Đọc sách "Làng Cây Dừa"
15:49', 22/12/ 2004 (GMT+7)

Cầm trên tay công trình dân tộc lịch sử học hai tập đồ sộ với 1673 trang sách viết về một địa danh khiêm tốn Làng Cây Dừa, người đọc không khỏi bâng khuâng (NXB Khoa học-Xã hội). Đó đâu còn là một không gian nhỏ bé của một ngôi làng trong một quãng thời gian dằng dặc từ thời tiền sử đến hiện tại. Đó đâu phải chỉ là cuộc đời của một ngôi làng Việt thuần túy. Đó là một phần lịch sử Việt Nam với những cuộc gặp gỡ đầy chất bi hùng, huyền thoại của các cộng đồng, của các thể chế, của các sức mạnh và trên hết là của những giá trị văn hóa Bahnar, Chăm, Việt, Hoa, Katu, H're…, nhưng lại hoàn toàn hiện thực trong một không gian vật lý nhỏ nhoi của một ngôi làng.

2 tập sách Làng Cây Dừa

Không gian hóa thời gian là một bút pháp khoa học mà các học giả nhân học văn hóa - xã hội hiện đại châu Mỹ ưa dùng. Nhưng làm ngược lại - nếu có thể nói như vậy, nhưng thật ra lại không đơn giản như vậy - thời gian hóa những sự kiện đòi hỏi một không gian bao la tương ứng là một sử bút hiếm hoi của nhà dân tộc lịch sử học Diệp Đình Hoa - một phong cách Diệp Đình Hoa.

Chọn một ngôi làng để thể hiện cả một tiến trình lịch sử trải qua hàng ngàn năm với vô vàn sự kiện là một thách thức không nhỏ với bất cứ một trí tuệ nào. Đương đầu với thách thức đó, GS. Diệp Đình Hoa đã dồn nén vào bộ sách không chỉ kinh nghiệm lâu năm của một học giả uyên bác mà còn là cả một tình yêu với quê hương, một ngôi làng cụ thể, và một quê hương như một giá trị văn hóa bền vững các giá trị văn hóa của làng quê Việt Nam. Người đọc dù khó tính đến đâu, khi tiếp cận với tập sách cũng thấy ngỡ ngàng khâm phục công sức lao động thật khó hình dung của tác giả. Chúng ta có thể tìm được trong hai tập sách đầy đủ những gì cần phải biết và muốn biết về Làng Cây Dừa.

Không thể phủ nhận được rằng giá trị của tập sách trước hết là ở những khối tư liệu đồ sộ và đa dạng được ghi chép tỉ mỉ những con số thống kê chính thức do các cơ quan có thẩm quyền và đáng tin cậy của địa phương cung cấp, những quan sát tinh tế và thấu đáo của một nhà khảo cổ học - sử học - dân tộc học - nhà nghiên cứu tôn giáo - tín ngưỡng và văn hóa dân gian.

Nhưng với một độc giả là nhân học thì giá trị của tập sách còn ở cấu trúc mới mẻ và phong phú của nó. Những ai đã từng đọc Whitehead - cha đẻ của trường phái triết học quá trình, một người chủ xướng Sáng tạo luận thì sẽ có thể dễ dàng chia sẻ với cách xây dựng cấu trúc tập sách của tác giả. Tập sách của GS Diệp Đình Hoa đã không chỉ đi theo một logic lịch sử thông thường theo trật tự thời gian từ sớm đến muộn, cho dù không phải lúc nào ông cũng hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc lịch sử của các sự kiện và của cả quá trình. Ai cũng biết rằng thách thức lớn nhất đối với một công trình lịch sử - nhân học xã hội - văn hóa là sự kết hợp giữa tính lịch sử dòng thời gian của các sự kiện với cái không gian, không chỉ đơn thuần là không gian vậy lý, mà là không gian xã hội - nơi mà người ta không thể giản lược các sự kiện đồng đại để ép chúng theo chiều lịch đại. Ấy là chưa kể đến loại không gian biểu trưng của các giá trị văn hóa vốn chi phối toàn bộ tâm linh của mỗi cộng đồng tộc người hoặc các cộng đồng làng xã. Nói như vậy không có nghĩa ám chỉ tác giả đã tự mình tìm được một cách tiếp cận hợp lý duy nhất để giải quyết những vấn đề mà ông phải đương đầu trong công trình Làng Cây Dừa của mình, hệt như Whitehead đã từng làm với vấn đề sáng tạo luận của ông vậy. Đó là việc chấp nhận cái ngẫu nhiên và dám đương đầu với sự thách thức của cái ngẫu nhiên của các sự kiện và các ý tưởng, vì thực chất của sáng tại là tính ngẫu nhiên.

