Thứ sáu, ngày 9/5/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
Đất nước - Con người
Tiềm năng - Triển vọng
Chủ trương - Chính sách mới
Tòa soạn và bạn đọc
Gửi tin, bài cho báo
Về Báo Bình Định

Thông tin tuyển dụng

BẢO VIỆT BÌNH ĐỊNH CẦN TUYỂN 5 LAO ĐỘNG
CÔNG TY TNHH CONTAINER MIỀN TRUNG TUYỂN NHÂN VIÊN
NGÂN HÀNG NHNo&PTNT TỈNH BÌNH ĐỊNH TUYỂN NHÂN VIÊN
KHÁCH SẠN LÊ PHƯƠNG TUYỂN NHÂN VIÊN

Tàu xe đi & đến Bình Định

Máy bay Vietnam Airline
Xe đò chất lượng cao
Xe buýt
Bảng giờ tàu
Khách sạn
  GIÁ VÀNG 9999 Min|Max 
 NH 824,000  817,000 
 TT 825,000  819,000 
  TỶ GIÁ Min|Max 
 EUR 20,697  20,389 
 USD 15,785  15,755 
Folklorists liệt truyện (kỳ V): Trăm năm trong cõi người ta
10:43', 29/12/ 2004 (GMT+7)

Trong cuộc gặp mặt cán bộ công chức toàn cơ quan, tôi (thành thật) xin lỗi anh chị em vì mấy tháng nay tôi lo viết, cả sách lẫn báo, cứ đến cơ quan là tận dụng mọi thời gian ngồi trước máy vi tính. Do vậy, dù mọi việc hành chính sự vụ cũng giải quyết rốt ráo theo trách nhiệm, nhưng chuyện thỉnh thoảng uống trà tán gẫu cho thân mật hòa đồng thì không còn nữa, có còn thì chỉ thảng hoặc.

Như ở chương trước tôi đã nói khá rõ, đây là khoảng "thời gian lên đồng", tạm thời phải đảo lộn hoặc gác qua một bên một số việc để viết, mặc dù người cầm bút nào cũng ước được triền miên như thế (cho dù quá khổ). Dù gì cũng không thiếu fôn-klo: "Mấy lời xin lỗi anh em - Mặc dù tiện sĩ rất thèm uống bia - Rất thèm trà sớm rượu khuya - Nhưng mà đầu óc phân chia hẹp hòi - Này rừng núi này sông ngòi - Này thơ này truyện cứ đòi nặng sâu - Cùng trong một chữ dãi dầu - Bền lòng nối những nhịp cầu văn chương - Rồi ra trở lại bình thường - Mai kia quán cóc bên đường có nhau". Cụm từ "trở lại bình thường" hàm chứa cái nghĩa là tôi đang mất bình thường đây. Hồi tôi và nhà thơ Giang Nam họp Ban Liên lạc các nhà văn miền Trung, rồi đi cùng xe từ Vinh về Quy Nhơn, ông có vui miệng bảo rằng hình như giới nhà thơ chúng ta thường hơi bị chạm chạm mát mát. Tôi biểu đồng tình ngay bằng hai chữ "thế à?" sở trường của mình. Nhưng nhà thơ chưa rõ ý tôi, bèn chữa cháy: "Không không, khi làm thơ đọc thơ họ mới mát, chứ lúc nói bậy thì lại rất thông minh". Tôi mấy tháng nay thì cứ rất tránh các cuộc tụ tập nói chuyện phiếm với bạn bè mà lúc rảnh tôi rất nghiện, lăn lưng vào sáng tác, thế chiếu theo định nghĩa của bác Giang Nam yêu quý, đích thị là đang làm cái việc mất bình thường rồi còn che đậy gì nữa!

