Có người bảo hổm rày mấy chương rồi ông cứ bảo chung chung, cái này của một ủy viên BCH, cái nớ do "hành hiệp giang hồ" đi sưu tầm, cái kia của một chị, cái nọ của một bạn… Thôi, cứ cho fôn-klo là của tập thể nhân dân truyền miệng từ người này sang người khác đi. Nhưng lại nhiều cái khác cũng của bạn sao ông trịnh trọng dẫn tên tuổi địa chỉ hẳn hoi. Vậy bạn nào vô danh bạn nào khuyết danh, lý do gì mà kẻ xử thế này người xử thế nọ. Hai bài Cái cò cái vạc cái nông và Thằng Bờm là của bạn nào? Xin thưa, có ngay có ngay, của bạn tôi thật mà, hắn tên cúng cơm là Nguyễn Thường Dân, hồi nhỏ ở nhà kêu cu Uẩn, viết lách lấy bút danh Châu Kim. Xin đừng hiểu nghĩa Hớn là vàng bạc châu báu, mà hãy hiểu nghĩa Nôm theo phép nói lái là "chim (bồ) câu", biểu tượng của hòa bình. Tính hắn đại loại cũng không khác với tên hắn, tất nhiên hiểu theo nghĩa Nôm chứ không phải Hớn. Hồi Bình Định nguyệt san mới ra hắn cộng tác từ số đầu tiên với chuyên mục Câu lạc bộ cười, viết các tiểu phẩm vui. Rồi trải qua mấy năm, hắn cũng cứ chơi tiểu phẩm vui, cái in Bình Định nguyệt san, cái in Văn hóa, cái in Tuổi Trẻ Cười. Có người nhớ hắn vì các bài "Giảm biên chế, tăng thi sĩ", "Ái chà chà! Đem gà ra nhậu ", "Thiết bị chống trộm" v.v… Hắn nhớ đời một bữa, hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cầm tờ giấy báo của bưu điện 300 ngàn, hắn không biết là tiền gì. Thời buổi mỗi bài của hắn ở địa phương nhuận bút được một phần mười số tiền đó, hắn không hiểu tờ nào đã in cho hắn một lúc mười bài. Khi nhận xong, hắn mới biết là tiểu phẩm Tuy rằng lấy vợ nhưng mà còn rin, một bài thôi, trên Tuổi Trẻ Cười. Thì ra chữ nghĩa cũng rất có giá. Bạn bè được một bữa say túy lúy với hắn. Nhưng không phải vì thế mà hắn không chung thủy với báo nhà. Tội nghiệp, lúc tờ nguyệt san mới xây dựng, nhuận bút vừa đủ mua rau muống chấm xì dầu, hắn ghé vai chia ngọt sẻ bùi với anh em. Lúc ăn nên làm ra, nhuận bút có thể dùng ăn đặc sản uống bia được, thì hắn không cánh mà tự bay. Lâu lắm rồi, hắn về làng đúng nghĩa đen cày sâu cuốc bẩm, nấu rượu bằng chính hạt lúa mình trồng, mồi là trái ổi xanh búp chuối chát cây nhà lá vườn. Thường thì hắn cứ chay tịnh vậy. Thỉnh thoảng có bạn đến chơi, hắn mới bươn bả mò cua xúc tép hoặc đặt ống trúm, úp nơm kiếm con lươn con cá, tự nướng tự um, chiêu đãi! Không chơi tiểu phẩm vui đăng báo nữa, hắn làm thơ tự trào phục vụ bà con láng giềng ấy mà! Cái này không ai gửi phiếu nhuận bút, thậm chí hắn còn nấu nước chè hoặc múc rượu nhà nấu khoai nhà mời bà con ăn uống, mơ mộng nghe hắn đọc thơ, phần lớn toàn một nhãn hiệu fôn-klo như vậy. Hắn đích thị là dân gian nên hoạt động rất muôn trùng, không theo tám giờ vàng ngọc, cũng không đi đâu là báo địa điểm nội dung để cấp công lệnh công tác phí. Tóm lại hắn rất công khai nhưng cũng hơi bị bí hiểm, khó gặp gỡ, khó theo dõi quản lý. Lúc tôi chủ động đến thăm với ý đồ đặt bài thì không gặp hắn, lúc tình cờ bạn bè vui vẻ vô tư (vô tư theo quan niệm Lão Tử đã dẫn ở chương VI) thì lại gặp.
