Ở Bình Định, ngoài những biểu tượng truyền thống của ca dao cả nước còn có nhiều biểu tượng mang sắc thái địa phương. Từ những cảnh vật, sự việc, những chất liệu trong cuộc sống đời thường người Bình Định đã sáng tạo nên những biểu tượng đẹp, gợi cảm làm cho bài ca dao mang sắc thái riêng: đằm thắm, nghĩa nặng tình sâu, đậm sắc hương Bình Định. Có những biểu tượng xuất hiện với tần số cao như: bóng dừa, tháp Chàm, hòn Vọng Phu, bánh ít lá gai, nón Gò Găng; có những biểu tượng xuất hiện với tần số thưa hơn như: ghe - buồm, nhành quế, trầm hương, yến - nhạn, sông - biển, cầu Đôi - tháp Đôi, cây Me - bến Trầu, áo vải - cờ đào…
Tất cả những biểu tượng này với ngôn từ và phong cách biểu hiện của nghệ sĩ dân gian qua nhiều bài ca dao tạo thành sắc thái riêng của ca dao Bình Định. Sắc thái của một vùng ca dao mà cái mặn mòi của biển giao hòa với hương vị đồng bằng, đan xen với thanh sắc rừng núi. Vùng đất hẹp chiều ngang để cho hai miền ngược xuôi thuận lời nhắn nhủ:
Ai lên nhắn với nẫu nguồn
Măng le gửi xuống, cá chuồn mang lên
Con người sống trên vùng đất này đã chọn "bóng dừa" làm biểu tượng mang cấp độ cao nhất trong ca dao. Dừa xuất hiện với tần số cao và sống động nhất, có giá trị gợi cảm sâu xa trong đời sống tinh thần của người Bình Định. Ngày nay, ven biển, ven sông, ven núi đồi, trên đường phố, trong thôn làng, đâu đâu cũng có dừa tỏa bóng: dừa xanh trên bến Tam Quan, dừa che nắng che mưa, sóng vỗ bẹ dừa, mài dừa dưới ánh trăng, bí đỏ nấu canh nước dừa...
Dừa là biểu tượng cho tình yêu chung thủy:
Suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông
Thiếp ngồi dệt vải chỉ mong bóng chàng
Dừa xanh trên bến Tam Quan
Dừa bao nhiêu trái thương chàng bấy nhiêu
Phỏng theo mô típ có sẵn trong ca dao truyền thống: "Đình bao nhiêu ngói em thương mình bấy nhiêu", nhưng người Bình Định không chọn "mái đình" mà chọn "bóng dừa" làm biểu tượng, vì dừa gần gũi với đời sống thường ngày của họ. Đẹp hơn, cao hơn, dừa là biểu tượng cho cốt cách, phẩm chất cao quý của con người:
Dừa xanh sừng sững giữa trời
Đem thân mà hiến cho đời thủy chung
Biểu tượng "dừa xanh sừng sững giữa trời" đã mang lại cho câu ca dao một vẻ đẹp riêng - vẻ đẹp lý tưởng: khảng khái, trọng nghĩa tình, xả thân vì sự nghiệp cao cả cứu dân, giúp đời.
Dưới chế độ phong kiến thực dân, người nông dân phải trải qua bao cảnh đời cơ cực, trăm đắng ngàn cay, họ còn mượn "quả dừa" làm biểu tượng để nói lên nỗi xót thương cho thân phận của mình:
Thương thay thân phận quả dừa
Non thời khoét mắt, già cưa lấy đầu
Sự liên tưởng trong câu ca dao trên đây thật độc đáo, vừa sát đúng vừa có giá trị tố cáo sâu xa và gây xúc động mạnh đối với người nghe. Câu ca dao là một tiếng khóc than thảm thiết của người nông dân dưới chế độ cũ.
Biểu tượng "bóng dừa" trong ca dao Bình Định cũng như biểu tượng "trúc tre" trong ca dao miền Bắc, đều là những biểu tượng đẹp trong ca dao Việt Nam.
Bình Định có nhiều đền tháp, đó là những công trình văn hóa tuyệt mỹ. Vì thế người Bình Định đã lấy "tháp Chàm" làm biểu tượng trong nhiều bài ca dao. Khi là biểu tượng cho vẻ đẹp của quê hương:
Ai về Tuy Phước ăn nem
Ghé qua Hưng Thạnh mà xem tháp Chàm
Khi là biểu tượng của tình yêu đôi lứa sắt son:
Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi
Dễ chi nhân nghĩa mà rời được nhau
Bởi vì:
Tháp kia còn đứng đủ đôi
Cầu còn đủ cặp huống chi tôi với nường…
Cũng có lúc là nơi đền ơn đáp nghĩa:
Nén hương bên tháp gọi là đền ơn
Đẹp biết chừng nào khi mượn tháp Chàm làm biểu tượng cho ngọn bút viết lên trời xanh lịch sử của cha ông trên đường dài mở nước:
Biển Đông sóng vỗ rạt rào
Tháp kia làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh
Cùng với bóng dừa, ngọn tháp, bánh ít cũng là biểu tượng xuất hiện với tần số cao trong ca dao Bình Định: bánh ít lá gai, bánh ít nhân tôm, bánh ít nhân mè. Cũng vì muốn ăn bánh ít lá gai mà một cô gái tỉnh xa mong về làm dâu Bình Định nhưng còn e ngại, đắn đo:
Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi
Bánh ít cũng còn được trí tưởng tượng của nghệ sĩ dân gian hình tượng hóa thành đền tháp:
Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di
Có những biểu tượng tuy xuất hiện thưa hay chỉ một đôi lần nhưng đã gây được ấn tượng sâu trong lòng người đọc, người nghe.