Cũng chẳng có gì ảnh hưởng lớn khi tôi tập trung cho việc viết lách, tuy anh em thuộc cấp cũng phải căng thẳng hơn một chút, trách nhiệm hơn một chút, ở việc này việc nọ. Nhiều người cho rằng viết lách nhiều, sáng tác hay, cũng là một nhiệm vụ tối quan trọng của người làm công tác quản lý lãnh đạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Điều này mới nghe thoáng cái, tôi đã ưng cái bụng lắm, nhưng không dám công khai nỗi vui mừng ấy, vì sợ có người sẽ nói quan điểm ấy có lợi cho ông nên ông khuyếch trương! Dạ thưa đâu có, ai bắt bẻ vậy là tội cho tôi lắm đó, tôi đã vái mượn các câu thơ của vị vua anh hùng và thi sĩ Lê Thánh Tông để treo trước án thư rồi mà: "Lòng vì thiên hạ những sơ âu - Thay việc trời dám trễ đâu - Trống dời canh còn đọc sách - Chiêng xế bóng chửa thôi chầu - Nhân khi cơ ứng xem người biết - Chớ thuở kinh quyền xét nhẽ mầu - Mựa yểu áo vàng chăng có việc - Đã muôn sự nhiệm trước vào tâu!". Đó là thơ của vị Tao Đàn nguyên súy, nói nôm na theo kiểu bây giờ là Tổng thư ký Hội Nhà văn của giang san gấm vóc lẫy lừng Đại Việt đấy! Trong lịch sử nước ta, đây có lẽ là người đầu tiên có công sáng lập và đứng đầu một tổ chức Hội giành cho lĩnh vực văn chương. Mà vị vua này, không biết duyên phận lịch sử đẩy đưa làm sao, lại hết sức gắn bó và có quan hệ tối quan trọng đối với sự khai thiên lập địa của mảnh đất mà hôm nay chúng tôi được đổ mồ hôi được sôi nước mắt, được gọi là quê hương để đau đáu tôn thờ: Bình Định!

Dám mong đức Hồng Đức lồng lộng đại xá, bằng lòng cho tôi vay mượn ý tứ trên, như một sự đóng góp để tôi được dần dần hoàn thiện bản thân mình. Dù ngài là vị hoàng đế, tôi là dòng dõi folklore folklorist, tóm lại nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt, đích thị là thứ dân, rồi cũng ngồi vào chốn mà ngài gọi là Hội Tao Đàn, nhưng ngài toàn quốc, tôi thì chỉ một phần sáu tư lãnh địa thôi. Trong một bài thơ mới rật ròng của giai đoạn này, tôi đã tâm sự xung quanh việc thừa kế và khai lập, rằng: "Cho tôi trả cho tôi vay - bàn tay phụng mệnh bàn tay giao kèo - cho tôi vay một mái chèo - trả cho biển cả bao nhiêu sóng thần!". Có người nói ông này ngon, mượn lời vua để nói công cuộc sáng tạo văn học nghệ thuật cũng là "việc trời". Ờ nhỉ, việc của vua là việc trời, xưa nay người ta đã quan niệm vậy, cao siêu trọng đại, không có gì bàn cãi rồi. Nhưng dù có rụt rè đến mấy thì cũng phải nói rằng việc của văn chương chữ nghĩa cũng chẳng phải là việc riêng của đất và người mà thôi đâu. Có lẽ vua cũng nghĩ thế!

