Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân
16:47', 1/2/ 2004 (GMT+7)

(tiếp theo)

. Trường ca của Nguyễn Thanh Mừng

CHƯƠNG VI

Sông dài biển rộng

Qua trăm núi ngàn sông

Qua trùng trùng trận mạc

Qua máu

Qua mồ hôi

Qua nước mắt

Ta lại về soi gương mặt ngày xưa

Bên mảnh giếng đá ong nguồn mạch

 

Ừ dễ đã vài chục năm rồi

Đời ta gắn cùng lửa và bão táp

Giờ bình tâm vốc nước quê nhà

Giờ bình tâm nghe tim mình róc rách

 

Xin nàng đừng khóc

Ngọc Hân ơi

Sống và yêu

Tám năm trời

Nàng ôm một nước non trong tưởng vọng

 

Quy Nhơn của nàng

Chính là ta

Chính là ngang tàng chính là kiêu hãnh

Chính là hoang vu chính là sâu thẳm

Cay đắng là cả sông cay núi đắng

Thơm ngọt là thơm ngọt thấu mây xanh

Chính là ta

Người trai Việt chân bùn tay lấm

Trang sử truân chuyên và chân cảm

Tướng quân Tây Sơn

Phò mã nhà Lê

Hoàng đế nước Việt

 

Phút lãng tử đắm say trong máu huyết

Mười sáu mùa xuân Thăng Long trong tim ta

Trái tim trăng sao ngùn ngụt

Sương gió bồng bênh cành vàng lá ngọc

Ta tìm trong mắt nàng

Những câu thơ đã mất

Nàng tìm trong mắt ta

Một bờ bến yên hàn của bầu trời bão táp

 

Nàng có một Quy Nhơn

Thích câu thơ như tuyết và như lửa

Thích tắm bằng sông thích cười bằng gió

Thích chen vai sát cánh với núi non

Thích quật ngã bạo tàn mãnh thú

Thích nâng ánh mắt giai nhân dù chỉ đón nỗi buồn

 

Nàng có một Quy Nhơn

Bữa cơm thích ớt rừng và tiêu sọ

Ra Bắc vào Nam ào ào như gió

Cả giấc mơ cũng bạo liệt bi hùng

Giấc mơ đựng trời xanh trong tay trắng

Coi tháp ngà gác tía nhẹ như không

 

Nàng có một Quy Nhơn

Thích nghe lời oanh vàng thỏ thẻ

Có thể một vu vơ

Có thể một nũng nịu trách hờn

Như câu thơ trăng non

Sẽ hóa rằm trong cuộc đời dâu bể

 

Nàng có một Quy Nhơn

Thi sĩ cả với ngày mai chưa tới

Mắt nóng hổi nghe điều không định nói

Ngẫm cả bóng mặt trời ẩn khuất dưới trăng thâu

Biết cả ngọc đến khi rồi cũng nát

Biết câu kinh có lúc chẳng nhiệm mầu

Thấy được đá dậy thì trong núi cỗi

Thấy mạch nguồn trong vắt dưới biển sâu

 

Ấp thang mộc nghèo nàn

Tắm gội một tang bồng hồ thỉ

Dệt áo rét người tình bằng lông chim trĩ

Gom lá từ bi xua cảnh đông tàn

 

Ấp thang mộc nguyên sơ

Nhưng chẳng thiếu ngựa hồng voi trắng

Nhưng khôn nguôi gừng cay muối mặn

Mười tám nhánh xoài đằng đẵng gió đưa

 

Chuyến đò ngược lên nguồn

Ta về thăm sơn trại

Trăng đã xế đỉnh đầu

Cố nhân còn trở lại

 

Núi Hiển Hách vang bóng các tù trưởng sơn man và bầy ngựa rừng

Theo về hòn Ông Bình Ông Nhạc

Lên hòn Nhật xuống hòn Nguyệt

Từ đèo An Khê

Qua núi Ngang

Đến hòn Nghiên hòn Bút

Hòn Trống hòn Chuông

Đồng Cô Hầu núi Lãnh Lương

Nghĩa binh còn gửi cơ muôn nụ cười

Biết rằng đá lở sông trôi

Thiên thu đọi máu thề bồi còn ghi

 

Những anh em tướng sĩ

Dưới cờ đào cùng ta hòa huyết lệ

Ta biết nói gì hơn trước bi thống chia lìa

Một triều đại hoa niên tươi trẻ

 

Sơn trại ngày xưa đủ tứ chiếng võ lâm

Người bị ném xuống bùn

Kẻ bị quăng vào lửa

Tất cả bước ra từ khốn khổ

Tất cả muốn đứng lên

Bẻ xích xiềng trong tay lãnh chúa

Những anh tài áo rách nón mê chân đạp đất đầu đội trời

Đĩnh đạc cuộc dời non lấp bể

 