Vâng, tôi có gặp và nghe hắn đọc những bài thơ dân gian về các nhà báo, chắc cái này hồi còn cộng tác Bình Định nguyệt san, nghe các nhà báo đọc trong các cuộc nhậu, hắn đã thuộc. Với báo hình: "Nghĩ mình phận chẳng ra gì - Vợ thì đời cũ ti vi đời đầu - Ti vi thì có hai râu - Vợ mình xoay mãi mà màu chẳng lên - Bực mình lẻn sang nhà bên - Vừa đụng vào núm màu lên ầm ầm - Ra về lòng cứ nghĩ thầm - Ước gì lại được dùng nhầm ti vi". Với báo viết: "Lấy vợ đừng lấy phóng viên - Đêm về nó bắt phải biên tập bài - Bài thì vừa rối vừa dài - Để đăng không được gửi báo ngoài thì đau". Với phim ảnh: "Khi em im lặng khư khư - Ảnh xem hình thể nên hư thế nào - Máy quay ảnh bỏ trong bao - Quay đâu không thấy thấy quào lung tung - Ban đầu em cũng sượng sùng - Nhưng sau em cứ ung dung mỉm cười - Thế rồi bén tiếng quen hơi - Cứ vài ba bữa ảnh mời đóng phim". Với các văn nghệ sĩ đi dự trại sáng tác: "Chưa đi chưa biết Tam Đao (Đảo) - Đi rồi không biết chỗ nào mà ngu (ngủ) - Một giường thì có hai cu (cụ) - Gối thì không có, lấy mu (mũ) gối đầu"… Giờ thì, như trên đã nói, hắn chuyển hướng đề tài về đồng quê xóm mạc.
Xong chuyện thơ phú fôn-klo fôn-kliếc, thỉnh thoảng hắn cũng chơi vài chuyện tiếu lâm, tất nhiên cùng chủng loại. Các nhân vật trong chuyện tiếu lâm của hắn toàn giới văn nghệ và báo chí. Như hắn bảo nhà thơ x (hoặc nhạc sĩ y họa sĩ z nhà báo z phảy) nào đó, mới sáng ra đã cãi nhau với bà hàng xóm. Nguyên do mâu thuẫn là vì bà ta hay dậy sớm la lối ồn ào, còn cánh văn nghệ sĩ thường thức khuya ngủ muộn. Bà ta cáu quá vì bà thì chửi còn người đối mặt lại nói những câu cao siêu như lời thơ ý nhạc. Ruột gan sôi sùng sục vì không hiểu gì, bà ta bèn chơi món võ sở trường chụp tay nhà thơ x (hoặc nhạc sĩ y họa sĩ z nhà báo z phảy) và… cắn một phát cho bỏ tức. Rồi cũng chính bà ta tiếp tục gửi đơn lên cơ quan người bị cắn để kiện. Lý do kiện hoàn toàn xác đáng, đó là bà ta ghép anh vào tội xúc phạm phụ nữ vì bà ta cắn mà anh nỡ đi tiêm vắc xin phòng chó dại! Anh ta sợ cơ quan kiểm điểm, cứ thanh minh mãi rằng mình chỉ đi tiêm phòng uốn ván thôi. Chuyện khác, hắn cũng kể một trong các nhân vật x, y, z, z phảy đó, vì quá cẩn thận, đã đi xe đạp cũ mà còn sắm một ổ khóa vòng. Đến quán cà phê, đang uống thì sực nhớ ra chưa khóa, cầm vòng chạy ra khóa xe rồi vào ngồi đánh cờ tướng với người bạn cùng đi. Từ sáng sớm đến mười giờ, anh ta cứ loay hoay mãi với xe pháo mã rồi chiếu tướng, không để ý gì xung quanh. Khi quán đã vãn, chỉ còn hai ông, có một người rất gay gắt đến hỏi chìa khóa. Thì ra, anh x đã khóa nhầm xe người khác, cái người gay gắt đó. Đại loại chuyện hắn có tên tuổi, địa chỉ, toàn những người anh em nổi tiếng, chỉ nhắc cái cả Hà Nội Huế Sài Gòn đều biết. Bởi vậy, tôi sợ mất lòng khi công bố giấy trắng mực đen, đành nêu phiếm chỉ. Kém vui một tí nhưng an toàn.