Các công chuyện thường xuyên có tên là "họp" gồm họp Cơ quan, họp Chi bộ, họp Công đoàn, họp Ban biên tập, họp bộ phận Văn phòng, họp Ban Thường vụ, họp Ban Chấp hành, họp Hội đồng xét duyệt … Lại mấy phiên trùng các tên trên có đính sau đuôi hai từ "mở rộng". Việc phân công phân nhiệm đầy đủ, chức tránh gì, công chuyện gì phải hoàn thành mỹ mãn (vụ này ngoài Nghị quyết, Chương trình hành động, Pháp lệnh cán bộ công chức, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, các Nghị định, văn bản hướng dẫn, còn có Điều lệ Hội, Quy chế phối hợp, Quy chế làm việc...). Hai nhiệm vụ chính, "nội trị" và "ngoại giao" trong công tác Hội, công tác Tạp chí, không có gì sơ suất. Bằng chứng là công việc chạy đều, Chi bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc, Công đoàn vững mạnh, Cơ quan được tặng bằng khen, Tạp chí nâng cao chất lượng, công tác phong trào cũng khởi sắc, các Hội Trung ương cần gì triển khai và các Hội tỉnh thành bạn có tạt qua tí cũng hài lòng… Các chi hội và anh chị em hội viên qua một năm hoạt động, ai cũng gặt hái tở mở, in ấn triển lãm, dự trại sáng tác, đi thực tế vùng sâu vùng xa, nghiền ngẫm hiện thực nóng bỏng đưa vào các thể loại nặng, ấm túi tiền tài trợ tác phẩm công trình, rồi hằng hà sa số công chuyện liên quan đến hoạt động sáng tạo cứ báo cáo tới tấp về mái nhà chung ấm áp là Hội, đủ cung bậc, khi thâm trầm êm ái, khi réo rắt lảnh lót! Vậy là mừng, anh chị em được thì mình cũng vui lây và vinh hạnh với không khí mùa màng văn chương nghệ thuật phồn thịnh, phong nhiêu! Tôi chủ trương cho người cán bộ viết báo cáo thông qua BCH để đọc trước cuộc gặp mặt văn nghệ sĩ đầu xuân là khen cật lực vào, anh chị em có thành tựu dù nhỏ cũng phải chú ý nhìn nhận và động viên họ. Có người bảo rằng gần mười năm phụ trách công tác này, sao tôi chưa chê ai. Nhất là chê sau lưng thì tuyệt nhiên không có. Đấy, điều này cũng nằm trong phạm trù nguyên tắc hành xử của tôi đối với đời sống văn học nghệ thuật rộng lớn phức tạp này. Tôi cũng (thỉnh thoảng) có góp ý cho tác giả này tác phẩm nọ chứ không phải chỉ một hệ khen. Nhưng góp ý có lý lẽ của góp ý, một là tác giả có nhu cầu đến nhờ thẳng và "rất lấy làm vinh hạnh được chỉ ra những khuyết điểm thiếu sót", hai là có cơ quan chủ trì trưng cầu, ba là các cuộc họp xem xét theo chủ trương chính sách, cũng như các tác phẩm liên quan về thể thức công bố thuộc phạm vi trách nhiệm của Hội theo Luật pháp và theo Điều lệ. Tất nhiên, còn nhiều trường hợp đặc biệt nữa. Có điều là, nội dung nhận xét của tôi thì sau đó có thể công khai để tác giả còn biết đường mà tiếp thu hay tranh luận. Điều này thì tôi hết sức lắng nghe trao đổi, không nề hà gì. Cái gì thuộc phạm vi trách nhiệm thì mình không được thoái thác. Phạm vi định hướng theo chức năng của Hội, cũng được tiến hành thường xuyên, khéo léo và công khai, trên Tạp chí, trên công văn, trên nhiều kênh tiếp xúc với hội viên, chứ không phải được chăng hay chớ. Tất nhiên, anh em chín người mười ý, việc họ đã công bố tác phẩm rồi thì giành cho công luận, giấy trắng mực đen hẳn hoi, bởi đâu phải chuyện chê bai bàn trà bàn rượu rồi nói đi nói lại (cái này thì có lúc cực kỳ thiếu chính xác, anh X ghét anh Y thổi phồng ý kiến (sau lưng) của anh Z để làm điểm tựa, ngập vào mớ dây nhợ lằng nhằng, triền miên bất tận rồi sinh ra hiểu lầm mất đoàn kết, rồi lại giãi bày thanh minh mất thì giờ)! Vì nhiệm vụ đoàn kết tập họp nên trong các cuộc mạn đàm ấy, "đồng chí hội" một là tránh, hai là lái câu chuyện về hướng khác. Bởi đối với mọi người, trong đó có người cầm bút, thì giờ là quan trọng vô ngần để chú tâm sáng tạo, không ngừng tìm ra cái mới đặng trình bày với cuộc đời. Không ai muốn phải mất công mất sức vào những việc không đâu, giành tâm sức vào việc khác có lợi hơn cho mình lẫn cho bạn. Còn phạm vi công luận thì rộng lớn ra cả trong và ngoài tỉnh, khách quan vô tư dân chủ. Anh có thành tựu, họ ghi nhận. Anh có sai sót, họ phân tích chỉ dẫn. Hay thì họ chú tâm. Dở thì họ thờ ơ. Thế thôi! Ở đây (cũng xin mở đóng ngoặc đơn đắp bờ con) tôi trình bày công khai phong cách hành xử của mình, chứ không phải phê phán chỉ trích ai. Đời sống văn nghệ, tâm tính từng văn nghệ sĩ thì thiên hình vạn trạng, ai tạng nào họ có quyền làm theo tạng ấy, miễn sao êm đẹp phát triển, đừng "lùm xùm" là được. Nhưng tôi phải công nhận, việc góp ý góp ủng không phải là đơn giản, dễ xa nhau. Một tác phẩm được nhà nước bao cấp, bỏ tiền ra hoàn thành rồi mời mình xem, cảm nhận góp ý (góp ý có bồi dưỡng bì thư không tính đã ăn phở và uống hai ly bia), thế thì trách nhiệm anh phải nói rồi, không trốn được! Nhưng cũng thăm dò xem tác giả hay tập thể ấy ý tứ họ ra sao, chứ mình nói thẳng thắn một chút cũng dễ bị đòn hoặc ít ra không bị (âm thầm) thù ghét cũng bị (công khai) lườm nguýt. Xin chêm một đoạn là nếu một tác phẩm anh đưa nhà xuất bản nào đó họ giở mục kỉnh săm soi, chiếu theo luật xuất bản cấp giấy phép, rồi anh (móc hầu bao vợ) in ấn, tặng biếu, bạn bè (đây chỉ nói bạn bè anh em, không nói công luận), đã chỗ bạn bè thì nếu không ghi nhận tốt nhất gắng im lặng một tí, chứ cứ chê bai, tác giả dễ phiền trách, mất tình cảm chứ chẳng nên tích sự gì. Trừ trường hợp, các công trình, anh được mời tham gia thẩm định, bảo vệ hay phản biện (giấy mời có chữ ký con dấu đỏ chót hẳn hoi). Có hai loại giấy mời, giấy mời đi chê thì có nói rõ nhưng giấy mời đi khen lại không nói rõ là "mời khen". Hoặc mời cả khen lẫn chê cho khách quan thì cứ quy định khen chín chín phần trăm trước, rồi chê sau, dứt khoát không quá một phần trăm chẳng hạn. Tôi có lúc cũng hơi bị sơ suất ở chỗ này, chưa hỏi kỹ nơi phát hành giấy mời. Vì u ơ như vậy, ông lại đâu đã hiểu biết sâu sắc từng loại hình văn học nghệ thuật vô cùng phong đa phức hợp đâu, cũng không hề có tí quyền hành gì để ký cho họ thêm kinh phí, lại còn góp ý góp ủng, thế là họ lườm nguýt ông là phải rồi, kêu rêu nỗi gì. Nói vậy thôi chứ tôi cũng không đến nỗi gì mà cố chấp trách móc ai, tôi rất thuộc lòng câu "tiên trách kỷ hậu trách nhân", chỉ giả định khái quát như một kinh nghiệm hành xử theo cách mình cho là hợp lý, cố gắng tránh bớt những thứ chuyện không cần thiết để đỡ lâm vào cảnh hệ lụy không đáng có trên đời, mất thì giờ. Ở đây, tôi cũng xin mở đóng ngoặc đơn là tôi chỉ nói cái khó trong khen chê của người làm công việc thường trực Hội Văn nghệ thôi, có ý kiến gì cũng phải uốn lưỡi bảy lần cho đỡ nhiêu khê, chứ ai khác thì tùy.