Núi ơi sông ơi hãy cất một lời

Một lời của cao sâu và hùng vĩ

Cuộc ứng nghĩa thuận lòng trời hợp lòng người đến thế

Đêm đốt lửa ở Hòn Trưng

Từ thượng đạo kéo về hạ đạo

Doanh trại Vườn Dinh

Vi Tập Binh

Vi Cấm Cố

Gò Đá Đen luyện võ

Bến Trường Trầu khao quân

 

Cho đến bây giờ cho đến mai sau

Ta biết nói thế nào

Hơn những lời quân dân ghi tạc

Cây me cũ bến trầu xưa

Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm

Ta biết nói thế nào

Anh đi theo chúa Tây Sơn

Em về cày cuốc mà thương mẹ già

 

Bóng me ơi bóng me của một quãng đời

Xa xôi lắm và gần gụi lắm

Cái bến sông thường ngày ta tắm

Những sải tay vung nước loáng mây trời

Bạn bè thuở thuyền nan tập trận

Còn giữ gìn một ký ức tinh khôi

 

Hình như ta đã nói điều chi

Một người dân có thể sẽ làm vua và ngược lại

Trẻ con thì reo người lớn thì sợ hãi

Chẳng khẩu khí gì đâu chỉ đùa cợt thôi mà

Rồi dắt nhau chạy loăng ngoăng hát về con vua con sãi

Bao giờ dân nổi can qua

 

Bao giờ dân nổi can qua

Hỡi họ Trần họ Bùi họ Võ

Họ Đặng họ Ngô họ Lê họ Phạm

Trăm họ đồng khí tương cầu

Đồng thanh tương ứng

 

Mặt trời mọc ở đằng đông

Mọc rồi lại lặn vào trong tim này

Những người cầm gió trên tay

Và cầm ánh sáng xuyên dày bóng đêm

Vẽ trên mặt đất uy nghiêm

Đoàn quân thiên sứ áo xiêm nhà trời

Chòm Thần Nông cứ ngời ngời

Nghe trong bùn đất cất lời tự do

 

Nàng từng nói với ta rằng trái tim lệnh công có máu của sao trời

Nàng từng tỏ bày thiếp sẽ theo bệ hạ đến chân mây góc bể

Lời vợ giành cho chồng

Hay hoàng hậu giành cho hoàng đế

Ngôn ngữ thuyền lan chèo quế

Bảng lảng giữa gối chăn

 

Người trai núi Tây Sơn

Quen với giọng sương ngàn và gió suối

Đốc kiếm đầu sóng gành

Mũi hia đầu cát bụi

Mười ngón tay mười niềm bối rối

Non nước tần ngần

Thiên hà đắm đuối

 

Tướng ở chốn sa trường

Vua ở nơi triều chính

Câu chuyện của yên cương và ngai vàng

Có thể khiến lòng ta không yên tĩnh

Cảm ơn nàng sau màn trướng buồng the

Giữ làn hương thiên kim sâu thẳm

 

Bây giờ

Nàng hãy ngồi trên mỏm đá sơn trại này

Đá quê chồng

Thuở bình sinh của ta nàng chưa đến được

Hãy nói cho chính quê nhà ta

Lời của người con dâu hồng phúc

Dầu rằng non nước biến dời

Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là

 

Gia đình ta

Vua Thái Đức từ đường hương hỏa

Đông Định Vương Nguyễn Lữ

Cha mẹ ta gửi thế gian khốn khổ

Ba hòn máu bên trời

 

Những người ta coi như ruột thịt

Trần Quang Diệu

Bùi Thị Xuân

Võ Văn Dũng

Đặng Văn Long

Nguyễn Văn Tuyết

Trần Văn Kỷ

Ngô Văn Sở

Phan Văn Lân

Những ngôi sao tìm hình sao nối kết

Ngô Thì Nhậm

Phan Huy Ích

Nguyễn Thiếp

Nguyễn Đề

Võ tướng văn thần

Danh gia tuấn kiệt

Lương đống Tây Sơn

Làm sao kể xiết

 

Ta từng ghé lại trần gian

Cơ duyên lòng núi vô vàn minh châu

Thời gian vùn vụt vó câu

Bao nhiêu cơ khổ dãi dầu cháo rau

Những mong chia sẻ cùng nhau

Ngày dài trọn nghĩa đêm thâu vẹn tình

Trận mưa đắng ngọt nhục vinh

Xối trên vàng đá trung trinh rào rào

 

Nghĩa chi bày tỏ với phân bua

Bóng ai lẫn giữa bóng sông hồ

Mưa của bây giờ đang thấm ướt

Hay mồ hôi cũ chửa kịp khô

 

