Lan trinh nữ
16:6', 12/12/ 2004 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Trần Quang Lộc

Tôi quen chị Huyền qua thú chơi hoa phong lan. Nói đúng hơn là nhờ anh Phúc, còn gọi là Phúc còi, chồng chị.

Hồi còn là giáo viên, vào những buổi chiều trống tiết cuối, tôi thường đạp xe ra vùng ngoại ô tìm cảm giác thanh thản bình yên chốn hương đồng cỏ nội, không khí mát mẻ, trong lành sau một ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng.

Một hôm, tôi đang ngồi trên một quãng sông vắng lồng lộng gió đồng thả hồn lênh đênh theo những chuyến đò ngược xuôi dưới bóng hoàng hôn đỏ rực thì gặp anh Phúc. Anh Phúc là bạn với anh trai tôi từ hồi còn học phổ thông, vì vậy, chúng tôi đã được gặp nhau vài lần. Từ ngày anh tôi sang Nhật, anh Phúc không đến nhà tôi chơi nữa. Thấy tôi đang ngồi một mình, anh Phúc mời tôi ghé nhà anh chơi cho biết. Anh bảo tới cây gạo đầu xóm kia là đến nơi. Không có lý do gì để từ chối, tôi đứng lên theo anh. Đến cây gạo lớn, chúng tôi còn phải quẹo trái, rẽ phải mấy bận nữa mới đến cổng ngõ nhà anh Phúc. Đó là ngôi nhà cấp 4, mái ngói tường vôi rêu phong loang lổ, chung quanh cây cối um tùm. Cảnh quan ở đây tĩnh lặng, thoáng mát rất thích hợp với những ai sống nghiêng về nội tâm, những nhà nghiên cứu sáng tạo.

Vừa đặt chân vào phía bên trong cổng ngõ, tôi bị dội lại ngay bởi màu sắc rực rỡ, mùi hương thanh khiết từ giàn phong lan trước mặt. Cũng hiểu đôi chút về hoa phong lan, nhưng phải thú nhận rằng, đây là lần đầu tôi thấy tận mắt một giàn hoa quy tụ nhiều giống lan quý hiếm, màu sắc lạ lẫm. Ngoài các giống lan tôi quen biết, giàn hoa còn có nhiều giống lan trước đây tôi chưa từng trông thấy, chưa nghe ai nói đến, hương sắc ngây ngất lòng người. Thấy tôi bị cuốn hút bởi những nhành lan đậm đà hương sắc đung đưa trong làn gió heo may, anh Phúc vừa pha trà vừa bảo tôi: "Giàn phong lan của bà xã mình đấy. Cô ấy quý hoa lan lắm, cậu vào uống nước đã".

Quý bà quý cô chơi hoa cảnh tính tình thường rộng rãi, phóng khoáng, đôi lúc pha chút mộng mơ, lãng mạn nữa. Làm chủ một giàn lan quý hiếm như thế này, tôi đoan chắc vợ anh Phúc phải là người đàn bà có nét gì đó rất nổi bật, rất riêng.

Chúng tôi đang ngồi uống trà dưới giàn phong lan tỏa hương ngan ngát, bàn tán sôi nổi về tình hình giáo dục ngày nay có nhiều nổi cộm, bỗng một người đán bà dắt xe đạp từ ngoài ngõ thong thả đi vào. Anh Phúc bảo đó là vợ của anh đi dạy về.

Người đàn bà dựng xe vào một góc sân rồi đến chào khách. Trời! Nếu không tận mắt chứng kiến, chắc chắn tôi sẽ không tin người đàn bà trẻ trung xinh đẹp kia lại là vợ của một anh Phúc thô kệch, gầy nhom, nước da tái mét như người bị chứng sốt rét kinh niên. Ngoài một thân hình cân đối, săn chắc, chị có một nét đẹp lạ lùng:  nửa kín đáo, nửa khơi gợi, nửa nghiêm khắc pha lẫn nét lãng mạn, thoạt nhìn vừa muốn háo hức chiếm đoạt vừa tôn vinh quý trọng. Quả thực thượng đế đã lú lẫn ghép nhầm hai cái nửa trái ngược nhau, không liên quan gì với nhau. Càng nhìn càng thấy tức mắt. Mãi sau này, tôi mới nghe loáng thoáng đôi nét khái quát về vợ chồng nhà Phúc.