Công bằng mà nhận xét, trong toàn bộ con người hơi bị hóm hỉnh nhưng quá sức rụt rè ấy, đè ngửa ra cũng có thể moi được đôi chút khí khái. Có chuyện một người đại khái cũng có chút đỉnh chức tước gì đấy, nho nhỏ thôi, nhưng hơi bị thiếu kiềm chế. Thấy hắn hay hay, người ấy liền kéo điện thoại gọi hắn đến bàn việc gì đó. Hắn bảo người đó nên đến chỗ hắn. Người đó bực, bảo sao cấp cỡ lính lác mà làm tàng. Hắn bảo ông không biết điển nhà vua và Nhan Súc sao? Rồi hắn kể: Nhan Súc là kẻ sĩ. Vua bảo Súc đến đây. Súc bảo vua đến đây. Vua hỏi cớ làm sao bắt vua đến chỗ Súc mà Súc không đến chỗ vua. Súc bảo Súc đến thì Súc mang tiếng là xu nịnh, mà vua thích kẻ xu nịnh là loại hôn quân. Còn vua đến thì Súc vừa tránh khỏi tiếng xu nịnh, vua lại được tiếng là trọng đãi hiền tài. Vua cho là chí phải. Rồi hắn bảo chỉ có bậc minh quân mới hiểu lẽ đời để khen kẻ sĩ kiểu ấy. Người nọ không phải không hiểu nhưng cố chấp cứ cho là hắn thuộc diện nói xóc óc, vừa nể vừa ghét hắn. Rồi từ đó sinh ra đặt chuyện nói xấu hắn chỗ này chỗ kia. Nhưng đa số, toàn chỗ bạn bè hắn hoặc những người không coi người kia ra sao, nhưng vì lý do tế nhị, không thể hiện trước mặt. Họ thân ái cho hắn biết để cảnh giác. Hắn cám ơn. Nhưng đời hắn có gì phải cảnh giác ai. Có đính kim cương toàn thân hắn cũng không sáng hơn, có bôi lọ nghẹ khắp người hắn cũng không tối hơn, ít nhất là trong phạm vi xứ sở này. Không phải hắn là kẻ đã đến cõi, một thuật ngữ rất sang giành cho các bậc thượng thừa, mà là tâm thế hắn rất tĩnh và rất trong. Như nước. Mọi mũi tên đều gần như vô ích. Người giương cung sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thượng đế chí tôn, chứ thân xác hắn thì bõ bèn gì. Hắn có lý của hắn. Hắn bảo sở dĩ tôi không im, tôi bị ghét vì đời nào nói vỗ mặt kiểu ấy mà người ta công nhận. Nhưng người ấy hiểu ra lẽ đời, anh em khác được nhờ. Hắn nói tiếp, tôi nhút nhát, thỉnh thoảng mới dạn dĩ chút thì lại mích lòng, nhưng thực tình tôi muốn cho mọi người đều tốt, không phải ai không thành đạt là phải hèn kém, không phải ai thành đạt là cứ vênh vang. Anh em với nhau, ai quá lố cũng phải có bổn phận nhắc nhở, chứ cứ cho qua truông mãi thì lệch cả một đời. Tôi luôn tin rằng có thể bây giờ người ấy bực nhưng sau này người ấy lại cám ơn thầm. Khổng Tử đã nói rồi, "Quần cư chung nhựt, ngôn bất cập nghĩa, háo hành tiểu tuệ, nan hĩ tai!" (Những kẻ quần tụ với nhau từ sáng đến chiều, bàn luận những chuyện chẳng có đạo nghĩa và thích làm theo cái khiếu thông minh nhỏ hẹp của mình, những kẻ ấy khó làm nên lắm thay).
