Folklorists liệt truyện (kỳ 3)
13:5', 13/12/ 2004 (GMT+7)

III. Dài lưng tốn vải ăn no viết nhiều

Khi Folklorists liệt truyện (chương một và hai) lên mạng Bình Định điện tử thì tôi cũng chuẩn bị đi dự một hội thảo khoa học lớn của khu vực là Hội thảo Tìm hiểu đặc trưng văn hóa văn nghệ dân gian Nam Trung bộ, tổ chức tại Phú Yên. Sau hội thảo, Tổng thư ký - GSTSKH Tô Ngọc Thanh, các Phó Tổng thư ký - GS Trần Quốc Vượng, GSTS Nguyễn Xuân Kính và Ủy viên BCH phụ trách khu vực này là tôi, tham dự cuộc họp với các chi hội trưởng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Thật quá đúng lúc. Tôi cẩn thận mang theo vi tính xách tay vì thực tế, thư điện tử phản hồi cứ song song với tin nhắn từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Pleiku, Quy Nhơn… đầy ắp trong máy. Ít nhất, mình cũng phải thường xuyên mở ra và lịch sự trả lời.

Tiên phong trong cuộc này là nhà báo Thúc Giáp, người phụ trách tờ báo ba đúp liu baobinhdinh chấm com chấm vi en (www.baobinhdinh.com.vn), cho nên là người đầu tiên tiếp xúc với văn bản: "Đọc xong cười rụng cả răng - Bài quá hoành tráng (nên) phải đăng hai kỳ". Hai kỳ nhưng chỉ cách nhau đúng một đêm, thời đại thông tin sướng thế đấy! Lúc ấy, tôi đang cầm trên tay quyển Chương dân thi thoại (nguyên danh Nam âm thi thoại) của Phan Khôi, cũng đang mê mải lặn trong nước mắt lẫn nụ cười của những nhà thơ các thế kỷ trước, đang say sưa với các lối thơ Nôm hồi văn, liên hoàn, thủ vĩ ngâm, yết hậu, vĩ tam thanh, triệt hạ, song điệp, liên châu… Gặp một bài thơ quen mà mình đọc từ thuở bé, như gặp một bạn bè thời cơm khoai áo vá. Thời ở trường Trung học Cường Để, từ lớp đệ thất đã bắt đầu tiếp xúc với những hình thức thể loại thơ, lên đến đệ lục đệ ngũ thì đã hơi bị tàm tạm… rành. Cũng xin (mở đóng ngoặc đơn) nói thêm, hồi nhỏ cũng như bây giờ, nói về thơ Nôm luật Đường, bên cạnh các nhà thơ trứ danh đất Việt, lòng tôi luôn giành một tình cảm trân trọng đặc biệt với những vần thơ trang nghiêm đài các của Bà Huyện Thanh Quan. Cho dù thế, cõi thơ thì trăm hình ngàn dạng, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Với các nhà thơ trào phúng, tôi cũng hết sức cảm tình chứ không phải chỉ "mê tín" tác giả "Kẻ chốn chương đài người lữ thứ - Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn" mà thôi đâu.

Ngoài ra, tôi cũng thích những bài tương đối lạ trong hình thức cấu trúc, kiểu thơ vĩ tam thanh hồi ấy đọc, bây giờ cũng dậy lên những thú vị riêng: "Tai nghe gà gáy tẻ tè te - Bóng ác vừa lên hé hẻ hè -Non một chồng cao von vót vót - Hoa năm sắc nở lỏe lòe loe - Chim tình bầu bạn kia kìa kỉa - Ơn nghĩa vua tôi nhẹ nhẻ nhè - Danh lợi mặc người ti tí tỉ - Ngủ trưa chưa dậy khỏe khòe khoe". Hoặc lạ trong khẩu khí là bài thơ khuyết danh của thời Lê Trịnh, hồn thơ dựng một tư thế sống thật kỳ vĩ buổi tao loạn: "Hai vua ba chúa bảy thằng con - Răng chửa long lay dái chửa mòn - Nhân vật thời giờ sinh cũng uổng - Quan tài sẵn đó chết thì chôn - Lâu đài thành quách trời muôn dặm - Bị gậy cân đai đất một hòn - Cũng muốn sống chơi đôi tuổi nữa - Sợ ông Bành Tổ tống đồng môn". Hoặc cũng hết sức lạ là cuộc khóc cung phi của một ông vua hay chữ, trừ phần đề, thực, kết, có cặp luận đã qua mấy trăm năm truyền tụng, đáng xếp vào loại bất hủ: "Ớ thị Bằng ơi đã mất rồi - Ớ tình ớ nghĩa ớ duyên ôi - Mưa hè nắng chái oanh ăn nói - Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi - Đập cổ kính ra tìm lấy bóng - Xếp tàn y lại để dành hơi - Mối tình muốn dứt càng thêm bận - Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi".