Hồi còn là cán bộ văn hóa xã, anh Phúc cũng là một thanh niên thông minh, mạnh khỏe, nhanh nhẹn, chơi đàn rất hay.

Một hôm, trên đường đi công tác về, tình cờ anh gặp chị Huyền, cô giáo dạy mẫu giáo, bị tai nạn giao thông. Lập tức, Phúc đích thân đưa cô bạn cùng thôn lên bệnh viện cấp cứu. Do vết thương bị vỡ động mạch mất khá nhiều máu nên bác sĩ rất cần người có cùng nhóm máu với nạn nhân. Định mệnh run rủi, Phúc cùng nhóm máu với Huyền, nhờ thế mà Huyền thoát chết. Trong cơ thể nàng có dòng máu anh Phúc. Ra viện một thời gian, Huyền chấp nhận lời cầu hôn của anh Phúc, chàng trai có tấm lòng rộng rãi, độ lượng. Thì ra, đây chỉ là một sự trả ơn chứ không phải là tình yêu đích thực. Tội nghiệp chị Huyền! Một đóa phong lan đậm đà hương sắc!

Cưới nhau gần nửa năm thì anh Phúc phải mổ ruột thừa. Ca mổ đang tiến hành thì lượng thuốc gây mê hết tác dụng. Anh tỉnh dậy, một cảm giác đau đớn khủng khiếp ở vùng đang mổ khiến anh thét lên một tiếng rồi ngất đi. Đến lúc tỉnh lại, ca mổ đã xong đâu vào đấy. Hai ngày sau khi mổ, đại tiện bế tắc, bụng dần dần chướng lên. Bác sĩ bảo rối ruột. Phải mổ gấp! Hai ca mổ chỉ trong vòng 3 ngày mất nhiều máu làm cho người anh xanh xao, sức khỏe suy sụp mặc dù được Huyền lo lắng, chăm sóc chu đáo. Riêng Huyền tuy khỏe mạnh, da đỏ hồng, nhưng thi thoảng hơi bị choáng. Bác sĩ bảo không sao, ăn uống, bồi dưỡng tốt sẽ khỏi. Vợ chồng Phúc sống hạnh phúc. Anh chăn nuôi gà công nghiệp với quy mô lớn. Huyền dạy mẫu giáo. Đời sống như thế là ổn định.

Ngoài dạy học, Huyền còn dành nhiều thời gian cho giàn phong lan. Chị rất mê phong lan. Nghe nói ở đâu đó có giống lạ là Huyền tìm đến mua cho kỳ được. Giàn phong lan của chị nổi tiếng cả vùng, nổi tiếng vì có nhiều giống lan quý hiếm.

Tôi được vợ chồng anh Phúc xem như người em vui tính, một người bạn dễ sẻ chia, một trong bộ ba không thể thiếu vắng vào những chiều chủ nhật đẹp trời. Biết tôi cũng thích chơi phong lan, chị Huyền truyền lại cho tôi kỹ thuật chiết lan con từ thân mẹ, cách chăm sóc để ra hoa, cách chọn giống lan... Chị bảo, các cụ ngày xưa chơi phong lan cốt để dưỡng tâm, dưỡng thần, hạn chế dục vọng. Người chơi phong lan cũng phải biết sống hết tình với loài hoa khó tính khó nết này. Cũng phải thôi, dễ dàng quá, sống sao cũng được, hoa nở xoành xoạch suốt bốn mùa sao gọi là quý hiếm?