Cùng mô típ "chờ chồng hóa đá" nhưng hòn Vọng Phu Bình Định khác với nàng Tô Thị Lạng Sơn. Nàng Tô Thị đứng trên mỏm núi đá Tam Thanh bế con hướng về phía bắc đợi chồng đi sứ, còn nàng Vọng Phu Bình Định bồng con trên đỉnh Núi Bà nhìn ra biển Đông chờ chồng. Ai đến Bình Định mà chẳng từng nghe câu hát:
Bình Định có núi Vọng Phu
Có Đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh
Trải bao năm tháng dãi dầu mưa nắng giữa trời biển mênh mông, hòn Vọng Phu đã làm rung động tâm hồn bao người với sự tích về nỗi bất hạnh của một mối tình éo le để người vợ đợi chờ vô vọng.
Nếu hòn Vọng Phu là biểu tượng cho lòng chung thủy sắt son của người vợ thì nón Gò Găng là biểu tượng cho nét duyên dáng của cô gái Bình Định. Lụa Phú Phong, lãnh An Thái, nón Gò Găng là thời trang một thuở:
Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ
Nón Gò Găng khắp chợ mến thương
Chẳng thế mà:
Cưới nàng đôi nón Gò Găng
Xấp lãnh An Thái, một khăn trầu nguồn
Ngày xưa nón Gò Găng đẹp nổi tiếng trong vùng nên có chàng trai nào đó đã nhắn nhủ người thương:
Em về mua vải chợ Gồm
Gò Găng mua nón, phiên Chàm anh vô
Vẻ đẹp của quê hương trong ca dao Bình Định gắn với những sự tích anh hùng. Phong trào khởi nghĩa nông dân và những người anh hùng Tây Sơn cuối thế kỷ 18 đã làm rạng rỡ núi sông, để lại trong lòng người Bình Định một mối cảm phục sâu sắc. Biểu tượng "áo vải - cờ đào" tuy xuất hiện một đôi lần nhưng là một biểu tượng rất đẹp, nó đã đi vào tiềm thức của người Bình Định và của cả dân tộc ta. Nó không chỉ là biểu tượng trong ca dao mà còn cả trong văn học viết:
Non Tây áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình
Triều đại Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh trả thù tàn bạo nhà Tây Sơn. Quê hương, vườn tược, nhà cửa của những người anh hùng áo vải bị thiêu đốt, phá hủy. Vua quan, tướng lĩnh bị hành hình tàn khốc trên pháp trường, người sống sót mai danh ẩn tích trốn tránh vào rừng núi. Mồ mả gia đình Tây Sơn tam kiệt bị đào bới lấy xương giam vào cũi sắt, nhưng tấm lòng ngưỡng mộ nhà Tây Sơn trong lòng người Bình Định không bao giờ nguội tắt. Cây me, giếng nước, mảnh vườn xưa, bến Trường Trầu còn đó. Những dấu tích này đã đi vào ca dao để trở thành biểu tượng không bao giờ phai:
Cây Me cũ, Bến Trầu xưa
Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm
Trên đây chỉ mới giới thiệu ít nhiều về những biểu tượng trong ca dao Bình Định mang sắc thái địa phương. Những biểu tượng này góp phần làm cho ca dao trở thành bức tranh hiện thực về đất nước, cuộc sống và con người Bình Định. Nó chính là nhịp cầu giao lưu tình cảm giữa người với người, là sự biểu đạt cảm xúc của tâm hồn con người trước cuộc đời muôn màu muôn vẻ.
Mỗi biểu tượng trong ca dao Bình Định ẩn chứa một vẻ đẹp riêng, đó là kết tinh những gì tinh tế, nhạy cảm nhất của tâm hồn nghệ sĩ dân gian. Có thể nói những biểu tượng này góp phần phản ảnh cái đẹp của tâm hồn con người, cái đẹp của đời sống lao động và đấu tranh xã hội, giúp chúng ta nhận thức thêm hiện thực đời sống và con người Bình Định sâu sắc hơn. Những biểu tượng này mang hơi thở cuộc sống, chứa đựng biết bao tâm trạng, bao nỗi niềm làm cho ta xúc động, say mê, tạo nên những cảm xúc thẩm mỹ trong lòng người đọc.
Trải qua bao đổi thay, bao biến động lịch sử trên dải đất Bình Định trong nhiều thế kỷ qua, những biểu tượng chân thực, gợi cảm mang nhiều ý nghĩa xã hội và con người trong ca dao Bình Định vẫn làm cho người đọc, người nghe như thấy hiện lên trong tâm tư những tình, những cảnh, những con người đã đi vào dĩ vãng, truyền vào lòng ta tình yêu ghét và khát vọng cải tạo xã hội, xây dựng cuộc sống ngày càng đẹp hơn.
. Thanh Hải |