Nhà văn Nguyễn Quang Sáng gặp "nhân vật" của mình
13:1', 13/12/ 2004 (GMT+7)

Một người quê ở Đức Phổ - Quảng Ngãi: Đại tá Trần Ngọc Giao; một người hiện sống tại TP Hồ Chí Minh - nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Cả hai cùng đi tập kết và cùng về Nam trong những năm đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ nhưng chưa hề quen biết nhau. Họ gặp nhau trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng "gặp" ông Giao ngay trên đất Mỹ, không phải gặp người mà qua một bức thư.

* Hành trình của một bức thư

Cùng mắc võng… trong vườn ông Giao

Cách đây 13 năm, đoàn nhà văn Việt Nam gồm 3 người: Nguyễn Khải, Lê Lựu và Nguyễn Quang Sáng được Trung tâm nghiên cứu về chiến tranh và hậu quả xã hội của chiến tranh Việt Nam tại Mỹ mời sang để giao lưu giữa những cựu binh đã có thời hướng nòng súng vào nhau. Sau mấy ngày hội thảo, đoàn nhà văn Việt Nam được mời đi tham quan phòng trưng bày những hiện vật liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam tại Trường Đại học Massachusetts. Vừa bước vào phòng trưng bày, đập vào mắt các vị khách là một bức thư bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, được lồng vào khung kính, đặt ở vị trí khá trang trọng. Theo lời của người thuyết minh thì đây là "chiến lợi phẩm" được lính Mỹ mang về từ Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng lập tức bị bức thư nọ "hớp hồn".

Ông nhớ lại: "Tôi đọc bức thư ấy liền một mạch. Nét chữ rất tài hoa, câu văn gãy gọn. Người lính đang ở Trường Sơn, viết thư cho vợ ở vùng địch tạm chiếm. Thư viết vào tháng 4-1967 - giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh nhưng trong thư không hề thấy anh kể về bom đạn hay gian khổ mà chỉ nói về cậu con trai 15 tuổi được anh vừa dẫn lên rừng. Cuối thư, anh lính không quên khẳng định với vợ rằng, có thể anh và cả cậu con trai duy nhất ấy hy sinh, nhưng cuối cùng rồi chúng ta sẽ thắng Mỹ. Người lính ấy tên là Trần Ngọc Giao, viết lá thư nọ tại vùng rừng Trà My (Quảng Nam) gửi cho vợ là Huỳnh Thị Cúc ở Đức Phổ (Quảng Ngãi). Thú thật, đọc xong bức thư, tôi thấy người mình bải hoải. Cả một ký ức trận mạc như ùa về vò xé tôi. Hiện dần lên trong tôi lúc ấy là một cuộc chiến tranh khác, không nghe tiếng vọng của đạn bom nhưng dữ dội và ác liệt hơn. Trước mắt tôi là một đồng đội đã ngã xuống với bức thư chưa kịp gửi. Người phụ nữ tên Cúc nào đó chắc chắn là chưa hề biết có bức thư này của chồng mình. Cậu con trai duy nhất của họ, liệu có vượt qua được sự khốc liệt của cuộc chiến tranh không? Ám ảnh lấy tôi không chỉ là người đàn bà tên Cúc trong thư mà là hàng vạn người phụ nữ đang phải đối mặt với bóng đêm cô đơn khi người thân của mình không bao giờ về nữa. Tôi muốn sở hữu ngay bức thư ấy và nóng lòng mong trở về Tổ quốc để phát tín hiệu cầu âu với hy vọng nhận được sự phản hồi, dù biết rằng đó chỉ là chút hy vọng mỏng manh. Nghe tôi tha thiết đề nghị xin bức thư, cô phụ trách phòng trưng bày nói: "Rất tiếc là không thể được. Bây giờ nó đã là tài sản của nước Mỹ rồi. Tôi chỉ có thể giúp ông bằng bản photo thôi". Tôi đồng ý trong vui mừng khôn xiết. Đêm hôm đó, tôi đã nghĩ ngay tựa đề, giống như một bài thơ: "Xin đưa hương hồn anh trở về Tổ quốc". Một tờ báo ở TP Hồ Chí Minh đã nhận đăng bức thông điệp này".