Đấy, cho nên đã chơi kiểu anh em là phải nhắc nhau, đem lời hay lẽ phải ra răn nhau, bình đẳng, dân chủ. Còn ai không thích mình thì thôi, cái này cũng theo sách Luận Ngữ, Khổng Tử nói: "Quân tử bệnh vô năng yên, bất bệnh nhơn chi bất kỷ tri giả" (Người quân tử buồn vì mình không đủ tài đức, chứ chẳng buồn vì người ta không biết mình). Công bằng mà nói, hắn chịu khó tầm chương trích cú, lý luận cũng tàm tạm, nghe lọt tai được chứ không đến nỗi. Nhưng tài sản hắn chỉ có lý luận chữ nghĩa vậy thôi. Trong văn học, người ta có điển "gót chân A-sin" để chỉ chỗ yếu, tấn công vào thì nguy hại ngay. Hắn thì tay chân mình mẩy đều là chỗ yếu cả, tấn công chỗ nào cũng gặp "gót chân A-sin", không che chắn, không chống đỡ. Chỉ có điều, đã chứng minh qua thực tế, có người cũng chọc thọt, hắn cũng nhiều phen ê ẩm mình mẩy. Nhưng hắn cứ mặc, vì thực tế, hắn không có ô dù lẫn tiền bạc gì, lại thiếu một thứ tối thiểu là võ tự vệ. (Cái "không" của một người thân cô thế cô như hắn là cái không phàm trần, tức là cái kém, cái thiếu sót. Vậy mà hắn đâu chịu yên thân, cứ lóc cóc mở sách vở Phật thần thánh hiền ra đi tìm chữ "không" cao siêu, chữ "không" đủ đầy của họ). Nhưng không hiểu lý do gì, vài tháng đến vài ba năm sau, những kẻ từng đánh hắn, rụng lộp độp như sung, không thân bại danh liệt cũng về vườn sớm. Tất nhiên, không phải do chuyện đánh hắn mà có người đánh trả, lý do rụng thì chỉ có trời là biết rõ nhất. Những ai hay chơi môn ném đá giấu tay, lỡ trúng hắn, thì thất đức đến nhiều đời. Đấy là điều hắn được nghe qua một người giỏi khoa tử vi, nhà thơ Ngân Vịnh. Sở dĩ tôi kể giùm cho hắn chuyện này là để nói rằng hắn không hề có kẻ thù, chỉ có ai đó đôi khi hiểu nhầm hay tức tối vu vơ mà hại ẩu, sau này hối thì (tự thấy) cũng dở mà không hối cũng không xong. Chỉ vậy thôi. Hắn không theo đạo, nhưng chịu khó bỏ thì giờ nghiên cứu giáo lý và tin vào sự cao siêu của các tôn giáo. Kể cả việc huyền nhiệm của sự cứu rỗi. Tóm lại, dù ở hoàn cảnh nào, đối với ai dù có ác với hắn, hắn cũng không hề có một hành động ác để trả lại.
Hồi nhỏ, hắn học vỡ lòng đến hai năm ở trường làng. Ở trường thì thầy giáo, về nhà thì bố hắn dạy hắn bằng Luân lý giáo khoa thư lớp đồng ấu. Tất cả các bài học trong đó, hắn nhớ tới bây giờ. Mặc nhiên, hắn hành động theo. Nhìn chung các bổn phận và sự phân biệt phải quấy trong ba chương sách cũ ấy (bổn phận đối với gia tộc, bổn phận đối với học đường, học trò tốt học trò xấu), hắn đều thuộc lòng, theo tốt tránh xấu. Chỉ mỗi một tính nhát sợ (cái này sách ấy có riêng một bài) là hắn không làm sao bỏ được. Nếu trong sáng tạo văn chương, hắn có năng khiếu bẩm sinh, thì sự bẩm sinh ấy lại kèm cho hắn một tật rụt rè. Cho nên, hắn thường tự trào: "Cả đời có biết sợ ai - Chỉ sợ cái nhát nó nhai nuốt mình - Muốn tìm núi sợ cao minh - Muốn dò biển, sợ thình lình sâu xa - Muốn ly kỳ sợ gấm hoa - Muốn thần diệu sợ cách xa tận từ - Muốn vào trong cõi chân như - Sợ quên vò rượu đã nư ngoài trần - Muốn ra ao hái rau tần - Sợ mê bì bõm vướng chân láng giềng - Lên trời sợ gặp nàng tiên - Nàng nghi lấy trộm bút nghiên Ngọc Hoàng".