Ba bài trên, trừ bài đầu (hình như) của quan Án sát Tôn Thất Mỹ (do có người nói chứ cũng chưa chắc), bài cuối của vua Tự Đức (vụ này thì quá chắc, bởi chính vua nhận, không ai… kiện bản quyền), còn lại bài giữa đích thị là của dân gian vì nó khuyết danh lại được truyền tụng hơi bị sâu rộng. Nói cho vui chứ trong lý luận văn học không giành cho dân gian đâu, kể cả các truyện nôm lục bát cũng phải ghi là truyện Nôm khuyết danh của văn chương bác học. Dù dân gian là rất bùn lầy cua ốc, bác học là rất khoa danh trường ốc (cùng một "ốc" mà kẻ ốc Nôm người ốc Hán), nhưng như trên đã nói, nói đi không nói lại, văn nghệ dân gian là văn nghệ mẹ, "mẹ" thì giành chi với "bác"! Hơn nữa "bác" đang xài một kiểu thơ xa xỉ mà "mẹ" vốn tằn tiện ít khi dùng.

Tôi đã hơi sa đà vào các bài thơ Nôm đặc biệt nêu trên bởi đang tìm tòi nghiên cứu để viết một cuốn sách, nhân thấy những tư liệu hay thì đọc. Mà gặp thơ hay thì không dứt ra được. Tôi đang định chứng minh có fôn-klo luật Đường hẳn hoi, nhưng thấy chưa xong, đành nói trạng cho qua chuyện. Tất nhiên, có fôn-klo luật Đường chứ không phải không, nhưng nó thường gắn với giai thoại hoặc chuyện tiếu lâm. Tôi không quên đáp lại tin nhắn ban nãy: "Hoan hô Thúc Giáp đang cười - Bài này hiệu quả tức thời là vui". Vấn đề "cười rụng răng" cũng có một người xa lạ nhắn vào máy tôi (có lẽ cũng quen nhưng vì số chưa lưu tên nên không biết ai): "Té ra nhờ fôn kờ lo - Bao nha sĩ ế ngủ khò thức ngay - Tra răng cho độc giả này - Ngồi chờ tra tiếp những tay bợm cười". Hôm sau, vừa lúc tôi đặt chân vào khách sạn thì nghe tít tít trong máy. Thì ra nhà thơ Nguyễn Thái Dương thân mến từ thành phố Hồ Chí Minh đã truy cập nóng Bình Định điện tử sáng 29-11-04. Anh nhắn rất mộc mạc ruộng đồng: "Mình đang khoái chí là nhờ - Ông fôn-lò-rít nhà thơ Quy Thành - Thi ca dân dã rành rành - Nửa đùa nửa thật, lúa lành lút kho". Tin tôi nhắn lại cho anh, xin hẹn ở chương khác.