Hồi tôi còn ở ngành văn hóa thông tin, trong chuyện này tôi ăn nói cũng thoải mái hơn, cũng có hệ lụy nhưng không lớn. Chuyện này trong Hội nghị các Chủ tịch Hội VHNT trong toàn quốc, nhiều vị truyền kinh nghiệm rằng đôi hồi tưởng như không đâu rồi quên đi, không ngờ xảy ra những hậu quả khôn lường, vướng làn tên độc từ bóng tối! Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải chỉ có chê mới bị hệ lụy. Khen mà khen lấy được, chỗ không đáng khen người không đáng khen mà ông cứ cố sức cố tình lăng xê thì cũng phải coi chừng. Những người hiểu biết họ sẽ cho là có hai khả năng, một là ông dốt (mà dốt trong lĩnh vực nghề nghiệp của ông đương nhiên phải bị coi thường), hai là ông có ý đồ mơn trớn tác giả để mưu sự chút gì đây. Hơn nữa, trong cùng một mái nhà văn nghệ, không tránh khỏi tình trạng chung chơi với nhau thì khen, không chơi với nhau thì chê, tất nhiên đúng thì chẳng ai nỡ trách, chỉ có người ta la lối vì khen chê ẩu tả quá. Có người đến bảo tôi, tại sao thằng này thằng nọ gọi thằng đó thằng kia (mà theo đánh giá chung của anh em là chưa xứng đáng) bằng tài năng hiếm hoi, ngôi sao ngời chói, tia nắng đầu sông, gió giông cuối núi, gì gì đó đại loại như vậy, vân vân… Tôi trả lời nhẹ nhàng thôi thì ai có kêu ai bằng trời bằng đất bằng thiên tài địa năng gì là quyền của họ, lỡ nghe mà thấy không phù hợp với quan điểm của mình thì xem như chuyện hoạt kê, không cãi cọ nhiếc móc nhau chi cho ồn ào. Cũng có người đến bảo tên gì gì đấy vừa ngu vừa hỗn, nó chê tuốt tuột một phong trào sáng tác trong đó có người a kẻ b mà anh ta tôn thờ. Lại cũng khổ nữa rồi, có anh trong Hội giơ hai tay lên trời bảo thôi ai nói gì thì miệng liền tai, chính bản thân họ nghe trước khổ trước, việc gì mình giận cho mệt. Có giấy trắng mực đen còn ý kiến được chứ lời nói gió bay, biết đâu mà lần. May cho tôi là cứ nghe đâu bỏ đó, không phải lướng vướng đôi chối. Việc này phải cụ thể, chứ có người này vì ghét người kia, cứ bảo chung chung là: "anh em nói". Anh kia hỏi dồn rằng anh em nào, nói ở đâu, mời đến ba mặt một lời được không. Thế là bí quá nói liều mông cương rồi đánh bài chuồn. Khổ thế đấy, hỡi trời ơi là cái lĩnh vực góp ý phê bình trong cõi sáng tạo vô biên vô lượng. Không kể những cái thuộc phạm vi trách nhiệm, tôi chỉ xem nghe đọc những cái mình quan tâm, vì nghĩ lĩnh vực này là tự giác chứ không cưỡng bức, thích thì thưởng thức không thì thôi, vả lại tính tôi cũng khó có cơ hội bị tức như một vài bạn. Tốt hơn hết, thôi thì hãy trông cậy vào công chúng và thời gian, đó là bài ca muôn thuở của số phận văn học nghệ thuật.