Hắn có một vài phẩm chất nữa, tự hắn hắn không biết dở hay hay, theo anh em chiến hữu tổng kết là (cũng tương đối) nghiêm khắc với mình mà xuề xòa với người. Anh em bạn bè thấy hắn dễ dãi, vui tính, có người nhỏ hơn hắn cũng cứ mày tao chi tớ, nhưng hắn không chấp, cười cho qua, chẳng hề để ý. Hồi hắn là thủ trưởng một đơn vị (cũng nhỏ thôi), có người quen (ra trường sau hắn ba bốn năm gì đấy), đến cơ quan hắn làm việc mà cứ đứng ngoài cổng gọi trông trổng Kim ơi, Kim à, ra ngay, ra ngay. Mục đích của anh ta chỉ để lấy le với anh em cán bộ cơ quan hắn là tôi từng thân thiết sỗ sàng với sếp các người đây. Nhiều cán bộ dưới quyền hắn phản ứng người đó, cho người đó là thiếu văn hóa. Hắn hiểu hết cơ sự, rất thông cảm cười cười, thậm chí còn bênh vực cho người quen cũ ấy: "Tội nghiệp, anh em trẻ người non dạ, chưa hiểu thấu đáo việc đời, có gì bỏ qua cho họ". Nhưng về phần hắn, hắn rất nghiêm túc và rạch ròi, đâu ra đấy. Bạn học cũ với hắn, có người cũng làm quan chức có cỡ ở tỉnh này tỉnh nọ. Hồi nào được gặp nhau, vào cơ quan, trước mặt thuộc cấp của bạn, hắn một thưa anh, hai báo cáo anh. Bạn bảo đừng thế, đừng thế. Hắn bảo, tối về nhà, uống rượu ôn kỷ niệm xưa thì mới khác được, chứ đây là chốn công đường, nếu mình có sơ suất thì thiên hạ sẽ coi khinh mình, mà họ đồng thời coi bạn cũng chẳng ra gì. Vì bạn có không ra gì mới chơi với một người bị khinh rẻ. Người bạn quan chức phải chịu là hắn lịch lãm, chí lý chí tình. Nhưng không phải hắn không có nhiều tật xấu, những tật mà thông thường hắn tự nhận trước, anh em phát hiện sau. Hắn đôi hồi rất gàn dở, quá chú trọng rèn giũa bút nghiên mà quên mất nhiều thứ trên đời. Hắn cũng hơi bị né tránh, trừ trường hợp đặc biệt phải có thái độ rõ, còn thì không muốn mất lòng ai. Hắn có ham muốn quái chiêu là bắt bùn lầy cua ốc phải mang hia đội mão. Khi hắn còn áo rách, xe đạp trành, ngôn ngữ hắn đã cẩm bào, võng điều ngựa tía, trăng gió hoàng cung… Những lúc anh em đang mổ xẻ ai sau lưng, có hắn đến là cụt hứng. Hắn cứ đóng vai kiêu, bảo rằng thôi thôi, thế giới này nhiều chuyện rắc rối đau đầu quá rồi, hãy biết cách lôi từ mớ lằng nhằng ấy ra những cái tuyệt diệu để ca ngợi. Đấy, phần tôi biết về hắn chỉ có vậy, tóm lại đời hắn cũng nhạt, nếu không nói là thiếu quá nhiều những gì mà một người bình thường cho là cần, lại thừa quá nhiều những gì một người bình thường cho là không cần. Tôi thì, như trên đã nói, thỉnh thoảng mới có lúc mất bình thường, chứ hắn như vậy là mất bình thường hẳn, đứt đuôi con nòng nọc rồi còn gì nữa! Khi người khác đang bần cố nông hóa các hình tượng thơ ca thì hắn lo vác gươm trèo lên ngai vàng làm vua, còn khi người ta tìm kiếm những hình tượng cao sang để khoác lên vai thì hắn chọn toàn những nhân vật bé nhỏ thất cơ lỡ vận trong dân gian để ẩn mình: anh chàng ngốc buôn vịt trời, lùa bò đếm sót một con mình đang ngồi trên lưng, anh chàng đẽo cày giữa đường, anh chồng dại đi gánh nước sông bằng giỏ bồng nan tre, con hổ đi tìm trí khôn bị con trâu lừa trói cho người đốt… Thế thì hắn có mon men vác đơn đi xin chứng nhận cho một tí bình thường cũng là điều nan giải. Dù vậy, có người như nhà thơ kiêm nhà giáo Phạm Văn Phương chẳng những không chê mà còn nhận định tặng hắn: "Tưởng như là rất dễ làm - Ai hay trong đó bao hàm càn khôn".