Ngày nay, người ta chơi phong lan cốt để chứng tỏ mình thuộc dạng phong lưu, tao nhã, chủ yếu là mua hoặc được cho chác, biếu xén, ít ai biết gầy lan quý từ một cái chồi non. Chị Huyền bảo, chơi phong lan từ cái mầm non đến lúc ra hoa mới là dân chơi hoa sành điệu.

Với anh Phúc, tôi là đàn em. Với chị Huyền, tôi là bạn tâm đắc. Nhiều bữa, anh Phúc bận ngồi ôn bài kiểm tra đại học tại chức, tôi với chị Huyền bàn luận sôi nổi về chất lượng các giống lan ngoại nhập, về hiệu quả của việc cấy mô gây giống, về một số người giàu lên nhờ vào buôn bán phong lan. Chị giới thiệu với tôi tên của một số loài lan quý có trong bộ sưu tập sống của chị, những cái tên lạ hoắc tôi chưa từng nghe nói bao giờ như: bạch ngọc, mặc lan, trần mộng, yên tử, trinh nữ... Ngày nay, giới buôn cây cảnh tự tìm một cái tên thật kêu gán vào mấy cái chậu cảnh thường thường để đánh lừa thiên hạ. Nhưng với chị Huyền, tất cả đều có lý. Nhiều lúc tôi với chị Huyền ngồi trầm ngâm nhìn những cành phong lan đậm đà hương sắc đong đưa trong gió liên tưởng về kiếp người.

Tôi với chị Huyền trở thành đôi bạn thân, người cùng sở thích. Lâu lâu không đến, chị trách. Xa chị vài ngày, tôi cũng thấy lòng mình trống vắng!

Một hôm, chị Huyền tặng tôi một giò lan quý, giò lan tôi rất thích bởi cái sắc trắng xanh như màu ngọc bích, mùi hương rất lạ. Tôi hỏi chị tên lan gì. Chị bảo lan trinh nữ. Tôi lại hỏi, tại sao là lan trinh nữ, đã có hoa trinh nữ rồi!? Chị kể cho tôi nghe truyền thuyết về lan trinh nữ.

Giọng ấm áp truyền cảm của chị Huyền rót vào trong tôi chất men nồng làm đảo lên một chút tình riêng tư ép tận đáy lòng:

Ngày xửa ngày xưa, có một nàng cung nữ tài sắc vẹn toàn. Đặc biệt, từ thân thể nàng phát tiết ra một mùi hương lạ lắm, dùng ngôn ngữ bình thường không thể tả nổi. Ngày nay, nhiều người bảo đó là hương trinh nữ. Gần 10 năm kể từ ngày được tuyển vào cung cấm, nàng vẫn là cô gái trinh nguyên chỉ vì nhà vua đã mất hoàn toàn khả năng làm đàn ông. Tất cả phi tần trong cung cũng cùng chung số phận. Nhiều đêm nằm thao thức, trăn trở, nàng cung nữ nảy ra ý định từ bỏ cung vàng điện ngọc trở về với cuộc sống bình dị như những cô thôn nữ. Nhưng nghĩ đến luật vua phép nước hết sức nghiệt ngã, nàng đành phải cố nén đau thương chấp nhận số phận.

Rằm tháng giêng năm đó, nàng cung nữ bí mật xuất cung giả dạng thường dân đi xem hội thơ Nguyên tiêu được nhà vua tổ chức hàng năm trên khu đồi thơ mộng, cách kinh thành chừng vài dặm. Bị giam hãm lâu ngày nơi cung cấm, nàng như chim hoàng anh sổ lồng tha hồ tung cánh. Mải rong chơi giữa chốn sơn kỳ thủy tú, len lỏi vào dòng người đi dự hội, nàng lạc mất đường về. Đang đứng lớ ngớ trên một quãng vắng, bọn đầu trâu mặt ngựa đột ngột xuất hiện. Bỗng gặp mồi ngon, chúng xông vào định giở trò chiếm đoạt. Vừa khi miếng mồi sắp rơi vào nanh vuốt sói thì có tiếng vó ngựa dừng lại đột ngột, một trang hảo hán từ trên yên nhảy xuống. Chỉ một vài đường quyền, bọn cướp đã cao chạy xa bay.