Thôi chết rồi tôi lại trở về căn bệnh sa đà sa đậm rồi, vụ khen chê là của một khoa một ngành rất hoành tráng, có tên cúng cơm là lý luận phê bình, mới làm nổi. Tôi chỉ nói rả rích trong chuyện tôi với ý nghĩ tự nhìn mình, chân thành sửa chữa khuyết điểm (nếu có) ngõ hầu làm trong sáng dần bản thân. Thôi, nếu lỡ bất cứ một ai đó đọc, có tí gì bực bõ, hãy cứ xem những chuyện tôi đề cập nó đã xảy ra thời xa lơ xa lắc, ở tận một tỉnh bạn heo hút. Ở đó, có người bạn (cũng thường trực Hội văn nghệ, mà tình cảnh các hội văn nghệ về phương diện này hơi na ná nhau), đã trải qua và nhờ tôi kể lại với đại từ nhân xưng là tôi cho câu chuyện được đỡ nhạt, rôm rả hóa một (nếu có). Thế thôi, đừng ai hiểu lầm mà mích lòng. Có gì chưa thông, hãy giành cho một câu rằng thôi thôi, biết rồi biết rồi, đắp bờ đắp bủng nhiều quá thì ruộng đồng bị phân chia manh mún đấy! Vụ này, một vài anh em thân thiết cũng fôn-klo với tôi: "Chúng mình hãy cứ bình tâm - Thời gian, công chúng, không nhầm tài năng - Quỹ thời gian quá khó khăn - Ta cùng lặng lẽ như trăng trên trời - Biết tròn khi đã sáng ngời - Đến khi hao khuyết, tạm thời lưỡi trai - Những mong xa lắm ngày mai - Một câu còn đọng trên vai nhân tình".