Rét mướt nương theo cốc rượu đầy

Trời cao đất rộng biết ai hay

Bàn tay hết khép rồi lại mở

Trời đất khôn cùng một bàn tay

 

CHƯƠNG VII

Dân, vua và thi sĩ

Trẫm lạc nhân hoàn lưu chính trị

 

Ngô Thì Nhậm vì yêu ta

Sáng tạo một giấc mơ kỳ vĩ

 

Tao tế cơ duyên nan tái đắc

Tòng kim ký lữ nhạn thần cô

 

Phan Huy Ích vì thương ta

Đã viết nên những lời đau xé

 

Bố y phấn tích ngũ niên trung

Mai cổ thi vi tự bất đồng

Thiên vị ngô hoàng tăng nhất kỷ

Bất ư Đường Tống thuyết anh hùng

 

Võ Văn Dũng vì quý ta

Danh tướng bỗng thành thi sĩ

 

Ta biết nói gì hơn

Hạnh phúc của một người tri kỷ

 

Ta có cả mai sau

Mai sau nói bằng búp chồi mới hé

Ta có cả mênh mông

Mênh mông nói bằng gió ngàn sóng bể

Ta có một mặt trời

Mặt trời nói bằng rạng đông vạn lý

Ta có ba mươi chín mùa xuân

Ba mươi chín mùa xuân đồng hiện cùng tuổi trẻ

 

Đừng nói về đoạn trường

Đừng nói đến vinh hoa

Đoạn trường của thác ghềnh

Trắng tươi như đời sống thác ghềnh

Vinh hoa của mây xanh

Xanh ngắt như đời sống mây xanh

 

Những đoạn trường và vinh hoa của lửa

Của núi

Của tuyết

Của nước

Của rùa và của hạc

Của nảy lộc đâm chồi

Của bão giông sấm sét

 

Nước Việt ngổn ngang thương mến bời bời

Người cầm đôi bàn tay ta thô tháp

Và đặt lên các vũ khí trần gian

Niềm hy vọng thanh cao và đắc lực

 

Mẹ ơi khi tiếng hát mẹ cất lên giữa lấm láp và sáng trong

Bùn đất với mây trời

Mẹ đã chọn lựa con làm nơi ký thác

Vũ trụ được đo bằng chiếc nôi nhỏ hẹp

Mỗi chiếc nôi bắt đầu một đời người

 

Có núi sông làm tin một tiếng khóc chào đời

Tiếng khóc của trẻ con vào thời buổi nhân dân đang khóc

Tiếng khóc không giống nhau

Và không loại trừ nhau

Gửi con vào số phận nước nhà nghìn cân treo sợi tóc

 

Trên con đường làng mẹ dắt con đi tịnh không thấy dấu chân vua chúa

Nhưng trên tấm lưng còng nhân dân hằn lên bao nhiêu giẫm đạp

Xã tắc giang san

Đặt vào tay những thây ma òi ọp

Người cầm cày phải kiệt sức

Mồ hôi biến thành vàng

Nạm dinh cơ các lộng thần bạo ngược

Nạm vào cuộc định bá đồ vương

Cuộc cát cứ nồi da xáo thịt

 

Những người nông dân

Đồng hành cùng con

Giương tiếng trống thần Sấm

Phất ngọn lửa thần Sét

Ngọn cờ đào

Mặt trời và bão táp

 

Trân trọng muôn vàn

Chùa Bộc

Ông bụt rút chân ra khỏi hia

Dáng nông phu bàn mùa màng thế tục

 

Động lý vô trần đại địa sơn hà lưu đống vũ

Quang Trung hóa Phật tiểu thiên thế giới chuyển phong vân

 

Ta hay là không ta của mai sau

Điều ấy chẳng hề chi

Ta đã gửi thân tâm

Vào thế gian biến cải

 

Khi bước chân vào vũ trụ tự do ta đã khuôn mình trong quy luật của muôn đời

Vũ trụ bày ra xung quanh mỗi người

Cuộc tuần hoàn trên vai

Lẽ tồn sinh trong cỏ

Kim mộc thủy hỏa thổ

Mắt ngũ hành nhắm mở vô biên

 

Kiếm tuốt khỏi bao bút rút khỏi nghiên

Bài thơ cuộc đời vụt đến

Ta tìm trong mùa xuân đồng hiện

Những rừng mai đa cảm Quy Nhơn

Những cành đào xao xuyến Thăng Long

Mưa trên bành đàn voi trận uy nghiêm

Gió tung bờm ngựa chiến

Cơm lam trong ống giang

Rượu thề trong lửa bén

Ngôn ngữ mang số phận con người cập bến tương lai

 