Tôi có nghe dân ghiền karaoke có từ "hát bằng tay", tức tay họ nhanh lắm, nhanh đến nỗi phong nhau vào giải "bàn tay vàng", nhưng giới folklorists chưa thấy ai đọc thơ… bằng tay cả! Ừ, nhưng suy đi nghĩ lại, cái này có chỗ chỉ rồi đây, cứ liên tục bấm tít tít xuất khẩu thành thi phổ biến trên di động thì chả phải đọc thơ bằng tay là gì! Tuy đọc thơ bằng tay theo nghĩa đen (chứ không phải nghĩa bóng của hát karaoke), thì cũng là tay, mà vụ này tay phải lanh lắm mới đọc được thơ mình và thơ người. Trong loại hình này, yếu tố tức thời sẽ tăng thêm thi vị cho cuộc đối thoại thơ. Phẩm chất ấy, hình như đã và đang tiềm ẩn và bộc bạch trong bàn tay Thúc Giáp! Trước khi tin nhắn của Sài Gòn bay tới, suốt một buổi sáng cho đến nửa chiều, Thúc Giáp "lên đồng fôn-klo" bằng tay bấm máy: "Bài hay nên phải lăng xê - Nhiều người cùng đọc thêm chia tiếng cười". Tôi nhắn: "Những lời đùa quá sức hay - Mình lưu vào máy mai này viết thêm". Thúc Giáp mau mắn: "Sướng rơn vì được anh khen - Kờ lo liệt truyện lại thêm một phần - Mô-bai vừa mới xạc pin - Anh em ta cứ nhắn tin suốt ngày". Biết được nhà thơ Nguyễn Thái Dương đang lụi cụi tìm nối mạng folklorists trên đất Sài Gòn, Thúc Giáp nhắn, tôi nhắn lại ngay: "Cảm ơn Thúc Giáp báo tin - Cười liên lục địa cười nghìn vạn trăm - Cười cho sáng cả trăng rằm - Cười ngồi cười đứng cười nằm cười luôn". Xe tôi đang từ từ tiến vào Tuy Hòa thì nghe tín hiệu máy, tôi đoán Thúc Giáp, mà quả thế thật: "Anh Mừng một bụng fôn lò - Rít ra thì phải cười bò cười lăn". Tôi cảm động lắm vì bài viết của mình có một độc giả say sưa cỡ đó.

Có người đến tìm tôi trao đổi hết sức nghiêm túc về vấn đề này và tin tưởng tôi sẽ làm được một quyển dày dặn nhiều chương, công bố định kỳ trên Bình Định điện tử trước khi in thành sách. Tôi hết sức chân thành biết ơn những độc giả như độc giả này, đã nói những điều như đi guốc trong bụng tác giả như vậy!

Sách ư? Báo ư? Đó là cái núm ruột của tôi, hoài bão của tôi, nguyện vọng của tôi, nơi tôi có đủ sứ mệnh, quyền lực để giãi bày và chia sẻ, có đủ điều kiện để chìm đắm trong nỗi đam mê sáng tạo, như đồng lúa của người nông dân, như đỉnh núi cao lòng biển sâu của nhà thám hiểm, như trái đất của nhà địa chất, bầu trời của nhà thiên văn, như cõi càn khôn của đấng tạo hóa! Có câu châm ngôn phương Tây mà tôi thường hay phổ biến miệng trong câu chuyện bạn bè văn chương "Không có sự vĩ đại trong một thế giới thiếu đam mê", đọc hoài vẫn thấy chưa nhàm! Phương Đông lại có câu "Để cho con ngàn vàng không quý bằng quyển sách". Những lời gấm vóc châu ngọc ấy, đúng là giá trị muôn thuở!