Chuyện hắn còn dài dài, càng nói càng dễ sốt ruột độc giả. Vì hắn với tôi trước đây cũng như bây giờ như tay chân với nhau nên là người duy nhất trong toàn bộ thiên truyện này tôi có thể bỗ bã đến sỗ sàng mà không sợ mích lòng. Tết vừa rồi, bạn bè gặp nhau, mắng nhau đồ khùng, hắn cười ha hả: "Lặng im là núi, chuyển là sông - Ai đâu khôn dại với vô cùng - Ngất ngưởng bạn bè ngày gặp lại - Tuế tóa tặng nhau một chữ khùng". GS Trần Quốc Vượng có mấy lần gặp hắn đều bảo không tìm đâu ra nụ cười đặc trưng và độc đáo như hắn. Nụ cười của hắn, hắn tự nhận, hơi bị phiền vì rất tốn tiền. Mỗi lần Văn phòng Hội gọi cho hắn bằng di động, phải chịu khó nghe hắn cười sang sảng để mở đầu, trao đổi công việc xong, lại cười sang sảng để kết luận. Chưa kể, trong công việc trao đổi hắn còn thỉnh thoảng đan xen nụ cười. Nếu trên đời có nhiều người như hắn, bưu điện lãi to vì thu cước phí cười qua điện thoại đường dài.
Thôi, tôi tạm cho qua, vì đang thêm một chuyện tình nghĩa cảm động vấn vương từ khi thiên Folklorists liệt truyện I và II khởi đăng rồi lại tiếp III, IV trên Bình Định điện tử. Nhà thơ kiêm nhà giáo Phạm Văn Phương tìm đến nhà tôi, đọc suốt từ cuối chiều đến chặp tối, trọn vẹn bốn chương. Anh từ cười tốc tả rồi lại chuyển sang đỏ hoe mắt, chớp chớp như nói với một người xa vắng: "Chương ơi!". Tôi hỏi, anh bảo chuyện trong chương II, có một người điên ở thị trấn Bình Định, chính là Nguyễn Đỗ Thành Chương, cả vùng ấy, nhất là anh chị em giáo viên và văn nghệ sĩ, ai cũng biết. Nhưng nhân thân thì hơi mù mờ. Hình như quê anh Chương ở đâu thôn nào đó trên Nhơn Khánh, nghe đồn xuất thân là một võ sĩ trẻ đầy triển vọng, bị địch thủ ganh ghét chơi xấu, đánh vào đầu, có xung động mạnh trong thần kinh, chuyển hướng từ võ thuật sang thi thuật. Cũng có người đồn anh xuất thân học giỏi, mê thơ đến độ điên cuồng, đến nỗi sinh ra kiếp "thơ thẩn", như trời đày. Bà con thị trấn quá quen với hình ảnh rũ rượi khi anh đi lang thang đọc thơ, tối nhảy vào ngủ Nhà văn hóa trung tâm, trường Tiểu học hay công sở nào gần đấy, ăn thì nhà ai cũng được, được chăng hay chớ, thường là chỗ những người cùng trang lứa ở thị trấn, thấy hoàn cảnh anh nảy thương tình. Mặc thì thấy quần áo ai phơi, anh kéo xuống thay, bỏ bộ đồ cũ lại. Giày dép cũng tương tự. Còn về giao tiếp với xung quanh, theo mọi người thì anh ăn nói từ tốn, đôi khi rất "khôn", khoái nhất là uống rượu đọc thơ rồi tôn vinh những tác giả tác phẩm mà không hiểu sao anh lại biết và mến mộ. Ở chương II, tôi có viết rằng anh gọi tên tôi giữa trời khuya lạnh, việc ấy anh em cho là rất thường xuyên. Bữa gặp gỡ cuối cùng của hai bạn