"Đoạn này giống chỗ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga?", tôi bật cười hỏi chị. Chị lườm mắt sang tôi, giọng hờn dỗi: "Thì chuyện ngày xưa mà, có giống chút đỉnh cũng không sao". Lúc nầy trông chị như người đẹp liêu trai, lòng tôi xao xuyến... Chị Huyền kể tiếp:

Bọn bất lương chạy biến vào rừng, chàng tráng sĩ vội quỳ xuống: "Kẻ hèn sĩ này đến muộn, để bọn cướp xúc phạm đến công nương. Mong công nương thứ tội". Nàng cung nữ vội đáp lễ, bảo: "Tiện nữ chỉ là dân nghèo đi xem hội bị lạc đường gặp bọn bất lương, may nhờ tráng sĩ ra tay cứu giúp, sao tráng sĩ lại nhầm lẫn với một vị công nương nào đó?". "Thưa công nương, cả kinh thành này ai không biết trong hoàng cung có một nàng cung phi ngọc thể luôn phát tiết một mùi hương sang quý". Biết không thể nào che giấu thân thế, nàng đành bày tỏ hết nỗi niềm và để tạ ơn cứu mạng, nàng sẵn sàng theo chàng đi khắp cùng trời cuối biển. Cảm thấu nỗi niềm của những người con gái đang bị giam hãm trong cung cấm, chàng hứa hẹn: "Hiện nay, chốn biên thùy giặc giã nổi lên, dân tình khốn khổ. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Nếu được công nương hạ mình chiếu cố thì xin hẹn gặp công nương cũng vào ngày này năm sau tại gốc phong già phía sau cánh rừng kia. Còn bây giờ, xin công nương cứ đi theo hướng này một đỗi nữa là đến hoàng cung. Công nương là lá ngọc cành vàng, kẻ hèn sĩ này không dám đưa tiễn". Nói xong, chàng tráng sĩ lên yên, phút chốc, người ngựa khuất hẳn sau cánh rừng chiều. ..

Nguyên tiêu năm sau, nàng cung nữ bí mật xuất cung đến ngồi dưới gốc phong già theo lời hẹn ước. Nàng cứ ngồi chờ, chờ mãi mà chẳng thấy bóng người xưa. Kiệt sức vì chờ đợi, nàng lả dần rồi gục xuống gốc phong. Mùi hương sang quý từ hài cốt nàng cung nữ tỏa ngát rừng phong không một con thú nào dám đến gần. Lạ lùng thay, mới có mấy ngày mà thi thể của nàng cung nữ đã hóa thành cát bụi rồi được một trận cuồng phong hốt lên rải khắp cánh rừng. Thi thể dưới dạng hạt bụi bám vào thân cây phong lâu ngày hấp thụ nguyên khí đất trời hóa thành loại cây thân thảo, lá to bằng hai ngón tay, hình bầu dục, xanh ghì, sống gửi vào thân cây. Hàng năm, đúng vào rằm tháng giêng, từ nách lá bật ra một chùm hoa trắng xanh màu ngọc bích, tỏa hương thơm ngát núi rừng. Có năm đến hết mùa xuân mới tàn.

Ngày Nguyên tiêu tiếp theo, có một chàng kỵ mã áo bào còn nồng mùi thuốc súng đứng lặng người dưới gốc phong già. Một mùi hương rất quen thuộc lan tỏa khiến chàng ngẩng lên. Cả một vạt rừng phong hoa nở trắng! Chàng đến bóc một nhánh hoa đẹp nhất, khỏe nhất từ thân cây phong già, nói giọng bùi ngùi: "Giặc giã chưa xong nên ta đành lỗi hẹn. Nếu nàng đã hóa thân vào loại hoa này, ta sẽ mang nàng đi đến tận đầu non cuối bãi. ..".

