Tạp bút
Nhớ thuở tóc chừa miếng vá
17:21', 5/2/ 2004 (GMT+7)

Cha tôi là dân đánh cá đồng chuyên nghiệp nên ông mua tới hai con dao nhíp để vá lưới những lúc nước đồng đã cạn. Mỗi con dao nhíp đầu nhọn hoắt, đuôi dao là một cái nhíp dài ngoẵng như càng con bọ cạp. Cha tôi mài dao thôi bén khỏi nói. Ông mua một hòn đá mài cỡ bằng viên gạch thẻ màu xanh, đặt gần vò nước. Cha vốn là người kỹ tánh nên khi mài dao nhíp, ông ngồi tư thế chồm hổm, mài có nhịp, có điệu coi ngộ lắm! Nhất là những lần cha mài dao để cạo... đầu chị em tôi.

Trước hết, là cha chế nước lã lên đầu tôi cho ướt tóc, sau đó đè cổ tôi xuống bắp vế cha rồi bắt đầu cạo sào sạo nghe ghê người. Bao giờ cha gọt tóc cho tôi cũng chừa lại miếng vá trước mỏ ác. Tôi ở trong tư thế nửa ngồi, nửa nằm để cha gọt tóc mỏi nhừ, đến khi "Ông thợ cạo" bảo: "Xong rầu đấy con!", tôi bật dậy múc nước gội đầu xong, hai tay cứ vò vò trên cái đầu trọc lóc nghe nhồn nhột buồn cười, còn cha thì gật gù tỏ vẻ hài lòng lắm: "Cạo vậy coi có mát mẻ không?". Ông còn động viên thật khéo: "Xấu mặt thì lâu - Chứ xấu đầu mấy lát?". Thú thật tôi cũng có cảm giác mát chút chút, nhưng khi ở trong nhà cơ! Chứ còn lúc tôi nhảy phóc ra đường cái đi chơi với chúng bạn giữa trưa hè thì nóng vô chừng kể ấy chớ.

Cha tôi có đôi mắt lạ lắm! Hễ ông nhìn thấy đứa bé nào để tóc dài một chút là ông không chịu được: "Con nít để tóc máu làm gì cho ngứa ngáy? Cạo đi cho nó ra tóc gốc đen óng có đẹp không?". Trời hỡi! Vậy là chị em tôi cứ tóc chừa miếng vá dài dài. Năm tôi vào tiểu học, cha vẫn thường xuyên nhắc nhở: "Thằng Út tóc dài rồi đó nghe! Nay mai để cha cạo đầu cho mát!". Cũng có lần tôi chống chế: "Con đến tuổi đi học rồi, cha cứ cạo đầu con hoài ngượng lắm!". Cha nghe xong, người không vừa lòng: "Cái thằng còn bận quần đùi mà đã biết mắc cỡ!".

Hết gọt tóc tôi, cha tôi lại tiếp tục gọt tóc các con tôi mới vui. Đầu những năm 1980 cha tôi cứ nài nỉ: "Thằng Út để cho cha cạo đầu cháu nội của cha nhé!". Tôi chỉ cười trừ chứ không đáp. Người nhà quê mà cười thì có nghĩa là đồng ý. Cha hăm hở mài dao nhíp và dỗ ngọt hai đứa con tôi. Hai "oắt con" của tôi cỏ lẽ thích chuyện lạ nên ngoan ngoãn ôm đầu gối ông nội để "Cái ông thợ cạo" ngày xưa từng gọt tóc cho ba chúng làm cái việc mà cụ thích thú. Vợ tôi gửi con cho mẹ tôi giữ để lo việc đồng áng, đến chiều nàng về thì nước mắt ơi là nước mắt! Chứ đâu dám nặng lời với cha.

Cha tôi đã về cõi vĩnh hằng từ lâu, nhưng cái dao nhíp thì tôi vẫn còn cất giữ như một kỷ vật thiêng liêng về người cha hết lòng thương con, có cả tình thương bằng sự vụng về, chơn chất.

. Trần Quốc Cưỡng

(Phú Yên)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Việc nhỏ ở nhà  (05/02/2004)
Ngày thơ Việt Nam năm nay có gì mới?  (04/02/2004)
Vĩnh biệt nhà văn Lê Hữu Thuấn   (03/02/2004)
Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân  (02/02/2004)
Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân  (01/02/2004)
Kẻ mạnh  (30/01/2004)
Đào Tấn - thơ và từ  (29/01/2004)
Thơ xuân  (28/01/2004)
Đảng đã cho ta một mùa xuân  (26/01/2004)
Vườn gọi   (24/01/2004)
Trên đỉnh rừng thần  (21/01/2004)
Câu đối  (20/01/2004)
Đến với "Mùa xuân xanh" của Nguyễn Bính  (20/01/2004)
Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân   (24/01/2004)
Nhớ lại hội xuân xưa  (18/01/2004)