Ngôn ngữ như cá bơi trên sông

Như măng trồi trên đất

Như hai mảnh đá gầy hôn nhau thành hừng hực

Như hai đám mây giáng luồng điện giữa trời

Trên vồng ngực nhân dân nóng buốt

Giữ muôn năm cả tiếng lẫn lời

Dù có kẻ đốt sách sử và chôn vùi câu hát

Cả tro tàn cũng chẳng thể mồ côi

 

Trời ơi gánh gánh mồ hôi

Xe xe nước mắt gùi gùi máu tươi

Kìn kìn bão dập lũ vùi

Bàn tay luyện đá vá trời dọc ngang

Bàn tay quét dọn giang san

Tìm ngọc trong đá nhặt vàng trong thau

Tìm khoan trong nhịp đời mau

Tìm ngàn xưa phía mai sau tươi ròng

Tìm quanh nam bắc tây đông

Bóng đàn cò trắng trên đồng Vạn Xuân

 

Dân là ta hôm qua

Dân là ta ngày mai

Và hôm nay

Ta thèm được nghe mùi mát dịu của sao Mai

Ăn vội vắt xôi trước khi trời hửng

Í ới gọi nhau trong sương sớm

Kẻ hân hoan rộc gò người huyên náo đầm sông

Khi mang chiếc ách cày khi làm người gieo hạt

Ta vẫn là ta nồng nhiệt bao dung

 

Dân không phải là cánh đồng là ánh nắng cơn mưa hay lò than cháy đỏ

Nhưng hít thật sâu hương thơm hạt lúa

Thấm vào tim ánh sáng mặt trời

Đượm trong máu đất đai huyết mạch

Ngang dọc qua lửa và qua nước

Ta sẽ tìm gương mặt mình trong vóc vạc nhân dân

 

Bông sen trắng của đời ta ơi bông sen trắng

Ký ức của ta

Dự tưởng của ta

Có người

Và ta biết

Chưa hề vắng ta trong ký ức và dự tưởng của người

 

Giữa bùn ruộng thôn trang

Người thanh tịnh với tép bèo cua ốc

Chốn sùng kính thâm nghiêm

Người xúc cảm với thánh thần tiên phật

Ngẩng đầu là trời

Cúi đầu là đất

Đài cánh là quê nhà

Cội hương là Tổ quốc

Nắng phủ Quy Nhơn

Gió xứ Đàng Trong

Mưa nước Việt

Ta đi tìm ta trong gương mặt của người

 

Ngai vàng là gì

Vua là ai

Ta vâng theo mưu cầu tiên thánh

Lòng dân đêm tao loạn

Trông đợi một rạng đông

Hạt lúa mong mùa vàng dòng sông mong rào rạt

Ngọn triều mong trăng sử xanh mong thần bút

Tổ quốc tin vào linh khí non sông

 

Và thi sĩ

Người thay mặt nhân dân và thượng đế

Giữ gìn ngôn ngữ tổ tiên

Nói bằng giọng Văn Lang viết bài thơ tiếng Việt

Hồi trống thiêng vua Hùng

Những âm vang cao khiết

Lay động đến ngàn sau

Trước sa trường

Trước ruộng đồng

Trước thái miếu

Trước khuê văn

Giai điệu non sông cất lên từ trái tim trinh bạch

 

Bây giờ

Trên non cao có dấu chân ta

Dưới vực sâu có hơi thở ta

Ta cảm động đến nghẹn ngào

Nghe cây cỏ chim muông hòa điệu

 

Mở cửa ngoài khuya chợt sững sờ

Vũ trụ hiền như một giọt mưa

Bão quỳ mọp xuống nâng lá nõn

Sấm nguồn chớp bể hóa dạ thưa

 

N.T.M

(còn tiếp)
Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kẻ mạnh  (30/01/2004)
Đào Tấn - thơ và từ  (29/01/2004)
Thơ xuân  (28/01/2004)
Đảng đã cho ta một mùa xuân  (26/01/2004)
Vườn gọi   (24/01/2004)
Trên đỉnh rừng thần  (21/01/2004)
Câu đối  (20/01/2004)
Đến với "Mùa xuân xanh" của Nguyễn Bính  (20/01/2004)
Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân   (24/01/2004)
Nhớ lại hội xuân xưa  (18/01/2004)
Cà phê đắng   (16/01/2004)
Bài thơ "Với Đảng, mùa xuân" của nhà thơ Tố Hữu   (15/01/2004)
Đề tài về phong trào Tây Sơn trên sân khấu truyền thống Bình Định  (14/01/2004)
Mùa xuân trên dọc đường hương đồng cỏ nội  (13/01/2004)
Chuyện nhà thơ Tản Đà tiêu tết  (12/01/2004)