Ngày nay, người đời gọi là lan trinh nữ.

Câu chuyện chị phịa ra cốt để gửi gắm nỗi niềm riêng tư, tôi đoan chắc thế.

Nào ngờ, giò lan trinh nữ Huyền tặng tôi là kỷ vật cuối cùng. Tôi vĩnh viễn xa chị vào một buổi chiều.

Hôm đó, tôi đến chơi nhà anh Phúc nhằm lúc chị Huyền đang ngồi hong mái tóc vừa mới gội bên ô cửa sổ, mái tóc dài óng mượt ngan ngát hương bưởi hương chanh trôi bồng bềnh theo chiều gió lồng lộng từ phía cuối vườn càng tôn thêm nét đẹp huyễn hoặc của khuôn mặt trái xoan đầy quyến rũ. Thoáng thấy tôi, chị Huyền ngồi bật dậy vội bới cao búi tóc ra phía sau để hở vùng cổ trắng ngần, mát lạnh. Lúc đó, chị đã đẹp càng đẹp hơn, đã sang càng sang hơn, càng nhìn càng mê đắm. Nếu chị Huyền là gái chưa chồng, tôi sẽ tha hồ ngắm nhìn chị đến thỏa thích mà không sợ chị chê là sỗ sàng. Đàng này, chị đã có chồng, chồng chị lại là anh Phúc của tôi. Tôi đang bị mấy giò lan cuốn hút, giọng chị ngân nga: "Chắc dạo này chú bận lắm nên không thấy đến chơi? ".

"Em đang làm công tác tuyển sinh nên không có thời gian đến thăm anh chị. Anh Phúc đâu rồi chị?". Chị Huyền vừa mở toang các cánh cửa phòng khách, vừa bảo: "Anh Phúc về quê từ sáng sớm, chắc mai hay mốt mới về. Chú Quang vào nhà uống nước".

Chị Huyền vừa pha trà, vừa than phiền mùa xuân năm nay hình như ngắn quá. Thoáng chốc đã vụt qua. Mấy giò lan quý của chị vì thế mà tàn sớm. Chị đẩy tách trà bốc khói về phía tôi: "Trà của bạn anh Phúc mới gửi biếu, chú dùng thấy có được không?". Thong thả nhấm nháp từng ngụm trà ngon, chị hỏi thăm tôi về tình hình công tác ở cơ quan, chuyện nhà cửa, chuyện vợ con sau này, hỏi về giò lan trinh nữ đã sắp tàn chưa.