* Tác giả của bức thư

Đang điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng, Đại tá Trần Ngọc Giao, bất ngờ tiếp một người lính cũ đến thăm ông. Cầm trên tay tờ báo có đăng bức thư, anh lính tên Cường ùa vào phòng ông như một cơn lốc. Cường giục: "Xin mời liệt sĩ ngồi dậy đọc lá thư này!". Ông Giao chưa kịp hiểu mô tê gì thì Cường đọc một lèo nội dung bức thư. Nhận ra đứa con tinh thần của mình lưu lạc mấy mươi năm trên đất Mỹ nay mới trở về, lại qua tay "anh quân bưu bất đắc dĩ" Nguyễn Quang Sáng, ông Giao đi từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (người đeo túi) với gia đình ông Giao (ảnh: T.Đ)

Tôi hỏi ông: "Vì sao lại có chuyện ly kỳ như vậy, thưa bác?". Ông nói bằng một giọng rưng rưng buồn: "Tôi cũng không biết nữa. Trước khi đi tập kết, tôi kịp để tại cho bà ấy một đứa con trai. Ra Bắc được mấy năm, tôi trở lại ngay miền Nam. Đầu năm 67, tôi bắt liên lạc với nhà tôi và biết được Triệu - tên người con trai - đã là một thiếu niên. Cuộc chiến tranh đang vào hồi khốc liệt, tôi biết thế nào rồi vài ba năm nữa, Triệu sẽ đứng trước một sự chọn lựa: Hoặc lên núi tham gia kháng chiến, hoặc đi lính cho ngụy. Tôi bàn với nhà tôi là để cho Triệu lên rừng với bố. Cả dòng họ nhà tôi chỉ mỗi một cậu con trai nối dõi nên trước khi quyết định để Triệu lên rừng, có một cuộc họp gia đình bàn lui tính tới rất kỹ. Được sự đồng ý của họ tộc, tôi xuống vùng giáp ranh Ba Tơ - Đức Phổ để dẫn Triệu đi. Cho đến bây giờ, sau mấy mươi năm trải qua binh lửa cũng như hòa bình, tôi vẫn không thể nào quên ánh mắt của nhà tôi vào buổi chiều hôm ấy. Trao đứa con cho người chồng là bộ đội lúc bấy giờ cũng đồng nghĩa với sự hy sinh. Đôi mắt của Cúc lúc ấy nhìn tôi như vừa tin tưởng nhưng cũng thẳm sâu ngờ vực. Để trấn an người ở lại, sau một tháng hai bố con trèo đèo lội suối lên đến cứ, tôi viết thư về ngay cho Cúc. Đấy chính là lá thư mà anh Sáng đã mang về từ Mỹ".

Giọng ông Giao như nghẹn ngào hơn: "Bức thư ấy đã được người giao liên nào đó mang đi. Chắc chắn rằng, anh (hay chị) ấy đã hy sinh trên tuyến đường giao liên của vùng rừng Quảng Nam, Quảng Ngãi. Rồi một người lính Mỹ nào đó đã lấy được bức thư này từ trong ngực áo của người liên lạc. Tôi cũng không ngờ rằng bức thư của mình ngày ấy đã thấm đẫm máu của đồng đội mình. Nhưng điều đáng buồn hơn là bức thư nhuộm máu ấy đã không đến được đúng cái địa chỉ mà nó cần phải đến. Nhà tôi hoàn toàn không hề hay biết có bức thư với quá nhiều tình tiết éo le nọ".