Tôi bắt đầu rời làng quê đi học ở Quy Nhơn từ hồi những năm lưng lửng của thế kỷ trước. Bạn đọc thử  tưởng tượng, "Thân tôi thân cỏ rau xưa - Giọng khê bùn đất da chua mùa màng - Đi tìm bia đá bảng vàng - Những mong khắc một chữ làng đậm sâu", sự lớ ngớ lẩn ngẩn của một đứa trẻ quen tổ chim ao cá, hết bến đò đến gò sim, giờ thì ra sao khi xung quanh mình toàn cảnh vật phố phường và những con người xa lạ. Lần đầu tiên, tôi bước vào một ngôi trường của thị xã hồi ấy, Trường Tiểu học cộng đồng Đào Duy Từ (nay là trường Hải Cảng của thành phố Quy Nhơn), bạn bè xúm đông xúm đỏ xem tôi như xem… hươu nai lạc rừng về đô thị. Tất cả học sinh đều mặc áo trắng quần soóc xanh nước biển, nai nịt gọn gàng, chỉ riêng tôi xùng xình đánh một bộ đồ nâu! Chả là ở quê tôi, hồi ấy chưa quy định đồng phục, con nhà nghèo, đường sá mùa nắng thì bụi bặm mùa mưa thì lầy lội, học trò đều chơi đồ sẫm màu cho tiện! (Màu nâu ở quê tôi gọi màu đà). Một bạn ra vẻ thân tình, tuy cũng hơi trổng trổng, hỏi tôi: "Học ở ngoải đứng mấy?". Mấy năm học tiểu học ở trường Phụ Đức, so với đồng môn tôi cũng tạm tạm nên không ngần ngại vụt miệng chân tình đáp, cũng với kiểu trổng trổng: "Đứng một, lâu lâu có đứng hai". Mấy bạn khác ngay lập tức "phiên dịch": "Ô, dzẩy là đứng nhứt, thỉnh thoảng có đứng nhì". Chính thời gian này là thời gian tôi hòa nhập vào cuộc sống không có gò núi ruộng rẫy, tấp tểnh với phố phường. Sau này nhớ lại, tôi có mô tả bằng thơ, xin trích một đoạn: "Cái thời dứt áo ra đi - Ngoài truông ngoài bãi biết gì nữa đâu - Tạ từ bó củi cần câu - Mo cơm bọc vạt áo nâu, lên đường - Sóc nai lạc bước phố phường - Tiếc cho ngày tháng dư hương ngọt ngào - Mẹ đi chợ huyện bán cau - Mua tôi thếp giấy hồng đào chép thơ". Có thể do sức thể hiện của tôi chưa lột tả hết, nhưng tất cả sự việc rất thật ấy cứ thỉnh thoảng diễn ra lung linh xao động trong ký ức không thể nào quên. Bài thơ về ký ức tuổi thơ này được in báo Bình Định số Tết, đâu như cách đây vài chục năm rồi! Xin mở ngoặc, tôi có người bạn thân nhất ở trường này tên là Minh Định, cùng họ. Thực ra, tôi chỉ học ở Đào Duy Từ có mấy tháng cuối cấp rồi thi vào trung học Cường Để, tôi và Định cùng đậu liền, học khác lớp nhưng vẫn thân nhau. Sau giải phóng, chúng tôi có gặp nhau vài lần vì tôi có học ở trường Quang Trung (tên gọi mới của trường Cường Để, sau này một thời gian đổi thành trường Quốc Học) mấy tháng rồi chuyển xuống học ở trường Trưng Vương một năm trước khi tạm biệt Quy Nhơn một hơi bảy năm liền. Sau đó, tôi và Định cũng như các bạn thân khác của tôi suốt bốn năm năm trời, làm thơ viết văn trên tờ báo tường (hồi ấy gọi là bích báo) chúng tôi đặt là tờ Hoa Niên, trên đặc san Nét bút học trò của lớp, đã dường như biệt vô âm tín.

Ờ nhỉ, viết đến đây tôi bỗng giật mình vì mình đang sa đà vào ký ức tuổi thơ. Trong quyển Các nhà văn Việt Nam thời đi học đã học văn (NXB Thanh Hóa), tôi đã nói kỹ về tâm trạng, hoài bão của mình trong giai đoạn này. Trong nhàn đàm Hoài Ân, tấc đất ngọn rau (nguyên danh Am rượu Lục Vân Tiên, sau sửa chữa bổ sung đổi tít đề), in trên báo Thanh Niên, tôi có ước vọng cháy bỏng là viết một cuốn sách riêng cho tuổi thơ (vụ này tôi có đặt nghi vấn trong bài là dễ vấp phải chuyện "nói trước bước không tới"). Cuộc nhàn đàm này nhà văn Dạ Thảo Linh (nguyên danh Nguyễn Một) ở xứ "Rồng chầu xứ Huế ngựa tế Đồng Nai - Nước sông trong đổ lộn sông ngoài - Thương người xa xứ lạc loài tới đây", đọc được, đã thân ái đề cập một đoạn trong bút ký Miền Trung hạn hán đăng trên tuần báo Văn nghệ. Nguyễn Một có nhắn tin và cả gọi điện cho tôi trước cũng như sau khi báo đăng.