Đã nhiều lần đến chơi nhà anh Phúc, nhưng đây là lần đầu tiên không có anh Phúc ở nhà. Ngồi đối diện với một chị Huyền xinh đẹp, quyến rũ trong buổi chiều tĩnh lặng, tôi không tránh khỏi giây phút chao lòng. Sực nhớ nhà còn hộp kẹo Sôcôla, chị Huyền đứng lên lên lại chỗ tủ đựng thức ăn lấy kẹo ra đãi tôi. Mới đi được vài bước, chị bỗng đứng khựng lại, tay đỡ lấy trán lấm tấm mồ hôi, người chị lảo đảo rồi ngã khuỵu xuống sàn nhà, mắt chị nhắm nghiền, mái tóc xổ tung. Sự cố xảy ra đột ngột quá, tôi cứ luống ca luống cuống một lúc. Rồi như một phản ứng tự nhiên, tôi bế thốc chị đem đến đặt trên chiếc giường bên cạnh. Khi bàn tay tôi chưa kịp rời khỏi người chị thì cũng vừa lúc hai cánh tay tròn lẳn, trắng nõn của chị bá lấy cổ tôi từ từ ghì xuống khuôn mặt thanh tú của chị. Mắt chị đờ đẫn, môi hé mở đợi chờ, ngực phập phồng thở gấp. Người chị toát lên sự khao khát nhục cảm đến cuồng nhiệt. Toàn thân tôi lúc này cũng tê rần, căng cứng. Không thể kềm chế nổi sự ham muốn nhục cảm đang bừng lên như ngọn lửa, cả người tôi đổ ập lên thân hình hừng hực sức xuân của chị. Một trận mưa hôn đê mê đắm đuối, những cánh tay dần dần riết chặt... Đang trong trạng thái bồng bềnh tràn đầy khoái cảm, bất chợt, bản chất người trong tôi trào lên như sóng tràn thác đổ đè bẹp ham muốn nhục thể. Tôi vội đẩy chị Huyền sang một bên, đứng lên, nói hổn hển: "Đừng, đừng chị, anh Phúc!". Chị Huyền tròn mắt nhìn tôi ngơ ngác lẫn nỗi xót xa. Còn tôi, tôi như một tên trộm bị chủ nhà phát hiện, vội phóng ra ngõ, nhảy lên xe, đạp tốc hành về thành phố. Về đến nhà, tôi lăn ra giường thở dốc. Lúc này, tôi yêu chị Huyền quá, càng yêu tôi càng kính trọng chị. Dẫu sao chị cũng chỉ là một người đàn bà, là người vợ trẻ trung, xinh đẹp, đầy sinh lực đang sống khắc khoải trong niềm khát khao nhục cảm, một nhu cầu hết sức thiêng liêng không thể thiếu được trong đời sống vợ chồng. Càng yêu quý chị, tôi càng xót xa cho số phận anh Phúc của tôi.

Từ buổi chiều hôm đó, tôi không đến chơi nhà anh Phúc nữa. Vài tháng sau, tôi bỏ nghề dạy học chuyển vô Nam làm kinh tế. Tuy sống xa thành phố quê nhà, xa vùng ngoại ô nhiều kỷ niệm, nhưng lòng tôi vẫn cứ thấy nhớ, nhớ da diết người đàn bà xinh đẹp, chủ một vườn lan quý hiếm, đã làm cho trái tim tôi lần đầu rung động. Rồi tôi lấy vợ. Vợ tôi cũng xinh đẹp, có học thức, con nhà giàu. Chúng tôi chung sống gần 5 năm, nhưng chưa lần nào tôi tìm thấy ở nàng cái cảm giác đê mê đắm đuối đến cuồng nhiệt như chị Huyền đã dành cho tôi vào buổi chiều năm ấy. Thi thoảng, tôi có về thăm thành phố, nhưng không dám ghé thăm giàn phong lan ngày xưa bởi còn mang mặc cảm tội lỗi với anh Phúc, với cả chị Huyền nữa. Có thể sự xuất hiện đột ngột của tôi sẽ làm xao động thế giới tình cảm riêng tư vốn đã bình yên phẳng lặng của chị.

***

Buổi sáng, đang ngồi trong phòng làm việc, bỗng có điện từ quê nhà báo tin ông bác ruột của tôi vừa mới qua đời đột ngột vì bệnh gan cấp. Tôi vội gác lại mọi công việc rồi đánh xe chạy tốc hành về quê để kịp nhìn mặt ông bác tôi lần cuối.

Nhưng mọi sự cố gắng tối đa của tôi đã trở thành vô ích. Thấy tôi từ trên xe bước xuống, mấy ông anh bà chị nhìn tôi bằng đôi mắt đỏ hoe, khe khẽ lắc đầu, ngầm bảo, ba tôi đã nhập quan cho kịp giờ, không thể chờ cậu được. Lòng tôi se thắt. Tôi tiến vào linh sàng thắp nén nhang cầu mong hương hồn bác tha thứ về sự chậm trễ của đứa cháu phiêu bạt phương xa. Điệu lâm khốc, hòa với mùi nhang trầm càng làm tăng thêm nỗi buồn chia ly mất mát.