Tác giả Diệp Đình Hoa (bên trái) và nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn

Chấp nhận một cách đọc quá khứ như vậy, tác giả của tập sách đã nhìn ngôi làng từ vô vàn viễn cảnh khác nhau, từ việc định vị khu vực Làng Cây Dừa; môi trường sinh thái, không gian huyền thoại; tập tục, lễ thức; những không gian quyền lực với các cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn, của Mai Xuân Thưởng; hội đâm trâu, triết lý Việt cổ thể hiện qua tên một dòng sông; đến thực tại đấu tranh để được sống tự do, để được xây dựng và phát triển cộng đồng trong hòa bình. Cách tiếp cận của GS Diệp Đình Hoa là cách đan dệt những sự kiện, những yếu tố, những ý tưởng, những phạm trù không đồng tính, không đồng loại và dường như điều đó đã ngầm ý rằng tác giả đã muốn vĩnh viễn chia tay với cách phân loại cổ điển trong việc miêu tả một ngôi làng. Đó thực sự là một cách tiếp cận đa chiều. Nhờ đó toàn bộ đời sống của Làng Cây Dừa nổi lên như một liên tục với vô vàn màu sắc sinh động như nhìn qua một chiếc kính vạn hoa. Tập sách đã dẫn dắt người đọc đi trong mọi chiều không thời gian của ngôi làng. Người ta không còn thấy bóng dáng của tác giả với một logic xơ cứng thường thấy trong loại sách địa dư chí hoặc loại sách lịch sử địa phương theo một khuôn mẫu mà đôi khi người đọc chỉ cần xem phần mở đầu và phần kết luận là đã đủ biết tập sách nói về cái gì và nói được những gì, nói bằng cách nào.

Tuy nhiên, giá trị của công trình còn lớn lao hơn những gì chỉ là bút pháp của tác giả. Ông đã thực sự giải quyết thấu đáp một số vấn đề bao lâu nay vẫn chỉ dừng lại ở những giả định hoặc đề xuất các giả thiết. Chúng ta hoàn toàn có thể ghi nhận đóng góp to lớn của ông cho khoa học lịch sử tộc người, lịch sử quốc gia khi trả lời thỏa đáng những câu hỏi hóc búa về chủ nhân đầu tiên, đích thực của vùng đất những làng Cây dừa. Nhờ đó ông đã nhận ra một xu thế của lịch sử tộc người ở đây là một sự đan dệt các yếu tố văn hóa khác nhau rất độc đáo, và rõ nét nhất là thông qua hôn nhân. Tác giả đã quan sát hai trường hợp: gia đình bà Thế ở Vĩnh Hòa mà có tới ba thành tố dân tộc: chồng là người Bahnar, vợ Katu, con rể là người Chăm, gia đình Ya Cho cũng gồm ba dân tộc: chồng H're, vợ Bahnar, con rể là người Việt. Đóng góp của ông không chỉ đơn giản biểu lộ tư cách của một công dân bằng việc thể hiện lập trường chính trị của mình với một số vấn đề rất nhạy cảm, trong đó có vấn đề quê hương đầu tiên của người Bahnar và vấn đề cội nguồn văn hóa Chămpa, mà nó còn thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm của một nhà khoa học lớn không chỉ đối với tương lai dân tộc mà còn đối với cả những cộng đồng nhỏ như gia đình, làng xóm.

Giống như một cuộc đi từ quá khứ trở về hiện tại để rồi đi tiếp đến tương lai, tập II của Làng Cây Dừa là một điển hình về bút pháp nhân học lịch sử của tác giả. Về phương diện thời gian, nội dung các sự kiện ở tập II thuần túy là những vấn đề lịch sử đương đại (từ 1945 đến 1975). Tuy nhiên, tác giả đã không viết theo cách viết của một nhà lịch sử. Cách phân chương của ông không thể hiện một logic thời gian lịch sử, mà là logic của những vấn đề theo cách nhìn của một nhà nhân học. Phương pháp tiếp cận này thể hiện rõ quan niệm về vị trí của người quan sát. Ông không làm như một nhà sử học thuần túy với cái logic thời gian xơ xứng của phương pháp lịch sử, có nghĩa là ông không lựa chọn một vị trí quan sát của người ngoài cuộc. Phương pháp emic của ông là phương pháp đặt vị trí của mình vào vị trí của một người trong cuộc. Ông trở thành một thành viên của Làng Cây Dừa, xã Bình Quang. Chính vì vậy đọc tập II, người ta biết được tình cảm của ông với ngôi làng. Và không chỉ có thế, ở vị trí một người trong cuộc, câu chuyện của ông trở nên sinh động hơn, đáng tin cậy hơn và người đọc yên tâm với tư cách của người kể chuyện hơn. Đó là cái khác biệt cơ bản giữa bút pháp của một nhà nhân học lịch sử và một người viết lịch sử hiện đại.