Thôi thì để các tác phẩm khác, tuổi thơ nguyên bản, tuổi học trò nguyên điệu, nói về các câu chuyện ngọt bùi lẫn xa xót của tuổi thơ, tuổi học trò, đầy đủ hơn, xao động hơn. Ở đây, tôi chỉ (nhân dịp) mà hé lộ đôi chút về năng khiếu cũ càng thuở ban sơ. Bạn bè ơi, sao mà nhớ mãi thời của Hoa Niên, Nét bút học trò, của những ngày nói theo Quốc văn giáo khoa thư là "mài đũng quần trên ghế nhà trường". Mỗi cuối tháng, tôi và các bạn từng reo lên khi ngước ngóng nhìn thông báo ở tiền sảnh dãy A, tên mình được ghi trên Bảng Danh Dự! Rồi cuối năm, tíu ta tíu tít ra đường Phan Đình Phùng sắm phần thưởng! Hồi ấy, nhà trường phát tiền cho cán bộ lớp, lớp đưa các học sinh ra hiệu sách, tùy ý lựa chọn theo mức quy định, gói thành từng phần xanh đỏ tím vàng về nộp lại, trường tổ chức phát thưởng ở Thính Đường với sự chứng kiến của toàn thể học sinh và phụ huynh. Thế là, như Xuân Tâm nói: "Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết - Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về - Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê - Ôi tất cả ngày xuân trong tháng hạ". Rồi hết mùa hoa phượng, chúng tôi lại bồi hồi với các dòng văn của Thanh Tịnh: "Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức đến những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường". Đấy là văn chương, ấn tượng của mọi thời. Chứ thực ra, trong khi đất nước chìm ngập trong máu lửa chiến tranh, hoàn cảnh của chúng tôi không hoàn toàn là như vậy. Trong quyển sách tự hứa với lòng mình, như trên đã nhắc, sẽ… Vâng, bây giờ, tôi chỉ còn dám mong manh diễn đạt trong mỗi một chữ "sẽ", dù những gương mặt thân yêu đang thôi thúc tôi đến quặn lòng. Tôi đang mắc nợ chính ánh mắt tin cậy và hy vọng của họ.

Lại nói thêm đôi chút về việc học tập, sau giai đoạn trên, tôi còn nhiều chặng đường, lên đại học, rồi ra trường công tác, vẫn không ngừng tự mày mò nghiên cứu. Nhờ vậy, tôi có điều kiện bổ sung liên tục kiến văn và trau giồi nghệ thuật, ngõ hầu những năm vừa qua có được những trang viết đáp ứng phần nào nhu cầu bạn đọc. Thế là quá ư vinh hạnh! Cho tôi một lần nữa khắc sâu nghĩa trọng tựa Thái Sơn, ân sâu như Nam Hải về chốn thi kinh hàn mặc, xuất hiện trên cuộc đời có tên cúng cơm là sách báo, những đấng thần nghiên thánh bút của đời tôi, cõi bất tuyệt của ngàn trùng, xứ vạn niên của muôn thuở! Hồi đi học, trên mỗi cuốn sách quý giá mà phải nhịn ăn nhịn mặc nhiều ngày mới mua được, tôi có trân trọng ghi trên trang đầu những ý tưởng vụng về của tuổi trẻ: "Thiếu văn học, đời anh sẽ chẳng còn là gì cả!". Như trên đã bóng gió đề cập, tôi có một khoảnh ruộng vô bờ, cánh đồng vô tận để cày bừa gieo gặt. Rất chân thành, rất thiêng liêng, cho dù nên được mùa màng đến đâu là tùy sức tùy tài mình!

Cuối tháng 11 đầu tháng 12-04, tôi liên tục được ưu ái "chiếm lĩnh diễn đàn" Bình Định điện tử, đủ các thể loại. Làm người cầm bút, không gì sướng cho bằng viết được và công bố được. Sau thời gian thám sát các vỉa tầng "địa chất văn chương", suốt cả nhiều tháng gần đây, tôi may mắn khơi được đúng mạch nguồn, cứ thế bút mực tuôn trào lai láng! Hai từ "bút mực" là nói theo kiểu truyền thống. Chứ thực ra, thời buổi công nghệ thông tin, nó là bàn phím và màn hình. Trừ công việc cơ quan mà mình có trách nhiệm giải quyết, còn lại tranh thủ khoảng hở của suốt tám giờ vàng ngọc ngồi trước máy vi tính, hết giờ xách máy về gõ tiếp, chỉ cần ly cà phê đêm chứ không cần ngủ! Nếu có, thì niềm vui được ngủ chỉ xảy ra vào đoạn… 5 giờ sáng cho tới 8, 9 giờ gì đó là được. Nhưng, tôi tự nhìn lại và mắng mình, giỡn chơi sao ông nội, ông còn lo đưa con cái đi học trước sáu rưỡi, 7 giờ phải tới cơ quan đúng giờ hành chính để làm gương cho anh chị em chứ! Nhìn chung, thường thường khi tôi đến thì cơ quan chưa có ai, khi tôi về thì cũng ít khi còn ai. Tất nhiên, buổi sáng, sau đó có thể cà phê cà pháo tí cũng được, rồi… vạn tuế bút mực, à quên xin lỗi, bàn phím màn hình chứ!