Đến đây, tôi cũng xin lỗi bạn đọc một lần nữa để xin thưa riêng với 1054 hội viên Hội VNDG Việt Nam (nơi tôi có 1/11 phần trách nhiệm) và 241 hội viên Hội VHNT Bình Định (nơi tôi cũng là 1/11 thành viên trong BCH, tuy trách nhiệm được phân công lớn hơn nhiều, nhưng dù thế nào cũng giữ đúng theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số), rằng tôi rất yêu mến và tận tâm với anh chị em, tập thể to lớn này đã làm nên gương mặt Folklorists Việt Nam và tập thể to lớn kia đã làm nên gương mặt Văn học Nghệ thuật Bình Định đương đại. Nếu theo nguyên tắc toán học, mỗi người, hội viên VNDG Việt Nam có 1/1054, hội viên VHNT Bình Định có 1/241 trách nhiệm, nhưng về quy luật xã hội thì thực tế có khác hơn rất nhiều. Dù gì đi nữa, đại đa số đã phản ánh hết sức rõ nét tâm hồn và trí tuệ chung của Hội Trung ương cũng như Hội địa phương. Tôi yêu mến, dù trong tập thể ấy có không phảy mấy hay cao lắm là một hai phần trăm chưa như ý, thì họ cũng đáng thương hơn là đáng trách. Mọi lề thói chưa hay chưa đẹp mà không phảy mấy hay một hai phần trăm gì đó mang lại cũng xuất phát từ hạn chế chung của con người xã hội. Có nhà nghiên cứu nói bao trùm về mặt nguyên nhân là do tư duy tiểu nông, tính chất tự mãn háo danh đắc thắng, thiếu thông tin mà ưa khái quát nhận định, thêm một chút là phía vị kỷ ảo tưởng trong tài năng… Cái này trong ta nếu có, thì do học hành (cả học trường ốc lẫn tự học) chưa thấu đáo mà ra. Vụ này thì giành cho các nhà nghiên cứu chuyên về lĩnh vực này đề tài này, thống kê khảo tả đúc kết biện giải chính xác hơn, tôi chỉ nói theo cảm tính không thể tránh chủ quan trật trìa. Chỉ hiểu đại thể là bản thân tôi cũng dung chứa cả cái ưu lẫn cái khuyết, đành rồi ai mà chả thế, nhưng hình như (cũng thẳng thắn nhìn nhận) rằng có thể không loại trừ các tính chất đã nêu, tùy mức độ. Đối với tập thể, tôi là người (có thể) đáng trách ở mặt này mặt nọ. Nhưng đối với tôi, tập thể là tuyệt vời. Có ai đó trong tập thể bất xứng ý tôi, thì tôi cũng nghiêng về phía giành cho họ sự đáng thương nhiều hơn là giành cho họ sự đáng trách. Đây không phải là buổi kiểm điểm cán bộ hay nhận định hội viên, tôi chỉ xin bộc bạch vài lời để hiểu nhau, để có trách gì thì trách, nhưng đừng trách tôi thấy cây sao không thấy rừng, thấy người sao không thấy mình. Thế thôi. Còn lại thì, xin lảy Kiều: "Một lời đã biết đến ta - Muôn chung nghìn tứ vẫn là có nhau"!