* Đoàn viên

Đúng 13 năm sau, kể từ cái bận nhà văn Nguyễn Quang Sáng "nối mạng" được với tác giả bức thư, mùa hè vừa qua ông mới có dịp về Quảng Ngãi. Ông Sáng nói: "Về gặp ông Giao bà Cúc mà hồi hộp như hồi đánh Mỹ vậy. Trời xui đất khiến sao ấy chớ kẻ Nam người Bắc, chưa từng gắn bó với nhau mà thành tri kỷ tự bao giờ". Tôi tháp tùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng về Đức Phổ để thăm ông Giao. Nhìn khu vườn vuông vức với quá nhiều loại cây trái sum suê đủ biết ông đại tá về hưu 76 tuổi này còn khỏe lắm. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng như được "giải thoát" khi đặt chân lên đôi bờ đất ram ráp phù sa cùng khu vườn xanh mượt ngô non của ông Giao. Dù đã được báo trước, song cả nhà ông Giao vẫn cứ hồi hộp. Rồi họ gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Hai người lính ôm chầm lấy nhau như lâu ngày không gặp lại. "Cô Cúc nào đó" của nhà văn, giờ đã thành một cụ bà, bước sang tuổi 75. Cậu thiếu niên theo bố lên rừng ngày ấy giờ đã là một sĩ quan công an.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng hỏi bà Cúc: "Từ ngày ảnh dẫn thằng Triệu lên rừng, chị nhận của ảnh được mấy lá thơ?". Bà Cúc cười móm mém: "Sau cái bận ổng dẫn cháu lên rừng, lũ lính ngụy nó bắt tui bỏ tù, nó đánh cho nhừ xương, có thấy thơ từ gì đâu anh". Lại hỏi: "Sau ngày giải phóng, ảnh không hỏi số thơ ảnh đã gửi cho chị à?". Bà Cúc nhìn sang ông Giao, nói: "Gớm, nhìn thấy mặt cha con ổng trở về nguyên vẹn là tui mừng nhịn cơm luôn. Ổng thấy tui còn sống, cũng mừng hết biết luôn. Ai cũng mừng nên chẳng còn nhớ đến thơ đến từ gì nữa anh à. Thực ra trong bụng tui cũng có ý trách ổng sao tệ quá, không gửi thư cho tui. Mãi đến khi anh "công bố" lên báo bức thư ổng gửi cho tui dạo nào, tui mới biết là ổng có gửi thư cho mình, nhưng vì bị lạc sang bên Mỹ nên nhận không được đó thôi. Ổng cũng tình cảm lắm chớ!".

Vì quá vui nên có lúc bà Cúc quên mất tên ông Sáng. Thỉnh thoảng bà lại lặp lại câu: "Thật cảm ơn anh "Cánh đồng hoang!". Chả là trong lúc giới thiệu nhà văn Nguyễn Quang Sáng với bố mẹ, anh Triệu cứ nhắc đi nhắc lại đây là tác giả kịch bản bộ phim nổi tiếng "Cánh đồng hoang" mà bố mẹ vẫn thường xem trên ti vi ấy. Nghe bà Cúc trần tình như vậy, cả chủ lẫn khách được một trận cười no nê. Ông Giao nói: "Gia đình tôi như vậy là đại phước. Chắc bom đạn của Mỹ nó "chê" cha con tôi nên mới còn sống đến giờ. Kết thúc có hậu còn hơn cả Truyện Kiều nữa anh Sáng à".

Hỏi thăm chuyện nhà chuyện cửa của nhau, rồi hai cựu binh lại quay sang chuyện chiến tranh. Như chợt nhớ ra điều gì, nhà văn hỏi ông Giao: "Anh còn cái võng lính nào không?". Ông Giao nói rằng không những còn mà có những hai chiếc. Họ lại mắc võng bên nhau dưới tán cây cổ thụ như ở Trường Sơn thuở nào. Cả hai cùng im lặng. Nhìn khuôn mặt bình thản của hai người lính ấy, không thể tin được rằng, họ từng trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc nhất của dân tộc.

. Trần Đăng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lan trinh nữ   (12/12/2004)
Thơ: Huỳnh Kim Bửu, Khổng Vĩnh Nguyên   (10/12/2004)
Hào khí một câu ca dao Việt  (09/12/2004)
Bàu Đá nghi lễ - "vọng lên đỉnh núi cụng vài ly"  (07/12/2004)
Cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng: Có một mùa vàng   (07/12/2004)
Thời sự Văn nghệ  (07/12/2004)
Hoạt động nghệ thuật quần chúng trong LLVT: Phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu  (07/12/2004)
Chùm thơ viết bên thành Hoàng Đế  (06/12/2004)
Còn mãi hoa vàng ngày cũ   (06/12/2004)
Thơ: Mai Thìn, Miên Linh  (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ cuối)   (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 3)   (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 2)  (02/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 1)  (01/12/2004)
Ta lớn lên trong mỗi lời ru   (01/12/2004)