Nguyên hay bất cứ giặc ngoại xâm nào không phải là chuyện lạ.

Cuộc kháng chiến 30 năm vừa qua kéo dài, vì trong 30 năm ấy chúng ta đối đầu với những 4 tên sài lang. Lần lượt cho chúng nếm đòn đo ván: Dẹp Tưởng, đẩy lùi quân Anh, đánh Pháp thắng lợi, rồi đánh Mỹ thắng lợi.

Phải nói đó là một kỳ công.

Đương đầu với Pháp rồi với Mỹ thật không phải chuyện đùa. Đúng là châu chấu đá xe. Nhất là Mỹ, kẻ thường vỗ ngực: giàu nhất thế giới và mạnh nhất thế giới. Ghê gớm nhất thời đại là có cả bom nguyên tử trong tay. Lính Pháp và lính Mỹ là đội quân được trang bị tận răng.

Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, hầu như chỉ có hai bàn tay trắng, vậy mà cụ Hồ vẫn kêu gọi: "Ai có súng dùng súng, ai có dao dùng dao, không có súng có dao thì cuốc thuổng, gậy gộc".

Tuân theo lời kêu gọi ấy, Thân Trọng Một đã cùng trung đội của ông, mỗi người một cây gậy dang vót nhọn, mai phục ở Mõm Sóng. Trung đội địch đi qua, lập tức bị những chiếc gậy dang nhọn đâm thủng ruột xuyên ra phía sau. Thắng lợi, các anh thu súng địch trang bị cho mình.

Đối diện với cam nhông, xe tăng, trọng pháo, máy bay, ta chỉ có gậy tày, lựu đạn, hầm chông, bẫy đá với một số súng đạn thô sơ, nhưng đường lối thì thật chính xác, "trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi".

Và những anh hùng thời đại đã xuất hiện: La Văn Cầu bị thương, gãy tay, anh bảo đồng đội: "Hãy chặt cánh tay này giúp mình để đỡ vướng". Ngô Mây cầm bom ba càng lao vào xe bọc thép. Anh đã hy sinh, mạng đổi xe bọc thép kẻ thù với lời thề son sắt: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Rồi đến trận quyết chiến Điện Biên Phủ. Nói đến Điện Biên Phủ lập tức ta nhớ ngay: Tô Vĩnh Diện chèn thân cứu pháo, Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng và Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Đó là những anh hùng tiêu biểu dám xả thân cho chiến thắng.

Nhắc đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bên tai tôi văng vẳng tiếng khẩu lệnh của Nguyễn Viết Xuân: "Đế quốc Mỹ không có gì đáng sợ. Hãy nhắm thẳng quân thù mà bắn". Với tinh thần ấy, các cụ già Thanh Hóa đã dùng súng bộ binh bắn cháy Con ma, Thần sấm, nữ du kích Ngư Thủy bắn cháy tàu chiến địch trên biển Quảng Bình. Và chị Út Tịch dõng dạc tuyên chiến: "Còn chiếc lai quần cũng đánh". Cũng trong thời chống Mỹ, Việt Nam đã có một kỳ công độc nhất vô nhị trên thế giới: đó là sự ra đời binh chủng đặc công. Vũ khí của họ chỉ là lòng dũng cảm và bộc phá. Khẩu hiệu tuyệt chiêu của họ là: "Trinh sát kỹ, đánh nhanh, diệt gọn, rút lui an toàn".

Binh chủng đặc công thô sơ, song đối tượng của họ thật đáng kể: căn cứ, kho tàng, sân bay… Phương châm của họ là bí mật thọc sâu, đã đánh là thắng. Bí quyết thắng lợi là: Bí mật tuyệt đối.

Vâng, trên thế giới duy nhất chỉ có Việt Nam có binh chủng này. Một cách đánh đầy sáng tạo của Việt Nam. Hai chữ đặc công đã làm cho lính Mỹ kinh hoàng hơn cả bom, đạn.

Nửa triệu quân Mỹ đã rút khỏi Việt Nam không kèn không trống, kệ lính Ngụy, sống chết mặc bay, làm cho cả thế giới ngỡ ngàng.

Hình như tất cả cuộc chiến chống ngoại xâm trên đất Việt này luôn luôn diễn ra cảnh châu chấu đá xe. Kẻ thù hùng hổ kéo tới, tưởng có thể nuốt không nước non này, kết cục đều giống Thoát Hoan, chỉ khác cách này hay cách khác: Chui vào trong ống đồng, bắt lính kéo qua biên giới.

Ba lần thắng quân Nguyên, Trần Quang Khải vỗ tay reo:

Đất nước một phen bom ngựa đá

Nghìn năm non nước giữ âu vàng

Chiến thắng giặc Mỹ thì chúng ta tự hào:

Nhân loại chọn ta làm điểm tựa

Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm

Gậy tày lựu đạn thắng đại bác máy bay, thật nực cười, trái khoáy, ngược đời biết bao. Vậy mà điều đó đã hiển hiện trên nước non này.

Nực cười châu chấu đá xe

Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng

Câu ca dao mới hào khí làm sao. Một chính khách đã phải thốt lên câu này: "Cho tôi 10 Việt cộng, tôi sẽ thắng cả thế giới này". Câu nói ấy thâm sâu trong ý tưởng.

. N.Q.H

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bàu Đá nghi lễ - "vọng lên đỉnh núi cụng vài ly"  (07/12/2004)
Cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng: Có một mùa vàng   (07/12/2004)
Thời sự Văn nghệ  (07/12/2004)
Hoạt động nghệ thuật quần chúng trong LLVT: Phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu  (07/12/2004)
Chùm thơ viết bên thành Hoàng Đế  (06/12/2004)
Còn mãi hoa vàng ngày cũ   (06/12/2004)
Thơ: Mai Thìn, Miên Linh  (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ cuối)   (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 3)   (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 2)  (02/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 1)  (01/12/2004)
Ta lớn lên trong mỗi lời ru   (01/12/2004)
Thời sự Văn nghệ   (30/11/2004)
Cảm nhận thơ Trần Hà Nam   (30/11/2004)
Folklorists liệt truyện   (29/11/2004)