Về nội dung của tập sách, thay vì đánh giá vai trò của một tổ chức đảng, ông đánh giá về vai trò của những con người - những người dân làng cụ thể. Thay vì đánh giá về vai trò của các lực lượng cách mạng, ông đánh giá về vai trò của nhóm "tinh hoa" nhân sĩ, trí thức và bài học về cách sử dụng nhân sĩ trí thức trong khu vực làng Cây Dừa. Giống như Tạ Chí Đại Trường phân tích về vai trò và ảnh hưởng của thầy giáo Hiến đối với Nguyễn Huệ, tác giả Làng Cây Dừa cũng nhìn nhận vai trò của đội ngũ giáo viên trong làng khi tham gia cách mạng. Nhờ phương pháp quan sát nhân học của người trong cuộc nên ông đã nhìn nhận chính xác vai trò của cán bộ cách mạng thông qua cách thức vận động quần chúng bằng phương pháp "bốn cùng"; phương pháp vận động và liên kết với người Bahnar trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; các cách thức tổ chức lập hội mang màu sắc cổ truyền như những nghi lễ của các cộng đồng truyền thống; ông đề cập tới các phương thức hòa giải cộng đồng vì những mục đích to lớn hơn của cả một dân tộc; ông khai thác khía cạnh niềm tin của người dân đối với Bác Hồ, đối với miền Bắc như một thứ tín niệm có rễ sâu xa.

Làng Cây Dừa của ông viết cho rất nhiều đối tượng, trong đó mỗi người đọc đều tìm thấy thấp thoáng bóng dáng của mình, của cha ông mình, của cộng đồng mình, lịch sử của dân tộc mình, những đóng góp của những người như mình, giống như người thân của mình vào sự nghiệp chung không chỉ của cộng đồng nhỏ Làng Cây Dừa mà còn là cả rất nhiều Làng Cây Dừa để làm nên một khối cộng đồng lớn dân tộc Việt Nam. Vì lẽ đó người đọc có thể mong đợi một Làng Cây Dừa tập III, và biết đâu lại cả tập IV nữa.

. Bảo Minh

 

Diệp Đình Hoa, ông bạn đồng hương Bình Định của tôi quê xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, là một trong những nhà dân tộc học, khảo cổ học hàng đầu của đất nước hiện nay. Ông đã tốt nghiệp khoa khảo cổ học ở Trung Quốc và tốt nghiệp khoa dân tộc học ở Liên Xô cũ; nói tiếng Pháp cũng chẳng kém ai.

Diệp Đình Hoa ít tuổi hơn tôi, nhưng tóc bạc nhiều hơn tôi, trang viết cũng nhiều hơn tôi. Đặc biệt mới đây ông cho xuất bản bộ sách hai cuốn mang tên "Làng Cây Dừa", nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Cuốn một 902 trang, cuốn hai 770 trang, chỉ thông qua lịch sử cụ thể của một ngôi làng mà hình thành một bộ sách đồ sộ, càng đọc càng hấp dẫn hơn bởi những điều tác giả nói ra chưa ai biết hoặc biết rất lờ mờ.

"Làng Cây Dừa" là tiêu chí của một công trình nghiên cứu điểm, phương pháp nghiên cứu tân tiến nhất của thế giới ngày nay. Vì vậy, "Làng Cây Dừa" xứng đáng được coi như bộ địa chí của tỉnh Bình Định. Qua "Làng Cây Dừa" người đọc không chỉ cảm nhận được lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Bình Định xưa nay mà còn hiểu thấu lời sấm của Trạng Trình: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Do vậy, "Làng Cây Dừa" xứng đáng được UBND tỉnh Bình Định dành cho một giải thưởng đặc biệt (hoặc đưa vào giải Đào Tấn-Xuân Diệu) để động viên, cổ vũ, khuyến khích các nhà khoa học là con em Bình Định đang sống xa quê viết về quê hương của mình.

. Vũ Ngọc Liễn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Truyện Kiều được dịch sang tiếng Hàn Quốc  (21/12/2004)
"Phố cũ hoa vàng" của Nguyễn Thanh Mừng  (21/12/2004)
"Mùa xuân bên cửa sổ" - mùa xuân của người lính  (20/12/2004)
Câu chuyện quanh bài hát "Đoàn giải phóng quân"  (19/12/2004)
Thơ: Nguyễn Đình Lương, Lê Ân  (17/12/2004)
"Ấy không phải là đêm" của Trần Thị Huyền Trang  (19/12/2004)
Nhớ Xuân Diệu  (17/12/2004)
"Hàn Mặc Tử": giữa hai bờ tình - thơ   (16/12/2004)
Mùa Giáng sinh cho mẹ   (16/12/2004)
Soi trong ngày cũ *   (15/12/2004)
Trường Sa qua cái nhìn của Lê Bá Dương  (15/12/2004)
Những ý kiến tâm huyết với Cội nguồn   (14/12/2004)
Folklorists liệt truyện (kỳ 4)   (13/12/2004)
Folklorists liệt truyện (kỳ 3)  (13/12/2004)
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng gặp "nhân vật" của mình  (13/12/2004)