Tháng giêng, bén hơi xuân. Trong không khí tươi vui và phấn khởi của những ngày đầu xuân mới, những người yêu thơ cùng tề tựu về đồi Thi Nhân (Khu Du lịch Ghềnh Ráng - thành phố Quy Nhơn) để tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ hai - 2004.
* Hội thơ: trân trọng gương mặt thơ trẻ
|
Quang cảnh Đêm thơ (ảnh: Cát Hùng) |
Ngày thơ Việt Nam được Hội Nhà văn Việt Nam khởi xướng từ năm 2003. Hội Nhà văn Việt Nam chọn ngày Nguyên Tiêu hàng năm - ngày trong sáng tuyệt vời của mùa xuân, đồng thời cũng là ngày Bác Hồ viết bài thơ Nguyên Tiêu nổi tiếng - làm Ngày thơ Việt Nam. Nội hàm của Ngày thơ Việt Nam, như trong lời khai mạc đêm thơ Nguyên Tiêu của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, vừa kết hợp được ý nghĩa thiên nhiên và ý nghĩa xã hội, vừa dung chứa được truyền thống vừa thiết thực cho hiện tại vừa gợi mở cho tương lai.
Và đúng rằm tháng Giêng năm nay, ngày hội Thơ lại tưng bừng diễn ra trên đồi Thi Nhân. Ngay từ chiều, công chúng yêu thơ đã thấy hào hứng trước quang cảnh cờ hoa rộn rịp một góc đồi thơ. Những lá cờ Tổ quốc, cờ đại, cờ chuối, và đặc biệt là lá cờ Thơ phần phật bay trong gió biển Quy Nhơn, một thành phố vốn đã nổi tiếng là lắm duyên với thi sĩ.
Từ 16 giờ 30 phút, bắt đầu những hoạt động của ngày hội thơ. Đó là cuộc giao lưu giữa các nhà thơ với sinh viên, học sinh các trường: Đại học Quy Nhơn, Cao đẳng Sư phạm Bình Định, Chuyên Lê Quý Đôn, PTTH Quang Trung và Dân tộc Nội trú tỉnh Bình Định ngay bên đỉnh mộ Hàn. Công chúng yêu thơ được thưởng thức, không phải những câu thơ đã quen, những nhà thơ vẫn thường biết tiếng, mà là vần thơ còn có chút vụng dại, ngây thơ nhưng lại rất trong trẻo, chân thành của những cây bút học sinh, sinh viên. Điều đặc biệt, đến với ngày hội thơ, có cả những bạn trẻ là thành viên bút nhóm Hoa xương rồng (Cơ sở Dạy nghề Nguyễn Nga). Để đến với ngày hội thơ trên đỉnh cao Ghềnh Ráng, họ phải nương vào sự giúp đỡ của bạn bè, nhưng họ đến với thơ, bằng một tâm hồn khỏe khoắn, đang tràn đầy sức sống và niềm tin vào cuộc đời.
Và những vần thơ hoa đầu mùa như vậy đã nhận được sự giao cảm trong tâm hồn người yêu thơ. Anh Đào (bút nhóm Hoa Xương rồng) với Một góc Quy Nhơn, rồi Nguyễn Thị Ngọc Diễm, một học sinh lớp 10, tự sự về tuổi vụng dại Tuổi mười sáu của mình… Sự trân trọng với những cây bút trẻ là điều ta dễ đồng cảm ở ngày hội thơ này. Đồng thời, sự tham gia chương trình giao lưu của đông đảo các bạn trẻ đến từ các trường trong thành phố đã là thành công đầu tiên đáng ghi nhận của Ngày thơ.
* Và đêm thơ trên đồi Thi Nhân
Tối 5-2, cũng tại địa điểm trên, đêm thơ Nguyên Tiêu - nội dung chính của Ngày Thơ Việt Nam - được tổ chức với sự tham dự của khá đông công chúng yêu thơ. Hòa tấu dàn cồng chiêng các dân tộc trước khi khai mạc đã mang lại mang sắc thái trầm hùng cho đêm thơ Nguyên Tiêu.
Sau bài thơ Nguyên Tiêu (Rằm tháng giêng) của Bác, nội dung chương trình đêm thơ Nguyên Tiêu xuân Giáp Thân tập trung giới thiệu với công chúng những bài thơ viết về hình tượng người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ và cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Bởi không chỉ là một anh hùng giải phóng dân tộc, Quang Trung còn là vị hoàng đế tiêu biểu cho mùa xuân và tuổi trẻ với một thời đại hoa niên đi qua bầu trời lịch sử văn hóa Việt như khối ánh sáng vừa rực rỡ vừa luôn tươi mới; cũng chính ông là người đã đưa địa vị chữ Nôm lên hàng quốc ngữ thật hết sức có ý nghĩa cho các thời đại sau, và cho cả những người làm thơ hôm nay. Những bài thơ Cành đào Nguyễn Huệ (Chế Lan Viên), Hoa trong vườn Nguyễn Huệ (Hữu Thỉnh), Vua áo vải (Trần Thị Huyền Trang)… là những bài thơ hay viết về đề tài này. Đặc biệt, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đã cho ra mắt công chúng trường ca Khởi hành cùng 39 mùa xuân viết về Quang Trung - Nguyễn Huệ, vừa được hoàn thành của mình.
Ngoài ra là những bài thơ hay về mùa xuân của các nhà thơ tiền bối và các tác giả đã có mặt trong tuyển tập Thơ Bình Định thế kỷ XX mà Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh vừa phát hành.
Đêm thơ Nguyên Tiêu được diễn ra sinh động, đem đến cho công chúng phần nào một sự hình dung về dòng chảy của đời sống thơ ca mà Bình Định đã có đang có và sẽ có. Độc giả được thưởng thức những vần thơ phản ánh cốt cách và tâm hồn của người Bình Định, kết tụ từ nụ cười, nước mắt, đồng hành với bước chân của lịch sử và văn hóa của một vùng đất. Sự có mặt đông đảo của những người làm thơ, công chúng yêu thơ trong đêm thơ, phần nào chứng tỏ sức thu hút của một ngày hội thơ đang dần trở thành truyền thống được tổ chức thường niên. Ngoại trừ một số vấp váp nhỏ, lời dẫn chương trình năm nay cũng ngắn gọn và hàm súc hơn và do đó, thuyết phục hơn.
Khẳng định về ý nghĩa của đêm thơ Nguyên Tiêu, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng cho biết: "Đây là một trong những hoạt động quan trọng để tôn vinh những giá trị thơ ca từ truyền thống đến hiện đại, một lần nữa khẳng định tư duy bản sắc của một xứ thơ trong một đất nước thơ". Và từ ngày thơ này, chúng ta có quyền để tin rằng, bầu trời cao thượng của những giá trị vĩnh cửu trong thơ ca Bình Định, thơ ca Việt Nam sẽ luôn đồng hành trong đời sống tinh thần của chúng ta.
. Lê Viết Thọ
|