thơ quen biết và anh nhằm vào hạ tuần tháng 12 Tây, trước khi vào năm 2000 khoảng độ một tuần lễ. Lúc ấy, đã khuya, mấy anh em không có tiền, rủ vào quán ký nợ hai chai bia và hai cuốn bánh xèo, chia ba ngồi uống (hai chai bia chia ba thì dễ chứ hai cuốn bánh xèo chia ba thì quá khó, ấy vậy mà các thi sĩ lại làm được). Và chủ quán quen cũng giao ước chỉ chừng ấy, không được thêm. Ngoài vỉa hè, hình như tiếng mỡ sôi trên khuôn bánh xèo và hương vị cháo gà về khuya làm cho ba anh em cồn cào trong bụng. Nhưng túi rỗng, không thêm được gì. Theo anh Phương kể thì trời ơi, thương lắm cảnh các thi sĩ nghèo, tỉnh điên gì cũng có chữ nghèo kèm theo đuôi. Họ cứ lặng lẽ nhìn nhau ăn hai cuốn bánh tới cái đầu đày, gắp thêm rau sống chấm mắm luôn vì loại này miễn phí, đến nỗi bà hàng quán dù quen cũng thỉnh thoảng cứ liếc chừng! Có lẽ hai cuốn bánh bán ra giá thành hai nghìn bạc, người ta lãi khoảng năm trăm là cao, lại cho ký nợ chưa biết chừng nào trả. Mà rổ rau sống đầy vun theo lệ quán là thức ăn kèm, khươi khươi ăn làm cảnh là chính, các ông lại chơi thẳng tay thẳng miệng, giá trị quy ra tiền cũng không dưới cỡ đó nữa, người ta xót ruột là phải! Cảnh anh học trò nghèo sẻn tiền cúp tóc đi ăn hàng trong truyện Tô Hoài, không ngờ được tái hiện giữa đêm đông phố huyện An Nhơn mà kẻ vào vai là các thi sĩ. Chừng như cũng hiểu ý, hai bạn tỉnh nói với một bạn điên thôi đành vậy, nấn ná một tí với mùi khói thơm rồi chia tay. Đến Noel, túi có ít xu muốn gặp lại, hỏi một người bạn thì anh ta sửng sốt bảo trời ơi, Chương chết rồi, mới chết đêm qua, trên người còn một nhánh lá, bên đường mưa gió lướt thướt. Hôm ấy hình như mất điện, trời lại mưa sầu gió thảm, nên tiếng đọc thơ của một người nằm đắp lá giữa quốc lộ không thể vọng đến tai tài xế đường trường!
Phạm Văn Phương xúc động viết trong đêm Noel ấy bài Nhớ Chương: "Gió bấc siết qua phố khuya - Chén rượu tròng trành - Khói bếp - rất thơm - rất thơm/ Uống cạn những giọt cuối cùng - Đâu nghĩ là lần vĩnh biệt/ Chúa thanh khiết - như hai ngàn năm trước - trong đêm Noel - Mày mãi mãi lấm lem - Mãi mãi thảnh thơi - Mãi mãi…".
Sau năm năm, bài thơ vẫn còn dán trên cửa tủ một anh bạn giáo viên mà Nguyễn Đỗ Lê Chương hay đến tá túc. Anh Phương hồi tưởng chép tặng lại tôi ngay. Lúc về nhà, chạy lại chốn xưa so sánh với bài thơ trên cửa tủ, anh nhận ra còn sót câu sót từ, bèn gửi thư đính chính, không quên kèm fôn-klo: "Vội vàng tặng Nguyễn Thanh Mừng - Lỡ quên mấy chữ vô cùng đảo điên - Về nhà cứ sợ mất duyên - Nên mình rờ-tuốt y nguyên đận nào - Sướng hơn đi hát ả đào - Là vi vút với nhiệm mầu Phôn lo".
. Nguyễn Thanh Mừng |