Quy Nhơn là thành phố đối diện với bể Đông, nói theo cách nói của Chế Lan Viên là "những thành phố miền Trung thường có các nhà thơ ở trong và biển mé ngoài". Trong tiềm thức lịch sử và văn hóa Quy Nhơn - Bình Định, thơ ca có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết. Điều ấy không chỉ dừng lại ở những ai từng chôn nhau cắt rốn nơi đây mà là sự hội tụ tấm lòng của bốn phương trời, từ vị hoàng đế lẫy lừng đến kẻ hàn nho, từ viên quan đại thần đến người chân đất. Đó là nơi gặp gỡ của những tâm hồn thi sĩ, những tâm hồn qua nhiều thế kỷ, vượt mọi biến thiên dâu bể, làm nên dấu ấn đặc trưng cho xứ sở này. Như Lời nói đầu của Tuyển tập Thơ Bình Định thế kỷ XX đã nói rõ: "Nhưng ký ức mọi người luôn nhắc nhở dải đất này là nơi đã phát tích cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc với vị anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ - Quang Trung, viết nên những trang sử chói lọi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Và ký ức cũng nhắc nhở mọi người, nhất là những ai yêu thơ ca, rằng trên dải đất này, vào giữa thế kỷ trước, thế kỷ XX, đã là nơi hội tụ nhiều ngôi sao lớn của thơ ca dân tộc, làm nên cả một trường thơ Bình Định, như nhiều nhà nghiên cứu văn học đã viết, ghi lại một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tiến trình phát triển thơ mới, tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Đó là những tên tuổi Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn… Lùi lại một chút nữa trong thời gian, ngược về đầu thế kỷ XX, cuối thế kỷ XIX, ta lại gặp Đào Tấn nhà viết Tuồng lớn nhất trong lịch sử phát triển sân khấu dân tộc, đồng thời cũng là nhà thơ, nhà từ khúc đặc sắc, người đã viết những câu thơ mênh mông xa rộng, cánh bằng vạn dặm, là người báo hiệu của chủ nghĩa lãng mạn, như Xuân Diệu đã nhận định rất chính xác trong công trình nghiên cứu về các nhà thơ cổ điển Việt Nam".
Ngày thơ Việt Nam ở Bình Định năm nay được hưởng ứng sôi nổi và nồng nhiệt không kém năm ngoái vì niềm yêu thơ của công chúng địa phương có thể nói là vô bờ bến. Từ chiều ngày rằm tháng Giêng, những hoạt động diễn ra ở Đồi Thi Nhân bao gồm việc Giao lưu giữa các nhà thơ với thế hệ trẻ các trường Đại học Quy Nhơn, Cao đẳng sư phạm Quy Nhơn, trường chuyên Lê Quý Đôn, Trường PTTH Quang Trung và trường Nội trú Dân tộc tỉnh Bình Định. Các "cây thư pháp" cho chữ người yêu thơ. Tập Thơ Bình Định thế kỷ XX được phát hành với tinh thần quyến luyến một thế kỷ đi qua, một thế kỷ lớn lao, đầy những biến động phức tạp, những sự kiện bi tráng, nhưng cũng là một thế kỷ anh hùng, một thế kỷ vĩ đại của những cuộc cách mạng long trời lở đất, những biến đổi của lịch sử lay chuyển tận gốc nhiều giá trị trong tiến trình đi tới hội nhập cùng thời đại.
Đề tài Quang Trung - Nguyễn Huệ là niềm xúc cảm lớn lao của văn nghệ sĩ Bình Định nói chung, thơ ca Bình Định nói riêng. Nhiều sách báo trong tỉnh và trong nước đã có nội dung phản ánh đề tài trên. Hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào nông dân Tây Sơn đã thể hiện ở các tác phẩm của các danh gia đương thời như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Lê Ngọc Hân, Nguyễn Huy Lượng, Ngô Ngọc Du… đặc biệt là qua tác phẩm Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái. Nó còn tiếp tục tỏa hào khí qua các thời đại sau, trong các tác phẩm Tây Sơn lương tướng ngoại truyện, Tây Sơn danh tướng chinh nam truyện, Tây Sơn văn thần liệt truyện, Cân quắc anh hùng truyện của các thi gia Bình Định thế kỷ XIX. Đề tài này còn được thể hiện trong các tác phẩm thời hiện đại của các nhà thơ quê hương và các nhà thơ trong nước.