Lúc quay trở ra, tôi không giấu được sự ngạc nhiên khi bắt gặp anh Phúc ngồi xếp bằng tròn trên chiếc chiếu hoa dành cho ban nhạc đang kéo cây nhị. Bác tôi trước lúc về hưu là lãnh đạo cốt cán trong hàng ngũ cán bộ cấp tỉnh nên bạn bè, quan chức đến viếng đông lắm. Vì vậy, ban nhạc đám ma cũng hoạt động liên tục. Mãi đến xế trưa, khách viếng đã vãn, ban nhạc ngồi nghỉ xả hơi dưới tán hoa sữa phía bên kia đường. Tôi lân la đến chỗ anh Phúc. Vừa thấy tôi, anh Phúc kêu lên mừng rỡ:

- Chú Quang, trời ơi, bấy lâu nay chú biến đâu mất dạng.

Tôi rút bao thuốc ra mời anh, mời tất cả các thành viên trong ban nhạc rồi hỏi thăm việc làm ăn sinh sống của anh trong mấy năm qua. Anh Phúc nói giọng buồn buồn:

- Mấy năm vừa rồi mình làm ăn thất bại lắm! Trại gà bị đại dịch cúm làm trắng tay, xoay sang làm đủ việc nhưng việc nào cũng thất bại thê thảm. Túng quá phải gia nhập vào đội nhạc đám ma kiếm sống qua ngày.

- Chị Huyền vẫn tiếp tục dạy chứ?

Anh Phúc thở dài:

- Huyền mất sắp mãn tang rồi!

Tôi kêu lên thảng thốt:

- Chị Huyền mất rồi! Tại sao chị mất?

- Huyền bị bệnh tim. Nằm viện gần ba tháng vẫn không khỏi.

Tin chị Huyền mất đến đột ngột quá làm tôi choáng váng, cổ họng nghẹn cứng. Anh Phúc tiếp:

- Có đi tìm khắp gầm trời này cũng không ra một người vợ hiền thục, thủy chung như Huyền. Đến hơi thở cuối cùng, Huyền vẫn giữ chặt trong tay quyển sách "Kỹ thuật trồng phong lan" mà Huyền đã mua nhân một chuyến lên thăm Đà Lạt.

Tôi giật nẩy mình, sực nhớ ra, buổi chiều năm ấy, tôi có mang đến tặng chị Huyền tập sách "Kỹ thuật trồng phong lan". Hỏi thăm về giàn phong lan. Anh Phúc thở dài:

- Huyền mất, giàn phong lan cũng tàn lụi dần rồi tan tác mặc dù tôi đã cố hết sức giữ lại làm kỷ niệm.

Chị Huyền ơi! Tôi rất tự hào mà nói với chị rằng, chỉ có tôi là người duy nhất hiểu được nỗi niềm uẩn khúc của đời chị.

Trại sáng tác Vũng Tàu, tháng 6-2004

. T.Q.L

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ: Huỳnh Kim Bửu, Khổng Vĩnh Nguyên   (10/12/2004)
Hào khí một câu ca dao Việt  (09/12/2004)
Bàu Đá nghi lễ - "vọng lên đỉnh núi cụng vài ly"  (07/12/2004)
Cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng: Có một mùa vàng   (07/12/2004)
Thời sự Văn nghệ  (07/12/2004)
Hoạt động nghệ thuật quần chúng trong LLVT: Phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu  (07/12/2004)
Chùm thơ viết bên thành Hoàng Đế  (06/12/2004)
Còn mãi hoa vàng ngày cũ   (06/12/2004)
Thơ: Mai Thìn, Miên Linh  (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ cuối)   (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 3)   (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 2)  (02/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 1)  (01/12/2004)
Ta lớn lên trong mỗi lời ru   (01/12/2004)
Thời sự Văn nghệ   (30/11/2004)