Như mấy năm rồi, cứ thành lệ, thứ bảy chủ nhật tôi lại cơm đùm cơm nắm đi long rong về các vùng quê, hỏi han, thu băng, chụp hình, ghi chép! Trời ơi, trong dân gian là một kho tàng vô tận vô khối chuyện hay, sao mình nỡ thờ ơ chỉ mỗi việc ngồi nặn đầu bóp trán tưởng tượng ở nhà không thôi! Trong nghiệp văn, tôi quá đa mang, ngoài thơ, tùy bút, bút ký, còn nặng nợ lắm với văn nghệ dân gian và các công trình khảo cứu về lịch sử văn hóa quê hương. "Gắng tìm về phía xa sâu - Thôi đành lấy cái dãi dầu làm tin", trong một bài thơ gần đây, tôi tự thấy phải khiêm cung khế ước như vậy.

Tôi mở máy tính của vợ truy cập Bình Định điện tử thì thấy trong đó có bài Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương đi liền bốn kỳ. Trước đó có Đất võ trời văn ba kỳ, Trường thi Bình Định cũng cỡ đó. Trước Folklorists liệt truyện hai kỳ có Thơ trào phúng Bình Định xưa một kỳ. Tôi mail bài viết Thập Tháp Di Đà Tự, danh lam trời Việt, không quên kèm thư điện tử: "Hoan hô Thúc Giáp tài ba - Thành xưa dệt gấm thêu hoa bốn kỳ - Giờ còn Chùa nữa, cứ đi - Một hai ba bốn kiểu gì cũng ưng". Hôm sau, đã thấy lên mạng chùa Thập Tháp mười một trang A4 đi một kỳ, mở inbox có câu: "Mong anh cứ viết tưng bừng - Thêu hoa dệt gấm một vùng nước non - Con người đất nước văn chương - Thứ gì cũng viết thêm thương quê mình". Trong lâng lâng, tôi (nhờ vợ) mail tiếp cho Thúc Giáp bài bút ký nóng hổi (nói theo kiểu Hoài Ân quê tôi là mới viết rật ròng): Nghi lễ Bàu Đá: Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly, bấm tin nhắn: "Báo ta chắc ngại tốn tiền - Nên bài Thập Tháp đi nguyên một kỳ - Mới mail Bàu Đá tức thì - Xin mời tổng duyệt có gì đi luôn". Thúc Giáp lanh tay khoản bấm bấm nên ba mươi giây sau tôi đã nghe tít tít, mở máy đúng y rằng: "Một chùa không nỡ chia hai - Bình thường thì cứ lai rai mấy kỳ - Rượu Bàu Đá cũng sẽ đi - Một hai ba bốn kỳ thì tính sau". Mấy phút sau, tiếng tít tít dễ thương lại vang lên, tôi đoán ngay là Giáp: "Bên thành Hoàng Đế năm bài - Đã đi trọn gói, tuy dài nhưng hay - Mong anh tiếp tục vung tay - Thơ văn các loại cuốc cày nhiều thêm". Tôi rất cảm động. Thì ra, ngòi bút của mình cũng có ích chứ không đến nỗi! Vì, thôi thì hãy tạm vin vào cái chứng cứ hiển nhiên là báo đang cần.   

. Nguyễn Thanh Mừng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng gặp "nhân vật" của mình  (13/12/2004)
Lan trinh nữ   (12/12/2004)
Thơ: Huỳnh Kim Bửu, Khổng Vĩnh Nguyên   (10/12/2004)
Hào khí một câu ca dao Việt  (09/12/2004)
Bàu Đá nghi lễ - "vọng lên đỉnh núi cụng vài ly"  (07/12/2004)
Cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng: Có một mùa vàng   (07/12/2004)
Thời sự Văn nghệ  (07/12/2004)
Hoạt động nghệ thuật quần chúng trong LLVT: Phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu  (07/12/2004)
Chùm thơ viết bên thành Hoàng Đế  (06/12/2004)
Còn mãi hoa vàng ngày cũ   (06/12/2004)
Thơ: Mai Thìn, Miên Linh  (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ cuối)   (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 3)   (03/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 2)  (02/12/2004)
Thành Bình Định - nét khắc của lịch sử và văn chương (kỳ 1)  (01/12/2004)