Những nội dung trên được thể hiện hoành tráng trong Đêm Nguyên Tiêu với mở đầu là dàn cồng chiêng của các dân tộc miền Tây Sơn thượng đạo và hạ đạo, giúp khán giả hình dung lại không khí tụ nghĩa của một phong trào nông dân rực rỡ trong lịch sử, từ giải phóng giai cấp đến giải phóng dân tộc và người chân lấm tay bùn bước lên ngai vàng, đại định thiên hạ bình trị giang san. Vị hoàng đế tiêu biểu cho mùa xuân và tuổi trẻ với một thời đại hoa niên đi qua bầu trời lịch sử văn hóa Việt như khối ánh sáng vừa rực rỡ vừa luôn tươi mới. Chính ông buổi bình sinh là người rất hóm hỉnh, nhiều lần phê đơn từ chiếu biểu bằng thể loại lục bát ứng tác. Sự nghiệp Quang Trung - Nguyễn Huệ và đặc biệt là cuộc cải cách giáo dục, chấn hưng văn hóa, đưa địa vị chữ Nôm lên hàng quốc ngữ thật hết sức có ý nghĩa cho các thời đại sau, và cho cả những người làm thơ hôm nay.
Một điểm liên quan đến sự hình thành và phát triển chữ quốc ngữ ở Đàng Trong là sự xuất hiện của giáo sĩ Alecxandre De Rhodes và những người góp phần La tinh hóa tiếng Việt tại cảng thị Nước Mặn, khu đô thị phồn vinh của phủ Quy Nhơn thế kỷ XVII. Một dòng sông lớn ở Phù Ly cũ đã mang tên là sông La Tinh từ độ ấy đến giờ. Điều này lại càng là tư liệu lý thú cho các nhà thơ bản địa.
Những điều nói trên, dầu sao cũng ở dạng tư liệu lịch sử, tâm thức văn hóa của một vùng đất. Điều quan trọng hơn hết của những người làm thơ hôm nay ở Bình Định là trong niềm say mê vô bờ bến đối với thơ ca, phải ngày đêm miệt mài rèn giũa tiếng Việt ngày càng phong phú hơn, đa dạng hơn, mẫn cảm hơn trong tác phẩm của mình để đóng góp cho xứ sở này, đất nước này, thời đại này những tác phẩm có sức lay động lòng người. Ở mảnh đất này, trong cội nguồn truyền thống, giá trị của thơ ca chỉ có thể sánh với máu đào. Từ trong huyết quản của những người cầm bút đất Việt ngàn xưa đã rào rạt dòng máu tự tôn, đặt số phận nhân dân Tổ quốc lên trên số phận cá nhân, và đối với đất Bình Định, điều này càng được xác tín trong hành trạng kẻ sĩ:
Khí thiêng sông núi lưỡi gươm thần
Còn trời còn đất hãy còn dân
(Nguyễn Bá Huân, Sĩ phu Bình Định)
Khi ngẫm về thơ Bình Định, không hiểu sao tôi lại liên tưởng đến một rừng cam chín. Cam rừng mọc trên dốc núi bờ khe, có cây lại kẹt trong hẻm đá, cành lá vươn ra vừa gân guốc vừa tơ non, vừa hấp thụ vừa lan tỏa hương thơm và ánh sáng.
Một mình trên núi cao, thời thơ ấu, tôi đã khóc khi bắt gặp những quả cam chớm vàng, cảm phục và thương yêu đến không chịu nổi. Khi lớn lên, những quả cam chín ửng ấy nhiều lúc trở lại trong những giấc mơ đầy quyến luyến của tôi.
Sinh ra từ các mỏm núi Bình Định, ngoài ngựa hồng voi trắng, đại bàng sơn ca, thác ghềnh sông suối, nhất thiết không thể không kể đến những mùa cam của những nghĩa sĩ xưa, bí ẩn và rực rỡ với một sứ mệnh tiếp sức không chỉ sự khao khát của thể chất mà còn ở lòng tin của cái thuở ban đầu, dưới ngọn cờ đào Tây Sơn tam kiệt.
Thơ Bình Định dường như trực tiếp hoặc gián tiếp ẩn chứa những mối liên hệ tiềm tàng như vậy ở một xứ sở ngày xưa là nơi thử thách quyết liệt của các mặt đối lập trong lịch sử, hôm trước là kinh kỳ hôm sau là thảo dã, ngày này là mây trời thượng uyển ngày nọ là bùn đất thôn trang. Các nhà thơ Bình Định, ở một vị trí lịch sử và địa lý đặc trưng, lưng tựa vào núi non hùng vĩ, mặt đối diện với trùng dương vừa gợi mở vừa thách thức, nhất quyết trong hành trang bề thế vươn tới tương lai không thể thiếu giọt mật trong lành của nguồn cội.
Ngày thơ Việt Nam trên xứ sở Bình Định, do vậy, luôn luôn đòi hỏi phải bao hàm nội dung uẩn súc của truyền thống thượng võ và tinh thần nhân vân, khuôn thước và cách tân, cổ xưa và tươi mới… Ấy là niềm khao khát rào rạt từ trong thiên lương của những người cầm bút xứ sở này, và họ luôn hy vọng mỗi hừng đông, cất tiếng chào ngày mới, tiếng chào ấy sẽ vang động và đồng hành với niềm tin sáng tạo.
. Nguyễn Thanh Mừng
|