Đời người ba vạn sáu ngàn ngày, tôi đã đi đến khoảng ngã sang chiều. Năm năm trước, tôi viết bài thơ về một hồi niệm thị trấn, trong đó có câu: "Tuổi mình chưa bóng xế tà - cũng se sắt biết chẳng là ban mai". Giờ thì đã rõ, không còn dùng dằng với khoảng giao thừa của nửa đời nhìn lại mà đã sang hẳn bên phía của chiều rồi: "Chẳng phải cùng đinh chẳng phải vua - Mang hia đội mão để cày bừa - Tóc ai ngày ấy xanh hơn núi - Trắng sóng bây giờ biển cũng thua!". Các anh trong Hội Nhà văn luôn nhắc nhở rằng quỹ thời gian đời người ít lắm, phải tranh thủ mà viết. Vâng, tôi cũng đang chạy vắt chân trên cổ, dù so với các anh, thứ khác tôi thua xa nhưng "ngân sách quỹ thời gian" thì tôi cũng xủng xoảng hơn, giàu có hơn một tí. Nhưng các anh cũng dặn, mình phải không được quên mình là người của thiên hạ. Nếu không làm công tác quản lý, anh là người của độc giả thôi. Còn như chúng tôi, không thể thoái thác trách nhiệm mình là người của tập thể hội viên. Mà tập thể thì trịnh trọng cao quý, theo nguyên tắc, mình phải tuân thủ. Có người bạn (là Chủ tịch Hội VHNT một tỉnh), uống rượu vào hay ngâm: "Trăm năm trong cõi người ta", nhưng anh chua thêm nghĩa khác, rất fôn-klo, là cõi của người ta, không phải cõi của mình. Ấy là thời gian anh lo lắng quên mình cho tập thể. Rồi những ngày hiếm hoi, khi anh có thời gian ngồi viết, anh thêm câu: "Một ngày trong cõi… thì ra của mình".

Mấy hôm rồi, Quy Nhơn ta hay cúp điện. Việc tôi viết và mail, do vậy, có bị ảnh hưởng không nhỏ dù máy tôi có pin, xài thêm được vài tiếng. Có hôm thứ bảy chủ nhật, ở nhà cúp điện, chạy đến cơ quan. Lại hôm vừa rồi nhà mình lẫn cơ quan mình đều cúp, đành tê lê phôn đến hỏi nhờ cơ quan Báo Bình Định. Tôi sữa chữa, thêm ý tứ cho bài vở từ 9 giờ sáng đến 11 giờ 30, xong cop vào máy báo ba tập tin. Trong đó có Folklorists liệt truyện III và IV. Đến chiều, tôi nhắn cho Thúc Giáp: "Tập III, tập IV đọc chưa - Đọc rồi thì hãy cười vừa vừa thôi - Bởi cười cho đến đã đời - Sang tập V, VI hết hơi để cười".

. Nguyễn Thanh Mừng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phạm Hổ với gió biển Quy Nhơn   (28/12/2004)
Nguyễn Chơn Hiền và những tìm tòi trên giá vẽ  (28/12/2004)
Biển của Xuân Diệu   (27/12/2004)
Bài "chế" của vua Thành Thái và bài "biểu" của Đào Tấn  (26/12/2004)
Bức tranh ấm áp nghĩa tình  (24/12/2004)
Ông già Noel  (24/12/2004)
Phạm Hổ và kỷ niệm về cây bánh tét  (23/12/2004)
"Những vòng xe đạp" của Nguyễn Thanh Mừng  (23/12/2004)
Đọc sách "Làng Cây Dừa"   (22/12/2004)
Truyện Kiều được dịch sang tiếng Hàn Quốc  (21/12/2004)
"Phố cũ hoa vàng" của Nguyễn Thanh Mừng  (21/12/2004)
"Mùa xuân bên cửa sổ" - mùa xuân của người lính  (20/12/2004)
Câu chuyện quanh bài hát "Đoàn giải phóng quân"  (19/12/2004)
Thơ: Nguyễn Đình Lương, Lê Ân  (17/12/2004)
"Ấy không phải là đêm" của Trần Thị Huyền Trang  (19/12/2004)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn